Hà Nội
23°C / 22-25°C

Báo cáo tham luận của TP HCM tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số (2003-2013)

Thứ ba, 14:33 24/09/2013 | Dân số và phát triển

GiadinhNet - Xin trân trọng giới thiệu Báo cáo tham luận của bà Tô Thị Kim Hoa, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ, thành viên Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ TPHCM tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số.

BÁO CÁO THAM LUẬN

KẾT QUẢ THỰC HIỆN PHÁP LỆNH DÂN SỐ VÀ BIỆN PHÁP TRIỂN KHAI CÔNG TÁC DÂN SỐ PHÙ HỢP VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ thành phố Hồ Chí Minh

Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tại công văn số 565/TCDS-PCTTr ngày 28/8/2013 về báo cáo tham luận trong Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số. Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ thành phố Hồ Chí Minh, báo cáo tham luận nội dung “Kết quả thực hiện Pháp lệnh Dân số và biện pháp triển khai công tác Dân số phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh” như sau:

I. Kết quả thực hiện Pháp lệnh Dân số và các biện pháp triển khai công tác Dân số trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Dân số thành phố Hồ Chí Minh vào đầu 2013 có 7.750.900 người (Niên giám Thống kê thành phố), phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hơn 2,3 triệu người, số người trong độ tuổi lao động hơn 5,4 triệu (chiếm tỷ lệ 70% dân số), số người cao tuổi là 707.000 (chiếm tỷ lệ 9,1% dân số), số trẻ sinh bình quân trong 3 năm gần đây là 70.000 trẻ, mật độ dân số bình quân 3.698 người/km2 (mật độ dân số tại các quận nội thành 12.996 người/km2, mật độ dân số các huyện ngoại thành 823 người/km2). Thành phố có 24 quận - huyện và 322 phường - xã, thị trấn.
 
Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số của Ủy ban Nhân dân thành phố vào tháng 7 vừa qua đã đánh giá thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác DS-KHHGĐ qua 10 năm triển khai thực hiện pháp lệnh Dân số. Thành phố Hồ Chí Minh đã có sự quan tâm đồng bộ của cả hệ thống chính trị vào việc lãnh chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ; chính sách DS-KHHGĐ đã được cụ thể hóa và lồng ghép vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch hoạt động của Chính quyền và Ban ngành, Đoàn thể, tổ chức xã hội các cấp ở địa phương; tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ được quan tâm củng cố kiện toàn; đầu tư và huy động nhiều nguồn lực tham gia; liên tục tạo được phong trào và thu hút được sự hưởng ứng đồng tình tích cực của người dân. Kết quả này thể hiện qua các nội dung cụ thể:

1. Quy mô Dân số

Mức sinh liên tục giảm: tỷ suất sinh thô giảm từ 15,80‰ năm 2003 xuống 14,03‰ năm 2012; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm xuống thấp từ 5,65% năm 2003 xuống 3,71% năm 2012. Tổng tỷ suất sinh ở mức thấp 1,33 con ở năm 2012. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hàng năm trên 70%. Kết quả này thể hiện sự chuyển biến về nhận thức, hành vi của người dân đối với chính sách Dân số và nỗ lực chung trong vận động thực hiện Kế hoạch hóa gia đình nhằm kéo giảm sự gia tăng dân số tự nhiên.

2. Cơ cấu Dân số

Tỷ số giới tính khi sinh giảm dần khoảng cách chênh lệch và ở mức bình thường trong những năm gần đây (123 bé trai/100 bé gái năm 2003 xuống còn 106 bé trai/100 bé gái năm 2012). Kết quả này thể hiện sự nỗ lực kiểm soát có kết quả tình trạng giới tính khi sinh của thành phố.

3. Chất lượng Dân số

Tại thành phố, gần 5 triệu lượt người trong độ tuổi sinh đẻ, thanh niên, vị thành niên được hỗ trợ tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc Sức khỏe sinh sản trong nhiều năm qua; trong 2 năm triển khai chương trình nâng cao chất lượng dân số (từ năm 2011 đến nay) đã có hơn 70.000 bà mẹ mang thai được cung cấp dịch vụ Sàng lọc trước sinh (52%), 62.000 trẻ em sinh ra được cung cấp dịch vụ Sàng lọc sơ sinh (45%), hơn 800 trường hợp mắc bệnh (0,4%) qua tầm soát phát hiện được tư vấn, điều trị. Kết quả này thể hiện sự tập trung chăm lo chất lượng Dân số giai đoạn đầu đời và nhóm đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ, nhóm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng Dân số, chất lượng giống nòi dân tộc.

