Hà Nội
23°C / 22-25°C

Chú trọng nâng cao chất lượng dân số

Thứ tư, 07:00 28/01/2009 | Xã hội

Giadinh.net - Công tác DS-KHHGĐ đã vượt qua khó khăn, bước vào năm mới với tâm thế mới, nhiệm vụ mới. Nhân dịp năm mới, Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Nguyễn Bá Thủy có cuộc trao đổi với Báo GĐ&XH về những đánh giá và những mục tiêu quan trọng cho công tác DS-KHHGĐ khi bước vào năm 2009.

TS Nguyễn Bá Thủy - Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ

 
- Thưa ông, năm 2008 đã khép lại, công tác DS-KHHGĐ bước vào năm 2009 với những khó khăn gì trên vai?
 
- Có thể nói, năm 2009 công tác DS-KHHGĐ được triển khai trong bối cảnh mức sinh tuy đã giảm nhưng chưa vững chắc. Đến năm 2007 vẫn còn 5 trong số 8 vùng địa lý kinh tế chưa đạt mức sinh thay thế (miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Bắc Trung bộ mức sinh còn cao, khó đạt mức sinh thay thế vào năm 2010 như chiến lược dân số đề ra).
 
Đáng chú ý khu vực nông thôn, nơi chiếm đến 73% dân số cả nước nhưng tổng tỷ suất sinh còn cao hơn nhiều so với khu vực thành thị. Số con trung bình của mỗi cặp vợ chồng ở khu vực thành thị đã là 1,7-1,8 con, song ở nhiều địa phương con số này vẫn còn 2,5 - 2,6 con. Ngay ở một số quận, huyện của thành phố và các vùng đã tiệm cận mức sinh thay thế như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đồng bằng Sông Cửu Long, đồng bằng Bắc Bộ, nhưng tỷ lệ sinh và sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn khá cao ở một số khu vực.
 
Liên tiếp trong 2 năm 2007 và 2008 đều không đạt chỉ tiêu mức giảm sinh (Quốc hội giao là 0,3%o) và chỉ tiêu về số người sử dụng các biện pháp tránh thai lâm sàng. Đặc biệt, điều tôi quan tâm nhất là số người sinh con thứ ba tăng mạnh. Năm 2008 có tới 45/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ sinh con thứ ba tăng. Hiện tại trong cả nước vẫn còn 23/63 tỉnh mức sinh cao (tổng tỷ suất sinh TFR>2,38 con) chưa đạt mức sinh thay thế, chủ yếu tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Có 18/63 tỉnh, thành phố tuy đã đạt mức sinh thay thế (TFR = 2,1 con) nhưng còn dao động, không ổn định, chủ yếu là các tỉnh đông dân ở khu vực đồng bằng.
 
Hiện nay, qui mô dân số nước ta đã hơn 86 triệu người, mật độ dân số gần 260 người/km², đứng thứ 13 thế giới về mức đông dân và là một trong những nước có mật độ dân số rất cao. Với tỉ lệ phát triển dân số 1,21% hiện nay, mỗi năm dân số nước ta vẫn tăng thêm hơn 1 triệu người. Bên cạnh vấn đề qui mô dân số vẫn còn những thách thức gay gắt, thì trong lĩnh vực cơ cấu dân số, chất lượng dân số cũng có những vấn đề phức tạp không kém, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã bước vào mức cao (năm 2007, tỉ số này là 112 bé trai/100 bé gái, năm 2008 theo ước tính tỉ số này vẫn không thay đổi - PV ).
 
Một bộ phận lớn người dân còn chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Nho giáo: thích đông con nhiều cháu, trọng nam hơn nữ, chưa thấy rõ KHHGĐ là trách nhiệm và quyền lợi của bản thân và gia đình. Hiện nay, dân số nước ta đã bước vào giai đoạn "cơ cấu dân số vàng" với tỉ trọng và số người trong độ tuổi lao động tăng nhanh, mỗi năm có thêm 1,5-1,6 triệu người bước vào độ tuổi lao động, đòi hỏi phải được đào tạo nghề và giải quyết công ăn việc làm.
 
