Bí ẩn nhuốm màu huyền thoại trong hang Phia Muồn
GiadinhNet - Nằm ẩn khuất trong khu rừng nguyên sinh hàng triệu năm, hang Phia Muồn vừa được phát hiện có sự hiện diện của người Việt cổ đã sinh sống từ hàng chục nghìn năm trước.
![]() |
Vị trí hang Phia Muồn nhìn từ xa. Ảnh: Q.K |
![]() |
Đường vào hang Phia Muồn. |
Giấc mơ kỳ lạ của thầy giáo bản
Hang Phia Muồn thuộc bản Nà Lạ, xã Sơn Phú (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) là một cái tên khá bí hiểm, ngay đến cả những cụ già nhất bản cũng không biết vì sao lại có cái tên là Phia Muồn. Chỉ biết rằng, cái tên hang Phia Muồn được gọi tách ra từ dãy núi Phia Muồn, ở dưới dãy núi này có dòng suối chảy róc rách quanh năm, gọi là Khuổi Mương.
Cái tên Phia Muồn chẳng có gì để nói, nếu như không rộ lên tin đồn ở cái hang này có thần linh trú ngụ hoặc là nơi chứa kho báu của người xưa. Sự việc bắt nguồn từ năm 2005, khi một số người dân sinh sống ở bản Nà Lạ nhặt được những dụng cụ bằng đá như rìu, búa được cắt gọt rất điêu luyện gần ngay cửa hang.
Theo như lời kể của thầy giáo Bàn Hữu Chiêu, giáo viên ở Trường tiểu học Sơn Phú - người vô tình bắt gặp được một chiếc rìu nằm chỏng chơ ở ven đường - thì đó là dụng cụ bằng đá mà anh chưa hề nhìn thấy bao giờ. Nó nhỏ bằng khoảng 3 đầu ngón tay, có màu trắng xám, được mài từ một loại đá rất cứng, cán cầm rìu đã nhẵn thín và mòn vẹt một bên chứng tỏ nó đã được sử dụng rất nhiều. Anh Chiêu vốn từng là dân sơn tràng từ nhỏ, mọi đồ đạc dao rựa, dao mác, rìu búa của người miền này anh đều rất quen thuộc nên khi trông thấy chiếc rìu với hình dáng lạ như thế, anh Chiêu không khỏi hoài nghi. Ở giữa khu rừng già không dấu chân người, ngàn đời nay chỉ có rừng sâu, núi thẳm như thế này thì sự xuất hiện của nó làm anh Chiêu không khỏi đặt những dấu chấm hỏi. Liệu có phải ai ở trong bản đã tạo ra nó vì một mục đích gì khác? Nhưng ở thời này mà còn dùng một chiếc rìu bằng đá thì có vẻ như vô lý quá. Thấy lạ, anh mang nó về nhà, đặt trên nóc tủ để lúc nào xem lại có điều gì thú vị hay không.
Thời gian trôi qua, khi gần như anh đã quên sự hiện diện của chiếc rìu trên tủ thì anh lại thấy mấy học sinh trong trường nghịch một chiếc rìu giống như thế. Thêm phần tò mò, anh đã hỏi thì được biết mấy đứa trẻ đã nhặt chúng ở gần dòng suối Khuổi Mương chảy trước cửa hang Phia Muồn. Chúng kể, mấy hôm theo bố mẹ vào trong rừng trồng ngô, khi trời mưa, chạy vào trú mưa tại hang Phia Muồn thì nhặt được chiếc rìu bằng đá này. Thấy đẹp, chúng cầm về chơi cho vui.
Cầm chiếc rìu thứ hai trên tay, anh thấy nó giống hệt như chiếc rìu mình đang cất ở nhà. Ngẫm nghĩ, anh nhớ lại những kiến thức đã học được về lịch sử loài người thì nó giống với những công cụ mà người xưa thường dùng để cắt thịt, đào củ... Sau khi được đi học nâng cao nghiệp vụ dưới xuôi, anh đã lên mạng tìm kiếm thêm thông tin về những nơi đã phát hiện có tộc người cổ sinh sống. Tuyệt nhiên, anh không thấy ở địa danh Na Hang có sự tồn tại của các quần cư này. Vậy thì những chiếc rìu này được sinh ra và hình thành từ đâu, như thế nào?
