Lái xe Nguyễn Văn Hải, trưởng tuyến 39 của công ty buýt Thăng Long có thâm niên gần 20 năm lái xe, cho biết dân lái xe buýt phải học hành và thử thách thực tế rất nhiều trước khi được chính thức cầm lái, quyết định sinh mạng hàng chục con người trong môi trường giao thông dày đặc như ở Thủ đô.
Để được ngồi sau vô lăng của những chiếc xe buýt, hầu hết anh em lái xe phải đạt đến mức “kịch bằng”. Người ta thường nói rằng nghề ngồi sau tay lái nhiều rủi ro, riêng đối với tài xế xe buýt còn thêm nhiều sức ép.
|
Anh Phùng Văn Thận đến giờ cũng chưa hết bàng hoàng khi kể lại lúc mình bị đánh. |
Sểnh ra là bị phạt
Đã nhiều lúc chán chường với cái nghiệp cầm lái, nhưng nghĩ đi nghĩ lại anh Hải vẫn cầm lái cho đến bây giờ. Sống lầm lũi một mình ở cái ngõ nhỏ trên đê Yên Phụ, anh Hải vẫn sáng đi không ai hay, tối về không ai biết. Ngày cuối tuần, hơn 8h tối anh mới đi làm về. Lục tục mở tủ lạnh kiếm cái bỏ bụng, anh nói: “Lúc nào hết thức ăn, con gái lại đến chất cho một tủ lạnh đầy rau với thịt, chả cần chợ búa gì”.
Lái xe Nguyễn Văn Hải: "Cũng có ông chạy ẩu, vô trách nhiệm đã ảnh hưởng đến hình ảnh người lái xe buýt chúng tôi. Tài xế xe buýt đang bị stress nặng. Hễ có tai nạn liên quan đến xe buýt chưa rõ nguyên nhân là lại có dư luận “thằng lái xe chạy ẩu”, “hung thần””. |
Nói về nỗi vất vả của cánh tài xế xe buýt ở Hà Nội, anh Hải tâm sự: “Không cần nói đâu xa xôi, như chúng tôi đây, lượt chạy đầu tiên trong ngày bắt đầu lúc 5h sáng, thì tài xế phải có mặt ở bãi đỗ xe trước 15 phút để bàn giao xe. Ai nhà gần còn tranh thủ ngủ thêm được chút, nhà xa như tôi, nếu chạy lượt đầu, hơn 3h sáng phải chui ra khỏi giường thì mới kịp. Đến muộn, hay tranh thủ tấp xe vào đường ăn sáng khi chưa đến giờ cũng bị phạt. Phạt nặng. Có những trường hợp anh em đỗ xe sai quy định chỉ vì tranh thủ ăn sáng mà bị phạt đến 1 triệu đồng”. Chúng tôi tỏ ý nghi ngờ, anh Hải phân trần: “Nếu lái xe vi phạm, phạt nóng 300.000 đồng, rồi trừ thưởng tháng, quý, năm, còn quá tiền triệu ấy chứ”.
Tháng 5/2004, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội được thành lập, đi kèm theo đó nhiều tuyến xe buýt được lắp đặt thiết bị định vị (Tacho) với với quyết tâm “phủ sóng” toàn bộ mạng lưới xe buýt bằng hệ thống định vị này. Qua hệ thống GPS, lắp “hộp đen” có thể phát hiện được lái xe bỏ điểm dừng đỗ, xuất phát không đúng giờ, vượt tốc độ. Nhưng qua thực tế hoạt động, loại hình quản lý này cũng phát sinh một số vấn đề.
