Cải cách hành chính tạo chuyển biến rõ nét trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường
Với quyết tâm tạo môi trường đầu tư kinh doanh, thuận lợi, đáp ứng sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân, cải cách hành chính được ngành Tài nguyên và Môi trường ưu tiên tập trung đẩy mạnh ngay từ những năm đầu nhiệm kỳ (2016-2020).
Ngành đã thực hiện kế hoạch cải cách thể chế, hiện đại hóa nền hành chính và tăng cường kỷ luật kỷ cương công vụ, tháo gỡ các rào cản, tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất trên các lĩnh vực.
Tháo gỡ rào cản, cắt giảm thủ tục hành chính
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, với phương châm hướng về địa phương cơ sở, ngành tập trung giải quyết các kiến nghị của địa phương, người dân, doanh nghiệp, nâng cao chỉ giá tiếp cận đất đai, giải quyết đúng nút thắt, tháo gỡ rào cản, cắt giảm thủ tục hành chính, thúc đẩy, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2020 và 5 năm 2016-2020, đến nay, ngành Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện đơn giản hóa 80,1% thủ tục hành chính, bãi bỏ, thay thế 62,6% điều kiện đầu tư kinh doanh, rà soát cắt giảm 50% số mặt hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm 1/3-1/2 thời gian thực hiện thủ tục khi thực hiện các quyền của người sử dụng đất, thủ tục về môi trường, góp phần tiết kiệm được khoảng 1.047 tỷ đồng/năm. Các quy trình giải quyết thủ tục được đơn giản hóa, đảm bảo khoa học, rõ trách nhiệm của từng khâu, từng đơn vị.
Bộ đã thực hiện cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 đối với 100% thủ tục hành chính trong đó có 50,9% thủ tục ở cấp độ 4 hoàn thành yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2020. Bộ đã cơ bản hoàn thành trước 12 tháng các chỉ tiêu Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ đặt ra trong giai đoạn 2019-2020. Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ đã kết nối với Hệ thống dịch vụ thanh toán điện tử VNPay, dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Qua đó, Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của Bộ tăng 9 bậc so với năm 2016.
Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đánh giá, các Bộ đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nội dung, nhiệm vụ cải cách hành chính tại đơn vị để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ. Nhiều hoạt động cải cách hành chính của các Bộ đạt kết quả tốt, trong đó đã triển khai thực hiện việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - là những sáng kiến có hiệu quả, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính. Tình trạng không hoàn thành nhiệm vụ hoặc thực hiện quá hạn nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tiếp tục giảm đáng kể. Chỉ số thành phần “Xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ” năm 2019 cũng tăng so với năm 2018. Chỉ số “Cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước” và “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức” đã tăng lên đáng kể trong năm 2018...
Với nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống, các chỉ số đánh giá của các tổ chức độc lập có sự chuyển biến mạnh mẽ: chỉ số tiếp cận đất đai năm 2019 (một trong những chỉ số khó cải thiện do tính khan hiếm của đất) đạt 6,86 điểm tăng 1,05 điểm so với năm 2016. Chỉ số hài lòng về dịch vụ cấp giấy chứng nhận tăng 13% so với năm 2016. Chỉ số hài lòng với thủ tục về môi trường tăng 3,08% so với năm 2017. Chỉ số Đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản (một trong 10 chỉ số để đánh giá môi trường kinh doanh) năm 2018 đạt mức 60/190 nước được đánh giá.
Là một trong những điểm sáng về cải cách thủ tục hành chính, trong giai đoạn 2016- 2020, Tổng cục Quản lý đất đai đã triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua, trong đó nổi bật nhất là chỉ đạo triển khai thực hiện cải cách đồng bộ các nội dung về cải cách hành chính. Theo đó, việc rà soát, cắt giảm các thủ tục được thực hiện lồng ghép vào trong quá trình dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó riêng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai trình Chính phủ để ký ban hành đã cắt giảm thời gian thực hiện một số thủ tục xuống còn 1/2 so với trước đây. Những cải cách trong thủ tục hành chính về đất đai đã đem lại hiệu quả tích cực cho kinh tế - xã hội, được xã hội ghi nhận. Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) cho thấy, tỷ lệ người dân phản ánh có tình trạng nhũng nhiễu trong thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận năm 2018 giảm 29% so với năm 2015. Chất lượng dịch vụ cung cấp dịch vụ công trong cấp giấy chứng nhận tăng từ 2,64 điểm năm 2016 lên 3,49 điểm (thang điểm 4) năm 2018.
