Hà Nội
23°C / 22-25°C

Đẩy lùi nỗi ám ảnh “bàn chân voi” ở bà bầu

Thứ hai, 10:27 29/02/2016 | Dân số và phát triển

GiadinhNet - Phù nề chân hay còn gọi là “bàn chân voi” là tình trạng thường gặp ở phụ nữ mang thai, nhất là trong giai đoạn 3 tháng cuối của thai kỳ. Phù nề gây khó khăn cho thai phụ trong việc di chuyển và vận động. Các chuyên gia khuyên: Tập thể dục thường xuyên kết hợp ăn uống hợp lý, đủ chất dinh dưỡng có thể làm giảm chứng phù nề cho các bà bầu.

Các chuyên gia khuyến cáo, thai phụ nên vận động thường xuyên kết hợp ăn uống hợp lý để giảm nguy cơ mắc hội chứng “bàn chân voi”. Ảnh minh họa
Các chuyên gia khuyến cáo, thai phụ nên vận động thường xuyên kết hợp ăn uống hợp lý để giảm nguy cơ mắc hội chứng “bàn chân voi”. Ảnh minh họa

“Nặng nề” hơn với đôi “bàn chân voi”

Mang thai con đầu lòng đến tháng thứ 7, chị Trần Thị Phượng (quê Ninh Bình) bắt đầu cảm thấy những bước đi trở nên nặng nề hơn. Chị vừa phải đi sắm một đôi giày khác để phù hợp với đôi “bàn chân voi” bị phù nề của mình. Chị cho biết, đôi chân không chỉ to lên về kích thước mà nó còn khiến chị bị đau mỏi, đôi khi là cảm giác tê buốt ở phía dưới bàn chân.

“Tôi đã tham khảo ý kiến của các bác sỹ và được biết, phù chân là hiện tượng hay xuất hiện ở những tháng cuối của quá trình mang thai. Thế nhưng, nhìn đôi chân hiện tại của tôi chẳng khác nào chân voi khiến tôi thấy tự ti khi giao tiếp cũng như “lười” di chuyển. Hiện tại, tôi không muốn dùng bất cứ loại giày dép nào mà chỉ muốn để đôi bàn chân trần cho thoải mái”, chị Phượng tâm sự.

Chia sẻ về chứng phù chân ở phụ nữ mang thai, PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên Đại học Y dược TP HCM cho biết, hai yếu tố quan trọng gây ra phù chân ở phụ nữ mang thai là sự cản trở máu trở về tim do có thai, càng về những tháng cuối thai nhi sẽ lớn dần làm tăng áp lực trong ổ bụng và tạo nên một lực ép khá lớn lên các tĩnh mạch vùng chậu làm cho máu khó chảy trở về tim. Yếu tố thứ hai là sự rối loạn của các nội tiết tố phụ nữ trong thời kỳ mang thai cũng làm giãn thành của tĩnh mạch, góp phần vào sự ứ trệ tuần hoàn và làm máu về tim khó khăn hơn.

PGS.TS Nguyễn Hoài Nam phân tích: Hai yếu tố này làm máu ứ trệ trong lòng của tĩnh mạch chân, tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch và thoát dịch ra ngoài gây phù nề. Nếu không được điều trị kịp thời càng gần đến ngày sinh, thai phụ càng bị phù nhiều hơn và các van tĩnh mạch cũng như hệ thống tĩnh mạch chi dưới bị suy giãn ra và không hồi phục ngay cả sau khi sinh.

Bên cạnh đó, thai phụ phải đứng làm việc hoặc ngồi lâu trong một thời gian dài; thói quen mang giày cao gót hoặc thường xuyên mặc quần áo chật cũng là nguyên nhân khiến chân dễ bị phù nề.

Ngoài ra, đối với phụ nữ khi mang thai, lượng máu sẽ tăng thêm 50% nên cơ thể cũng cần tăng chất điện giải, giữ cân bằng các hóa chất trong hàm lượng chất lỏng tăng thêm. Trong khi đó, kali giúp duy trì chất lỏng và chất điện giải trong tế bào cơ thể. Vì vậy, thiếu kali cũng là một trong những nguyên nhân khiến bàn chân dễ bị phù.

Cần vận động thường xuyên và ăn uống hợp lý

Theo tư vấn của các chuyên gia, để hạn chế việc bị phù chân ở phụ nữ mang thai, tập thể dục đều đặn, ăn uống hợp lý để nâng cao sức khỏe là những phương pháp đơn giản mang lại hiệu quả cao đối với thai phụ.

