Hà Nội
23°C / 22-25°C

Bệnh viện Trung ương Huế: Địa chỉ đỏ trên bản đồ ghép tạng thế giới

4 năm qua, Bệnh viện Trung ương Huế đã triển khai hầu hết các kỹ thuật ghép tạng, trở thành một địa chỉ đỏ trên bản đồ ghép tạng thế giới, trong đó nổi bật nhất là hai lĩnh vực: ghép tim và ghép thận.

200 ca ghép thận thành công

Ở Việt Nam, ghép thận trên người được tiến hành đầu tiên vào ngày 4/6/1992 tại Học viện Quân y 103 dưới dự hỗ trợ của GS. Chue Shue Lee, Chủ tịch Hội ghép tạng Đài Loan. Tiếp sau đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện ghép thận vào tháng 12/1992 và Bệnh viện Việt Đức thực hiện giữa năm 2000. Tại Bệnh viện Trung ương Huế, sau một thời gian dài chuẩn bị chu đáo, được sự chấp thuận của Bộ Y tế và Ủy ban ghép tạng quốc gia cùng các chuyên gia ghép thận trong nước và các chuyên gia Bệnh viện ERASME - Bỉ, Bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên vào ngày 31/7/2001. Đó là một ngày đáng nhớ, mọi việc đã sẵn sàng như kế hoạch, ca mổ được triển khai nhưng căng thẳng kịch tính vẫn cứ diễn ra, để rồi thở phào nhẹ nhõm khi kết thúc ca mổ. Và trông chờ đếm từng giọt nước tiểu chảy ra từ người hiến cũng như người ghép thận. Ca mổ thành công rực rỡ, cả ê kíp phấn chấn vì đã có khởi đầu tốt đẹp và tin tưởng sẽ làm chủ được kỹ thuật quy trình ghép thận trong một thời gian không xa.

Đến tháng 10/2003, Bệnh viện đã thực hiện thành công 9 cặp ghép thận và cũng trong năm này, Bộ Y tế cho phép Bệnh viện được độc lập ghép thận. Bệnh viện đã cẩn trọng, khai thác tối ưu các chuyên khoa khác nhau, xây dựng ê kíp ghép thận chuyên nghiệp, cải tiến kỹ thuật ghép để thích ứng với mọi bất thường giải phẫu, ứng dụng các phác đồ chống thải ghép hiệu quả. Tuy vậy, sau khi Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ra đời, tình hình hiến tạng từ người cho chết não vẫn không có sự chuyển biến đáng kể. Do nhiều nguyên nhân khác nhau nên việc ghép thận từ người cho còn sống vẫn là chủ yếu và số ca ghép thận được thực hiện không nhiều. Nếu tính từ khi triển khai năm 2001 đến năm 2012, Bệnh viện chỉ thực hiện thành công 63 ca ghép thận. Song việc phẫu thuật thành công cho bệnh nhân Hứa Cẩm Tú (Cần Thơ) đã cắt hai thận (thận móng ngựa) vào ngày 10/7/2012 được xem là một trong những sự kiện quan trọng khẳng định Bệnh viện Trung ương Huế là địa chỉ tin cậy trong lĩnh vực ghép tạng, góp phần gia tăng số ca ghép thận tại Bệnh viện. Trường hợp của bệnh nhân Tú là trường hợp hiếm gặp ở Việt Nam, quá trình điều trị kéo dài qua 10 lần mổ mới thành công.

Từ năm 2013, việc ghép thận đã đi vào thường quy. Chỉ trong chưa đầy 2 năm, Bệnh viện đã thực hiện thành công 137 ca ghép thận. Như vậy, từ năm 2001 đến tháng 9/2014, Bệnh viện Trung ương Huế đã triển khai và thực hiện 200 ca mổ lấy thận ở người hiến thận tự nguyện với tỷ lệ an toàn 100% và 200 ca mổ ghép thận cho bệnh nhân với tỷ lệ thành công là 100%. Thành công này là một kết quả hết sức thuyết phục có thể so sánh với các trung tâm ghép thận trên thế giới.

GS.TS. Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế chia sẻ, số ca ghép thận tại Bệnh viện Trung ương Huế hiện chiếm 1/5 tổng số ca ghép thận trong nước mặc dù Bệnh viện triển khai chậm hơn gần 10 năm. Để có thể thực hiện thành công 200 ca ghép thận là một quá trình tích lũy kinh nghiệm hơn 10 năm từ khâu tiếp nhận bệnh

nhân cho đến lúc phẫu thuật; sự phối hợp chặt chẽ và tuân thủ đúng quy trình của ê kíp phẫu thuật tim mạch và tiết niệu; sự cập nhật thường xuyên chuyên môn, bổ sung kiến thức để theo kịp sự phát triển của y học thế giới của Hội đồng ghép tạng. Bệnh viện cũng đã áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến, làm chủ các tình huống bệnh lý phức tạp; điều kiện cơ sở hạ tầng khang trang chuẩn mực, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ chuyên gia trình độ cao theo dõi sát sao bệnh nhân để phát hiện và xử lý các biến chứng sau mổ rất đa dạng phức tạp, đảm bảo sự thành công mỹ mãn của 200 ca ghép thận. Thành công đặc biệt này còn có sự hợp tác chặt chẽ của bệnh nhân và người hiến tạng.