Những câu hỏi cứ ám ảnh, thậm chí anh còn có những giấc mơ quái lạ về những đoàn người nguyên thủy đuổi anh đòi chiếc rìu. Những giấc mơ cứ lặp đi lặp lại khiến anh càng thêm khó ngủ, thậm chí nhiều lúc làm anh sợ hãi về nó. Cuối cùng, anh Chiêu đem chiếc rìu đá lên xã nộp lại cho cán bộ văn hóa xã và từ xã nộp lên huyện. Từ đó, người dân huyện Na Hang bắt đầu quan tâm thông tin về hang Phia Muồn. Nhiều người khẳng định, hang Phia Muồn là nơi vua chúa ở, là chỗ để cất giấu những kho báu cổ xưa. Cũng từ những thông tin này, người ta tiếp tục thêu dệt lên những thông tin vô cùng kỳ bí đến khó tin về hang Phia Muồn. Về phần mình, anh Chiêu cho rằng, do mình suy nghĩ quá nhiều nên bị ám ảnh vào tận trong giấc mơ chứ chẳng có chuyện ma quỷ hay đuổi bắt gì.
Nhiều người dân ở đây kể lại, sau thời điểm đó, họ thấy hàng chục người hỏi đường vào hang Phia Muồn, cứ nghĩ là lâm tặc vào rừng chặt phá gỗ nên không ai để ý. Sau này, tình cờ mới biết là đoàn người này vào đây để tìm kho báu của người xưa để lại. Thậm chí, nhiều người dân cũng tò mò, lén lút soi đèn pin tìm kiếm trong hang và mò dưới suối xem có kho báu hay không.
![]() |
Anh Sơn Phú (phải) đang chỉ vị trí các ngôi mộ cổ. |
Xuyên rừng đi tìm bí ẩn nhuốm màu huyền thoại
Như đã đề cập ở trên, sau khi cơ quan chức năng huyện Na Hang báo lên Bảo tàng tỉnh, tỉnh báo cáo sự việc lên Viện Khảo cổ học thì các chuyên gia của Viện đã lập tức lên đường và lên phương án khai quật một số khu vực trong hang.
Việc đầu tiên mà đoàn khảo cổ học làm là gặp vị giáo viên Bàn Hữu Chiêu, sau đó đi gặp các cụ già trong làng xem họ có thông tin gì về hang Phia Muồn hay không. Một thông tin mà PGS. TS Trình Năng Chung - cán bộ của Viện Khảo cổ học biết được là người dân đã từng vào đây thờ cúng, làm lễ thờ tại cửa hang này. Bởi theo những cụ già kể lại thì đó là nơi thánh thần ngự trị để phù hộ cho bản làng tốt tươi mùa vụ, tránh không bị hổ báo phá phách và có một cuộc sống tươi vui, hạnh phúc.
Nhưng theo thời gian, khi cuộc sống có nhiều sự đổi thay, người dân ngày càng sống xa rừng núi, đi ra ngoài các con đường lớn để ở thì Phia Muồn rơi vào quên lãng. Theo lời kể của anh Phùng Dũng Quyên, Trưởng Công an xã Sơn Phú thì hang Phia Muồn các anh đã biết từ lúc còn nhỏ. Ngày ấy, anh thường theo gia đình vào đó làm nương rẫy, gặp khi trời mưa, hay nghỉ trưa mọi người đều kéo vào đây nghỉ ngơi, ăn cơm. Khi lớn lên, cả nhóm thanh niên vào rừng săn thú cũng đều nghỉ ở đây cả. Tuy nhiên, cả mấy chục năm qua, anh không hề biết ở bãi đất trống trước cửa hang là mấy ngôi mộ của người xưa. Và một điều anh cho biết thêm, là từ nhỏ đến nay, anh chưa hề nghe tới nghi lễ thờ cúng thánh thần nào ở cái hang này. Có thể là thời gian đã xóa hết những nghi lễ ngày xưa, đến đời anh thì đã quá xa nên các cụ không còn ai nhớ để kể lại cho con cháu nữa.
Anh Quyên cho biết thêm, trước đây, ngoài người dân bản địa thì có rất nhiều người ở vùng khác vào đây để khai thác gỗ quý. Họ đi có đoàn hàng chục người, khai thác xong, họ kéo gỗ dọc con suối rồi tập kết ở gần cửa hang để xẻ gỗ thành phẩm. Họ ăn ngủ ở đó hàng tháng trời nhưng chưa bao giờ có ai chú ý đến những chiếc rìu, chiếc búa người xưa để lại. Điều đặc biệt là bao nhiêu năm đi săn, làm nương rồi ngủ ở trong hang và trên bãi đất trống này nhưng anh và những người đi cùng chưa bao giờ có những giấc mơ kỳ lạ hay gặp ma quỷ, thánh thần gì.
Muốn một lần được "mục sở thị" về cái hang bí ẩn này, cũng bởi sự tò mò, chúng tôi đã "liều lĩnh" đề nghị anh Triệu Sơn Phú, trưởng bản Nà Lạ dẫn chúng tôi vào hang Phia Muồn. Anh Phú năm nay 32 tuổi, người khô quắt, uống rượu ngô bằng bát, ăn nói ồm oàm nhưng tính tình thì thẳng thật vô cùng. Nhìn chúng tôi, anh quả quyết: "Chúng mày không đủ sức đi vào đó đâu". Chúng tôi thì cũng đã mường tượng ra sự khó khăn rừng rú: từ bản Nà Lạ vào đến hang mất khoảng 6km đường rừng, phải đi bộ, sáng đó trời mưa nên đường có thể hơi trơn. Chỉ thế thôi nhưng trưởng bản vẫn lắc đầu, phải thuyết phục mãi, anh mới miễn cưỡng đồng ý.
