Hà Nội
23°C / 22-25°C

Áo trắng "cắm bản"

Cách đây khoảng chục năm về trước, khi mà y tế thôn bản chỉ được khái niệm trong vẻn vẹn hai từ “thầy mo”, từ “thầy thuốc” còn khá xa vời trong tâm thức của người dân bản, thì nay, Đề án 1816 của Bộ Y tế đã mang đến cho đồng bào vùng cao sự chăm sóc y tế và những dịch vụ khám chữa bệnh không kém gì miền xuôi.

Từ câu chuyện của thầy thuốc cắm bản

Xã nghèo vùng biên Lũng Táo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, toàn xã có 670 hộ thì đã có đến 406 hộ nghèo. Bởi vậy, khó khăn lại càng chồng chất khó khăn ở xã bản nghèo này. Ở đây cái gì cũng thiếu, từ thiếu ăn, thiếu mặc, đến thiếu cái chữ, cái nghĩa... và chỉ có duy nhất “hủ tục” là thừa. Và thầy mo chính là nhân vật “ngự trị” đã ăn sâu, cắm rễ trong đời sống của đồng bào. Thầy mo chữa cái bệnh, thầy mo đuổi tà ma cho mình khỏe mạnh... chứ còn “cái bác sỹ” nghe lạ tai lắm! Bởi vậy, câu chuyện thầy thuốc cắm bản ở đây có lẽ phải bắt đầu từ cuộc chiến không cân sức...
 
Áo trắng "cắm bản" 1

Hôm gặp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Mạnh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Lũng Táo đã chia sẻ những câu chuyện buồn vui lẫn lộn của thời kỳ đầu về cắm bản giúp người dân chữa bệnh. Chị Mạnh kể: “Ngày trước, người dân bị bệnh, mình bảo họ đi khám bệnh, họ không đi, còn nói là không cần, tao có thầy cúng rồi...”. Bởi vậy, cứ mắc bệnh là họ mời thầy cúng về nhà chữa bệnh, cúng rồi bệnh không khỏi thì nằm đó chờ chết chứ nhất định không đi khám bác sỹ. Bởi vậy, thời điểm đó, số người dân Lũng Táo tử vong tại nhà rất nhiều, mà có khi chỉ chết vì những bệnh rất bình thường như viêm phổi...

Chị Mạnh nhớ như in thời điểm đầu năm 2005, tức là 1 năm kể từ khi chị về công tác tại xã vùng biên này. Bởi ca bệnh đó đã làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của người dân về thầy thuốc, về việc ốm đau thì phải đến trạm xá khám bệnh. Đó là một ca bị suy tim, người nhà nhờ gọi điện lên trạm y tế, trạm đã xuống cấp cứu kịp thời và sau đó làm thủ tục chuyển lên tuyến trên để điều trị... Nhờ thế mà bệnh nhân được cứu sống. Chị Mạnh không nhớ rõ tên của người đó, bởi ngày ấy chị mới lên, chưa thạo tiếng, đi khám chữa bệnh ở đâu cũng đều có một “thông dịch viên” đi theo. Cô y tế thôn bản trẻ măng ngày đó mới 22 tuổi, người Tuyên Quang lên nhận công tác tại xã vùng biên này nở nụ cười ngập tràn mùa xuân và hy vọng kể lại với chúng tôi.

“Thế là từ đó, bọn chị còn được gọi bằng cái tên “cô tiên áo trắng” nữa cơ đấy”, chị không quên khoe với tôi về cái tên được đồng bào đặt cho đầy “mỹ miều” này. Rồi chị tiếp lời: “Đồng bào giờ chịu nghe bọn chị nói lắm. Mỗi khi có đợt tuyên truyền, bọn chị phát trên loa phóng thanh rồi phát tờ rơi đến từng nhà: nào là mùa đông phải giữ ấm như thế nào để không bị viêm phổi, nào là chỗ ăn ở phải giữ vệ sinh như thế nào để không mắc bệnh, không bị ốm...”.

Thế rồi, “cuộc chiến với thầy mo”, không cần đánh cũng đã giành thắng lợi.

Sau đó, đồng bào đã bảo nhau, mỗi khi ốm đau, người nhà có bệnh, vẫn giữ thói quen đến tận nơi rước thầy về, nhưng giờ không phải là rước thầy mo nữa mà đến trạm xá rước thầy thuốc về chữa bệnh tại nhà. Các thầy mo đâm ra “thất nghiệp”.