Lần đầu ghép tim nhân tạo bán phần

Ngày 22/8/2014, bệnh nhân Hoàng Quốc Biên (39 tuổi, Quảng Bình), người đầu tiên của Việt Nam được ghép tim nhân tạo bán phần Heartware tại Bệnh viện Trung ương Huế đã xuất viện với tình trạng sức khỏe tốt, có thể làm việc và hoạt động gần như bình thường.

Bệnh nhân Hoàng Quốc Biên bị bệnh cơ tim giãn giai đoạn cuối. Bệnh nhân đã được đưa vào danh sách chờ ghép tim phổi. Tuy nhiên, nguồn tạng hiến tặng rất hiếm nên nhiều bệnh nhân suy tim không thể sống cho đến khi nhận được tạng ghép thích hợp. Từ năm 2012, Bệnh viện Trung ương Huế đã tiến hành đề tài cấp Nhà nước: “Nghiên cứu ghép khối tim phổi trên bệnh nhân được cấy thiết bị hỗ trợ thất trái Heartware trong giai đoạn chờ ghép”. Ngày 6/6/2014, sau gần 2 năm chuẩn bị, từ việc chọn lựa công nghệ tim nhân tạo tiên tiến, xây dựng quy trình kỹ thuật, huấn luyện thực hành trên mô hình và động vật thí nghiệm, ê kíp ghép tim của Bệnh viện Trung ương Huế với sự hỗ trợ của chuyên gia Bệnh viện Saint Vincent (Úc) đã thực hiện ca ghép tim nhân tạo bán phần đầu tiên cho bệnh nhân Hoàng Quốc Biên. Ca phẫu thuật kéo dài 5 tiếng với sự góp mặt của gần 50 y, bác sỹ.

GS.TS. Bùi Đức Phú cho biết, thực hiện kỹ thuật ghép tim nhân tạo bán phần, một thiết bị nhân tạo được gắn kết vào tim người bệnh nhằm hỗ trợ chức năng cho một phần quả tim (tâm thất trái hoặc tâm thất phải) đang suy yếu, giãn cơ tim giai đoạn cuối. Tim nhân tạo bán phần có nguồn điện cung cấp từ bên ngoài, tạo nên lực từ trường làm quay các cánh quạt được gắn nam châm bên trong quả tim nhân tạo. Nó hỗ trợ sức đẩy dòng máu, bơm máu lưu chuyển qua các kháng lực trong hệ tuần hoàn của người bệnh. Sau ca ghép, bệnh nhân phải tuân thủ chế độ bệnh lý tim mạch, đặc biệt uống thuốc chống đông máu như người có van tim nhân tạo. Trong 3 tháng đầu, định kỳ mỗi tháng bệnh nhân phải quay lại kiểm tra sức khỏe và sau đó cứ 3 tháng một lần tiếp tục quay lại để đảm bảo tim vẫn hoạt động bình thường. Thế giới đã ghi nhận có bệnh nhân sống được 7  năm bằng quả tim nhân tạo Heartware với chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Kết quả ca mổ đã mở ra một hướng đi mới trong việc điều trị các bệnh nhân suy tim - phổi giai đoạn cuối bằng công nghệ hiện đại. Trước đó, năm 2011, Bệnh viện Trung ương Huế cũng đã thực hiện thành công ca ghép tim trên người lấy từ người cho chết não với ê kíp toàn bộ là y, bác sỹ Bệnh viện,

không có các chuyên gia quốc tế hỗ trợ và đây là ca ghép tim thành công thứ hai tại Việt Nam. Cuộc mổ kéo dài trong 5 giờ và kết thúc lúc 3h sáng 2/3/2011 - ngày đi vào lịch sử của Bệnh viện Trung ương Huế. Đến nay, sau hơn 3 năm ghép tim, bệnh nhân Trần Mậu Đức (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) hiện đang sống khỏe mạnh. Thành công tiếp nối những thành công đã góp phần đưa Bệnh viện Trung ương Huế trở thành cơ sở y tế đầu tiên của Việt Nam vào danh sách, địa chỉ đỏ trong bản đồ ghép tim thế giới.