|
Ở một mình, cái điện thoại là phương tiện để anh Hải (trưởng tuyến 39) liên lạc với mọi người. |
Anh Hải than thở: “Tacho đã vô tình làm “khổ” anh em lái xe chúng tôi. Xí nghiệp áp dụng giám sát và phạt dựa theo những vi phạm mà Tacho báo về. Vận tốc tối đa của xe buýt là 40km/h, vận tốc qua điểm dừng không quá 10km/h. Về nhanh không được, chậm cũng không. Nếu chạy đúng nội quy của công ty đề ra để không dính lỗi mà Tacho báo về thì người lái xe không bao giờ về bến kịp giờ, ít nhất phải chậm từ 15-30 phút một chuyến”. Đó là chưa kể tuyến dài. Không tán thành quy chế của công ty, chính anh Hải đã mời cả chuyên gia, giám sát ngồi lên xe để chạy thử. Quả thực chạy đúng nội quy phải muộn đến 20 phút. Bất hợp lý là thế nhưng nội quy vẫn cứ được áp dụng.
Anh Hải cho chúng tôi xem một tập báo cáo vi phạm của Tacho ghi về trong một tháng của mình. Không ngày nào không vi phạm cả. Vị tài xế lâu năm này ngao ngán: “Nếu để kịp giờ công ty quy định, tuyến 39 chúng tôi phải bỏ qua các điểm dừng. Không dính lỗi này thì lỗi khác. Đường nào cũng vi phạm, đường nào cũng bị phạt”. Phải chăng đây chính là một trong những nguyên nhân để xe buýt trở thành “hung thần” đường phố?
Những chuyến xe định mệnh
Anh Phan Tiến Dũng, lái xe tuyến 01 cho Hanoi buýt, gần 20 năm làm nghề không thể nhớ nổi đã hứng bao nhiêu câu nói, hành động ngang trái của những hành khách thiếu văn hóa. “Có lẽ hiếm lái xe nơi nào trên thế giới lại bị áp lực như lái xe buýt ở Hà Nội. Vừa lo giờ giấc, lại sợ cả những kẻ kém ý thức khi tham gia giao thông, rồi tắc đường, mất cắp, lậu vé... Rồi tai nạn là điều không thể không xảy đến”.
|
Anh Phan Tiến Dũng: “Taccho đã gây khó khăn cho cánh lái xe chúng tôi”. |
Dù nguyên nhân nào, nghiệp tài xế xe buýt vẫn không khỏi nặng lòng trước những người phải chết dưới bánh xe mình. Anh Phạm Tuấn Đ, lái tuyến 02 Bác Cổ- Ba La gây tai nạn chết người. Chiếc xe máy Attila của nạn nhân đi cùng chiều với một xe máy khác va chạm vào nhau và nạn nhân đã ngã vào bánh sau xe buýt dẫn đến tai nạn. Rồi chiếc xe buýt mang biển số 30F – 0275 tuyến 201 Viện 105 – Kim Mã của Xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội và chiếc xe máy mang biển số 35N4 – 1598 đi cùng chiều. Khi đến điểm dừng, chiếc xe buýt lách vào thì va quệt với người điều khiển xe máy, làm người điều khiển ngã văng vào bánh sau xe buýt và chết tại chỗ. Mới đây nhất là việc bà Lê Thị Mát, 66 tuổi, vừa bước chân phải xuống, chân còn lại ở trên xe thì tài xế đóng cửa cho xe chạy. Chân phải của bà bị bánh sau xe buýt chèn dập nát... Có thể kể ra rất nhiều tai nạn thương tâm do xe buýt gây ra trong vài năm trở lại đây.
Giới tài xế xe buýt không phủ nhận có những tai nạn do người cầm lái. Chỉ một khoảnh khắc lơ đãng, phân tâm, hay cẩu thả là đủ dẫn đến tai nạn thảm khốc. Với những trường hợp này, người lái xe không chỉ nhận bản án của pháp luật mà còn có bản án của lương tâm đeo đẳng suốt đời.
Stress!!!