4. Phân bổ dân cư

Trong phân bổ dân cư, thành phố đã chú trọng đúng mức đến công tác qui hoạch phát triển đô thị, nhiều khu đô thị mới được hình thành ở phía Nam thành phố, nhiều khu dân cư mới được hình thành ở quận 2, 9, 12, huyện Hóc Môn và Củ Chi; từ năm 2003 tách thêm 2 đơn vị hành chánh cấp quận (Bình Tân và Tân Phú ) nâng đơn vị hành chánh cấp quận từ 22 lên 24 nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở, góp phần thực hiện công tác giãn dân tại các địa bàn quận có áp lực dân số cao. Triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại vùng nông thôn ở 5 huyện ngoại thành theo mô hình nông thôn mới (sau 7 năm triển khai hiện có 145.000 hộ dịch vụ nông nghiệp tăng 12,6 % so năm 2006), mô hình đã tạo động lực phát triển, giải quyết việc làm tại chỗ nhằm hạn chế tình trạng thu hút lao động tự do vào nội thành. Hình thành 12 Khu Công nghiệp, 03 Khu chế xuất và 27 cụm Công nghiệp, thu hút hơn 250.000 lao động tại các quận ven và huyện ngoại thành, song song với việc xây dựng khu nhà ở cho công nhân, khu nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp phục vụ tái định cư, tái phân bổ dân cư và lao động trên địa bàn thành phố.

5. Về sự phát triển kinh tế - xã hội

Kết quả công tác DS-KHHGĐ đã góp phần tích cực vào kết quả phát triển kinh tế -xã hội trên địa bàn thành phố. Trong những năm gần đây, nhịp độ tăng trưởng kinh tế của thành phố ngày càng cao, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm là 11%, GDP bình quân đầu người năm 2012 đạt 3.600 USD tăng 28% so năm 2010 (2.800 USD), cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các ngành có giá trị gia tăng; hàm lượng khoa học - công nghệ cao chiếm tỉ trọng ngày càng lớn, các nguồn lực xã hội được phát huy; quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng; vị trí, vai trò của thành phố đối với vùng và cả nước ngày càng được khẳng định. Chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch được nâng lên; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển các khu đô thị mới, chỉnh trang các khu đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; di dời hệ thống cảng biển đạt kết quả tích cực; công tác quản lý, bảo vệ và xử lý ô nhiễm môi trường có tiến bộ.

Văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực có bước tiến tích cực; hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ đã góp phần thiết thực hơn vào quá trình phát triển; chính sách xã hội được quan tâm thực hiện có hiệu quả, hộ nghèo giảm rõ rệt (năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm của thành phố duy trì ở mức dưới 2,21%). Chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng nâng cao (tuổi thọ bình quân ở mức khá cao 75,1 tuổi, chỉ số phát triển con người thời điểm năm 2009 được xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố).

II. Những biện pháp đảm bảo hiệu quả cho công tác triển khai thực hiện Pháp lệnh Dân số trên địa bàn thành phố

Kết quả thực hiện chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ 10 năm qua được đảm bảo bằng kết quả triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp. Cụ thể như sau:
 
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu lực Pháp lệnh Dân số được quan tâm

Các cấp Ủy Đảng, Chính quyền, các Ban ngành, Đoàn thể từ thành phố đến cơ sở luôn nhận thức việc triển khai Pháp lệnh Dân số là nhân tố quan trọng để hoàn thành công tác DS-KHHGĐ và góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

Việc triển khai quán triệt Pháp lệnh Dân số và các văn bản chỉ đạo có liên quan của thành phố đã tạo sự chuyển biến tích cực nhận thức của các cấp Ủy Đảng, Chính quyền về công tác DS-KHHGĐ. Hầu hết cấp Ủy Đảng, Chính quyền, Ban ngành, Đoàn thể từ thành phố đến quận - huyện và cơ sở đều đã xây dựng kế hoạch, chỉ thị, chương trình hành động thực hiện Pháp lệnh Dân số và cũng đã quan tâm công tác lãnh, chỉ đạo tổ chức thực hiện về DS-KHHGĐ, cụ thể:

- Văn bản ban hành theo thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố đã đảm bảo số lượng và chất lượng tốt cho việc triển khai thực hiện Pháp lệnh Dân số trên địa bàn thành phố. Nội dung các văn bản được đánh giá có sự phù hợp, có tính khả thi và đảm bảo giải quyết đặc điểm các vấn đề dân số tại thành phố. Hội đồng Nhân dân đã ban hành hai nghị quyết (nghị quyết số 09/HĐND ngày 9/7/2009 và nghị quyết số 29/HĐND 7/12/2011) quyết định chỉ tiêu nhiệm vụ và chủ trương chính sách hỗ trợ cho công tác DS-KHHGĐ cho hai giai đoạn của 10 năm (2003-2013). Ủy ban Nhân dân đã ban hành hai Quyết định về chính sách hỗ trợ cụ thể (khen thưởng khu phố, ấp, phường - xã, thị trấn phấn đấu không có trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, hỗ trợ tiền để bồi dưỡng cho người tự nguyện triệt sản…) đã đảm bảo cho việc triển khai thực hiện công tác DS-KHHGĐ thuận lợi đi vào đời sống xã hội. Ngoài ra các chương trình hành động, kế hoạch chỉ đạo, … định kỳ năm hoặc cao điểm triển khai đều phát huy tác dụng tốt.

- Văn bản ban hành của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, đơn vị sự nghiệp … như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cụ thể chính sách Dân số vào tiêu chí đánh giá gia đình văn hóa, khu phố - ấp văn hóa, phường - xã, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, cơ quan đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã lồng ghép chính sách Dân số vào chỉ đạo thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe phụ nữ ngoại thành và cuộc vận động 5 không, 3 sạch. Liên đoàn Lao động thành phố triển khai việc xét thi đua Công Đoàn cơ sở hàng năm có tiêu chí không có cán bộ, công chức, viên chức sinh con thứ 3 trở lên trong năm. Công an thành phố có hướng dẫn xử lý kỷ luật đối với cán bộ chiến sĩ vi phạm chính sách DS-KHHGĐ) … Các văn bản triển khai của Ban ngành, Đoàn thể cũng đã góp phần tác động tích cực đến cộng đồng, cơ quan đơn vị, thành viên, hội viên, giới và người lao động vào việc chấp hành thực hiện tốt chính sách Dân số thời gian qua tại thành phố Hồ Chí Minh.

2. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Pháp luật về Dân số đã tạo sự chuyển đổi nhận thức, hành vi của người dân trong việc tự nguyện thực hiện các chính sách về DS-KHHGĐ

- Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Pháp lệnh Dân số đã được chú trọng đúng mức. Với nhận thức hiệu quả của công tác này sẽ góp phần đưa pháp luật về Dân số đi vào cuộc sống, là sự chuyển đổi nhận thức, hành vi của người dân trong việc thực hiện các chính sách về DS-KHHGĐ. Ủy ban Nhân dân thành phố đã chỉ đạo Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật thành phố, các đơn vị là thành viên Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ phải có kế hoạch tuyên truyền hàng năm và cao điểm vào các dịp sữa đổi Pháp lệnh. Việc tuyên truyền phổ biến giáo dục Pháp lệnh Dân số được tiến hành từ lãnh đạo cấp trên xuống cấp dưới, từ cán bộ, đoàn viên, hội viên rồi mới đến dân, nhằm tạo sự chuyển biến trong lực lượng nồng cốt, tạo sự lan tỏa một cách thuận lợi ra dân. Việc triển khai luôn được tăng cường, tập trung và liên tục tổ chức, với nội dung, hình thức, cách làm phong phú đa dạng và phù hợp thời điểm. Những cách làm trên đã đảm bảo tiếp cận đúng đối tượng chính sách, góp phần động viên thực hiện, huy động thêm nguồn lực và tạo môi trường thuận lợi cho công tác DS-KHHGĐ.

- Tuyên truyền cổ động trực quan được kết hợp với Sở Thông tin  Truyền thông và Trung tâm Thông tin triển lãm theo hướng phủ bề rộng, trình bày đẹp, hiện đại về mẫu mã màu sắc, tổ chức thường xuyên và cao điểm nhân các sự kiện. Truyền thông vãng gia, nhóm nhỏ theo chiều sâu, mưa dầm thấm lâu và kết hợp nhuần nhuyễn với công tác quản lý đối tượng của đội ngũ (11.500) cộng tác viên Dân số. Truyền thông kết hợp với các Ban ngành, Đoàn thể, các xí nghiệp… (như Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Cán bộ thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Nghiệp đoàn Công nhân, …) đi sâu vào lồng ghép tác động đến các đối tượng quản lý thuộc đơn vị phối hợp, đạt được chiều rộng lẫn chiều sâu cho truyền thông trực tiếp. Truyền thông phối hợp với truyền thông đại chúng (Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố và các báo, các trang thông tin điện tử, các tờ tin của quận - huyện, … ) là kênh truyền thông được huy động thường xuyên liên tục và được đánh giá mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Truyền thông lồng ghép qua triển khai các mô hình, dự án (Điểm tư vấn cộng đồng, Phòng khám Sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hóa gia đình miễn phí, Mô hình tư vấn - khám sức khỏe Tiền hôn nhân, …) cũng đã mang lại nhiều kết quả tác động tốt đến các đối tượng của mô hình, dự án triển khai.