Chất lượng dân số còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Chỉ số phát triển con người Việt Nam tiếp tục tăng từ 0,539 điểm (xếp thứ 120/174 nước trên thế giới) năm 1995, lên 0,733 điểm (xếp thứ 105/177 nước) năm 2007. Tầm vóc thể lực của trẻ em thanh thiếu niên và người trưởng thành đã được cải thiện so với năm 1975, nhưng các tố chất về thể lực, trí tuệ, tinh thần còn nhiều hạn chế. Tình trạng bệnh tật, nhất là bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản và bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS là rất đáng lo ngại. Rối loạn tâm trí ở trẻ em chiếm tỷ lệ cao. Vị thành niên và thanh niên không chỉ thấp bé, nhẹ cân mà còn yếu cả về sức mạnh cơ bắp, sức dẻo dai, sự bền bỉ. Quan hệ tình dục trước hôn nhân, tình trạng mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai ở vị thành niên và thanh niên có xu hướng gia tăng. Mặc dù tuổi thọ bình quân của nước ta đạt khá cao là 71,3 tuổi nhưng tuổi thọ bình quân khoẻ mạnh là rất thấp, chỉ đạt 58,2 tuổi (theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới).
 
Bên cạnh đó, bộ máy tổ chức cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ đã ổn định song vẫn còn những khó khăn nhất định. Một số tỉnh, thành phố đến nay vẫn chưa bàn giao lại trụ sở làm việc cho Chi cục DS-KHHGĐ và Trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Định biên cho Chi cục DS-KHHGĐ một số tỉnh còn thấp không tương xứng với nhiệm vụ được giao. Thời gian qua, tổ chức bộ máy làm công tác DS- KHHGĐ có nhiều biến động, dẫn đến việc thiếu cán bộ dân số có kinh nghiệm, có kỹ năng vận động cộng đồng ở địa phương. Cán bộ tuyến huyện thiếu nghiêm trọng, cán bộ cấp xã đáp ứng tiêu chuẩn còn thấp (khoảng 30%). Tình trạng đội ngũ cán bộ có thể nói là vừa thiếu về số lượng vừa yếu về nghiệp vụ chuyên môn sẽ là khó khăn lớn cho việc thực hiện các mục tiêu trong năm 2009 này.
 
 
- Trước những thách thức của công tác DS-KHHGĐ hiện nay, theo ông, Việt Nam cần chú trọng giải quyết vấn đề nào trong thời gian tới? Giải pháp trọng điểm để giải quyết những khó khăn đó và giành thắng lợi cho năm 2009?
 
- Trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp thông qua mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên ở cơ sở, tổ chức các chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ KHHGĐ/CSSKSS ở vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao. Ưu tiên về nguồn lực và trợ giúp kỹ thuật cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, cho các tỉnh chưa đạt được mức sinh thay thế nhằm đạt được mức sinh thay thế ở những khu vực này vào năm 2010.
 
Các xã vùng sâu, xa đều được phân bổ thêm kinh phí truyền thông, Trung ương đã yêu cầu các tỉnh phải bố trí đầy đủ và ưu tiên nguồn kinh phí này xuống tuyến xã. Bên cạnh đó, đảm bảo cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT) đa dạng và đầy đủ cho người sử dụng, xúc tiến tiếp thị xã hội các PTTT nhằm thu hút khách hàng có khả năng chi trả, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Trước mắt bố trí ngay nguồn ngân sách Chương trình mục tiêu quốc gia để mua PTTT cho nhu cầu năm 2009, không để tình trạng thiếu PTTT xảy ra do viện trợ của nước ngoài đã hết, chúng ta lại chưa sản xuất được phương tiện tránh thai ngoài bao cao su.
 
