Gỏi hoa xuyến chi đặc sản Tây Bắc. Ảnh: Nguyên Chi |
Theo Đông y, hoa xuyến chi có vị đắng nhạt, nhiều tác dụng mát gan, bổ phổi, thanh nhiệt, thải độc, sát trùng vết thương, chống viêm, thường dùng để trị bệnh viêm họng, viêm ruột, tiêu chảy, trị bệnh ngoài da như dị ứng, mề đay. Loài hoa dại này có thể bắt gặp ở bất cứ đâu như quanh bờ ruộng, ven đường quốc lộ, trong các bụi cây và lẫn với cỏ dại. Hoa xuyến chi thuộc họ cúc, hoa nhỏ, có 5 cánh trắng quanh nhị vàng tươi. Thân cây thấp, lá xanh, nhỏ xinh.
Do mọc bờ bụi nên không phải cây hoa nào cũng có thể chế biến được mà phải qua tuyển chọn kỹ càng để đảm bảo vệ sinh. Thông thường, người ta chỉ hái hoa quanh bờ suối ở những vùng núi cao - những nơi có không khí trong lành và nguồn nước sạch.
Hoa phải hái khi còn non và chỉ lấy phần ngọn. Công đoạn sơ chế nguyên liệu cũng rất cầu kỳ. Hoa có mùi khá hắc và đắng nên sau khi hái về, phải luộc hai lần sau đó vắt thật kỹ để hết dầu. Sau mỗi lần luộc, cây lại được ngâm vào nước lạnh có bỏ đá để giữ được màu xanh và độ giòn. Cuối cùng, sau vài lần luộc và vắt, chúng mới được dùng để trộn gỏi.
Hoa xuyến chi mọc dại ven đường. |
Với người dân vùng núi phía Bắc, thịt trâu gác bếp chính là linh hồn của những bữa ăn. Khi kết hợp cùng với loại cây mọc dại bờ suối, món ăn trở nên vừa hấp dẫn vừa gần gũi, bình dị. Thịt trâu thơm, đã thấm sẵn vị mắc khén. Cây xuyến chi ăn bùi bùi, giòn giòn, không hề có vị hắc của cây dại. Chúng thấm đẫm vị chua chua ngọt ngọt cay cay của gia vị trộn gỏi (nộm), thêm chút lạc, rau mùi, cà rốt và vừng rang.
Gỏi hoa xuyến chi thịt trâu gác bếp hương vị hợp nhau đến lạ. Thịt trâu xé nhỏ, mùi hơi khét đặc trưng. Cây xuyến chi giòn tươi, rau mùi, hành tây và vừng thơm thơm. Một số nơi còn cho thêm phồng tôm giống các món gỏi miền Nam. Gỏi hoa xuyến chi thường ăn cùng các món ăn vùng núi như xôi chim nấu từ nếp Tú Lệ, canh rau củ rừng...
Theo Ngôi sao