Trước hết, với những thai phụ bị phù chân ở những tháng cuối gần ngày sinh, cần thường xuyên thay đổi tư thế cơ thể như tránh đứng hoặc ngồi quá lâu tại một vị trí. Điều này sẽ khiến máu bị dồn ứ và khó lưu thông. Bên cạnh đó, kết hợp tập các môn thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, yoga… sẽ giúp quá trình lưu thông máu trong cơ thể dễ dàng hơn.

Ngoài ra, dùng nước ấm để ngâm chân khoảng 10-15 phút mỗi ngày nhất là vào buổi tối trước khi đi ngủ vừa giúp đôi bàn chân được thoải mái, giảm sưng phù vừa giúp thai phụ có giấc ngủ ngon hơn, tránh bị “chuột rút” hoặc tê chân trong khi ngủ. Hơn nữa, có thể kết hợp massage cho đôi bàn chân như xoay tròn cổ chân theo một vòng tròn lớn và gập bàn chân lại, tiếp theo là xoay từng ngón chân theo chiều kim đồng hồ. Tập đều đặn mỗi ngày 2 - 3 lần, mỗi lần trong 10 phút sẽ góp phần giảm sưng chân và tê chân ở thai phụ.

Bên cạnh tập luyện, các chuyên gia khuyến cáo, bà bầu nên quan tâm hơn đến chế độ dinh dưỡng cho cả mẹ và thai nhi trong bụng. Nếu bị phù nề, cần bổ sung kali vào thực đơn hàng ngày. Một số món ăn giàu kali có thể ăn như rau xanh, thịt gà, thịt đỏ, cá, sữa, sữa chua, sản phẩm từ đậu nành và các loại hạt. Đồng thời, thai phụ phải đảm bảo uống đủ nước (2 lít/ngày) để giúp các hệ tiêu hóa, tiết niệu hoạt động tốt, phòng tránh được quá trình tích trữ chất lỏng, gây phù.

Không nên ăn các loại thực phẩm hay món ăn có chứa lượng muối lớn vì ăn mặn sẽ làm tăng áp lực lên thận. Hạn chế các thực phẩm dễ gây đầy hơi (khoai lang, khoai tây, gạo nếp…) và các loại đồ uống có chứa cồn, bởi chúng có thể làm gia tăng chứng phù nề ở cơ thể bà bầu.

Một lưu ý nữa đối với thai phụ là tránh mặc quần áo chật, tránh đi tất, giày chật, đặc biệt là những đôi giày, tất thít chặt cổ chân vì nó càng làm cho hiện tượng phù nề gia tăng. Thai phụ nên chọn những loại giày dép thoải mái, nhiều lỗ thoáng và đế thấp. Nên tháo giày hay dép thường xuyên để giúp đôi chân thoải mái, tăng cường lưu thông máu và giảm nguy cơ phù nề.

Các chuyên gia lưu ý, đối với các thai phụ có tiền sử mắc bệnh mạn tính như tim, thận, tăng huyết áp mà phù chân thì cần phải hết sức cẩn thận. Đối với mẹ thì có thể gây tử vong, đối với thai nhi thì chậm phát triển trong tử cung và nguy cơ chết lưu. Do vậy, cần kiểm tra thường xuyên để phát hiện sớm ở giai đoạn nhẹ, giảm bớt phù nề và tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cho cả mẹ và con.

Cẩn trọng suy tĩnh mạch sau sinh

Theo PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên Đại học Y dược TPHCM, sau khi sinh, phù chân sẽ giảm đi nhiều do giảm đáng kể áp lực trong ổ bụng làm cho máu chảy về tim dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, nếu trong quá trình mang thai không được điều trị đúng mức, các van tĩnh mạch có thể bị đóng không kín, thành tĩnh mạch đã bị giãn nên để lại các di chứng cho bệnh nhân. Càng về sau, máu bắt đầu ứ trệ ở chân gây ra các triệu chứng đau chân, phù chân, chuột rút về đêm hoặc nặng hơn là giãn các tĩnh mạch nông, gây rối loạn sắc tố da và loét dinh dưỡng. Theo nhiều công trình nghiên cứu khoa học trên thế giới và ở Việt Nam, tỷ lệ suy tĩnh mạch sau khi sinh khá cao, nhất là sau sinh từ lần thứ hai trở đi. Những sản phụ tăng cân quá nhiều, thai nhi quá lớn thì có nguy cơ bị suy tĩnh mạch khá cao. Do vậy, cần phải được điều trị kịp thời ngay từ tháng thứ ba của thai kỳ để tránh gây hại về sau.