Mãi khi lên đường chúng tôi mới hiểu lý do anh Phú ngần ngại. Đại loại là: đường đi rất dốc, là đường rừng, có đoạn mất hẳn dấu đường vì cây dại mọc lan quá đầu người. Chúng tôi cùng anh Phú phải dò dẫm từng bước một trong khi vắt bám đầy chân, trời mưa, lũ vắt khát máu như được bữa tiệc. Anh bạn đi cùng vì không quen leo núi nên đã cởi giày vứt ở nhà trưởng bản, đôi chân của anh thành thứ "mồi ngon" cho lũ vắt khát máu. Cứ lâu lâu, chúng tôi lại dừng lại để giúp anh bạn đồng nghiệp gỡ vắt ra khỏi bắp chân, con nào, con nấy no máu bụng căng tròn. Cứ mỗi con vắt rời khỏi chân là dòng máu tươi cứ thể chảy ròng, anh bạn tôi sợ hãi tưởng như bỏ cuộc nửa chừng chinh phục hang Phia Muồn.
Anh Phú đi trước, dùng dao phát cây mở đường đi nên tốc độ đi rất chậm. Đường mưa trơn trợt, một bên là vực sâu hoắm, xảy chân là toi mạng nên không ai dám liều, chỉ rờ rẫm từng bước một. Sau gần 4 giờ đồng hồ vừa đi, vừa bò, vừa trượt, chúng tôi cũng đã có mặt ở nơi được cho là có sự sống của người Việt cổ - cửa hang Phia Muồn.
Trước cửa hang Phia Muồn như một hàm ếch khổng lồ, với độ cao chừng bằng 5 tầng nhà, rộng chừng 100 m2. Trên lưng chừng hàm ếch là một hang dài sâu hun hút vào bên trong dãy núi đá, bên trong mạng nhện đã giăng kín và tỏa ra nhiều mùi mốc rất khó chịu.
![]() |
TS Trình Năng Chung và các cộng sự của mình đang tiến hành
khai quật mộ cổ ở hang Phia Muồn (ảnh tư liệu). |
Bí mật trước cửa hang Phia Muồn
Là người trực tiếp nghiên cứu và khai quật hang Phia Muồn, có lẽ PGS.TS Trình Năng Chung là người biết rõ nhất về những bí mật nằm dưới lớp đất cứng này.
Anh Phú kể lại, những ngày làm hoa tiêu dẫn đường và "phu mộ" cùng TS Chung, anh đã cảm thấy được sự vất vả và tỉ mỉ của người làm nghề khảo cổ. Những thành viên đi cùng TS Chung trước giờ có lẽ chưa bao giờ được "trải nghiệm" rừng núi hiểm trở như vào Phia Muồn nên việc đi lại khá vất vả. Thường thì mỗi lần đi, cả nhóm người mang theo ấm đun nước, mì tôm, sau đó vào rừng chặt những cây nứa to làm... bát, xẻ tre thành đũa để pha mì tôm. Cứ như vậy, sau một thời gian "ăn mì, ngủ hang, uống nước suối", nhóm khảo cổ cũng đã thu được những kết quả khả quan. Đồng thời, chứng minh cho người dân thấy, hang Phia Muồn không phải là nơi chứa vàng bạc hay kho báu của người xưa để lại.
Theo chia sẻ của TS Chung thì đây là chuyến đi "dài, vất vả và là đợt khai quật thú vị nhất trong đời tôi từng tham gia". Theo kinh nghiệm làm khảo cổ của TS. Chung, những hang động có di chỉ, mộ táng như Phia Muồn thường gắn liền với những huyền thoại. Để làm an lòng người dân bản địa và những người tham gia đoàn khảo cứu, TS Chung đã làm lễ cúng theo phong tục, tập quán của người dân nơi đây. Chính vì "thiếu hiểu biết" như vậy, mà khi vừa bước vào cửa hang, anh Phú đã bảo là quên không dặn chúng tôi mang theo hương lễ để khấn tổ tiên, thánh thần.
Trở lại với đoàn khảo cổ, sau khi làm lễ động thổ, TS Chung đã trực tiếp bổ nhát cuốc đầu tiên để thăm dò. Khi đào sâu được khoảng 40cm, đoàn khảo cổ phát hiện nhiều công cụ bằng đá và các dấu tích cổ như: than tro, vỏ ốc suối, ốc núi, các vật dụng sinh hoạt và nhiều xương động vật vương vãi.