Điều trị thành công bệnh nhân ung thư buồng trứng giai đoạn cuối bằng tế bào gốc

Cũng trong năm 2014, Bệnh viện Trung ương Huế đã ứng dụng phương pháp lấy tế bào gốc tạo máu tự thân để điều trị thành công bệnh ung thư vú và ung thư buồng trứng giai đoạn cuối. Sau các xét nghiệm và hội chuẩn cho kết quả ung thư buồng trứng giai đoạn cuối, các bác sỹ tiên lượng, sự sống của bệnh nhân Lê Thị S… (52 tuổi, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) và bệnh nhân Trần Thị T… (49 tuổi, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) rất mong manh, tỷ lệ tử vong cao, khó phẫu thuật giảm khối tối ưu ngay được. Tuy nhiên, bằng phương pháp sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân, các y, bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế đã chữa lành ung thư buồng trứng cho hai bệnh nhân. Phương pháp mới này được áp dụng cho những bệnh nhân ung thư vú và ung thư buồng trứng đã điều trị thất bại bằng các phương pháp điều trị thường quy hiện nay ở Việt Nam hoặc ở giai đoạn cuối.

Phương pháp điều trị ung thư bằng hóa trị liều cao, điều trị đích, kết hợp với ghép tế bào gốc tạo máu tự thân cho phép tiêu diệt tận gốc tế bào ung thư. Ưu điểm của phương pháp này là có thể hóa trị với liều cao hơn nhiều so với liều cơ bản, vì thế các tế bào ung thư bị tiêu diệt triệt để hơn mà không sợ biến chứng suy tủy vì đã có tế bào gốc tự thân (của chính người bệnh) dự trữ sẵn để ghép vào khi xảy ra biến chứng. Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thăng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, vấn đề sống còn của người bệnh là phải ở trong môi trường vô trùng tuyệt đối trong thời gian kéo dài hằng tháng để ghép tủy, truyền các chế phẩm máu, hồng cầu, tiểu cầu. Bởi người bệnh gần như không còn sự bảo vệ nào, chỉ cần nhiễm trùng sẽ dẫn đến tử vong. Ngay cả các y sĩ, bác sỹ cũng phải tuân thủ chế độ nghiêm ngặt sau khi qua ba lần vô trùng khác nhau mới được đến điều trị cho người bệnh.

Thành công bước đầu này là kết quả của đề tài cấp Nhà nước về "Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng" do PGS.TS. Nguyễn Duy Thăng làm chủ nhiệm đề tài. Hiện Bệnh viện Trung ương Huế đang điều trị cho 10 bệnh nhân khác bằng phương pháp mới này.

Năm 2014 đánh dấu hơn 10 năm Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện ca ghép tạng đầu tiên và là năm bệnh viện thực hiện thành công ca ghép thận thứ 200. Năm 2014 cũng là năm đầu tiên, Bệnh viện thực hiện thành công kỹ thuật ghép tim nhân tạo bán phần, ứng dụng tế bào gốc điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng giai đoạn cuối... Những thành tựu trên là những thành tựu nổi bật góp phần làm giàu và phong phú thêm bản thành tích 120 năm thành lập Bệnh viện Trung ương Huế (1894 - 2014), đóng góp đáng kể vào những bước tiến bộ vượt bậc của nền y học Việt Nam hiện nay. GS.TS. Bùi Đức Phú khẳng định, thấm nhuần lời dạy của Bác “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”, mỗi cán bộ công chức Bệnh viện Trung ương Huế nguyện hết lòng phục vụ bệnh nhân, nỗ lực không ngừng phấn đấu hoàn thiện từ những việc làm thường nhật đến những công việc mang tính đột phá đầy thách thức, phấn đấu xây dựng bệnh viện trở thành Trung tâm Y học ngang tầm khu vực và quốc tế.

Trải qua 120 năm (1894 - 2014) xây dựng và phát triển, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế (Bộ Y tế) đã trở thành Bệnh viện đặc biệt - Trung tâm y tế chuyên sâu của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đến nay, Bệnh viện có quy mô 2.170 giường bệnh, 63 khoa, phòng với hơn 2.500 cán bộ, bác sỹ, điều dưỡng trình độ cao, giàu kinh nghiệm, trên 200 cán bộ của Bệnh viện đã được gửi đi tu nghiệp tại các nước có nền y học tiên tiến của thế giới.

Bệnh viện được trang bị cơ sở hạ tầng khang trang, trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu chăm sóc điều trị  chất  lượng  cao cho khoảng 450.000 lượt  người  mỗi  năm; thực hiện hơn 3.000 kỹ thuật cao thuộc các chuyên khoa. Mỗi năm, bệnh viện triển khai hàng trăm kỹ thuật mới; đào tạo và nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, chỉ đạo tuyến chuyên  ngành,  chuyên  sâu  cho  cơ  sở y tế tuyến dưới; hỗ trợ đào tạo cho 9 bệnh viện tỉnh.

