Hà Nội
23°C / 22-25°C

Ấm như một căn bếp

Thứ bảy, 07:00 25/01/2020 | Giải trí

GiadinhNet - Tôi đã rời xa căn bếp ấm áp của mẹ hơn một nửa quãng thời gian được làm người. Không hiểu sao, tôi luôn nhớ đến nó kèm với những mùa đông buốt giá, nghèo, khó khăn, thiếu quần áo ấm...

Ấm như một căn bếp - Ảnh 1.

Minh họa: Vi Anh

Bố mẹ tôi mua cái thung lũng ấy chẳng đáng bao nhiêu tiền, gần như được người ta cho không. Nửa thế kỉ trước, đấy chỉ là một thung lũng đầy cây cổ thụ, liền với rừng mả của một dòng họ. Có lẽ khi đặt những nhát cuốc đầu tiên xuống mảnh đất ấy, bố mẹ tôi đã nghĩ rằng: Quê hương xa lắm rồi. Thôi thì nơi này, tối ngày khắc khoải tiếng "Bắt cô trói cột/ Rừng thiêng nước độc", rồi sẽ trở thành nơi mình nằm xuống. Nhưng không thể ngờ được có ngày lại rời xa.

Tôi là con gái út, cất tiếng khóc chào đời trong cái thung lũng ấy và là đứa đầu tiên trong gia đình bước chân đi, để lại sau lưng ngôi nhà. Sau tôi là anh cả, rồi anh thứ hai, cuối cùng là bố mẹ. Cuộc sống với những xoay vần khó lường của nó đã cuốn chúng tôi đi, như những bông cỏ lông chông bị gió cuốn đi mà không có cách nào biết trước rằng điều gì đang chờ đợi mình ở nơi tít tắp kia. Cuốn đi, xoay tròn, với những cú va đập có lúc tưởng như không thể chịu nổi. Và mỗi lúc va đập như thế, tuột xuống tận chân những con dốc, tôi lại ao ước được về nhà. Hai chữ "về nhà" luôn dày vò, chà xát khiến tôi triền miên những đêm mộng mị.

*

Mỗi buổi sáng thức dậy, từ lúc bầu trời ngoài cửa sổ còn tối om, tôi dường như nghe thấy tiếng ấm nước đang sôi. Mẹ tôi luôn dậy sớm, đun một ấm nước to đổ vào phích, lại đun thêm ấm nữa để các con dậy có nước ấm pha ra chậu rửa mặt. Nước chảy từ trong máng ra chậu buốt tới nỗi nếu nhúng mấy ngón tay vào thì cảm giác như các ngón ấy đều bị đông cứng lại nên phải pha một ít nước sôi vào chậu rồi làm gì mới làm. Rồi tôi ngửi thấy mùi nồi cám cho mấy con lợn. Đến tận bây giờ, mấy chục năm rồi, tôi vẫn nhớ cái mùi cám nồng nồng, thơm thơm. Mẹ tôi phải phục vụ lũ lợn mẹ lợn con đầu tiên, rồi đến lũ gà, rồi tới lũ mèo và cuối cùng mới là bữa sáng của cả nhà. Rồi tôi thấy tôi được đang ở nhà, trong căn buồng đầu hồi, cuộn tròn trong chăn.

Hồi ấy chưa có chăn dạ như bây giờ, ai ai cũng phải đắp chăn bông. Những cái chăn bông dày và nặng kinh khủng. Tôi thường gập chăn làm đôi, một nửa nằm, một nửa đắp. Mẹ lại hay ém cái mép chăn thật kín, thật chặt, thành ra tôi y như một con sâu bướm đang nằm trong một cái kén rất to. Tôi nằm yên trong chăn ấy, ngửi mùi thơm của nồi cám hơi bén lửa, nghe tiếng đàn gà lục tục nhảy ra khỏi chuồng, hé mắt nhìn qua ô cửa sổ có mấy cái chấn song xanh xanh đã bạc màu sơn. Thích lắm. Thích nhất là cái cảm giác thật ấm áp trong khi bên ngoài kia thì buốt ơi là buốt, gió tạt qua mặt cũng rát nhói lên. Và rùng mình khi nghĩ đến việc phải chui ra khỏi chăn, mặc thật nhiều áo, có bao nhiêu cái mặc vào bằng hết, rồi lò dò ra khỏi buồng.

