Bộ mặt lừa đảo của cặp đôi mượn danh trừ tà, diệt quỷ hại người trục lợi
GiadinhNet - Cầm bó nhang trên tay, hai gã thầy cúng thi nhau hò hét phán rằng, con “ma chúa” ngàn tuổi đang ngự trong thân thể anh Liêm. Để trục được cái vong oan nghiệt, hai gã lang băm cứ thế đè chân tay bệnh nhân ra mà đấm đá túi bụi.
Bà Hằng (ảnh trên) và ông Sanh kể lại vụ việc đau lòng xảy ra với con trai mình. Ảnh: T.G. |
Sau khi mắc căn bệnh lạ, anh Đoàn Văn Liêm (27 tuổi, ấp Hồi Lộc, xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) không đến bệnh viện mà “đi đường tắt” tìm đến thầy cúng nhờ chữa trị dẫn đến chết tức tưởi. Vụ việc tuy đã trôi qua một thời gian, nhưng dư luận vẫn chưa hết phẫn nộ về kiểu chữa bệnh lừa bịp của những gã thầy cúng nhân danh lương y. Người chết không thể sống lại, nhưng câu chuyện đau xót xảy ra chính là lời cảnh tỉnh cho những ai còn mê muội tin vào thứ quyền năng của những kẻ tự xưng là thầy phép cao tay. Bà Phan Thị Hằng (SN 1943), người phụ nữ có con đoản mệnh, thì chỉ tiếc, ngày ấy tại sao bản thân mình không sớm nhận ra sự thật ấy.
Trong ngôi nhà cô quạnh, tấm ảnh thờ đứa con đáng thương đượm mùi nhang khói. Ngày ngày, bà Hằng vẫn đau đáu ngắm nhìn như thể giọt máu của mình vẫn còn quanh quẩn đâu đây. Ông Đoàn Văn Sanh, chồng bà thì chỉ biết nói hai từ “giá như”, bởi nếu biết trước kiểu chữa bệnh của hai gã thầy cúng chỉ là những trò bịp bợm thì con ông đã không chết tức tưởi. Bi kịch đó xuất phát từ sự kém hiểu biết, tin tưởng thái quá những gì thuộc thế giới tâm linh.
Ngồi trò chuyện cùng phóng viên, ông Sanh kể, gia đình mình trước đây cũng yên bình, hạnh phúc như bao nhà khác. Mọi chuyện chỉ bắt đầu vào một ngày cuối tháng 3/2013. Hôm ấy, khi đang phát quang vườn dừa trước nhà để khỏi ruồi muỗi, con ông là anh Đoàn Văn Liêm đột nhiên biến chứng, la ó thất thanh rồi luôn miệng nói những câu rùng rợn. Ông Sanh hốt hoảng giữ lại hỏi chuyện, thì anh Liêm đột nhiên bảo mình đã bị ma nhập. Những ngày sau đó, mọi chuyện diễn biến xấu hơn khi Liêm bỏ ăn, gầy guộc, nói nhảm… Nghĩ con mình bị vong hồn ám thật, bà Hằng đề nghị đưa đi khám. Nhưng đúng hôm mẹ con chuẩn bị khăn gói đi viện thì Liêm lại bảo “Chẳng cần đi bệnh viện cho xa, chỉ cần đến gặp thầy phép gần nhà thì mọi chuyện sẽ ổn, vì phương pháp hiện đại không thể chữa khỏi căn bệnh lạ của con được”. Thuận theo ý con, bà Hằng đưa Liêm đến nhà ông thầy Hoàng (tên tục Lưu Văn Hoàng - PV) trong ấp. Cách đây mấy năm, “thầy” tự xưng là cao nhân có phép thuật rất siêu phàm. Khoản bắt ma, trục vong, truất oan hồn… thì “thầy” vang danh khắp vùng. Người mắc bệnh từ phương xa ngày ngày vẫn tìm đến nhờ thầy “ban phước”.