Chúng ta cần tập trung mọi nỗ lực đạt mục tiêu giảm sinh vững chắc nhằm đạt chỉ tiêu Quốc hội giao là 0,2%o, nhanh chóng ổn định mức sinh thay thế để ổn định quy mô dân số, tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng dân số. Một giải pháp trọng điểm nữa là khống chế tỉ lệ sinh con thứ ba và giảm thiểu việc mất cân bằng giới tính khi sinh, tiến hành ngay các cuộc điều tra, các mô hình, đề án can thiệp ở các tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao nhằm tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục. Tiếp tục tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế giải quyết vấn đề này. Trước tiên cần phải có chế tài xử lý những cơ sở siêu âm có làm dịch vụ chuẩn đoán giới tính thai nhi.
 
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các mô hình nâng cao chất lượng dân số như: khám sức khoẻ tiền hôn nhân, chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên và thanh niên, mở rộng qui mô dự án thí điểm về sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng đối với công tác DS- KHHGD. Đưa công tác DS- KHHGĐ vào các chỉ thị, nghị quyết, chương trình công tác hàng năm của chính quyền, đoàn thể , Hội đồng nhân dân các cấp. Tăng cường đầu tư nguồn nhân  lực, tài lực cho công tác DS- KHHGĐ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ DS- KHHGĐ. Xây dựng và thực hiện tốt các chính sách khuyến khích tập thể, cá nhân thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ. Quan trọng nhất là phải huy động được toàn xã hội tham gia công tác DS-KHHGĐ, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và mang tính chiến lược lâu dài.
 
Để thực hiện tốt được tất cả các vấn đề trên và đạt được các nhiệm vụ của năm 2009, theo tôi, vấn đề mấu chốt là kiện toàn bộ máy đã được ổn định, đẩy mạnh việc đào tạo cán bộ. Trước mắt, năm 2009 phải có chương trình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, ngành đào tạo là dân số và y tế, có mã ngành để chúng ta thực hiện việc tuyển cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã có đủ tiêu chuẩn là viên chức sự nghiệp y tế. Việc này đòi hỏi một lộ trình cụ thể, bên cạnh đó việc sắp xếp những cán bộ chuyên trách làm công tác DS-KHHGĐ lâu năm nay cần phải được xử lý một cách thận trọng và đảm bảo chính sách, chế độ nếu họ không còn khả năng tiếp tục làm công tác này nữa do sức khoẻ, tuổi cao, trình độ văn hoá...
 
 
- Việt Nam đang bước vào thời kỳ "dân số vàng", theo ông, cái "vàng" đó sẽ được tận dụng như thế nào để nâng cao chất lượng dân số?
 
- Từ năm 2007, cơ cấu dân số nước ta bước vào giai đoạn "cơ cấu dân số vàng" với tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đạt giá trị cực đại và tỷ lệ dân số phụ thuộc dưới 50% ("cơ cấu dân số vàng" là dân số có tỷ lệ phụ thuộc chiếm dưới 50% hoặc là nếu có 2 người trong độ tuổi lao động thì có một người ở độ tuổi phụ thuộc). Giai đoạn "cơ cấu dân số vàng" dự báo kéo dài 15 năm, từ 2007 đến 2012, là khoảng thời gian ngắn so với nhiều nước trên thế giới.
 
Đến năm 2015, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đạt giá trị cực đại, chiếm tới 68,2% dân số, tương ứng 63,4 triệu người trong độ tuổi lao động so với 94,3 triệu dân. Đồng thời, số người bước vào tuổi lao động với 1,6 triệu người mỗi năm càng tạo nên nhu cầu lớn về giải quyết việc làm. Vì vậy, giải quyết việc làm và sử dụng có hiệu quả nguồn lao động dồi dào là một thách thức đối với nền kinh tế nước ta về vấn đề dạy nghề, tạo công ăn việc làm, tăng năng suất lao động xã hội, tăng trưởng kinh tế, giải quyết vấn đề thất nghiệp, nhà ở và các dịch vụ xã hội cơ bản khác.
 