*

Suốt những mùa đông bé thơ, tôi mặc một chiếc áo len mà mẹ gom lại từ rất rất nhiều những mẩu len vụn. Có mẩu chỉ dài chừng gang tay, thi thoảng có đoạn dài một hai mét. Mẹ tôi tỉ mẩn nối thật khéo và đan thành một chiếc áo chui đầu, với vô số màu sắc. Tôi vẫn nhớ như in cái áo ấy. Nó phải có mười, hoặc mười hai, mười ba loại len, với đủ màu xanh đỏ tím vàng, đen trắng... Tôi mặc bên trong một chiếc áo cánh, rồi mặc áo len, rồi lại mặc áo cánh, áo cánh, áo cánh… ngoài cùng mới tới một chiếc áo dạ mà tôi là đời chủ thứ tư của nó. Đầu tiên là dì tôi mặc, rồi dì lớn, thải ra anh cả tôi mặc, anh lớn lại thải ra anh thứ hai mặc, anh thứ lớn nốt thì thải cho tôi. Chiếc áo dạ màu tím than, có những chiếc cúc mạ vàng nhưng đến tôi thì phần mạ đã bay đi hết, tay áo, vai áo, vạt áo, cổ áo đều sờn mòn. Cũng chả biết nguồn gốc từ đâu mà nhà tôi lại có một cái áo xa xỉ đến thế để lần lượt sang tên cho nhau.

Và suốt mùa đông, có hai cái áo tôi hầu như không giặt, chính là áo len và áo dạ. Những mùa đông của tôi dài ghê gớm và liên miên rét, không có một ngày nào ấm áp lên. Nếu giặt thì có khi cả tuần không khô, mang hơ cạnh bếp cũng không ăn thua gì. Thế nên không giặt, cứ mặc suốt, ngày này qua ngày khác, hết mùa đông mới giặt.

Tôi mặc cái áo ấy vào và đi ra khỏi buồng, sau khi đã gấp cái chăn bông còn nguyên hơi ấm một cách luyến tiếc. Trời đã sáng bảnh mắt ra rồi, mẹ tôi hay nói thế. Chỉ có tôi út ít được ườn người ra thôi, chứ hai anh tôi thì đã dậy từ lâu. Hai anh ấy đánh răng rửa mặt xong xuôi, quét nhà quét sân, và đang ngồi hơ tay bên bếp lửa.

*

Sáng ấy mẹ tôi luộc một nồi khoai lang. Khoai hoàng long, thu hoạch từ lâu và để trong gầm giường, vàng như đỗ xanh, bở tơi, rất thơm. Mẹ rang thêm một chảo cơm nguội. Tối hôm trước nấu nhiều lên để sáng ra có cơm nguội mà rang. Thỉnh thoảng trong liễn mỡ còn sót lại một hai miếng tóp bé tí xíu, lẫn vào cơm rang. Ôi chao! Sao mà nó ngon đến thế. Ngon tới mức chỉ ước gì nhai mãi mà nó không tan trong miệng.

Chúng tôi ngồi bên bếp ăn sáng. Gió rít bên ngoài mạnh đến nỗi tôi cảm thấy nó bào mòn cả vách bếp bằng đất trộn rơm và làm những tàu lá cọ trên mái dựng ngược lên. Mặt ao nổi váng. Những tảng váng xuất hiện một cách khó hiểu, không biết từ đâu ra, nhưng giống như có một tấm mạng nhện rất to từ đâu rơi xuống và phủ kín cả mặt nước. Mẹ tôi nói khi ao nổi váng kiểu ấy là trời sẽ rất rét. Cực kì rét. Trên nhà, chiếc nhiệt kế màu xanh cũ kĩ bố tôi treo tường dừng ở vạch mười độ. Trong nhà mười độ thì ngoài trời chỉ bảy tám độ thôi. Rét nữa thì không biết tới đâu. Mẹ tôi hỏi: "Nhà mình còn củi không nhỉ?". Anh cả tôi đáp: "Còn ba, bốn bó mẹ ạ". Củi ấy hai anh tôi lấy từ rừng về. Chốc nữa hai đứa ra mang về đây kẻo mai mưa lại ướt hết không có gì mà đun. Là mẹ nghe đài báo đợt rét mới sắp về. Rét ở rừng luôn kèm theo mưa. Cứ bắt đầu một đợt rét mới là có mưa kèm theo. Để chống chọi với nó, chúng tôi phải có thật nhiều củi khô. Càng mưa rét thì càng tốn củi. Bếp cháy cả ngày để giữ ấm. Nhờ giời, củi không phải đi mua. Chỉ nửa ngày lên rừng là mỗi anh tôi đã có thể mang về một bó rất to. Và để dự trữ củi cho mùa đông thì cuối thu nào cả làng cũng kéo nhau vào rừng. Hết củi khô thì chặt củi tươi, về dựng góc vườn cho nó khô dần. Đám thanh niên tự ước lượng xem mấy tháng mùa đông nhà mình sẽ dùng hết bao nhiêu bó củi, rồi theo đấy mà đi lấy về.