 

Mai Liên

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Vụ hơn 500 người ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai: Chuyển bé 5 tuổi nguy kịch lên Bệnh viện Nhi đồng 1

Vụ hơn 500 người ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai: Chuyển bé 5 tuổi nguy kịch lên Bệnh viện Nhi đồng 1

Y tế - 21 giờ trước

Thêm bệnh nhi rất nặng liên quan vụ hơn 500 người ngộ độc bánh mì ở tỉnh Đồng Nai được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu tiếp tục được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu tiếp tục được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Y tế - 22 giờ trước

Hôm nay, 4/5 tại Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội Tạ Thành Văn đã công bố Nghị quyết của Hội đồng trường và trao Quyết định bổ nhiệm lại Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đối với PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu.

Cô gái 17 tuổi bị thủy đậu biến chứng nặng, suýt tử vong do điều trị sai cách

Cô gái 17 tuổi bị thủy đậu biến chứng nặng, suýt tử vong do điều trị sai cách

Y tế - 1 ngày trước

GĐXH – Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng rất nặng, sốt cao 41 độ, mụn nước và nhiều mụn mủ toàn thân, loét miệng họng, ý thức chậm…

Tự đắp lá vào vết thương, nam bệnh nhân 17 tuổi suýt bị hoại tử cánh tay

Tự đắp lá vào vết thương, nam bệnh nhân 17 tuổi suýt bị hoại tử cánh tay

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH - Sau khi bị thương, người bệnh đã được người nhà nhai lá cây và tự ý đắp vào tổn thương theo kinh nghiệm dân gian khiến cho vết thương tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử gây nguy hiểm cho người bệnh.

Đau đầu kéo dài nhiều tuần, bé gái 9 tuổi được phát hiện bị u màng não

Đau đầu kéo dài nhiều tuần, bé gái 9 tuổi được phát hiện bị u màng não

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH – Khi thấy con có biểu hiện đau đầu kéo dài, tăng dần cả cường độ và tần suất trong thời gian dài, gia đình quyết định đưa con đi khám và phát hiện bệnh.

Thông tin mới nhất vụ 328 người bị ngộ độc nghi ăn bánh mì ở Đồng Nai: 2 bệnh nhi trở nặng, phải lọc máu

Thông tin mới nhất vụ 328 người bị ngộ độc nghi ăn bánh mì ở Đồng Nai: 2 bệnh nhi trở nặng, phải lọc máu

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH - Cả hai cháu nhập viện trong tình trạng bị suy hô hấp, sốc nhiễm trùng đường tiêu hóa. Trong đó, 1 cháu có thời điểm bị ngưng tim, ngưng thở nhưng đã được các bác sĩ tiến hành hồi sức và tim cháu đã đập trở lại.

328 người nhập viện sau khi ăn bánh mì: 2 trẻ sốc nặng thở máy, mở thêm đơn vị cấp cứu

328 người nhập viện sau khi ăn bánh mì: 2 trẻ sốc nặng thở máy, mở thêm đơn vị cấp cứu

Y tế - 2 ngày trước

Theo UBND TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, tính đến chiều 2-5, đã có 328 người nhập viện cấp cứu sau khi ăn bánh mì tại tiệm Băng ở phường Xuân Bình

Uống nhầm vitamin D của người lớn, trẻ 6 tháng tuổi nhập viện cấp cứu

Uống nhầm vitamin D của người lớn, trẻ 6 tháng tuổi nhập viện cấp cứu

Y tế - 3 ngày trước

GĐXH - Khi được bác sĩ thông báo trẻ bị ngộ độc vitamin D và đối chiếu với lọ thuốc trẻ uống, gia đình mới phát hiện ra sự nhầm lẫn.

Vừa ra khỏi nhà đi tập thể dục, người phụ nữ Hà Nội gặp tai nạn bất ngờ

Vừa ra khỏi nhà đi tập thể dục, người phụ nữ Hà Nội gặp tai nạn bất ngờ

Y tế - 3 ngày trước

Vừa ra khỏi nhà được 3 phút, đang đi bộ trên đường, chị T. (42 tuổi) bất ngờ bị xe máy chở gà đi cùng chiều đâm phải. Cú đâm khiến chị bị chấn thương ngực kín, tổn thương gan độ 3…

Suýt liệt vĩnh viễn do sử dụng phương pháp dân gian trị đau cột sống

Suýt liệt vĩnh viễn do sử dụng phương pháp dân gian trị đau cột sống

Y tế - 1 tuần trước

Bệnh nhân nữ 53 tuổi, thường trú tại Ba Đồn, Quảng Bình vào viện trong tình trạng yếu nặng 2 chân, nằm liệt giường, tiểu không tự chủ, loét bỏng 2 gan bàn chân.

Top