Tại dinh thự của “thầy” Hoàng, theo lời của bà Hằng thì sau khi con bà đứng cho “thầy” khám qua loa xong, ông ta nghiêm nghị phán: “Thằng Liêm nó đã bị ma nhập thiệt, cái vong nặng lắm may mà đến thầy sớm. Bệnh này thì Tây y bó tay nhưng không hẳn vô phương cứu, theo ta thì trước tiên nó phải uống bùa hòa nước liên tục trong hai ngày để trừ tà”. Khi bà Hằng đang hoài nghi về những lời “thầy” Hoàng phán thì không hiểu sao, con bà nghe răm rắp và nằng nặc yêu cầu thầy làm bùa ngay để giải trừ ma (?). Dù không tin lắm nhưng thấy đứa con quá kiên quyết, bà miễn cưỡng gật đầu đồng ý. Suốt hai ngày sau đó, “thầy” Hoàng liên tục dùng cọ lông chấm nghiên mực phết những đường ngoằn nghoèo tựa giun sán lên những tấm giấy gió màu vàng. Sau màn cúng, “thầy” mang đốt lên hòa nước cho con bệnh uống. Vốn là người cuồng tín, Liêm cũng răm rắp nghe lời, ngửa cổ uống ừng ực. Mỗi lần sang nhà “thầy” Hoàng “trục vong” về, không biết có bị xúi giục hay không, Liêm thường bảo với bà Hằng phải mang tiền tới “thỉnh” thầy, như vậy mới thiêng, công năng bắt vong nó mới hiệu nghiệm. Thương con đứt ruột, mạng sống gá “thầy”, bà đành đi vay mượn xóm giềng mang đến “cúng nộp” cho đủ lễ số. Thế nhưng, đã hai ngày trôi qua, Liêm nuốt bao nhiêu tro tàn từ lá bùa, tiền của đã thỉnh cho “thầy” mà bệnh tình không hề thuyên giảm.
Ngày thứ ba, trong khi vợ chồng bà Hằng đang sốt ruột như đứng đống lửa, thì đứa con quằn quại vì “ma nhập”. Đang lúc gia đình bối rối vì không biết có nên đưa Liêm đi trạm y tế hay bệnh viện chẩn đoán hay không, “thầy” Hoàng lại bất ngờ gọi điện “triệu” hai mẹ con bà “hồi dinh” để tiếp tục trục “cái vong cứng đầu”. Đứng trước bệnh nhân Liêm, ông “thầy” trạc tuổi bà Hằng vẻ mặt tỏ ra hết sức nghiêm trọng. Sau hồi suy nghĩ, “thầy” buông lời cho biết: “Sở dĩ con bà không hết bệnh là do con ma nó quá mạnh, nếu một người bắt thì chưa đủ công năng mà phải có sự kết hợp. Chuyện này không khó bởi trong giới huyền môn có một người cao tay không kém là em rể của “thầy” tên Lê Thanh Tú (cùng ngụ xã Tân Hiệp)”. Năm nay, Tú vừa tròn tuổi 31 và đã từng theo chân “thầy” Hoàng trong một số vụ “bắt ma” bịp bợm nên có kinh nghiệm.
Được đề nghị giúp một tay, “thầy” Tú sốt sắng đồng ý, sang nhà “thầy” Hoàng cùng bệnh nhân biện lễ, bày nhang, đèn tươm tất, đủ những thứ theo hướng dẫn để hai thầy tiến hành lễ trục vong. Theo yêu cầu thì lần này, Liêm phải nằm ra cái sạp giữa nền nhà, cặp đôi “thầy phép” phân nhau, kẻ cầm hương, người cầm đèn, đốt bùa nhảy, múa, la hét um sùm lôi những ông thiên, ông địa, đủ các thứ thần về “áp tải” cái vong trong người con bệnh ra. Riêng “thầy” Hoàng thì tỏ bản lĩnh với cõi âm bằng tiếng thét đanh: “Mày có ra không, không ra thì hãy liệu (?)”. Hét rồi, đôi tay thầy lăm lăm sợi dây nilon buộc lại từng nốt, từng nốt. Cho đến nốt thắt thứ 9, thì ông ta dừng lại bảo rằng đã bắt được tổng thể 9 con ma đực, cái đủ loại, nhưng đó chỉ là hàng “đệ tử” mà thôi, còn một con ma thuộc hàng “chúa” thì mới nan giải.