Nhà người ta hay làm cái ô bếp sát tường cho tiết kiệm diện tích. Riêng nhà tôi, bố kê kiềng xa ra, để lấy chỗ rộng rãi cho cả nhà ngồi sưởi.

*

Mẹ tôi có một cái vại sành để muối dưa cải. Cái vại lúc nào cũng có dưa. Trời lạnh dưa khó chua nên phải vần nó vào gần bếp, lấy cái hơi nóng từ bếp toả ra cho dưa nhanh chua. Mấy anh em tôi ngồi với nhau bên bếp cả ngày. Trong góc chạn còn một bó miến nhỏ, chúng tôi lấy ra để nướng. Cời bếp, gắp một ít than ra và đặt những sợi miến bé tí lên đấy, đợi nó phồng lên thì ăn. Trong lúc đấy thì mẹ ngồi bóc lạc, khâu chiếc áo bị rách, hoặc đan nốt chiếc mũ len cho anh tôi cũng bằng những sợi len vụn nối vào nhau. Bố thì mang mỏ hàn ra để hàn những thứ bị hỏng. Anh cả tôi kể chuyện ở trường, thầy giáo dạy toán mới bị mấy học sinh cá biệt quây lại đánh hội đồng, chỉ vì thầy cho điểm kém. Mẹ tôi xuýt xoa, hỏi: "Thế thầy có bị làm sao không? Tôi nghiệp thầy quá. Thế trường có đuổi học mấy thằng kia không? Sao chúng nó lại láo thế? Học dốt thì điểm kém chứ cớ làm sao lại đánh thầy? Thầy giáo mà chúng nó còn dám đánh thì thử hỏi trong thiên hạ chúng biết sợ ai?...". Bố tôi vừa dí cái que hàn đỏ lừ vào cục nhựa thông, khói bay lên thơm lừng vừa lẩm bẩm: "Con với cái, chỉ khổ bố mẹ".

Tôi thích nhất những lúc cả nhà quây quần như thế. Trời cứ mưa suốt từ sáng đến tối. Vườn tược chỗ nào cũng lướt thướt. Và buốt giá. Tôi đội nón đi ra vườn chặt mấy củ su hào. Bọn su hào gặp trời lạnh quá, dừng lớn, co ro đứng dưới mưa, những tàu lá nặng trĩu, rũ xuống vì ướt. Thỉnh thoảng có củ nứt toác ra. Tay tôi chạm vào những tàu lá mà cảm giác như cái lạnh xuyên vào tận xương. Su hào ấy gọt ra, xắt con chì và cho vào nồi kho. Su hào kho là món mà anh em chúng tôi ăn suốt mùa đông. Kho mềm, với một chút mắm muối, thi thoảng có một ít tóp mỡ, xem xém cạnh, ngả màu vàng nâu. Ăn nóng với cơm nóng. Mẹ tôi còn có món bánh sắn, mà từ lúc ăn với mẹ tới giờ tôi chưa từng được ăn lại. Sắn luộc lên, với một ít muối, rồi mẹ cho vào cối giã. Giã cho thật dẻo. Rồi ra vườn lấy hành lá về xào lên. Dùng hành xào ấy làm nhân bánh. Vo tròn và nướng trên bếp than. Anh em chúng tôi ăn đến no bụng, đến bỏ cả cơm. Mẹ ngồi nhìn chúng tôi ăn và mỉm cười. Mẹ luôn mỉm cười hạnh phúc như thế khi nhìn lũ con ăn những món ngon của con nhà nghèo. Giờ mà kể lại, thế nào mẹ cũng lặng lẽ chảy nước mắt.