Văn hóa của người tham gia giao thông ở thành phố này nhiều lúc làm anh em lái xe bức xúc cao độ. Anh Phan Tiến Dũng kể rằng, tuyến 01 của các anh chạy qua đoạn Phùng Hưng, chỗ đó là địa điểm ăn nhậu của nhiều người. Đến giờ cao điểm, xe đậu lộn xộn gây tắc đường nên tình trạng buýt về muộn giờ xảy ra như cơm bữa. “Có những chiếc ô tô giá trị hàng tỷ bạc, đậu ngang nhiên chắn hết đường, chúng tôi có ý kiến là chủ xe đòi đánh, lăng mạ cánh lái xe thậm tệ. Đụng vào thì tiền đâu mà đền. Anh em tuyến 01 nói vui với nhau rằng, đi vào giờ cao điểm qua đoạn đường đó căng thẳng như “đấu súng””, anh Dũng nói.
Cánh lái xe ai cũng biết việc anh Hải từng xô ngã một khách từ trên xe xuống đường. Nhắc lại chuyện cũ, người lái già này kể: “Một thanh niên dẫn người yêu lên xe, châm thuốc hút. Tôi nhắc anh ta bỏ thuốc. Nhắc đến lần thứ 3, anh ta tiến gần đến phả thuốc vào mặt tôi và chuyện gì thì ai cũng biết rồi đấy. Trong hoàn cảnh đó, lái xe nào mà chịu được”. Sau vụ đẩy ngã khách, anh đã bị treo vô lăng mấy tháng. Anh tâm sự: “Đêm về nằm nghĩ lại thấy mình ác quá, từ ngày mai mình sẽ phục vụ tốt hơn. Nhưng rồi ngày mới bắt đầu, lại thấy những cảnh chướng tai gai mắt đó. Thật không thể chịu nổi”.
|
Anh Phùng Văn Thận đến giờ cũng chưa hết bàng hoàng khi kể lại lúc mình bị đánh. |
Cánh lái xe cho rằng bị chửi còn đỡ, nhiều trường hợp còn bị đánh chí mạng như trường hợp anh Phùng Văn Thận, lái xe tuyến 06 (BKS 29X-7851). Ngày 8/3/2009, đến điểm dừng Liên Ninh - Ngọc Hồi thì có một đôi nam nữ lên xe, mang theo cá mực tươi có mùi tanh rất khó chịu. Theo quy định, đây là mặt hàng không được vận chuyển trên xe buýt, nên phụ xe đã yêu cầu họ mang hàng xuống xe. Hai người này tức giận chửi mắng, lăng mạ và đe dọa: “Không cho bố mày đi, về Đỗ Xá cho chúng mày biết tay!”. Đến điểm dừng Đỗ Xá, khi cửa xe vừa mở đã thấy 4,5 người xông lên đánh phụ xe. Anh Thận can ngăn, lập tức bị đám người đó lôi ra khỏi ghế lái dùng gậy, tuýp nước đánh tới tấp vào đầu, mặt và bụng... phải đi cấp cứu. Dù bây giờ đã đi lái trở lại nhưng trong đầu anh Thận lúc nào cũng ong ong như ve kêu. Anh Thận còn cho rằng vụ việc của anh chưa ấm ức bằng vụ một đồng nghiệp cũng lái xe tuyến 06 bị chặn ngay giữa đường, bị đánh cho tới tấp vì bấm còi làm họ giật mình.
Trước ngày anh Thận bị đánh trọng thương một ngày, lúc 15h ngày 7/3, tại điểm dừng trả khách Nhà máy đường Vạn Điểm, lái xe Đoàn Mạnh Cường (BKS 29X-7904) khi vào đón trả khách đã bị một số đối tượng hành hung vô cớ, đánh rách mặt phải khâu 3 mũi...
Anh Phan Tiến Dũng liệt kê không hết những vụ tài xế xe bị đánh, bức xúc thì ít, lo âu thì nhiều. Vụ lái xe Phạm Tiến Dũng, tài xế của Cty 10-10 bị kẻ côn đồ bắn trọng thương ngay giữa đường phố Hà Nội chắc hẳn làm không ít lái xe ái ngại.
Và mỗi ngày như thế vẫn có hàng chục nghìn lượt xe buýt trong thành phố Hà Nội này vẫn miệt mài lăn bánh...
Quang Thành