Theo sự lý giải của thầy thì con “ma chúa” cũng giống như cáo thành tinh, rất khôn ngoan nên dùng cách bắt thông thường sẽ không được. Sau hồi vò đầu bứt tóc suy nghĩ, “thầy” Hoàng đột nhiên đứng dậy bảo, việc bắt ma phải thay nhu bằng cương. Theo đó, lối bắt vong phải mang tính bạo lực, chỉ còn cách là đấm, đá, dẫm đạp… trực tiếp lên người con bệnh, đồng thời đổ dầu ăn vào trục xuất, thì may ra con “ma chúa” gian manh mới sợ mà thoát ra.
Nói là làm, hai “thầy” lập tức hành sự ngay, mặc cho con bệnh quằn quại nằm dưới đất máu me tuôn đỏ miệng do gãy răng, hòa lẫn với dầu ăn nhầy nhụa vung vãi khắp nền nhà, rên hư hử như con vật bị đâm tiết. Thế nhưng, hai “thầy phép” vẫn khăng khăng nhận định rằng “con ma” này rất cứng đầu không chịu lìa cõi phàm. Đến nước này, hai thầy phép quyết định dùng đến độc chiêu cuối cùng là “rượu mời không uống thì cho uống rượu phạt”. Khi con bệnh đang thấm nhừ trận “bắt ma” trước, thì hai thầy lại ập đến thay nhau đánh, đấm, đá vào mặt, cổ, bụng, sườn bệnh nhân. Chưa hết, mỗi thầy lại thi nhau nắm tóc nâng lên đập mạnh đầu con bệnh xuống nền nhà, “thầy” Tú thì thích thú với màn nhảy phóc lên ngực con bệnh mà dẫm, đạp... Cứ như thế, hai “thầy pháp” càng đọc kinh, đốt bùa, quẩy nhang, la hét bao nhiêu thì càng tẩn đòn vào người bệnh bấy nhiêu. Cho đến khi thấy người nằm dưới không la, chẳng khóc và thôi cọ quậy, thì hai “thầy” phủi tay tuyên bố cuộc bắt “ma chúa” đã thành công. Thế nhưng, khi bà Hằng chạy đến xem cơ sự ra sao thì thấy tim con đã ngừng đập.
Điều gây phẫn nộ là sau khi nạn nhân Liêm tử mạng, “thầy pháp” cao tay không những từ chối nhận trách nhiệm mà còn đổ thừa cho việc con bệnh chết vì nguyên do bị vong bắt. Để bưng bít thông tin, cặp đôi lang băm này còn nghĩ ra kế bịt miệng người thân nạn nhân rằng, nếu tố cáo thì mọi người trong gia đình sẽ có kết cục bi thảm vì… bùa phép. Tưởng lời đe dọa là thật, vợ chồng bà Hằng sợ hãi mang xác con về nhà, âm thầm báo thân quyến lo hậu sự với lý do là con chết vì bệnh tật. Mọi chuyện bẵng đi sau 6 tháng im ắng, hai tay lang băm sát nhân vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và yên tâm rằng chẳng ai phát hiện ra. Thế nhưng, cái chết tức tưởi như nỗi ám ảnh khiến bà Hằng mất ăn mất ngủ. Sau này, khi trình báo Cơ quan CSĐT, bà bảo nhiều đêm, hễ nhắm mắt là mơ thấy hình bóng đứa con trai xấu số như lẩn khuất đâu đó. Quyết không cam lòng để con phải chết oan, bà Hằng mới bàn với chồng làm đơn tố cáo toàn bộ sự việc với Cơ quan Công an. Hai nghi can lang băm rởm bị bắt ngay sau đó. Tuy nhiên ban đầu, chúng đã chối bỏ trách nhiệm rằng gia đình bà Hằng đổ thừa, vu oan giá họa, rằng con bệnh Liêm chết là do bệnh tật, do ma bắt. Thậm chí, chúng còn oán hờn cơ quan CSĐT và người nhà nạn nhân là “gieo phước lại nhận họa”.