Nhà tôi có một cái ao, đôi khi được cải thiện bằng món cá kho. Nhưng cơ bản là vào mùa đông thì lũ cá tìm chỗ ngủ, có buông cần cả ngày cũng không có con nào buồn cắn. Bố tôi thả những bó rơm lớn xuống ao, lũ cá con sẽ lách vào đấy cho đỡ lạnh. Còn lũ cá lớn chắc sẽ rúc xuống bùn hoặc là chui vào hang.

*

Những mùa đông dài lê thê ấy, mọi thứ đều ngủ. Cây cối, vườn tược, ao chuôm… tất cả tĩnh lặng, kiên nhẫn chịu đựng những cơn gió bấc rú rít một cách khốc liệt và tàn nhẫn, chịu đựng những giọt mưa nhẹ bẫng, lây phây mà buốt như kim châm. Ngay cả nước trong máng vầu hình như cũng chảy chậm lại. Chỉ những ngọn lửa là không dừng nhảy múa trong góc bếp.

Tôi thích nhất những ngày như thế. Bố mẹ và hai anh không phải vác cuốc ra vườn, cả nhà quây quần và râm ran đủ thứ chuyện. Sau này đi xa, mỗi lúc một xa, tít tắp, mờ mịt, trong đầy ắp những nhớ nhung tôi thường thấy tim mình nhói lên mỗi khi nhìn thấy một ngọn khói bay lên từ một căn bếp mái lợp bằng lá cọ, cỏ tranh. Tôi thấy mẹ tôi đứng ở cửa bếp, tay cầm một cái rổ chuẩn bị ra vườn lấy rau về nấu bữa tối. Tôi thấy bố tôi mài dao bên cầu ao và hai con mèo quẩn quanh bên cạnh ông chờ chực như khi ông chuẩn bị mổ cá. Tôi thấy hai anh tôi vừa từ vườn về, mang cuốc ra ao rửa. Hai anh tôi luôn kì cọ những cái cuốc cho sáng bóng lên, sạch tinh tươm, rồi móc lên hàng rào cho khô. Tôi thấy mùi của những miếng su hào kho xém cạnh, mùi của hũ dưa chua thơm lừng, mùi của những ngụm nước đun trong chiếc ấm đen thui đầy những khói là khói. Tôi đã đi xa quá rồi, tới mức không có cách nào ngoái lại để một lần nữa kiễng chân với lên trên cái gác bếp đầy bồ hóng để lấy xuống một củ hành khô…

Căn bếp nghèo ngày ấy như một cái tổ chim ấm áp để chúng tôi trú ngụ, lớn lên và cất cánh bay đi.

Mỗi lúc va đập như thế, tuột xuống tận chân những con dốc, tôi lại ao ước được về nhà. Hai chữ “về nhà” luôn dày vò, chà xát khiến tôi triền miên những đêm mộng mị.

Đỗ Bích Thủy

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
NSND Thu Hà gây bão

NSND Thu Hà gây bão

Giải trí - 2 phút trước

Phân đoạn bà Lan dạy dỗ An Nhiên với lời thoại đã tai cùng diễn xuất ấn tượng của NSND Thu Hà nhận lời khen của khán giả.

2 nam nghệ sĩ cưới vợ xinh đẹp, kém gần 30 tuổi, U60 chưa có con chung vẫn hạnh phúc, mặn nồng

2 nam nghệ sĩ cưới vợ xinh đẹp, kém gần 30 tuổi, U60 chưa có con chung vẫn hạnh phúc, mặn nồng

Giải trí - 2 giờ trước

Từng lận đận về tình duyên, nhưng hiện tại Tiết Cương và Lưu Huỳnh đều có cuộc sống hạnh phúc bên vợ trẻ.