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số của thành phố đã đánh giá công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Pháp lệnh Dân số đã tạo được sự chuyển đổi tích cực nhận thức, hành vi của người dân trong việc thực hiện các chính sách về DS-KHHGĐ. Qui mô gia đình có đủ số con ngày được đồng thuận cao của xã hội, hiểu biết và thực hành về chính sách dân số của Đảng và Nhà nước trong các tầng lớp nhân dân được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai để Kế hoạch hóa gia đình ngày càng tăng.

3. Xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ được chú trọng

Việc xã hội hóa công tác chăm sóc Sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hóa gia đình và chăm lo chất lượng Dân số đã được chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực. Với quan điểm muốn tăng cường xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ thì phải đầu tư chất lượng và mở rộng hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ. Thành phố đã đầu tư chăm lo chất lượng và mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc Sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hóa gia đình, dịch vụ chăm lo chất lượng Dân số giai đoạn đầu đời, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội. Ngoài hệ thống 55 bệnh viện chuyên khoa sản và cơ sở y tế công có khoa sản, thành phố có thêm 16 bệnh viện tư có dịch vụ sản khoa. Hàng triệu lượt người trong nhiều năm qua đã sử dụng biện pháp tránh thai và kế hoạch hóa gia đình theo cách chọn dịch vụ thuận tiện, chất lượng và tự chi trả; hàng chục ngàn thai phụ và bà mẹ đã chọn lựa dịch vụ khám thai sàng lọc, xét nghiệm Sàng lọc sơ sinh và tự chi trả vì lợi ích của Kế hoạch hóa gia đình và vì lợi ích của việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Trong hệ thống Dân số cũng đã tích cực triển khai chương trình Tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai. Song song việc cấp miễn phí phương tiện tránh thai đã chuyển dần sang bán phương tiện tránh thai tiếp thị xã hội (sản phẩm có trợ giá một phần của Nhà nước). Đã bán gần 5 triệu chiếc bao cao su, gần 3 triệu vỉ thuốc uống tránh thai, bình quân một năm có từ 100.000 đến 120.000 người sử dụng các sản phẩm tránh thai tiếp thị xã hội.
 
4. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách về dân số và phát triển

Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành hai quyết định chính sách quan trọng bao gồm: Quyết định số 87/2006/QĐ-UBND ngày 14/06/2006 về ban hành quy định chính sách DS-KHHGĐ giai đoạn 2006-2010 và Quyết định số 06/2012/QĐ-UBND ngày 24/02/2012 về ban hành quy định chính sách DS-KHHGĐ giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó có chính sách dành riêng cho người thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ, khen thưởng phường - xã, khu phố - ấp không có người sinh con thứ 3 trở lên, khen thưởng tập thể, cá nhân thực hiện tốt việc cung cấp dịch vụ chăm sóc Sức khỏe sinh sản và Kế hoạch hóa gia đình và đội ngũ cộng tác viên Dân số ở địa bàn dân cư.

Ngân sách thành phố đầu tư cho công tác Dân số tăng đều hàng năm, 10 năm qua đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ thêm kinh phí cho việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ bình quân khoảng 10 tỷ đồng mỗi năm. Quận - huyện, phường - xã, thị trấn cũng đã trích ngân sách địa phương, vận động các nguồn lực khác chi hỗ trợ mỗi năm trên 4 tỷ đồng, trong đó chủ yếu chi cho hoạt động truyền thông, cung cấp dịch vụ Sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hóa gia đình, bồi dưỡng trực tiếp cho các đối tượng tự nguyện triệt sản, bồi dưỡng cho đội ngũ cộng tác viên cơ sở và chi khen thưởng động viên.

Thông qua việc thực hiện chính sách, kịp thời biểu dương, khen thưởng nên hầu hết các quận - huyện, phường - xã, thị trấn đã xây dựng được cơ chế cộng đồng chịu trách nhiệm, tạo được nhiều phong trào thi đua ở khu dân cư góp phần thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ trong nhiều năm qua.

