Thắp sáng ước mơ tới trường cho trẻ mồ côi, khuyết tật
GĐXH - Những năm qua, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh Quảng Ninh cùng các sở, ban, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã có nhiều hoạt động ngày càng thiết thực hơn để hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em mồ côi, khuyết tật trên địa bàn tỉnh được đến trường.
Được tới trường như biết bao bạn bè cùng trang lứa tưởng chừng là điều hiển nhiên đối với trẻ em, vậy nhưng đó lại là mơ ước, khát khao cháy bỏng của nhiều em nhỏ mồ côi, khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Với mong muốn gieo niềm tin, thắp sáng ước mơ và mở tương lai cho các em, những năm qua, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Ninh cùng các sở, ban, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã có nhiều hoạt động ngày càng thiết thực hơn để hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em mồ côi, khuyết tật trên địa bàn tỉnh được đến trường.
Nâng bước tới trường, chắp cánh ước mơ
Cuộc sống của hai chị em Vũ Thị Hậu, học sinh lớp 9, Trường THCS Đại Yên và Vũ Thị Duyên, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Đại Yên (TP Hạ Long), đã có thêm niềm vui, trợ lực khi từ tháng 8/2021 đến nay, Hậu và Duyên được nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng để giảm bớt khó khăn, tiếp tục đến trường. Số tiền tuy không lớn nhưng có tác dụng thiết thực để hai em mua thêm đồ dùng học tập và có thêm một khoản tiền nho nhỏ trang trải cuộc sống hằng ngày.
Gia đình Hậu và Duyên có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, thuộc diện hộ nghèo. Hai em lại mồ côi mẹ từ khi còn nhỏ, bố thì tuổi cao, sức khỏe yếu, bị bệnh thận. Cả gia đình chỉ trông chờ vào trợ cấp xã hội hàng tháng và chút thu nhập ít ỏi của bố từ làm nông. Để được đến trường học tập với các bạn cùng trang lứa với hai chị em quá khó khăn. Hậu là chị nên đã sớm phải bươn chải, tranh thủ sau giờ học đi làm thêm để trang trải thêm cho cuộc sống của ba bố con. "Có những lúc khó khăn quá, sức khỏe của bố yếu nên chị em em lo không thể đến trường được nữa. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, khoản học bổng hàng tháng đã giúp chúng em đỡ lo hơn. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng của các nhà hảo tâm đỡ đầu cũng như những người quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn của chúng em" - Hậu nghẹn ngào chia sẻ.
Vất vả như vậy nhưng với sự tiếp sức bằng vật chất và sự quan tâm, động viên của các tổ chức, nhà hảo tâm, Hậu và Duyên đã có thêm năng lượng, điều kiện để vượt khó, chăm ngoan, học giỏi. Nhờ vậy mà trong tháng 6 vừa qua, khi kết thúc năm học 2021-2022, hai em đều được khen thưởng, mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng từ chương trình kết nối của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi với các mạnh thường quân đã giúp các em có thêm động lực cố gắng trong hành trình đến trường.
Còn với em Vũ Thành Luân, người dân tộc Tày, trú tại khu Bình Đẳng, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu, những hỗ trợ từ khoản học bổng 1 triệu đồng/tháng đã giúp chàng sinh viên mồ côi ham học này tiếp tục nỗ lực chinh phục ước mơ. Mẹ mất từ khi mới 5 tuổi, đến năm 12 tuổi bố lại ra đi mãi mãi, Luân không có anh chị em ruột mà ở cùng với người mẹ thứ không có thu nhập ổn định. Vượt lên số phận nhiều éo le, Vũ Thành Luân nuôi ước mơ đến trường và quyết tâm trở thành bác sĩ. Em đã thi đỗ chuyên ngành Y học cổ truyền, Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam. Đến nay đã là sinh viên năm thứ 5, Vũ Thành Luân vẫn luôn có thành tích học tập tốt.
Trò chuyện với chúng tôi, Luân nói bằng giọng rất hiền và xúc động: "Hiện nay hàng tháng em vẫn được đỡ đầu bằng khoản hỗ trợ sinh hoạt phí của Công ty CP Sữa chua trân châu Hạ Long. Khoản kinh phí này giúp em trang trải được một nửa tiền sinh hoạt phí hàng tháng, nên cũng bớt lo. Em rất cảm ơn sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân hảo tâm đã giúp đỡ về mặt vật chất và động viên em về tinh thần. Em sẽ cố gắng học để ra trường trở về chữa bệnh cho người dân tại quê nhà".