Thế nhưng, qua lời kể của bà Hằng thì cơ quan điều tra Công an tỉnh Trà Vinh nhận định: Vụ án có yếu tố mê tín dị đoan, để rõ thực hư phải cần khai quật lại thi thể nạn nhân dùng biện pháp khoa học để kiểm nghiệm. Đúng như dự đoán, kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy hàm răng nạn nhân gãy, xương sườn hai bên nạn nhân vỡ vụn, cùng nhiều vùng xương có dấu hiệu bị vật cứng tác động. Trên cơ sở đó, cơ quan chuyên môn kết luận nạn nhân tử vong là do bị ngoại lực tác động chứ không phải do bệnh lý. Trước những chứng cứ không thể chối cãi, cặp “thầy pháp” cao tay phải cúi đầu thừa nhận hành vi trị bệnh tà ma của mình.
Theo lời khai, cả hai vốn chẳng phải bậc chân tu hay có thời gian luyện bùa, ngải gì mà chỉ là những kẻ tha phương khắp nơi đào thuê, cuốc mướn kiếm cơm. Trong lần lên miền ngược, đối tượng Lưu Văn Hoàng tình cờ gặp một ông thầy pháp. Không biết lĩnh hội được phép thuật gì nhưng lúc về quê, Hoàng mang áo tứ thân lòe loẹt, đầu cắm nhang lập đàn tuyên bố mình là “thầy pháp”, có công năng từ đấng trên, nay hạ thế để cứu độ chúng sanh, giúp những ai còn mắc vận hạn cõi trần. Không hiểu vì lý do gì, một số bà con trong vùng lại tin theo, nườm nượp kéo đến nhờ hắn ta trị bệnh. Thậm chí, có kẻ miền xa cũng khăn gói đến gá mạng cho “thầy”.
Không hao công tốn sức, vừa khỏe lại nhanh có tiền, lộc tứ phương từ đâu dâng đến, Hoàng tậu xe, dựng nhà, mua sắm nhiều tài sản giá trị. Thấy ông anh cọc chèo “phất” lên như cờ no gió, Lê Thanh Tú cũng bỏ kiếp tha hương về tuyên bố mình cũng là “thầy pháp”, cũng có khả năng thực hiện những tà thuật siêu phàm. Ngày ngày, ngồi chầu ở nhà chờ con bệnh đến, Tú hay giải vận hạn cho người gặp sui, cho bùa với người nào muốn mua may bán đắt, trục tà, giải vong nếu ai thấy bản thân nặng vía. Xét về tuổi đời, tuổi nghề và danh tiếng, thì “thầy” Tú vẫn kém xa bậc đàn anh là “thầy” Hoàng. Thế nhưng, khi anh ta đang nỗ lực để cùng bậc đàn anh “làm phép” thì vô tình làm chết con bệnh và sa lưới pháp luật. Vụ án cũng là sự cáo lui của những tay thầy phép bịp bợm, nhân danh lương y hành nghề bất đạo, vấn nạn vốn còn nhan nhản trong xã hội hiện nay.
Đổ dầu ăn cho ma ngộp thở “chết” (?)
Sau khi cho Liêm uống bùa vẫn không trục được ma, hai “thầy pháp” bàn nhau dùng ngón nghề “tủ” là cho ma “chết” vì ngộp thở. Nghe “thầy” Hoàng nói, “thầy” Tú liền gật đầu hưởng ứng ngay. Gã liền xông đến ngồi lên người con bệnh, ghì chắc hai tay không cho cựa quậy, còn “thầy” Hoàng nhanh tay dùng đũa cạy miệng, tay cầm sẵn một ca đựng khoảng 1 lít dầu ăn dốc ồng ộc vào miệng con bệnh bắt uống rồi nhắm nghiền mắt lẩm bẩm đọc kinh.