III. Những thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu về DS-KHHGĐ trên địa bàn thành phố

Qua 10 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh Dân số, vẫn còn một số vấn đề Dân số và công tác Dân số còn những khó khăn, bất cập mà các quy định của Pháp lệnh Dân số chưa phù hợp để điều chỉnh và thiếu chính sách để triển khai một số nội dung cụ thể:

- Qui mô dân số của thành phố quá lớn (7.750.900 người, năm 2012), mật độ dân số cao nhất (3.698 người/km2) gấp 13 lần mật độ dân số bình quân của cả nước (260 người/km2). Tốc độ tăng dân số cơ học bình quân hàng năm là 2,5% với xu hướng vẫn tăng và chưa có giải pháp điều chỉnh giảm, với tình trạng trên thành phố luôn đối mặt với vấn đề quá tải dân số và môi trường sống. Nhiều quận - huyện, phường - xã quá đông dân (có 2 quận trên 500 ngàn dân, 7 quận trên 400 ngàn dân, 62 phường - xã trên 30.000 dân, 10 phường - xã trên 60.000 dân và 1 phường Bình Hưng Hòa A thuộc quận Bình Tân có trên 100.000 dân). Tổng tỷ suất sinh những năm gần đây xuống mức thấp (1,33 con) so với ngưỡng bình thường, xuất hiện tình trạng kết hôn muộn, sinh con muộn và chọn sinh một con.

- Cơ cấu dân số về tuổi, thành phố có tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động tăng cao kể từ năm 2009 (chiếm tỷ lệ 53% dân số) và tỷ lệ thất nghiệp cũng còn cao (3,2% trên tổng số lao động), đặt ra vấn đề cần quan tâm về đào tạo nghể và giải quyết việc làm phù hợp để khai thác hiệu quả nguồn nhân lực trẻ.

- Về chất lượng dân số, mỗi năm thành phố có khoảng 52.000 ngàn cặp nam nữ đăng ký kết hôn và việc khám kiểm tra sức khỏe Tiền hôn nhân còn rất ít, việc cung cấp dịch vụ khám nam khoa còn hạn chế (chỉ có 3 đơn vị ở tuyến thành phố). Đây là vấn đề chất lượng dân số cần quan tâm. Qua triển khai thực hiện mô hình tư vấn - kiểm tra sức khỏe Tiền hôn nhân, tỷ lệ phát hiện có bệnh cần chữa trị là 14,9% trên 335 cặp được cung cấp dịch vụ miễn phí trong 3 năm. Tình trạng vô sinh ngày càng có xu hướng tăng, khoảng 4.000 cas chữa trị vô sinh trong những năm qua, giá dịch vụ còn cao, khoảng 100 triệu đồng/cas trở lên, do đó người có thu nhập thấp không đủ chi phí chữa trị vô sinh để mang lại hạnh phúc gia đình. Tỷ lệ nạo phá thai trên địa bàn thành phố còn khá cao 44 cas/100 cas sinh sống, tỷ lệ vị thành niên nạo phá thai ngày càng tăng (hơn 4%) ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và chất lượng dân số. Khám và xét ngiệm Sàng lọc trước sinh Sàng lọc sơ sinh chưa được thanh toán bảo hiểm y tế nên chưa tạo điều kiện thuận lợi trong việc khuyến khích chăm lo chất lượng dân số giai đoạn đầu đời.

IV. Kinh nghiệm trong việc triển khai đưa Pháp lệnh Dân số vào cuộc sống

Một số kinh nghiệm được rút ra như sau:

- Công tác lãnh, chỉ đạo triển khai phải khẩn trương và quyết liệt. Văn bản chỉ đạo phải đảm bảo nội dung, tính chất cho việc chỉ đạo điều hành hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở trong triển khai thực hiện.

- Quyết định ban hành chính sách và đầu tư nguồn lực tương ứng với mục tiêu nhiệm vụ đề ra là điều kiện quan trọng để đạt được kết quả.

- Xây dựng cơ chế phối kết hợp hệ thống chính trị, tăng cường hoạt động Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ các cấp sẽ tạo được sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện.

- Chỉ đạo phối hợp hoạt động giữa các chương trình, các cuộc vận động để phối hợp nguồn lực trong tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả trong triển khai. Các chương trình, các cuộc vận động đã phối hợp nhiều năm qua trên địa bàn thành phố như chương trình “Giảm hộ nghèo, tăng hộ khá”, chương trình “Xây dựng nông thôn mới”, chương trình “Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…

- Cụ thể hóa chính sách Dân số thành các tiêu chí phấn đấu và đưa vào bộ tiêu chuẩn văn hóa để xây dựng đời sống văn hóa cơ sở sẽ tạo được động lực phấn đấu ở từng cộng đồng dân cư trong thực hiện chính sách chung trong đó có chính sách DS-KHHGĐ.

- Đảm bảo triển khai thực hiện đúng vai trò, tính chất của công tác tuyên truyền - vận động, công tác truyền thông - giáo dục chuyển đổi hành vi về DS-KHHGĐ (kịp thời, thường xuyên liên tục, đa dạng phong phú hình thức lẫn nội dung và phối hợp phù hợp với các kênh truyền thông đại chúng).