Kết nối mở cánh cửa tương lai
Tiếp nối chủ đề năm 2021 “Nâng bước trẻ mồ côi, khuyết tật đến trường”, năm 2022 này, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh đã tiếp tục xây dựng và triển khai chủ đề “Hòa nhập và thích ứng - Nâng bước trẻ mồ côi, khuyết tật đến trường”. Để thực hiện chủ đề ấy, ông Lãnh Thế Vinh, Chủ tịch Hội, cho hay: Hội đã tập trung vận động các cấp, ngành và các tổ chức, nhà hảo tâm quan tâm hơn tới trẻ mồ côi, khuyết tật để hỗ trợ các em vượt qua khó khăn, không bỏ dở việc học, tiếp tục đến trường. Trong năm, ngoài việc chủ trì phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm Truyền thông tỉnh tổ chức Cuộc phát động "Nối vòng tay nhân ái vì người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Ninh"; cán bộ, nhân viên của Hội trực tiếp đến các địa phương khảo sát các trường hợp cần hỗ trợ; tìm đến nhiều doanh nghiệp, đơn vị và kết nối với các nhà hảo tâm để có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ các em.
Tính từ đầu năm đến ngày 30/11/2022, toàn tỉnh Quảng Ninh đã có 95 trẻ mồ côi, sinh viên mồ côi và trẻ khuyết tật được đỡ đầu, mức từ 500.000 đến 1,5 triệu đồng/tháng với tổng trị giá 805 triệu đồng. Nhờ đó, nhiều em có hoàn cảnh hết sức khó khăn, khuyết tật về vận động, mồ côi nhưng vẫn tiếp tục thực hiện được ước mơ học tập.
Hội đã phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh triển khai chương trình "Ba đỡ đầu"; đồng thời tranh thủ sự chỉ đạo và phối hợp của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, do đó được một số sở, ngành ủng hộ. Vì vậy, việc đỡ đầu học sinh, sinh viên mồ côi vượt khó vươn lên trong học tập có sự khởi sắc so với các năm trước.
Ngoài ra, Hội đã tổ chức trao 217 chiếc xe đạp trị giá 413,7 triệu đồng của các cá nhân, đơn vị đến tận tay trẻ mồ côi, khuyết tật để rút ngắn hành trình đến trường của các em. Đồng thời, từ nguồn quỹ đã vận động được, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi đã tặng quà cho Cơ sở Bảo trợ và Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và cơ sở giáo dục trẻ tự kỷ, khuyết tật 15 triệu đồng; tặng cặp sách, áo, bút, sách vở cho 815 học sinh huyện Bình Liêu trị giá 130 triệu đồng…
Đồng hành cùng trẻ mồ côi, khuyết tật đến trường, Hội không chỉ kết nối hỗ trợ các em một lần mà tiếp tục theo dõi, khen thưởng và tặng quà cho các em khi cố gắng vượt khó, học tốt hơn. Tiêu biểu, trong dịp Tháng hành động vì trẻ em năm 2022, Hội đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cẩm Phả tổ chức tặng quà, khen thưởng 357 học sinh mồ côi, khuyết tật vượt khó vươn lên trong học tập, tu dưỡng năm học 2021-2022 với trị giá 297 triệu đồng. Những món quà ý nghĩa cả vật chất và tinh thần sẽ giúp các em được tiếp sức thường xuyên để vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập và cuộc sống.
Không dừng lại ở đó, việc hỗ trợ trẻ mồ côi, khuyết tật còn được định hướng xa hơn bằng việc kết nối với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tạo cơ hội việc làm sau khi ra trường cho các em.
“Tương lai của các em ở phía trước còn rất dài, không ít khó khăn. Vì vậy việc tạo cơ hội việc làm sẽ giúp các em có thu nhập, vươn lên trong cuộc sống sau này, bớt mặc cảm vào bản thân. Chính vì vậy, thời gian qua và hiện nay, chúng tôi vẫn đang kêu gọi và chắp nối các doanh nghiệp, nhà bảo trợ; đồng thời phối hợp với các địa phương để hỗ trợ, định hướng nghề nghiệp, nhất là kêu gọi các đơn vị đỡ đầu hỗ trợ học phí, địa chỉ thực tập và sau đó tạo cơ hội nghề nghiệp, nhận các em sinh viên, học sinh là người khuyết tật và trẻ mồ côi vào làm việc sau khi các em ra trường. Và hiện nay đã có những mạnh thường quân cam kết sau khi đỡ đầu các em trong quá trình học tập, họ sẽ nhận các em vào làm việc. Với chúng tôi, đây thực sự là niềm vui, là cơ hội tốt để mở cánh cửa tương lai cho các em’’ - Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh cho biết thêm.
