Chuyện lạ ở Quảng Nam: Rú ga phạt 50 ngàn, nói bậy 200 ngàn…
Bà con nói nửa thật nửa đùa rồi có ngày, luật phạt sẽ nhiều hơn người trong làng này. Người say rượu, trộm cắp, tảo hôn, hay thậm chí mang nhầm đôi dép không chịu trả cũng bị phạt, từ mức cảnh cáo cho đến tiền triệu. Ngôi làng kỳ lạ ấy là A Riêu (xã Tr’Hy, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), nằm cô lập giữa rừng già Trường Sơn.
Cả làng ghét thói xấu
Làng A Riêu chỉ vỏn vẹn hơn ba chục nóc nhà, nằm quây quần bên nhau giữa khu đất san bằng lưng chừng núi. Mùa nắng, từ trung tâm xã Tr’Hy chạy xe máy vào mất chừng một tiếng, nhưng phải những tay lái thật cừ, thuộc từng khúc ngoặt khuỷu tay, con dốc dựng đứng mới dám đi. Còn mùa mưa thì cả làng bó gối. Xe máy không đi được, lội bộ mất nửa ngày trời. Đường đã nhỏ chỉ một người đi, bị mưa xối nước nhão nhẹt, trơn trượt, chẳng may sa chân thì chỉ có nước xuống vực. Bà con kể, mùa mưa đi bị rớt hoài, còn người lạ vào làng thì đường khô đến mấy cũng ngã, chỉ vì ngợp quá.
Hôm đến làng, anh dân quân xã hỏi nhỏ: “Chị muốn biết làng nguyên tắc thế nào không?”. Chưa kịp trả lời thì anh rồ ga thật mạnh giữa sân, phi thẳng lên con dốc. Như phản xạ, những mái đầu từ ô cửa nhà sàn ló ra, trưởng thôn Zơ Râm A Lưng quát: “Không biết rú ga bị phạt bao nhiêu hả?”. Anh dân quân xã cười to, giải thích, chỉ là “chứng minh” cho sự nghiêm khắc của làng thôi! Trưởng thôn Lung kể, trước đây thanh niên mua được chiếc xe máy là nẹt pô suốt ngày đêm, ồn ào không chịu được, thế nên làng quyết phải phạt để răn đe, để mọi người ý thức hơn trong việc giữ gìn trật tự. Mới đây, Zơ Râm Ngó rú ga gây ồn ào bị phạt 50 ngàn đồng, còn phải đứng ra nhận lỗi trước sự có mặt đông đủ của cả làng. Ngó nhớ lại: “Khi ấy không có tiền nộp phạt, phải vay bà con rồi đi rẫy suốt mấy ngày kiếm tiền về trả nợ, cực lắm. Nhưng phải phạt vậy, mình với cả mấy anh em trong làng mới chừa”.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ nằm phía cuối làng, bà con bưng ra hũ rượu sâm ba kích, mỗi người nhấm nháp một ly, cho đến giờ cơm thì về. Cạn ly cuối cùng, anh Cơ Lâu Vũ giải thích: “Có khách quý bà con mới ngồi uống lâu đến vậy, chứ bình thường không có đâu, uống say, quậy phá là bị phạt 150 ngàn liền”. Như để minh chứng, anh Vũ chỉ tay về phía nhà Zơ Râm Liên (22 tuổi), người vừa phạt vì tội uống say, gây gổ với một số người trong làng cách đây 3 tháng.
Người A Riêu hiền lành chất phác, sống ngay thẳng, biết ai có tấm bụng xấu, gian xảo là phải trị ngay. Từ những chuyện nhỏ nhặt như mang nhầm dép, biết mà cố tình không chịu trả bị phạt thấp nhất là cảnh cáo trước cả làng, cho đến trộm cắp tài sản, phải đền bù theo yêu cầu của người bị mất. Câu chuyện cách đây vài năm về một gia đình gom góp, chắt chiu được 12 triệu đồng, trong một đêm bỗng dưng biến mất làm cả làng ghét cái xấu vô cùng. Thế nên, dù nhỏ, dù lớn, đã ăn cắp thì người mất “tuyên án” gấp năm, gấp bảy lần cũng phải trả.
Quan hệ ngoài luồng: tột khung!