Hình ảnh Phước Sang sau đột quỵ, đang điều trị trong bệnh viện khiến khán giả xót xa

Hình ảnh Phước Sang sau đột quỵ, đang điều trị trong bệnh viện khiến khán giả xót xa

Giải trí - 3 giờ trước

GĐXH - Phước Sang bị đột quỵ là thông tin xôn xao mạng xã hội ngày hôm qua. Hình ảnh mới nhất của anh tại bệnh viện khiến nhiều người xót xa.

Thương Tín lộ diện sau ồn ào tố người giúp đỡ ăn chặn tiền: Sống tại khách sạn, phủ nhận dựng chuyện

Thương Tín lộ diện sau ồn ào tố người giúp đỡ ăn chặn tiền: Sống tại khách sạn, phủ nhận dựng chuyện

Giải trí - 4 giờ trước

Thương Tín cũng cho biết, tới đây sẽ về quê sống để không chịu cảnh "nay đây mai đó".

Á hậu chuyển giới có gương mặt "vạn người mê": Từ bỏ hào quang về quê bán bún cá, vất vả mà yên vui

Á hậu chuyển giới có gương mặt "vạn người mê": Từ bỏ hào quang về quê bán bún cá, vất vả mà yên vui

Giải trí - 6 giờ trước

"Ở Sài Gòn lúc nào cũng thơm tho, mịn màng còn bây giờ, lúc nào cũng quanh quẩn trong bếp với rau, cá, nồi nước lèo, lúc nào người cũng đầy mùi cá, than củi, hành ngò. Bán bún cá tuy có vất vả nhưng tôi thấy rất thoải mái", á hậu Tường Vi nói.

HLV Park Hang-seo dặn dò Quang Hải trong ngày cưới Chu Thanh Huyền, ông Troussier vắng mặt sau lùm xùm "ngó lơ" Hải "con"

HLV Park Hang-seo dặn dò Quang Hải trong ngày cưới Chu Thanh Huyền, ông Troussier vắng mặt sau lùm xùm "ngó lơ" Hải "con"

Giải trí - 16 giờ trước

Mối quan hệ giữa HLV Troussier và Quang Hải gây chú ý sau khi ông Troussier nhất quyết không cho Quang Hải vào sân trận thua Indonesia.

Vợ Quang Hải mặc váy 150 triệu đồng trong đám cưới ở quê nhà

Vợ Quang Hải mặc váy 150 triệu đồng trong đám cưới ở quê nhà

Giải trí - 17 giờ trước

Chu Thanh Huyền diện thiết kế được làm từ loại ren nhập đắt đỏ cùng chiếc voan dài 2m khi sánh bước bên chú rể Quang Hải.

NSND Đức Long: 'Đến lúc không kham nổi mình, tôi sẽ vào viện dưỡng lão'

NSND Đức Long: 'Đến lúc không kham nổi mình, tôi sẽ vào viện dưỡng lão'

Giải trí - 18 giờ trước

GĐXH - "Đến giờ tôi cũng không tính tới chuyện lập gia đình nữa. Tôi cho rằng nên nghĩ thoáng một chút, đừng quan niệm phải có gia đình mới là hạnh phúc. Còn nếu sau này không thể tự chăm sóc bản thân, tôi sẽ chọn nhà dưỡng lão", NSND Đức Long chia sẻ.

Tuổi U60 của 'mỹ nhân ảnh lịch' thập niên 90: Sống bình yên bên chồng doanh nhân kín tiếng

Tuổi U60 của 'mỹ nhân ảnh lịch' thập niên 90: Sống bình yên bên chồng doanh nhân kín tiếng

Giải trí - 18 giờ trước

GĐXH - Hiền Mai được mệnh danh là "mỹ nhân ảnh lịch" nổi tiếng trong làng giải trí những năm 90. Hiện tại, khi đã qua thời kỳ đỉnh cao, cuộc sống của chị thay đổi như thế nào?

Tuổi xế chiều của 2 nghệ sĩ đất Bắc: Sống giản dị, thích chăm sóc vườn tược dù không thiếu tiền

Tuổi xế chiều của 2 nghệ sĩ đất Bắc: Sống giản dị, thích chăm sóc vườn tược dù không thiếu tiền

Giải trí - 19 giờ trước

Dù kinh tế khá giả thậm chí là giàu có nhưng 2 nam nghệ sĩ đất Bắc vẫn chọn lối sống giản dị, hòa vào thiên nhiên.

Top