Tư tưởng của đồng bào đã thông, thế nhưng khó khăn, vất vả vẫn “bám” lấy xã bản nghèo vùng biên này. Cơ sở y tế của Lũng Táo khi đó vô cùng nghèo nàn và thô sơ, ngay đến chiếc túi y tế di động mà chị đang đeo đến khám bệnh cho bà con cũng chỉ mới được cấp cuối năm 2011. Đường xá ở xã bản Lũng Táo thì quả là một thử thách với cán bộ y tế thôn bản từ dưới xuôi lên như chị khi mà mỗi thôn trong bản cách nhau cả quả đồi, có nơi đi bộ hàng chục cây số đường rừng. Ấy vậy mà, không kể đêm hôm, xa gần, chị và các cán bộ y tế Lũng Táo vẫn mò mẫm đến nhà đồng bào để chữa bệnh mỗi khi đồng bào gọi, kể cả từng ngóc ngách thôn bản xa xôi, hẻo lánh và khó đi nhất như bản Nhù Sang. “Nhiều khi đi đường rừng cũng sợ lắm, nhưng đồng bào gọi thì không thể không đi được. Đồng bào đã tin mình rồi, nếu không đi thì mọi công sức gây dựng lại đi tong. Nên kể cả trời mưa gió, phải đi đường rừng, cứ đồng bào gọi là mình phải đi thôi...”, chị Mạnh tâm sự.

Có lẽ vì thế, hôm đi cùng chị Mạnh đến khám bệnh cho cô bé Dinh Thị Kía (học sinh lớp 9), con ông Dinh Say Phùa tại thôn Lũng Táo (xã Lũng Táo), chúng tôi mới cảm nhận hết được tình cảm của đồng bào với thầy thuốc. Nhớ trước kia, đến nhà họ còn không nghe, không tiếp... thì giờ đây họ kính trọng “cô tiên áo trắng” như những ân nhân của gia đình, gần gũi và nồng ấm biết bao.

Đến hiệu quả của những nhịp cầu 1816

Công tác khám chữa bệnh ở vùng cao được khởi sắc có lẽ một phần bắt đầu từ những tấm gương vượt qua bao gian nan thử thách và thấm đẫm tình người như trường hợp bác sỹ cắm bản Nguyễn Thị Mạnh ở xã nghèo vùng biên Lũng Táo này. Và rồi để từ những viên gạch hồng đầu tiên đó, có được hiệu quả nhân rộng của công tác khám chữa bệnh vùng cao, không thể không nhắc đến Đề án 1816.

Nhờ có những dự án y tế hỗ trợ cho các xã nghèo, Trạm y tế của xã Lũng Táo giờ đã là ngôi nhà 2 tầng khang trang. Trạm được trang bị 6 giường nằm, 8 phòng làm việc. Đội ngũ cán bộ y tế có: 1 bác sỹ đa khoa, 1 y sỹ đa khoa, 1 điều dưỡng, 2 cán bộ đang theo học ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Nguyên... Y tá thôn bản thì có 20/16 thôn bản. Có nghĩa là mỗi bản trong xã đều có 1 y tá thường trực tại bản, để báo cáo và cấp cứu kịp thời những trường hợp mắc bệnh. Các y tá này kiêm luôn nhiệm vụ làm cô đỡ thôn bản. Ngoài ra, toàn xã còn có 5 cô đỡ thôn bản. Các cô đỡ này đều đã được đào tạo trong các khóa tập huấn kéo dài 18 tháng. Do đó, công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho bà con dân bản Lũng Táo ngày nay đã được đảm bảo và tốt hơn rất nhiều.

Chị Mạnh cũng không quên khoe với chúng tôi về việc giờ đây đồng bào của chị nếu mắc bệnh nặng thì không phải đi xuống tận Hà Nội vừa xa xôi, vừa tốn kém để chữa bệnh nữa. Bởi chỉ cách đó hơn 1 giờ đồng hồ đi xe máy là có thể đến được

Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Minh. Đây là trung tâm y tế lớn nhất của 4 huyện miền núi khu vực bán kính 100km đó là: huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ.

Theo lời chỉ dẫn của chị Mạnh, chúng tôi xuống Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Minh. Tiếp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Ngoan, Phó Giám đốc Bệnh viện niềm nở chia sẻ về ca mổ chị vừa thực hiện cho một bệnh nhân bị chảy máu dạ dày bằng kỹ thuật mổ nội soi công nghệ cao. Đây là kỹ thuật mới được triển khai ở bệnh viện vào thời điểm cuối năm 2011, đầu năm 2012.

