Hơn 1 tháng, 9 ca vào viện vì liên cầu khuẩn lợn
GiadinhNet - Dù đã được cảnh báo rất nhiều lần, nhưng gần đây số lượng bệnh nhân vào viện cấp cứu vì nhiễm khuẩn liên cầu lợn tăng cao. Nhiều bệnh nhân trong số này vào viện trong tình trạng nặng, không có bảo hiểm y tế (BHYT), tiên lượng sống dè dặt.

Bệnh nhân Vũ Văn B điều trị tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: T.Nguyên
Chỉ giết mổ, không ăn sản phẩm từ lợn cũng bị dính bệnh nặng
Điều trị tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) đã được 4 ngày, bệnh nhân Vũ Văn B (60 tuổi, ở Nghĩa Hưng, Nam Định) vẫn chưa hết đau đớn. Rải rác toàn thân bệnh nhân B nổi ban tím, đỏ, tập trung nhiều ở vùng chân, bàn tay, mặt. Thậm chí, có chỗ còn nổi phồng, nứt nẻ. Các đầu ngón tay, chân có hoại tử, gáy cứng. Theo các bác sĩ tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhân B được chuyển từ Bệnh viện Bạch Mai, nhập viện trưa ngày 2/3 với chẩn đoán nhiễm trùng máu, suy thận do nhiễm liên cầu lợn. Người nhà bệnh nhân cho biết, trước đó 10 ngày, ông B có mổ thịt lợn, 6 ngày sau bệnh nhân bị sốt cao 39-40oC, da nổi ban hoại tử, không đại tiện, tiểu tiện được.
“Hiện bệnh nhân tỉnh táo, còn nhiều ban hoại tử, nhưng với tình trạng suy thận của bệnh nhân B, chiều 5/3, bệnh nhân được chỉ định lọc máu, dự kiến phải mất 3 tuần”, BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu thông tin. Bệnh nhân B không có BHYT. Dù chi phí thuốc cho bệnh nhân không đáng kể nhưng theo BS Trung Cấp, do bệnh nhân phải lọc máu nên chi phí điều trị, ông B sẽ phải trả khoảng 40-50 triệu đồng.
Từ ngày 15/1 đến nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận tới 9 ca liên cầu lợn. 100% trong số này là nam giới, ở tuổi trung niên, hầu hết không có BHYT. Đặc biệt, có nhiều ca vào viện trong dịp Tết vừa qua. Trong số 9 ca liên cầu lợn vào viện, có 5 ca thể nhiễm trùng máu, 4 ca thể viêm màng não mủ. 40-50% trong số này có khai thác tiền sử liên quan ăn tiết canh hoặc ăn thịt lợn ốm, số còn lại, bệnh nhân và người nhà không khai. “Đáng lưu ý, nhiều người khai chỉ mổ lợn thôi cũng bị nhiễm liên cầu lợn, nhiều người trong số đó có tiền sử nghiện rượu, cơ địa yếu, gia đình kinh tế khó khăn nên mỗi đợt điều trị xong, gia đình hoàn toàn kiệt quệ”, BS Trung Cấp thông tin thêm.
Theo BS Trung Cấp, với những ca nhiễm liên cầu lợn thể viêm màng não mủ, việc điều trị ít nhất phải mất tới 3 tuần, còn với thể nhiễm trùng máu, phác đồ điều trị sẽ tuỳ vào bệnh nhân sốc hay suy đa phủ tạng hay không. “Nếu có tình trạng sốc, suy tạng thì phải tuỳ vào tạng suy đó là tạng nào để hỗ trợ theo tạng đó. Ví dụ: Suy hô hấp phải thở máu, suy thận hay gan phải lọc máu. Tiên lượng điều trị hay chi phí sẽ tùy vào số lượng tạng suy và mức độ suy. Có những ca chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng”, BS Trung Cấp cho biết. Chưa kể, nhiều bệnh nhân không thể qua khỏi hoặc để lại những biến chứng nặng nề.
Lợn nhà nuôi, “cắp nách”, thả rông chưa hẳn đã sạch
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh liên cầu khuẩn lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là: Viêm màng não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết...
Vi khuẩn S.suis thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi, ở đường tiêu hoá và sinh dục của lợn. Khuẩn này có thể lây truyền qua người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín. Hiện nay, chưa có bằng chứng bệnh liên cầu khuẩn có thể lây trực tiếp từ người sang người.
Bệnh lây truyền trực tiếp cho con người thông qua việc ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh hay lợn mang mầm bệnh chưa nấu chín (như tiết canh, nem chua, nem chạo…) hoặc do tiếp xúc với mầm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da… Theo thống kê, khoảng 70% bệnh nhân mắc liên cầu lợn có ăn tiết canh lợn. Các ca mắc còn lại do ăn nem chạo sống, tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh.
Theo Bộ Y tế, năm 2017 cả nước ghi nhận 171 ca bệnh liên cầu khuẩn lợn, trong đó 14 người tử vong. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, năm 2017 có khoảng 20 ca vào viện với chẩn đoán liên cầu lợn.
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, bệnh xảy ra rải rác quanh năm, nhưng thường tăng vào những tháng cuối năm và đầu năm Âm lịch. Lý do vì nhiều gia đình mổ lợn để ăn Tết, nhu cầu sử dụng thịt lợn lên cao, thậm chí nhiều nơi có tập tục ăn bát tiết canh cho may mắn.
Các chuyên gia cảnh báo một quan niệm của người dân cho rằng lợn do gia đình nuôi, lợn “cắp nách”, thả rông là lợn “sạch”, do đó có thể ăn tiết canh, đây là quan điểm sai lầm. Bởi bất kể giống lợn nào, được chăn nuôi trong điều kiện nào thì vẫn có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn. “Tỷ lệ mang S.suis không triệu chứng trong một đàn lợn khoảng 60-100%. Những người bị suy giảm miễn dịch và lợn bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh cao”, Cục Y tế dự phòng cho biết.
Vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn hoàn toàn bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín kỹ. Vì thế, để phòng bệnh, người dân không nên giết mổ lợn ốm chết, không xử lý thịt lợn sống bằng tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay; rửa tay sạch sau khi chế biến thịt. Không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết. Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy, nên có phương tiện phòng hộ.
Khi sốt cao (40 - 41oC), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ... có thể khó thở, người dân nên đến bệnh viện sớm, tránh nguy cơ tử vong. Thời gian ủ bệnh của liên cầu lợn trên người có thể vài tiếng đến 4-5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Sau khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh vẫn có thể bị mắc lại.
Cách phòng tránh nhiễm liên cầu lợn
- Chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y.
- Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
- Nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng. Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn trong thời gian có dịch.
- Những người có vết thương hở, phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống.
- Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.
(Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)
Thu Nguyên