- Tạo phong trào, giữ phong trào ở từng địa bàn dân cư để tạo sự đồng thuận, cam kết của cộng đồng trong việc đưa chính sách DS-KHHGDĐ vào cuộc sống.

- Đảm bảo chính sách động viên tinh thần, vật chất cho đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở và lực lượng cộng tác viên Dân số ở địa bàn dân cư; đồng thời với việc chăm lo thực chất việc đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ làm công tác Dân số các cấp.

V. Đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật Dân số

1. Chương I: Những qui định chung

Có 3 nhận định chưa phù hợp và đề nghị sửa đổi như sau:

1. Nội dung quyền, nghĩa vụ của công dân về công tác Dân số và về Kế hoạch hóa gia đình còn trình bày riêng rẽ ở 2 điều thuộc 2 chương (điều 4 chương I, điều 10 chương II), không thuận tiện cho đối tượng điều chỉnh tiếp cận nội dung này.

2. Điều 10 của Pháp lệnh sửa đổi điều 10 Pháp lệnh Dân số qui định “sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ qui định” chưa nhất quán với khoản 9 điều 3 Pháp lệnh Dân số “Kế hoạch hóa gia đình là nỗ lực của Nhà nước, xã hội để mỗi cá nhân, cặp vợ chồng chủ động, tự nguyện quyết định số connên khó điều chỉnh trong thực tế.

3. Tại điểm a, khoản 2, điều 4 Pháp lệnh Dân số quy định công dân có nghĩa vụ “ Thực hiện kế hoạch hóa gia đình, xây dựng quy mô gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh  phúc và bền vững”. Cụm từ “quy mô gia đình ít con” còn chưa rõ nghĩa, chưa cụ thể về số lượng như tại điều 10 Pháp lệnh sửa đổi điều 10 Pháp lệnh Dân số, thiếu tính thuyết phục đối với đối tượng áp dụng.

2. Chương II: Quy mô dân số, cơ cấu dân số và phân bổ dân cư

- Về quy mô Dân số

Nội dung tại khoản 1, điều 18, Pháp lệnh Dân số quy định về việc “Nhà nước có chính sách và biện pháp cần thiết để hạn chế tập trung đông dân cư vào một số đô thị lớn; thực hiện việc quy hoạch phát triển đô thị, kết hợp xây dựng đô thị lớn, vừa và nhỏ, tạo điều kiện cho việc phân bố dân cư hợp lý”. Trong thực tế chưa triển khai hiệu quả nội dung điều chỉnh này, tỷ lệ tăng dân số cơ học vẫn ở mức cao tại thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua.

Đề nghị xem xét nội dung điều chỉnh này để có sự phù hợp giữa Pháp lệnh Dân số và Luật cư trú.

-  Về cơ cấu dân số

Chậm triển khai chính sách cụ thể để quy định pháp lý trong can thiệp tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh. Về đối tượng điều chỉnh tại nội dung này, cần bổ sung thêm nhóm các cơ sở y tế có cung cấp dịch vụ liên quan đến việc chẩn đoán giới tính thai nhi.

Tại điều 2, Nghị định 114/2006/ND-CP ngày 03/10/2006 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về Dân số và Trẻ em quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về “hành vi lựa chọn giới tính thai nhi”, các biện pháp chế tài được quy định hiện còn ở mức thấp, chưa đủ tính răn đe và điều chỉnh các hành vi của người vi phạm.

Tại điều 26, Nghị định 114/2006/ND-CP quy định về “thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Dân số, Gia đình và Trẻ em”. Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em các cấp giải thể từ tháng 06/2008, việc xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực Dân số do Thanh tra ngành Y tế thực hiện, việc này ảnh hưởng nhất định đến tính chuyên ngành và chủ động trong công tác thanh tra, kiểm tra - giám sát việc thi hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực DS-KHHGĐ.

Các chính sách về đào tạo nguồn lao động, phải đảm bảo sự hài hòa giữa lực lượng lao động phổ thông và lực lượng lao động có trình độ cao, chú trọng hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao tại các đô thị lớn có vị trí trung tâm các lĩnh vực nhằm tận dụng nguồn nhân lực dồi dào tại chổ phù hợp với yêu cầu và định hướng phát triển, tránh sự quá tải về dân cư do nhập cư lao động phổ thông vào các đô thị lớn.

Xây dựng chính sách hỗ trợ xã hội, chủ yếu cho đối tượng là người già, trẻ em gái để góp phần giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Điều chỉnh chính sách, pháp luật về dân số có những quy phạm điều chỉnh với hình thức tăng nặng trong việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh dưới mọi hình thức.

