- Anh chuẩn bị những gì khi tiễn con gái đi du học Mỹ?
- Cho con đi lúc này, tôi lo đủ đường, đặc biệt là sức khoẻ của con vì nó chưa tròn 18 tuổi đã phải xa nhà trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tôi nghĩ mình cũng giống như bao ông bố bà mẹ khác khi có con xa nhà, lo từ con kiến đến con voi, nhưng chẳng biết làm gì. Vợ tôi tỉ mỉ, gần gũi với con cái hơn và trước ngày cháu đi, cô ấy cùng con chuẩn bị mọi thứ cần thiết nên tôi không phải làm gì.
- Cả hai con đều không theo nghiệp bố, anh định hướng cho các con thế nào trong việc chọn ngành nghề?
- Vợ chồng tôi không bao giờ áp đặt bất kỳ điều gì với các con. Cả hai đứa đều học chuyên hóa ở phổ thông rồi tự chọn ngành vào đại học. Thằng lớn sau một năm học Đại học Bách khoa thì xin sang Phần Lan học IT còn đứa nhỏ chọn học ngành sinh hóa ở Mỹ.
Tôi và bà xã chung quan điểm cố gắng hết sức, để con được học những gì tốt nhất theo mong muốn của chúng nó chứ không phải mong muốn của mình. Tôi chưa bao giờ bảo các con phải học cái này hay phải học cái kia. Chúng tự lựa chọn những gì mình thích và có thể theo được. Kể cả việc đi nước ngoài hay nước trong như thế nào cũng là do các con quyết, tôi chỉ động viên và đưa ra ý kiến tham khảo mà thôi.
- Anh có bí quyết gì để động viên hai con chịu khó học hành và đều học giỏi như vậy?
- Tôi chẳng có bí quyết gì cả. Là đàn ông, lại đi nhiều nên tôi không biết gì mấy về chuyện học hành của con. Tất cả phần lớn nhờ vợ tôi. Cô ấy không những quán xuyến hết việc gia đình mà còn quan tâm sát sao chuyện học của các con. Ngày biết tin con gái giành được học bổng, người đầu tiên tôi cảm ơn mà vợ. Nhờ cô ấy nên hai đứa nhà tôi mới được vậy.
- Các con đều đi học xa, cuộc sống mỗi ngày của hai vợ chồng anh diễn ra thế nào?
- Nhà tôi giờ chỉ còn hai vợ chồng vì đứa lớn đi du học chưa về còn đứa nhỏ thì mới đi. Nói chung mỗi ngày chỉ có hai ông bà già nhìn nhau (cười). Chỉ khi nào bắt buộc phải đi làm, tôi mới ra ngoài và áp dụng triệt để chỉ thị giãn cách xã hội, tránh tụ tập đông người và nguyên tắc 5K phòng chống dịch. Tôi nghĩ mặt mình như thế này mà chường ra đường và chẳng may có chuyện gì thì buồn cười lắm.
- Những cảnh tình cảm của anh và NSƯT Chiều Xuân trong phim 'Mặt nạ hạnh phúc' gần đây gây chú ý. Ở nhà suốt ngày, anh đối diện thế nào với phản ứng của vợ?
- Vợ tôi không ý kiến gì cả. Thứ nhất, vì cô ấy biết rất rõ Chiều Xuân. Thứ hai, cô ấy rất thông cảm với nghề của chồng, chưa bao giờ cảm thấy có vấn đề gì.
- Anh kết hợp với NSƯT Chiều Xuân thế nào khi thực hiện các cảnh tình tứ ở tuổi trung niên?
- Thật ra, tôi thấy tình cảm thể hiện ra bằng hành động của nhân vật ông Huấn, bà Trang do tôi và Chiều Xuân thể hiện rất bình thường mà, chẳng có gì ghê gớm cả, không hiểu sao mọi người lại quan tâm nhiều thế (cười). Kể cả khi diễn xuất, tôi và Chiều Xuân cũng thấy rất bình thường. Chúng tôi vốn là anh em cùng công tác tại nhà hát lâu năm, diễn với nhau nhiều rồi nên không gặp khó khăn gì cả.