Khi những bộ xương phát lộ, mọi người đều thấy những bộ di cốt được an táng theo những cách thức đặc biệt trong lịch sử khảo cổ Việt Nam. Tại ngôi mộ thứ nhất, đoàn khảo cổ tìm thấy một bộ di cốt trong tư thế nằm ngửa, phía dưới cổ đặt một nồi gốm to với hoa văn thừng sắc nét và những dấu vết ám khói. Người chết được rải đá dọc trên thân thể, kèm theo là hàng chục công cụ tuỳ táng được chôn cất cùng hài cốt. Trong khi đó, thông thường một người chết thời kỳ này chỉ được táng kèm theo 1-2 công cụ. Theo TS. Trình Năng Chung, điều này chứng tỏ người chết khi còn sống trong cộng đồng đã giữ một vị trí, vai trò quan trọng nào đó.
Sau nhiều ngày đào bới, đoàn khảo cổ đã tìm thấy 12 phần mộ và khoảng 1.000 di vật tại Phia Muồn. Trong số những di vật thu lượm được thì nhiều nhất là các công cụ lao động đá mài và ghè đẽo, di vật được xem khá đặc biệt là dấu tích của vỏ ốc biển.
Tại một ngôi mộ khác, các nhà khảo cổ lại phát hiện những đặc điểm rất đặc biệt. Xung quanh người chết được cắm dọc những phiến đá dài chừng 40cm tạo thành một huyệt mộ hình bầu dục. Hiện tượng này rất hiếm gặp, hầu như mới xuất hiện tại Việt Nam 1 đến 2 lần trong số hàng nghìn cuộc khai quật. Lý giải về việc tất cả các mộ cốt đều có đá rải kèm trên cơ thể, TS. Trình Năng Chung nhận định: "Đây vừa là cách đánh dấu huyệt mộ, vừa xuất phát từ quan điểm "vạn vật hữu linh" của tộc người thời đồ đá. Người xưa cho rằng: Con người sinh ra từ đá và chết đi lại trở về với đá. Đá chính là nơi trú ngụ của linh hồn".
Theo TS Chung, tư thế chôn của các ngôi mộ nơi đây vẫn được xem là độc đáo hơn cả. Với tư thế chôn nằm nghiêng, bó gối, co tay tại ngôi mộ số 1 và mộ số 12 được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đây là cách an táng dựa trên quan điểm người chết sẽ trở về trạng thái ban đầu khi còn trong bào thai và hy vọng kiếp sau người chết sẽ được trở lại làm người. Cũng có ý kiến cho rằng, tư thế chôn này thể hiện sự mâu thuẫn trong nhân sinh quan và thế giới quan của người tiền sử. Nghĩa là, người chết thường được chôn ngay với nơi ở để được gần gũi với những thành viên khác trong gia đình. Nhưng do những người còn sống lo sợ việc linh hồn người quá cố sẽ quấy rầy cuộc sống của họ, nên khi chôn, người chết thường bị bó chặt chân tay để không thể quấy rầy người còn sống.
"Ngoài những vỏ ốc biển được tìm thấy tại hang Phia Muồn, chúng tôi còn tìm thấy hai tầng văn hoá thuộc về thời kỳ hậu đá mới (cách đây khoảng 4.000 năm) và văn hóa Hòa Bình muộn (cách đây khoảng 6.000 năm). Giữa hai tầng văn hoá này, người ta lại không thấy có sự cách quãng mà là sự nối tiếp liên tục giữa các thời kỳ. Đây cũng là hiện tượng hiếm gặp trong lịch sử mộ táng Việt Nam", TS Chung cho biết.
Trong nhiều năm qua, nhiều học giả đã bỏ công sức nghiên cứu tìm ra đích xác nguồn gốc người Việt Nam bắt nguồn từ đâu. Truyền thuyết thì ghi rõ trong câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ chính là tổ tiên của người Việt Nam. Về mặt khoa học, các nhà nghiên cứu thì cho rằng người Việt cổ là sự pha trộn giữa người bản địa và các tộc người sống rải rác ở vùng đồng bằng và đồi núi Bắc Bộ cộng với sự di cư của các tộc người gốc thuộc vùng quần đảo Polynesia. Nhiều ý kiến khác lại cho rằng nguồn gốc của dân tộc Việt Nam là ở Mã Lai, thậm chí là ở Quảng Đông, Quảng Tây, kéo dài lên đến Động Đình Hồ và phía Nam sông Dương Tử (Trường Giang) của Trung Quốc... Tuy nhiên, tất cả những ý kiến này mới chỉ ở dạng phỏng đoán mơ hồ mà chưa có các chứng cứ khoa học! |
Phùng Quang Khánh