Mai Thùy/Báo Gia đình & Xã hội

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Bị thủy đậu khi mang thai nguy hiểm thế nào?

Bị thủy đậu khi mang thai nguy hiểm thế nào?

Dân số và phát triển - 2 ngày trước

Tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc thủy đậu không cao hơn so với mặt bằng chung tỷ lệ mắc bệnh thủy đậu ở người lớn, tuy nhiên mức độ nghiêm trọng của bệnh thường nặng nề hơn.

Nghệ An tổ chức Hội thi 'Người cao tuổi sống vui, sống khoẻ'

Nghệ An tổ chức Hội thi 'Người cao tuổi sống vui, sống khoẻ'

Dân số và phát triển - 2 ngày trước

GĐXH - Hội thi là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao vai trò trách nhiệm cho cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân về chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về người cao tuổi. Đồng thời, khẳng định vai trò, sự cống hiến của người cao tuổi đối với mọi mặt của đời sống...

Ung thư buồng trứng có chữa được không?

Ung thư buồng trứng có chữa được không?

Dân số và phát triển - 4 ngày trước

Ung thư buồng trứng là căn bệnh thường tiến triển âm thầm và triệu chứng không rõ ràng khiến nhiều người chủ quan, khi đi khám đã ở giai đoạn muộn. Vậy ung thư buồng trứng có chữa được không, làm thế nào để phát hiện sớm?

Có phải trẻ béo phì dễ dậy thì sớm?

Có phải trẻ béo phì dễ dậy thì sớm?

Dân số và phát triển - 4 ngày trước

Trẻ béo phì có nguy cơ cao dậy thì sớm hơn so với trẻ có cân nặng bình thường. Vậy nguyên nhân tại sao trẻ béo phì lại dễ bị dậy thì sớm và có thể phòng ngừa được không?

Phụ nữ mang thai bị đa ối nên điều chỉnh chế độ ăn như thế nào?

Phụ nữ mang thai bị đa ối nên điều chỉnh chế độ ăn như thế nào?

Dân số và phát triển - 5 ngày trước

Đa ối là khi lượng nước ối vượt quá mức bình thường ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và bé. Mặc dù chế độ ăn không phải là yếu tố quyết định duy nhất nhưng việc điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng này.

Giảm nguy cơ sinh non khi bà mẹ được quản lý thai nghén đầy đủ

Giảm nguy cơ sinh non khi bà mẹ được quản lý thai nghén đầy đủ

Dân số và phát triển - 5 ngày trước

Nguy cơ sinh non sẽ được giảm thiểu tối đa nếu thai phụ được khám thai và thực hiện sinh tại cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện kỹ thuật cùng đội ngũ y bác sỹ trợ giúp.

Hải Phòng triển khai đồng bộ nhiều hoạt động giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng

Hải Phòng triển khai đồng bộ nhiều hoạt động giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng

Dân số và phát triển - 6 ngày trước

GĐXH - Với phương châm "đưa chính sách đến gần dân," xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng triển khai đồng bộ nhiều hoạt động giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng (chăm sức khỏe sinh sản, hỗ trợ người cao tuổi) và phát huy vai trò của đội ngũ cộng tác viên dân số.

Bổ ích hội thi rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về dân số và chăm sóc sức khoẻ sinh sản

Bổ ích hội thi rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về dân số và chăm sóc sức khoẻ sinh sản

Dân số và phát triển - 6 ngày trước

GĐXH - Hội thi giúp cho học sinh nâng cao những kỹ năng hoạt động, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên. Đồng thời, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để học sinh thể hiện tài năng, trí tuệ, sự sáng tạo.

Gần 150.000 em bé chào đời nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm

Gần 150.000 em bé chào đời nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm

Dân số và phát triển - 6 ngày trước

Sau 25 năm, Việt Nam có gần 300.000 chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện, 147.000 em bé ra đời khoẻ mạnh. Trong đó, có gần 3.000 trẻ được chào đời tại Bệnh viện Hùng Vương nhờ kỹ thuật IVF.

5 biểu hiện cho thấy bạn đã mắc hội chứng ống cổ tay

5 biểu hiện cho thấy bạn đã mắc hội chứng ống cổ tay

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Hội chứng ống cổ tay là tình trạng phổ biến trong cộng đồng. Hiện số người mắc hội chứng này ngày càng tăng do liên quan đến công việc có sử dụng nhiều tới độ linh hoạt, tỉ mỉ và lặp đi lặp lại của cổ tay.

Top