BV Nhân dân Gia Định lần đầu ghép thận thành công từ người hiến tạng chết não
Y tế - 11 giờ trướcHai bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối được hồi sinh nhờ tạng từ người chết não.

Đau đầu, sốt không đỡ, nam thanh niên 22 tuổi rơi vào hôn mê
Y tế - 12 giờ trướcGĐXH - Bệnh nhân được bạn cùng phòng phát hiện trong tình trạng lơ mơ, gọi hỏi không đáp nên nhanh chóng đưa đi cấp cứu.

Bộ Y tế thông tin nhanh về những trường hợp mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân tại Nga
Y tế - 13 giờ trướcGĐXH - Đến thời điểm hiện tại, thông tin ban đầu từ Cơ quan Đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) của WHO tại khu vực châu Âu, một số trường hợp bệnh đã xác định nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm vi khuẩn Mycoplasma.

Lần đầu tiên tại Việt Nam, bệnh nhân u phì đại tiền liệt tuyến được phẫu thuật bằng liệu pháp không đau
Y tế - 1 ngày trướcGĐXH - Lần đầu tiên tại Việt Nam các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiết niệu và nam học, Bệnh viện E phẫu thuật thành công cho người bệnh mắc u phì đại tiền liệt tuyến (khoảng 40g) bằng liệu pháp vi nhiệt tạo hơi nước (Rezum).

Người đàn ông đột tử sau trận đấu tennis
Sống khỏe - 2 ngày trướcNgày 1/4, Bệnh viện E đã tiếp nhận một bệnh nhân nam 41 tuổi do xe cấp cứu 115 đưa đến trong tình trạng nguy kịch, ngừng tuần hoàn sau khi chơi tennis.

Ra mắt mô hình điểm 'An toàn trên không gian mạng, vững vàng trong chuyển đổi số' tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An
Sống khỏe - 2 ngày trướcMô hình ra đời nhằm xây dựng Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trở thành điểm sáng trong công cuộc chuyển đổi số, đảm bảo an toàn, an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Hội thảo khoa học: Nghiên cứu triển khai thử lâm sàng Dược chất Coenzyme NAD+ từ cây nấm tuyết Nhật Bản tại Việt Nam
Y tế - 2 ngày trướcGĐXH - Vừa qua, Viện Đông y Việt Nam phối hợp với các chuyên gia vừa tổ chức Hội thảo khoa học: Nghiên cứu triển khai thử lâm sàng Dược chất Coenzyme NAD+ từ cây nấm tuyết Nhật Bản tại Việt Nam.

Người tham gia BHYT thay đổi cơ sở khám, chữa bệnh thế nào?
Y tế - 2 ngày trướcCơ quan BHXH thực hiện thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu của người tham gia trên cơ sở dữ liệu thẻ BHYT. Trường hợp thông tin trên thẻ BHYT bản giấy và bản điện tử khác nhau thì thực hiện theo thông tin trên thẻ BHYT điện tử.

Cảnh báo ngộ độc thực phẩm
Y tế - 3 ngày trướcBộ Y tế yêu cầu khẩn trương điều tra, xác minh nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm, cảnh báo cộng đồng

Liên tiếp 6 du khách nhập viện cấp cứu khi đi du lịch, 1 người hôn mê sâu do ngộ độc rượu methanol
Y tế - 4 ngày trướcGĐXH - Cả 6 người sau khi uống cùng 1 loại rượu trái cây đều có biểu hiện đau bụng, nôn ói thậm chí lơ mơ…

Người đàn ông đột tử sau trận đấu tennis
Sống khỏeNgày 1/4, Bệnh viện E đã tiếp nhận một bệnh nhân nam 41 tuổi do xe cấp cứu 115 đưa đến trong tình trạng nguy kịch, ngừng tuần hoàn sau khi chơi tennis.