Trước đây, Bệnh viện mới chỉ có kỹ thuật mổ mở. Đây là kỹ thuật mổ truyền thống, vết mổ dài, lâu bình phục hơn. Thêm nữa do còn có những tập quán sinh hoạt lạc hậu, chưa đảm bảo vệ sinh, nên khả năng có những biến chứng sau mổ rất cao cho đồng bào, bởi vậy, tháng 11/2011, Bệnh viện được tiếp nhận kỹ thuật mổ nội soi. Công nghệ cao này là một bước phát triển vượt bậc trong công tác khám chữa bệnh cho người dân nơi đây. Từ khi triển khai, Bệnh viện đã tiến hành mổ nội soi được trên 160 ca, gồm: mổ ruột thừa, cắt túi mật, cắt tử cung bán phần bằng nội soi, cắt u nang buồng trứng, các trường hợp ứ nước, ứ mủ... Đây là kỹ thuật mổ tiên tiến đã giúp cho bệnh viện và bệnh nhân rất nhiều trong việc phục hồi sau mổ.

Chị Ngoan cũng cho biết, từ khi bệnh viện có kỹ thuật mổ này thì bệnh nhân ở các huyện khác như Quản Bạ, Mèo Vạc, Đồng Văn đến mổ rất đông. Còn trước đây, tất cả các bệnh nhân đó đều về bệnh viện tỉnh để mổ và có khi còn phải lên các tuyến bệnh viện Trung ương ở Hà Nội.

Dấu ấn rõ nhất của Đề án 1816 theo BS. Lương Đình Chăm, Phó Giám đốc Bệnh viện thì hàng năm luôn có các đoàn bác sỹ từ Trung ương, từ tỉnh về khám chữa bệnh cho đồng bào tại Bệnh viện. Thêm vào đó, Bệnh viện cũng được triển khai thường xuyên các chương trình hỗ trợ cho bác sỹ được đi đào tạo tại các bệnh viện tuyến Trung ương để nâng cao tay nghề, đáp ứng những công nghệ được triển khai tại Bệnh viện. Bệnh viện cũng luôn đi đầu và chủ động trong việc đào tạo các cán bộ y tế tại các xã bản trong vùng. Toàn huyện có 15 trạm y tế thì Bệnh viện đều nhận nhiệm vụ đào tạo chuyên môn cho các cán bộ 15 trạm y tế này.

BS. Chăm cho biết, chủ yếu Bệnh viện đào tạo về kỹ năng trong công tác khám chữa bệnh, cụ thể là các kỹ năng điều trị và kỹ năng chẩn đoán sao cho đúng bệnh, cùng một số thủ thuật cần thiết trong quá trình khám chữa bệnh. Bởi đây là tuyến khám chữa bệnh ban đầu vô cùng quan trọng và cần thiết. “Nhiều trường hợp đã có thể cứu được người bệnh tạm thời để chờ xe cấp cứu của bệnh viện huyện vào được xã, bản đó”, BS. Chăm tâm sự.

Những ngày ở xã Lũng Táo, theo chân các bác sỹ đi chữa bệnh ở các bản xa và được tận mắt chứng kiến công tác khám chữa bệnh cho đồng bào tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Minh, mới thấy rõ giá trị và ý nghĩa của công tác khám chữa bệnh vùng cao. Những nhịp cầu 1816 đã rút ngắn biết bao khoảng cách giữa y tế vùng cao với y tế miền xuôi... Đồng bào ta đã có thể yên tâm vì giờ đây không còn phải sợ “cái bệnh” nữa. Nhưng có lẽ điều họ yên tâm nhất là có được những “cô tiên áo trắng” như chị Mạnh, chị Ngoan chăm sóc và chữa bệnh cho mình.

Việc Nhà nước và Bộ Y tế thực hiện chương trình các bệnh viện lớn tuyến trên hỗ trợ hiệu quả, kịp thời cho các cơ sở y tế vùng cao còn nhiều khó khăn là một hành động thiết thực góp phần nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng cao và giảm tải đáng kể cho các bệnh viện tuyến trên. Đây không chỉ là thành công mang tính xã hội mà còn thể hiện tính nhân văn cao cả của ngành Y tế Việt Nam.

Rời khỏi bản Lũng Táo và Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Minh để trở về Hà Nội, những câu hát trong bài “Bác sỹ về bản” mà chúng tôi được nghe trong chuyến công tác cứ văng vẳng bên tai: Cái bác sỹ nó về bản em/Cái áo trắng nó mặc thật xinh/Mắt trong sáng nét duyên dáng/Nở nụ cười đẹp như nàng tiên...
 