Đây là cơ hội lịch sử, để chúng ta đầu tư, tích lũy cho phát triển kinh tế - xã hội và phát triển toàn diện con người nhất là chăm sóc nhân dân và nâng cao chất lượng dân số về cả thể chất, trí tuệ, tinh thần. Để đảm bảo được tính "vàng" của dân số, một điều rất cần thiết là chúng ta phải chặn đà tăng dân số, nhưng không làm quá tả là mỗi gia đình chỉ có 1 con. Điều đó sẽ làm cho tỉ suất sinh giảm xuống nhanh chóng nhưng chắc chắn sẽ gây nên những hậu quả khó lường. Chúng ta đang vận động mỗi cặp vợ chồng có từ 1 - 2 con để tiến tới ổn định mức sinh thay thế. Công tác DS-KHHGĐ của chúng ta mang tính chiến lược, để làm sao vẫn ổn định về quy mô dân số mà không mất cân bằng về dân số, về giới tính khi sinh, tạo nên sự ổn định lâu dài.
 
Giải quyết tốt vấn đề quy mô dân số, chúng ta sẽ giải được bài toán về nguồn nhân lực, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, thúc đẩy đất nước với bước tiến vượt bậc, ổn định và cất cánh.
 
- Trân trọng cảm ơn ông!
 


5 nhiệm vụ trọng tâm cho nỗ lực đạt mục tiêu năm 2009

Chúng ta cần trung mọi nỗ lực đạt mục tiêu giảm sinh vững chắc đạt chỉ tiêu Quốc hội giao 0,2%o, nhanh chóng ổn định mức sinh thay thế để ổn định quy mô dân số, tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng dân số.
 
Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, ngành dân số cần tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm sau:
 
Một là, tiếp tục khẩn trương củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ các cấp đặc biệt là tuyến huyện, xã; đảm bảo có đủ năng lực và điều kiện thực hiện các nhiệm vụ tham mưu, điều hành và tổ chức thực hiện các chương trình và hoạt động đã hoạch định, đưa được thông tin và dịch vụ DS-KHHGĐ đến tận người dân trong thời gian tới.
 
Hai là, tập trung mọi nỗ lực, phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu về DS-KHHGĐ, về giảm tỉ lệ sinh mà Quốc hội, Chính phủ đã giao, tạo đà cho việc thực hiện công tác này trong năm 2010 tiếp theo, phấn đấu đạt cho được mục tiêu giảm tỉ lệ phát triển dân số xuống mức 1,14% và qui mô dân số dưới 89 triệu người mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X đã đề ra.
 
Ba là, triển khai tích cực các giải pháp và hoạt động trong đề án tổng thể nâng cao chất lượng dân số; định hình các mô hình hiệu quả để triển khai mở rộng trên phạm vi thích hợp trong những năm tiếp theo.
 
Bốn là, tập trung xây dựng các mô hình can thiệp tích cực nhằm hạn chế dần tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, hướng đến đưa chỉ số này về mức bình thường càng sớm càng tốt.
 
Năm là, triển khai đồng bộ các giải pháp về truyền thông chuyển đổi hành vi; nâng cao chất lượng các dịch vụ về DS-KHHGĐ; thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, khen thưởng đối với đơn vị, tập thể và cá nhân; đẩy mạnh xã hội hoá và tăng cường lồng ghép các hoạt động dân số/chăm sóc SKSS; nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành trên cơ sở hệ thống thông tin được cải thiện.

Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ
Nguyễn Bá Thủy

 Hà Thư

kimvan
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Tìm thấy thi thể 2 học sinh ở Hà Nội bị đuối nước khi bơi trên sông Hồng

Tìm thấy thi thể 2 học sinh ở Hà Nội bị đuối nước khi bơi trên sông Hồng

Thời sự - 14 giây trước

5 học sinh lớp 11 tại quận Long Biên và huyện Gia Lâm (Hà Nội) rủ nhau ra sông Hồng, đoạn dưới chân cầu Vĩnh Tuy để bơi giải nhiệt ngày nóng nóng, 2 em không may bị đuối nước tử vong.

Nam sinh lớp 12 tử vong tại bể bơi ở Hưng Yên

Nam sinh lớp 12 tử vong tại bể bơi ở Hưng Yên

Thời sự - 1 giờ trước

Người dân phát hiện một nam sinh lớp 12 bị chìm tại bể bơi Như Quỳnh center, đã sơ cứu nhưng nạn nhân tử vong sau đó.