-  Phân bổ dân cư

Tại khoản 1, điều 18, Pháp lệnh Dân số quy định “Nhà nước có chính sách và biện pháp cần thiết để hạn chế tập trung đông dân cư vào một số đô thị lớn; thực hiện việc quy hoạch phát triển đô thị, kết hợp xây dựng đô thị lớn, vừa và nhỏ, tạo điều kiện cho việc phân bố dân cư hợp lý”. Trong thực tế chưa triển khai hiệu quả nội dung điều chỉnh này, tỷ lệ tăng dân số cơ học vẫn ở mức cao tại thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua, thu hút vào một số quận ven làm cho mật độ tại các địa phương này quá dày (hơn 12.000 người/km2), tạo sự quá tải dân số ở một số quận - huyện.

Đề nghị sửa đổi nội dung này theo hướng “Nhà nước có chính sách tổng thể trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội hài hòa giữa đô thị và nông thôn (chính sách phát triển các vùng nông thôn theo mô hình nông thôn mới), giữa các vùng và địa phương (chính sách phát triển liên vùng) để tạo điều kiện cho việc phân bố dân cư hợp lý”.

Góc nhìn từ kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn như đã đào tạo nghề cho hơn 50.000 lao động, hơn 70.000 lao động được giải quyết việc làm, trong đó 80% có việc làm thường xuyên, thu nhập bình quân năm 2012 (32,7 triệu/người/năm) tăng lên 41 % so 2010 đã góp phần giữ chân lao động tại vùng nông thôn tránh được bộ phận lao động vào nội đô tìm việc làm và ngược lại còn thu hút đầu tư từ nội thành ra ngoại thành phục vụ cho hoạt động phát triển nông nghiệp.

3. Chương III: Chất lượng dân số

Các chính sách có liên quan đến nội dung nâng cao chất lượng Dân số triển khai chậm so với yêu cầu thực tế của xã hội (chương trình Sàng lọc trước sinh và Sàng lọc sơ sinh mới bắt đầu triển khai từ năm 2007). Đề nghị đẩy mạnh ban hành chính sách nâng cao chất lượng Dân số. Đối với các tỉnh, thành phố có qui mô dân số lớn có điều kiện cung cấp dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cần đầu tư Trung tâm Sàng lọc trước sinh và Sàng lọc sơ sinh để đẩy mạnh việc chăm lo chất lượng Dân số giai đoạn đầu đời.

Bổ sung nội dung điều chỉnh về tư vấn - kiểm tra sức khỏe Tiền hôn nhân là một nghĩa vụ đối với các cặp nam, nữ khi tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn.

Bổ sung quy định nạo phá thai có điều kiện nhằm hướng tới mục tiêu giảm phá thai xuống mức thấp nhất.

Xây dựng chính sách phát triển dịch vụ điều trị vô sinh nhằm đáp ứng yêu cầu xã hội và hỗ trợ chi phí điều trị vô sinh cho người có thu nhập thấp.

Xây dựng chính sách bảo hiểm y tế cho việc khám Sàng lọc trước sinh và Sàng lọc sơ sinh để nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời.

4. Các chương còn lại của Pháp lệnh Dân số

Các ý kiến ghi nhận cụ thể như sau: cơ quan quản lý nhà nước về Dân số, Pháp lệnh quy định Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em các cấp chịu trách nhiệm thức hiện quản lý nhà nước về Dân số. Tuy nhiên, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em các cấp đã giải thể từ tháng 8/2007 nên không còn phù hợp về chủ thể quản lý như quy định của Pháp lệnh Dân số.
 
5. Các vấn đề mới phát sinh
 
Đề xuất bổ sung các nội dung mới liên quan đến việc nâng cao chất lượng Dân số bao gồm: quy định độ tuổi của người mang thai và số lượng thai trong quá trình thụ tinh nhân tạo, có cơ chế để quản lý chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng tinh trùng và ngân hàng tế bào gốc, cần có các quy định thật cụ thể của pháp luật đối với vấn đề mang thai hộ.
 
KẾT LUẬN

Kết quả 10 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh Dân số đã góp phần quan trọng trong việc phấn đấu xây dựng phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Tuy nhiên, thành phố Hồ Chí Minh cũng còn đối diện khó khăn thách thức nhiều mặt trong đó có các vấn đề về Dân số và Phát triển, cần nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa cho việc hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020.