Nhưng đó chỉ là những mức phạt khá nhẹ so với tội tảo hôn. Cứ cưới sớm bao nhiêu năm, phạt bấy nhiêu tiền, người trong làng, hay làng khác vi phạm đều phải nộp phạt. Trong căn nhà xập xệ, ông Cơ Lâu Nhia (50 tuổi) vẫn chưa hết buồn rầu vì đứa con gái Cơ Lâu Thị Nhếch bất chấp khuyên can đã lấy chồng tháng trước. Nhếch năm nay chưa tròn 17, đem lòng thương A Ting Vối ở làng bên, năm nay đã ngoài 20. Biết lệ làng, vợ chồng ông khuyên răn đủ đường nhưng Nhếch không màng đến, quyết về làm vợ người ta. Ngày đằng trai đưa lễ vật đến nhà, cả làng biết chuyện, phạt ngay A Ting Vối 1,5 triệu đồng. Ông Nhia nói: “Phải phạt cho kinh, đã biết lệ làng mà còn làm trái. Con mình đấy, nhưng mình cũng mong làng phạt để làm gương cho mấy đứa em sau này. Phạt thế còn nhẹ lắm!”. Ông Nhia chẳng biết phây-búc là gì, nhưng tối nào cũng cấm mấy đứa con không được chơi, vì chị gái chúng cũng vì lên “phây” mới quen biết, chát chít rồi nghe người ta ngon ngọt mà theo về làm vợ.
A Riêu người ít, có 153 nhân khẩu, nhưng tình nghĩa thì nhiều. Đã cưới nhau thì phải ở với nhau cả đời, không vì lý do gì mà được phép bỏ chồng, bỏ vợ. Trưởng thôn Zơ Râm A Lưng bảo trước nay chưa có cặp vợ chồng nào bỏ nhau, cũng không ai dám ngoại tình. Ghét trộm cắp một, thì bà con ghét quan hệ ngoài luồng tới mười, thế nên hôm thảo luật phạt, cả làng nhất trí tội này phạt ở mức… tột khung. Hỏi A Lưng vậy “ác” quá không? Ngoại tình có thể sửa được, chứ… tử hình người ta tàn nhẫn quá? A Lưng xua tay: “Tột khung là phải cúng làng một con trâu thật to!”. Lưng giải bày, ở đây mà mua được một con trâu thì phải bán sạch, từ nhà cửa, chiêng, ché cho tới bò, gom gần 40 triệu may ra mua được. Giữa làng này, dễ có nhà nào gom được nửa số đó.
Cả làng cùng… thảo luật
Biết làng mình biệt lập với bên ngoài, nhận thức người dân không cao, nếu suốt ngày tuyên truyền “chay” chính sách của Nhà nước thì bà con chẳng mấy người hiểu. Năm 2012, cán bộ làng bàn nhau phải đưa ra một bảng quy ước riêng cho làng, vừa cụ thể, vừa dễ hiểu để mọi người sống nghiêm túc, nề nếp hơn. Ngay sau đó, một cuộc họp được triệu tập ngay trong đêm. Bà con xưa nay chỉ biết bàn chuyện thời tiết, mùa màng, nương rẫy, nay được mời đi họp để lấy ý kiến thảo luật nên ai cũng mắt tròn mắt dẹt, nhưng đến đủ cả.
Trưởng thôn A Lưng thông báo nay về sau, ai vi phạm sẽ bị phạt tiền, không chỉ nhắc suông như trước nữa. Rồi anh đọc các mức phạt, thấp nhất 500 ngàn đồng cho tới vài triệu. Đến khi biểu quyết, chỉ có 20% “đại biểu” đồng ý. Mấy anh hay uống rượu thì nổi sùng lên, vặn lại: “Cán bộ có dám chắc mình không uống rượu không, uống vào có chắc tỉnh táo không mà đòi phạt đến mấy triệu?”. Số còn lại đề xuất hạ thấp mức phạt xuống, để người dân ai cũng có thể thực hiện, phạt nặng quá, coi chừng không răn đe được mà họ làm liều cũng nên. Tối ấy, cuộc họp sôi nổi đến tận khuya bà con mới chịu về.
Cán bộ thôn lần nữa phải đính chính lại khung phạt, hạ xuống thấp hơn so với ban đầu. Cụ thể: say xỉn 150 ngàn; nẹt pô 50 ngàn; nói tục, chửi bậy 200 ngàn; tảo hôn sớm một tháng phạt 100 ngàn… Riêng trường hợp ngoại tình bị phạt nặng nhất, phải cúng làng một con trâu thật to. Hôm sau, bà con lại được triệu tập ở gươl để thông qua luật. Bà con nghe xong thấy mức ấy hợp lý, giơ tay tán thành trăm phần trăm. Già làng Zơ Râm Breo thẳng thắn: “Luật đã ban thì không chừa một ai, người dân, cán bộ, hay người nơi khác đến đã vi phạm là phải phạt. Làng phạt thì phải nộp tiền, không có chuyện nương tay”. Khung phạt trên cũng được trình lên UBND xã Tr’Hy, được xã tán thành và ủng hộ.