1 người tử vong khi dỡ nhà ở TPHCM, cảnh sát phong tỏa hiện trường
Thời sự - 9 phút trướcTrong lúc tháo dỡ, bức tượng của ngồi nhà cũ ở TPHCM bất ngờ sập xuống, vùi lấp một người đàn ông khiến nạn nhân tử vong.

Xe ô tô cháy trơ khung khi đang đỗ trong ngõ ở Hà Nội
Đời sống - 35 phút trướcGĐXH - Sáng 20/4, chiếc xe ô tô con trong lúc dừng đỗ trong ngõ ở quận Đống Đa, TP Hà Nội thì bất ngờ bốc cháy dữ dội.

Thót tim cảnh người đi xe máy gặp tai nạn nghiêm trọng do trái bóng bé trai vô tình làm rơi
Đời sống - 1 giờ trướcGĐXH - Bé trai trong lúc chơi bóng trên vỉa hè đã vô tình làm lăn bóng xuống đường khiến người đi xe máy cán trúng, gặp tai nạn nghiêm trọng.

3 trường hợp này sẽ bị tạm dừng việc hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng
Đời sống - 1 giờ trướcGĐXH - Dưới đây là những trường hợp sẽ bị tạm dừng việc hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024.

Diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh 2/9 tại Quảng trường Ba Đình
Thời sự - 2 giờ trướcPhó Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng xây dựng Đề án diễu binh, diễu hành tại Quảng trường Ba Đình nhân kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9.

Một công an xã bị thương khi bắt đối tượng tàng trữ ma túy
Pháp luật - 3 giờ trướcRạng sáng ngày 19/4, trong quá trình truy bắt đối tượng có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy trên địa bàn, lực lượng Công an xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) đã bị đối tượng chống trả quyết liệt, khiến một cán bộ công an xã bị thương.

Vụ phát hiện thi thể nam thanh niên trên đường mòn tại Khánh Hòa: Hiện trường có gì?
Thời sự - 5 giờ trướcNgười dân phát hiện nam thanh niên nằm bất động trên đường mòn gần quốc lộ 1. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng xác định nam thanh niên đã tử vong từ trước đó.

Nhìn số cuối ngày sinh Âm lịch, biết ngay tương lai phú quý hay bần hàn
Đời sống - 5 giờ trướcGĐXH - Theo tử vi, ngày sinh có mối quan hệ nhất định đến số mệnh của con người đó. Qua số cuối của ngày sinh Âm lịch, người ta có thể biết phần nào về tài lộc trong vận trình của mình.

Bạn thân của liệt sỹ Nguyễn Đăng Khải: 'Phong bì mừng cưới thành phúng viếng tiễn biệt'
Đời sống - 6 giờ trướcAnh Hoàng Văn Nhật chia sẻ: “Trong nhóm chỉ còn vài người chưa lập gia đình nên khi Khải tâm sự cuối năm sẽ làm đám cưới, ai cũng mừng. Ai ngờ, phong bì cưới chưa kịp trao, bây giờ đã thành phúng viếng tiễn biệt”.

Pháo hoa rực sáng trên bầu trời TP Hồ Chí Minh
Thời sự - 8 giờ trướcTối 19/4, bầu trời TP Hồ Chí Minh rực sáng bởi màn bắn pháo hoa tầm cao tại công viên bờ sông Sài Gòn.

Các loại giấy tờ sử dụng đất bắt buộc phải có khi làm sổ đỏ 2025
Đời sốngGĐXH - Sổ đỏ là thuật ngữ được sử dụng để gọi "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất". Khi muốn làm sổ đỏ người dân cần phải chuẩn bị những loại giấy tờ gì?