- Khi nhận vai "tiểu tam nam" trong "Mặt nạ hạnh phúc", anh nghĩ thế nào về việc nó có thể làm ảnh hưởng đến hình tượng "ông bố quốc dân" của mình sau phim "Về nhà đi con"?
- Với diễn viên bọn tôi, người ta mời mình vào vai gì là một chuyện còn mình có nhận lời hay không lại là một chuyện khác. Tuy nhiên, diễn viên nào cũng thế, càng có nhiều dạng vai để làm thì càng thích, chứ đâu phải cứ làm mãi một dạng mới là hay. Càng hóa thân vào các nhân vật khác nhau thì càng tốt cho diễn viên, chỉ có điều là phải làm thế nào cho hay mà thôi.
Tất nhiên là tôi cũng nghĩ đến vấn đề có thể hứng ý kiến trái chiều vì những nhân vật "tiểu tam", đặc biệt là "tiểu tam nam" kiểu này thường bị khán giả chửi bới kinh lắm. Dù vậy, tôi tự tin mình có thể làm rõ được quá khứ của ba người này và những éo le với nhân vật của mình thời trẻ. Thế nhưng, tôi không tính hết được trường hợp kịch bản không thể làm rõ nhưng điều đó thành ra khán giả càng khó cảm thông với vai diễn.
- Anh tham vọng gì khi chọn một vai diễn khác hoàn toàn với những nhân vật mình từng thể hiện?
- Tôi không quá tham vọng mà chỉ nghĩ rằng đây là một vai lạ với mình, gần như chưa bao giờ từng làm. Diễn viên khổ ở chỗ cứ thích làm những vai chưa được thử. Tôi không coi việc khán giả chửi bới là hậu quả. Đến cả vai bố Sơn trong Về nhà đi con còn bị chửi cơ mà nên tất cả cũng chỉ bình thường thôi. Làm nghề nhiều năm, tôi đã quen với những việc ấy nên không bao giờ phản ứng lại.
- Điểm gì ở vai ông Huấn khiến anh thấy thích thú?
- Khi đọc đề cương của Mặt nạ hạnh phúc, tôi thấy ông Huấn là dạng vai mà mình có thể làm ra chất mà mình thích. Với kinh nghiệm đã có, tôi tự tin có thể căn chỉnh kịch bản sao cho vẫn giữ được cốt của phim nhưng nhân vật được đầy đặn hơn. Thế nhưng, vì không thể làm như vậy nên vai này khiến tôi hơi thất vọng.
- Nếu có thể, anh muốn được làm lại điều gì?
- Tôi nghĩ rằng mình có thể làm được tốt hơn như thế bằng cách sửa cho nhân vật có sự logic từ đầu đến cuối. Trong phim, phần quá khứ của ba nhân vật ông Huấn (NSND Trung Anh), bà Trang (NSƯT Chiều Xuân) và ông Tôn (NSND Mạnh Cường) không được truyền đạt rõ ràng nên khán giả khó có thể hiểu về mối tình ngoài luồng của ông Huấn và bà Trang. Đúng ra, nhân vật của tôi và Chiều Xuân vốn yêu nhau từ thời son trẻ nhưng vì một lý do nào đó mà không thể đến với nhau. Ông Huấn còn yêu bà Trang rất nhiều và ngược lại, bà Trang cũng còn tình cảm với người cũ. Vì muốn được ở gần người phụ nữ mình yêu, ông ấy mới tìm cách trở thành tài xế trong gia đình này. Họ nuôi tình cảm vụng trộm và mưu tính chuyện cùng nhau ra nước ngoài định cư. Tuy nhiên, tất cả quá khứ ấy không được thể hiện rõ trên phim, khiến nhân vật khó có sức thuyết phục.
Theo Ngôi sao