Con bệnh đau đến mức hàm răng nghiến gãy nát đôi đũa gỗ, rụng luôn hai chiếc răng cửa, la hét trối chết. Tận mắt chứng kiến cảnh ấy, bà Hằng vô cùng xót xa nhưng vì trót giao mạng con cho “thầy” thì trị như thế nào là quyền của “đấng cao nhân” quyết định. Bà chỉ biết chảy nước mắt đau đớn khi thấy con mình la ó nuốt từng ngụm dầu ăn sặc sụa. |
Tham ô tài sản, hai cán bộ lĩnh án
Pháp luật - 12 giờ trướcGĐXH - Ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961, trú phường Tây Lộc, TP Huế) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, trú phường Vĩnh Ninh, TP Huế) về "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
Phá đường dây làm giả giấy tờ của lực lượng vũ trang
Pháp luật - 13 giờ trướcGĐXH - Một đường dây chuyên làm giả giấy tờ, trong đó có những giấy tờ của lực lượng vũ trang nhằm mục đích lừa đảo vừa bị Công an quận Đống Đa triệt phá.
Thủ đoạn lừa chạy thủ tục làm 'sổ đỏ' để chiếm đoạt tài sản
Pháp luật - 14 giờ trướcGĐXH - Lợi dụng tâm lý e ngại thủ tục hành chính và các thủ tục liên quan đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của người dân, các đối tượng tự nhận bản thân có các mối quan hệ nên làm được nhanh khiến nhiều nạn nhân "nhẹ dạ, cả tin" sập bẫy.
Công an tìm người gửi tiền vào một doanh nghiệp vàng bạc ở Nghệ An
Pháp luật - 14 giờ trướcGĐXH - Công an tỉnh Nghệ An đang điều tra vụ việc một doanh nghiệp vàng bạc ở huyện Yên Thành mở sổ tiết kiệm như ngân hàng, huy động vốn của người dân.
Trốn thuế, một giám đốc công ty bị khởi tố
Pháp luật - 14 giờ trướcGĐXH – Công an tỉnh Lâm Đồng bước đầu xác định, trong quá trình kinh doanh, công ty do Lê Công Tuấn làm giám đốc đã có hành vi trốn thuế...
Bắt giữ đối tượng trộm cắp cà phê ở Lâm Đồng
Pháp luật - 14 giờ trướcGĐXH - Công an huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã bắt đối tượng Lưu Xuân Kiên (1997, quê huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản.
Nghĩ mình bị "nhìn đểu", 2 thanh niên đâm người suýt chết
Pháp luật - 15 giờ trướcSau cuộc nhậu, 2 thanh niên ở tỉnh Quảng Nam nghĩ rằng người khác "nhìn đểu" mình nên giở thói côn đồ, dùng hung khí tấn công gây thương tích.
Trên đường tuần tra, Cảnh sát giao thông phát hiện, bắt quả tang đối tượng tàng trữ trái phép ma túy
Pháp luật - 15 giờ trướcGĐXH - Trong quá trình tuần tra kiểm soát địa bàn, Tổ tuần tra kiểm soát của Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) đã bắt quả tang một đối tượng đang có hành vi “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Thừa Thiên Huế phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Pháp luật - 17 giờ trướcGĐXH - Ngày 21/11, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mang dao vào trường học để giải quyết mâu thuẫn
Pháp luật - 17 giờ trướcGĐXH - Vì mâu thuẫn cá nhân, nhóm nam sinh hẹn gặp nhau ở nhà vệ sinh của trường, quá trình nói chuyện xảy ra xô xát, một nam sinh dùng dao đâm bạn.
Tạm giữ hình sự đôi vợ chồng ‘hờ’ tàng trữ trái phép chất ma túy
Pháp luậtGĐXH - Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Thuận ra quyết định tạm giữ hình sự Phạm Minh Toàn (SN 2002, ở thành phố Phan Rang – Tháp Chàm) và Lâm Thị Bé Ngọc (SN 1994, trú tại xã Thiện Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) để điều tra về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.