 Việc tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số là dịp lĩnh hội ý kiến chỉ đạo, trao đổi tiếp thu kinh nghiệm triển khai giữa các địa phương, đề xuất bổ sung chính sách, qua đó củng cố quyết tâm, giải pháp phấn đấu và phát triển tiếp theo, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 16 “Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan toả lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước” (trích Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị)./.

kimvan
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Nghệ An tổ chức Hội thi 'Người cao tuổi sống vui, sống khoẻ'

Nghệ An tổ chức Hội thi 'Người cao tuổi sống vui, sống khoẻ'

Dân số và phát triển - 2 giờ trước

GĐXH - Hội thi là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao vai trò trách nhiệm cho cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân về chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về người cao tuổi. Đồng thời, khẳng định vai trò, sự cống hiến của người cao tuổi đối với mọi mặt của đời sống...

Ung thư buồng trứng có chữa được không?

Ung thư buồng trứng có chữa được không?

Dân số và phát triển - 1 ngày trước

Ung thư buồng trứng là căn bệnh thường tiến triển âm thầm và triệu chứng không rõ ràng khiến nhiều người chủ quan, khi đi khám đã ở giai đoạn muộn. Vậy ung thư buồng trứng có chữa được không, làm thế nào để phát hiện sớm?

Có phải trẻ béo phì dễ dậy thì sớm?

Có phải trẻ béo phì dễ dậy thì sớm?

Dân số và phát triển - 1 ngày trước

Trẻ béo phì có nguy cơ cao dậy thì sớm hơn so với trẻ có cân nặng bình thường. Vậy nguyên nhân tại sao trẻ béo phì lại dễ bị dậy thì sớm và có thể phòng ngừa được không?

Phụ nữ mang thai bị đa ối nên điều chỉnh chế độ ăn như thế nào?

Phụ nữ mang thai bị đa ối nên điều chỉnh chế độ ăn như thế nào?

Dân số và phát triển - 2 ngày trước

Đa ối là khi lượng nước ối vượt quá mức bình thường ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và bé. Mặc dù chế độ ăn không phải là yếu tố quyết định duy nhất nhưng việc điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng này.

Giảm nguy cơ sinh non khi bà mẹ được quản lý thai nghén đầy đủ

Giảm nguy cơ sinh non khi bà mẹ được quản lý thai nghén đầy đủ

Dân số và phát triển - 3 ngày trước

Nguy cơ sinh non sẽ được giảm thiểu tối đa nếu thai phụ được khám thai và thực hiện sinh tại cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện kỹ thuật cùng đội ngũ y bác sỹ trợ giúp.

Hải Phòng triển khai đồng bộ nhiều hoạt động giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng

Hải Phòng triển khai đồng bộ nhiều hoạt động giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng

Dân số và phát triển - 3 ngày trước

GĐXH - Với phương châm "đưa chính sách đến gần dân," xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng triển khai đồng bộ nhiều hoạt động giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng (chăm sức khỏe sinh sản, hỗ trợ người cao tuổi) và phát huy vai trò của đội ngũ cộng tác viên dân số.

Bổ ích hội thi rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về dân số và chăm sóc sức khoẻ sinh sản

Bổ ích hội thi rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về dân số và chăm sóc sức khoẻ sinh sản

Dân số và phát triển - 3 ngày trước

GĐXH - Hội thi giúp cho học sinh nâng cao những kỹ năng hoạt động, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên. Đồng thời, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để học sinh thể hiện tài năng, trí tuệ, sự sáng tạo.

Gần 150.000 em bé chào đời nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm

Gần 150.000 em bé chào đời nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm

Dân số và phát triển - 4 ngày trước

Sau 25 năm, Việt Nam có gần 300.000 chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện, 147.000 em bé ra đời khoẻ mạnh. Trong đó, có gần 3.000 trẻ được chào đời tại Bệnh viện Hùng Vương nhờ kỹ thuật IVF.

5 biểu hiện cho thấy bạn đã mắc hội chứng ống cổ tay

5 biểu hiện cho thấy bạn đã mắc hội chứng ống cổ tay

Dân số và phát triển - 5 ngày trước

Hội chứng ống cổ tay là tình trạng phổ biến trong cộng đồng. Hiện số người mắc hội chứng này ngày càng tăng do liên quan đến công việc có sử dụng nhiều tới độ linh hoạt, tỉ mỉ và lặp đi lặp lại của cổ tay.

Bác sĩ khuyến nghị 5 điều quan trọng nên biết về ung thư buồng trứng

Bác sĩ khuyến nghị 5 điều quan trọng nên biết về ung thư buồng trứng

Dân số và phát triển - 6 ngày trước

Phụ nữ thường hiểu nhầm những dấu hiệu ung thư buồng trứng là triệu chứng của các căn bệnh về phụ khoa khác. Việc biết về dấu hiệu ung thư buồng trứng giúp chị em mắc bệnh được điều trị và sớm tăng tỷ lệ sống.

Top