Kết quả xổ số - KQXS hôm nay thứ Hai, ngày 29/4/2024

Kết quả xổ số - KQXS hôm nay thứ Hai, ngày 29/4/2024

Xã hội - 1 giờ trước

GĐXH - Kết quả xổ số hôm nay - KQXS thứ Hai ngày 29/4/2024: Xổ số miền Nam - XSMN, xổ số miền Trung - XSMT, xổ số miền Bắc - XSMB như thế nào? Mời độc giả cập nhật kết quả ngay dưới đây.

Công an thông tin vụ cửa hàng điện thoại chìm trong biển lửa ở TPHCM

Công an thông tin vụ cửa hàng điện thoại chìm trong biển lửa ở TPHCM

Thời sự - 2 giờ trước

Phát hiện lửa bùng phát tại kho của cửa hàng điện thoại, 3 nhân viên dùng bình chữa cháy dập lửa nhưng không thành nên tháo chạy ra ngoài.

Xe chở hơn 100 con dê gặp tai nạn, người dân kêu gọi 'giải cứu'

Xe chở hơn 100 con dê gặp tai nạn, người dân kêu gọi 'giải cứu'

Đời sống - 2 giờ trước

GĐXH - Ô tô tải gặp tai nạn khiến hơn 100 con dê trên xe chết và bị thương. Phát hiện sự việc, người dân đăng tải lên mạng xã hội, kêu gọi người khác thu mua để hỗ trợ tài xế.

Vụ truy sát trong đêm và phát súng giữa đèo (P1): Những gã giang hồ cộm cán

Vụ truy sát trong đêm và phát súng giữa đèo (P1): Những gã giang hồ cộm cán

Pháp luật - 3 giờ trước

GĐXH - Một đêm tháng 4/2017, đường Ngô Gia Tự (TP. Nam Định, tỉnh Nam Định) chìm trong những ánh đèn đường vàng oạch, mờ ảo. Từ phía góc khuất bất ngờ xuất hiện 1 người đàn ông loạng choạng, vừa chạy vừa lấy tay đè vào vết thương chảy máu xối xả. Trong đêm tối, vang lên nhưng tiếng hò hét, khuấy động cả một con phố nhỏ.

Năm 2024, không cần hộ chiếu (passport) công dân Việt Nam có thể đến những nơi này của Trung Quốc

Năm 2024, không cần hộ chiếu (passport) công dân Việt Nam có thể đến những nơi này của Trung Quốc

Xã hội - 3 giờ trước

GĐXH – Không cần đến hộ chiếu (passport) hay visa (thị thực), người dân Việt Nam có thể nhập cảnh đến những địa điểm này của Trung Quốc.

Cao tốc tắc kéo dài, người dân bỏ xe xuống đường đứng

Cao tốc tắc kéo dài, người dân bỏ xe xuống đường đứng

Thời sự - 4 giờ trước

Hiện cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên chiều đi Thái Nguyên đang xảy ra ùn tắc kéo dài. Thời điểm 9h30, ùn tắc khiến 3 làn xe kéo dài gần như đứng yên trên đường. Nhiều người nóng ruột và trên xe ngột ngạt, nắng nóng đã phải xuống đường đứng.

Cùng bạn đi tắm sông, nữ sinh lớp 12 trường nghề đuối nước tử vong

Cùng bạn đi tắm sông, nữ sinh lớp 12 trường nghề đuối nước tử vong

Thời sự - 5 giờ trước

Một nữ sinh lớp 12 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Đô Lương (Nghệ An) cùng bạn đi tắm sông không may bị đuối nước tử vong.

Những trường hợp cần sang tên sổ đỏ mà mọi người dân nên biết để đảm bảo quyền lợi của chính mình

Những trường hợp cần sang tên sổ đỏ mà mọi người dân nên biết để đảm bảo quyền lợi của chính mình

Pháp luật - 5 giờ trước

GĐXH - Theo chuyên gia, có thể hiểu sang tên sổ đỏ là việc thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai. Những trường hợp phải thực hiện đăng ký biến động đất đai được quy định rất cụ thể tại Điều 133, Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ 1/1/2025).

Top