Theo Dạ Miêu
TTTTGDSK
lehuong
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Phẫu thuật thành công cho bệnh nhân chấn thương cột sống do tai nạn lao động

Phẫu thuật thành công cho bệnh nhân chấn thương cột sống do tai nạn lao động

Sống khỏe - 3 giờ trước

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật cố định cột sống bằng vít qua cuống cho bệnh nhân nam, bị chấn thương do cây dừa đè lên vùng lưng trong một vụ tai nạn lao động.

Đau cổ tay kéo dài, cô gái 23 tuổi bất ngờ phát hiện mắc ung thư

Đau cổ tay kéo dài, cô gái 23 tuổi bất ngờ phát hiện mắc ung thư

Y tế - 6 giờ trước

GĐXH - Bệnh nhân đến viện trong tình trạng khối u lan khắp mặt trước cổ tay, kéo dài ra hai bên, tiến sát khuỷu tay, với kích thước khoảng 12 - 13 cm chiều dài, gần 8 cm chiều ngang và độ dày 5 - 7 cm.

Từ 1/7, không khám chữa bệnh ở bệnh viện vẫn có thể được BHYT chi trả

Từ 1/7, không khám chữa bệnh ở bệnh viện vẫn có thể được BHYT chi trả

Y tế - 8 giờ trước

Từ ngày 1/7, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế 2024 có hiệu lực thì phạm vi được hưởng quyền lợi khám chữa bệnh của người tham gia BHYT mở rộng hơn.

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành mở đợt cao điểm ngăn chặn, phòng chống thuốc, mỹ phẩm, sữa, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành mở đợt cao điểm ngăn chặn, phòng chống thuốc, mỹ phẩm, sữa, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả

Y tế - 1 ngày trước

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm việc buôn bán, kinh doanh thuốc giả...

Không chỉ người béo, người gầy cũng dễ mắc gan nhiễm mỡ và ung thư gan

Không chỉ người béo, người gầy cũng dễ mắc gan nhiễm mỡ và ung thư gan

Y tế - 2 ngày trước

Gan nhiễm mỡ tưởng lành tính nhưng có thể tiến triển âm thầm thành ung thư gan, thậm chí ngay từ giai đoạn đầu.

Phát hiện ung thư từ dấu hiệu chóng mặt

Phát hiện ung thư từ dấu hiệu chóng mặt

Y tế - 2 ngày trước

Ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng rõ ràng nên người bệnh hay nhầm lẫn với các bệnh lý lành tính khác. Khi họ đi khám, bệnh đã tiến triển.

Đơn vị y tế đầu tiên Việt Nam nhận chứng chỉ chẩn đoán hình ảnh tiêu chuẩn quốc tế ISO 15189:2022

Đơn vị y tế đầu tiên Việt Nam nhận chứng chỉ chẩn đoán hình ảnh tiêu chuẩn quốc tế ISO 15189:2022

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH - Ngày 16/5/2025, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tổ chức Lễ đón nhận chứng chỉ chất lượng ISO 15189:2022, đánh dấu bước ngoặt khi trở thành đơn vị y tế đầu tiên tại Việt Nam đạt chuẩn quốc tế lĩnh vực Chẩn đoán hình ảnh.

Quyết định của bác sĩ cứu chàng trai 'vô danh, ví rỗng'

Quyết định của bác sĩ cứu chàng trai 'vô danh, ví rỗng'

Y tế - 2 ngày trước

Nam thanh niên được người đi đường đưa vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, dập não. Các bác sĩ đã nhanh chóng can thiệp cho bệnh nhân không có giấy tờ tùy thân, không có tiền còn điện thoại dập nát.

Hai sinh viên vào cấp cứu với hàng chục vết dao đâm

Hai sinh viên vào cấp cứu với hàng chục vết dao đâm

Y tế - 3 ngày trước

Hai sinh viên ở TPHCM được đưa vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch với hàng chục vết thương khắp cơ thể. Ê-kíp cấp cứu đã bật báo động đỏ nội viện mổ ngay trong đêm.

Bước tiến quan trọng trong ứng dụng công nghệ 3D vào nghiên cứu, thực hành y khoa

Bước tiến quan trọng trong ứng dụng công nghệ 3D vào nghiên cứu, thực hành y khoa

Y tế - 3 ngày trước

GĐXH - Hội Công nghệ 3D Y học Việt Nam được thành lập với sứ mệnh kết nối giới y khoa, kỹ sư, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp công nghệ.

Top