Ngay ngày hôm sau, A Riêu như thay luồng khí mới, khoảng sân giữa làng không còn những pha phóng xe rồi phanh gấp để xoay tròn như trình diễn trên tivi. Không nghe tiếng nẹt pô khó chịu, thanh niên gặp nhau biết chào hỏi bằng những câu nói đùa mộc mạc, dễ thương. Trong những mái nhà sàn, ông chồng ít uống rượu lại, biết đỡ đần vợ khi khó nhọc chứ không văng tục, chửi bậy như trước. Sau ba năm triển khai, đến nay có hơn 10 trường hợp vi phạm, số tiền thu được sung vào quỹ của thôn để thăm hỏi người bệnh, giúp các em nhỏ khó khăn đến trường.
Ông Zơ Râm Tý, trưởng công an xã Tr’Hy, nói: “Cả xã có 7 thôn, nhưng chỉ mỗi A Riêu mạnh dạn thảo và thực thi luật riêng của mình. Khi nghe cán bộ thôn đề xuất, chúng tôi khá bất ngờ nhưng thấy rất khả thi, và hiệu quả nên đồng ý. Bằng chứng là ba năm nay, người dân A Riêu sống yên bình và nghiêm túc hơn trước rất nhiều, không còn đánh nhau, trộm cắp. Hiện tại, các thôn khác cũng đang học tập A Riêu để xây dựng nếp sống văn hóa, lành mạnh”.
Theo Thanh Trần - Đào Phan (Tiền Phong)
Truy tìm gã đàn ông nhận gần 2 tỉ đồng của nhiều người rồi bỏ trốn
Pháp luật - 2 giờ trướcGĐXH - Nguyễn Tuấn Ninh bị tố giác có hành vi nhận tiền của nhiều người để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không thực hiện. Sau đó, Ninh bỏ trốn và chiếm đoạt số tiền 1,75 tỉ đồng,
Hà Nội: Xác định niên đại gần 150 bộ hài cốt được phát hiện trên phố Tây Sơn
Đời sống - 2 giờ trướcGĐXH - Khoảng 150 bộ hài cốt được phát hiện trong quá trình thi công, cải tạo hệ thống thoát nước ở ngõ 167 phố Tây Sơn là của những người dân và đã có từ khoảng 50-70 năm về trước.
Hiện trường phát hiện 150 bộ hài cốt ở Hà Nội
Thời sự - 3 giờ trướcNhiều bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo đường và hệ thống thoát nước ngõ 167 Tây Sơn (quận Đống Đa, Hà Nội) được di dời trong đêm.
Điểm mới trong kì thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội
Giáo dục - 3 giờ trướcThêm địa điểm, tăng thời gian tổ chức... là những điểm mới tại kì thi đánh giá độc lập do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức năm 2025.
Khẩn trương tìm kiếm Chủ tịch Hội nông dân xã mất liên lạc
Pháp luật - 4 giờ trướcGĐXH - Hơn 30 người gồm lực lượng của xã cùng sự hỗ trợ của lực lượng chức năng huyện đang tìm kiếm ông P. tại khu vực bờ sông nhưng đến sáng 22/11 vẫn chưa có kết quả.
Tiếp tay cho người nước ngoài cư trú bất hợp pháp, nữ idol livestream lãnh 2 năm 6 tháng tù
Pháp luật - 5 giờ trướcThông qua việc là idol trên mạng xã hội Douyin, Nguyễn Thùy Dương quen Zheng Ren Gui rồi tiếp tay cho người này phạm pháp.
Công an bắt quả tang nhóm khách cùng nữ tiếp viên quán karaoke bay lắc
Pháp luật - 5 giờ trướcVào quán karaoke để hát nhưng chưa đủ độ "phê" nên các đối tượng mua ma túy về bay lắc cùng các nữ tiếp viên của quán.
Sinh viên trộm xe ôtô của nữ giảng viên trong ngày 20-11
Pháp luật - 5 giờ trướcNgày 20-11, để ôtô trong khuôn viên trường đại học, một cô giáo bị sinh viên lấy trộm xe
Quy định mới nhất về khám sức khỏe với lái xe từ 1/1/2025, nhiều điểm mới người dân lưu ý gì?
Đời sống - 6 giờ trướcGĐXH - Theo dự thảo Thông tư về tiêu chuẩn sức khỏe và việc khám sức khỏe cho người lái xe đang được Bộ Y tế xây dựng, từ ngày 1/1/2025 sẽ có nhiều điểm mới.
Năm 2024, ngành Y học chính thức có 3 giáo sư và 68 phó giáo sư được công nhận
Giáo dục - 6 giờ trướcHội đồng Giáo sư Nhà nước vừa chính thức công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024 cho 614 nhà giáo.
Khẩn trương tìm kiếm Chủ tịch Hội nông dân xã mất liên lạc
Pháp luậtGĐXH - Hơn 30 người gồm lực lượng của xã cùng sự hỗ trợ của lực lượng chức năng huyện đang tìm kiếm ông P. tại khu vực bờ sông nhưng đến sáng 22/11 vẫn chưa có kết quả.