Hiện Hội vẫn đang kết nối để dự kiến đến hết tháng 12/2022 sẽ có thêm 10 trẻ mồ côi và sinh viên mồ côi có hoàn cảnh khó khăn được nhận đỡ đầu và mong muốn sẽ có thêm nhiều tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị, nhà hảo tâm cùng tiếp tục thắp sáng ước mơ đến trường cho các em; tiếp thêm nghị lực, niềm tin để các em vượt qua những thiếu thốn, khó khăn, thực hiện hoài bão của mình, trở thành người có ích cho xã hội.
Nâng cao kỹ năng truyền thông về người cao tuổi ở Nghệ An
Dân số và phát triển - 8 giờ trướcGĐXH - Buổi tập huấn có hơn hơn 500 viên chức, dân số cấp huyện, cấp xã trên địa bàn Nghệ An sẽ cung cấp cho người làm công tác dân số một số chính sách chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi; truyền thông các nội dung liên quan đến sức khoẻ cho người cao tuổi...
5 lợi ích của cà phê đối với sức khỏe tình dục nam giới
Dân số và phát triển - 12 giờ trướcNgoài việc cung cấp năng lượng, cà phê còn mang lại nhiều lợi ích khác như có thể cải thiện tình dục cho nam giới.
Hạn chế đau lưng sau sinh mổ
Dân số và phát triển - 14 giờ trướcĐau lưng sau sinh mổ là tình trạng hay gặp. Nếu chủ quan không điều trị để tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
7 lời khuyên giúp mẹ bầu chuyển dạ dễ dàng hơn
Dân số và phát triển - 2 ngày trướcNhiều mẹ bầu lo lắng, căng thẳng trước khi chuyển dạ, kể cả những phụ nữ đã từng sinh con. Dưới đây là 7 lời khuyên giúp mẹ bầu có thể làm để quá trình chuyển dạ dễ dàng và suôn sẻ hơn.
Bị thủy đậu khi mang thai nguy hiểm thế nào?
Dân số và phát triển - 4 ngày trướcTỷ lệ phụ nữ mang thai mắc thủy đậu không cao hơn so với mặt bằng chung tỷ lệ mắc bệnh thủy đậu ở người lớn, tuy nhiên mức độ nghiêm trọng của bệnh thường nặng nề hơn.
Nghệ An tổ chức Hội thi 'Người cao tuổi sống vui, sống khoẻ'
Dân số và phát triển - 5 ngày trướcGĐXH - Hội thi là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao vai trò trách nhiệm cho cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân về chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về người cao tuổi. Đồng thời, khẳng định vai trò, sự cống hiến của người cao tuổi đối với mọi mặt của đời sống...
Ung thư buồng trứng có chữa được không?
Dân số và phát triển - 6 ngày trướcUng thư buồng trứng là căn bệnh thường tiến triển âm thầm và triệu chứng không rõ ràng khiến nhiều người chủ quan, khi đi khám đã ở giai đoạn muộn. Vậy ung thư buồng trứng có chữa được không, làm thế nào để phát hiện sớm?
Có phải trẻ béo phì dễ dậy thì sớm?
Dân số và phát triển - 6 ngày trướcTrẻ béo phì có nguy cơ cao dậy thì sớm hơn so với trẻ có cân nặng bình thường. Vậy nguyên nhân tại sao trẻ béo phì lại dễ bị dậy thì sớm và có thể phòng ngừa được không?
Phụ nữ mang thai bị đa ối nên điều chỉnh chế độ ăn như thế nào?
Dân số và phát triển - 1 tuần trướcĐa ối là khi lượng nước ối vượt quá mức bình thường ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và bé. Mặc dù chế độ ăn không phải là yếu tố quyết định duy nhất nhưng việc điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng này.
Giảm nguy cơ sinh non khi bà mẹ được quản lý thai nghén đầy đủ
Dân số và phát triển - 1 tuần trướcNguy cơ sinh non sẽ được giảm thiểu tối đa nếu thai phụ được khám thai và thực hiện sinh tại cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện kỹ thuật cùng đội ngũ y bác sỹ trợ giúp.
Giao lưu trực tuyến: Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên và tầm quan trọng của tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn
Dân số và phát triểnGĐXH - Theo các chuyên gia, sức khỏe sinh sản của vị thành niên, thanh niên được coi là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và tương lai của giống nòi.