Trung bình mỗi năm, cơ quan tài nguyên và môi trường cấp tỉnh, cấp huyện tiếp nhận và giải quyết hơn 4,5 triệu thủ tục hành chính. Một số địa phương đã thực hiện dịch vụ công về đất đai trên môi trường điện tử thông qua Cổng dịch vụ công cấp tỉnh như: Đồng Nai, Đà Nẵng, Thừa Thiên -Huế, Long An…, thử nghiệm nền tảng để kết nối tới Cổng Dịch vụ công quốc gia, thực hiện các thủ tục đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên môi trường điện tử.
Công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động gắn với tăng cường kỷ cương hành chính đã được triển khai trong toàn ngành phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, phân cấp thẩm quyền, đảm bảo sự linh hoạt cho từng địa phương. Bộ đã đề xuất sửa đổi cơ chế tài chính, thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức dịch vụ công thực hiện theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nhiều địa phương đã chuyển mô hình cơ quan dịch vụ công như Văn phòng đăng ký đất đai (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Trà Vinh, An Giang, Đắk Nông, Cà Mau, Lâm Đồng,...) sang hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính, giảm gánh nặng ngân sách, nâng cao chất lượng dịch vụ công, đảm bảo minh bạch, tái đầu tư cho ngành. Chỉ số tỷ lệ phản ánh có tiêu cực trong thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận giảm 34%.
Toàn ngành thực hiện tốt công tác tiếp, giải quyết các kiến nghị của nhân dân, tập trung lực lượng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai phức tạp, đông người. Đối với các vụ việc mới phát sinh, ngành đã quan tâm giải quyết, đảm bảo ổn định trật tự, chính trị, xã hội ở các địa phương trong năm diễn ra Đại hội đảng các cấp. Số lượng đơn thư giảm trung bình 9,0%/năm. Khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai đã giảm 38% so với giai đoạn trước.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách thủ tục hành chính, giai đoạn 2016-2020, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên đã áp dụng 100% thủ tục hành chính vào hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Nhờ đó, nhiều thủ tục hành chính áp dụng tại Sở đã được rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định như: thủ tục thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường thực hiện 30/50 ngày, giảm 20 ngày so với quy định; thủ tục xác nhận việc đã thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án thực hiện 15/30 ngày, giảm 15 ngày; thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản thực hiện 85/90 ngày, giảm 5 ngày; thủ tục thẩm định phê duyệt trữ lượng khoáng sản thực hiện 170/180 ngày, giảm 10 ngày so với quy định... Riêng đối với các thủ tục về lĩnh vực đất đai, tùy theo điều kiện cụ thể và số lượng hồ sơ cần giải quyết, Sở sẽ xem xét yêu cầu phải giải quyết nhanh hơn từ 3 đến 10 ngày so với quy định.
Sớm về đích hoàn thành chỉ tiêu cải cách hành chính
Cải cách hành chính tiếp tục được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ngay từ những ngày đầu năm 2021, Bộ đã tập trung chỉ đạo các đơn vị triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính theo kế hoạch; ưu tiên các nguồn lực phục vụ cải cách hành chính, yêu cầu các đơn vị chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém để công tác cải cách hành chính ngày càng thực chất và đạt hiệu quả cao.
Chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và 5 năm (2016 - 2020), triển khai nhiệm vụ năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ các năm tiếp theo của ngành Tài nguyên và Môi trường, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nêu rõ, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cần thúc đẩy hơn nữa cải cách hành chính, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Trong đó, ngành thực hiện cắt giảm đơn giản hóa ít nhất 20% thủ tục hành chính, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường; thực hiện mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 đối với 90% thủ tục hành chính của ngành.
Theo Kế hoạch cải cách hành chính năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; xây dựng Hệ thống thủ tục hành chính đơn giản, công khai, minh bạch; ít nhất đạt 30%, hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; đẩy mạnh thanh toán điện tử, cung cấp ít nhất 35% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán phí hoặc lệ phí khi giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ bằng nhiều phương tiện khác nhau.
Năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, tích hợp và cung cấp trên cổng Dịch vụ công Quốc gia; tiếp tục triển khai có hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN đối với các thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Ngành Tài nguyên và Môi trường thực hiện tốt việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; đẩy mạnh thực hiện thí điểm mô hình liên thông trong giải quyết một số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính.
Ngành Tài nguyên và Môi trường tiếp tục sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế. Năm 2021, ngành phấn đấu đạt tỷ lệ tinh giản biên chế so với năm 2015 là 10%; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp đến năm 2030; thực hiện chế độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành.
Ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và công khai minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước; hoàn thiện đồng bộ về cơ chế tài chính đối với các hoạt động, đẩy mạnh việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật; bảo đảm việc phân bổ, sử dụng ngân sách và các nguồn kinh phí khác minh bạch, hiệu quả, quản lý theo mục tiêu.
Ngành Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thực hiện chương trình chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình xử lý công việc; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu nhất là về đất đai, quan trắc tài nguyên và môi trường.
Kế hoạch nêu ra những nhiệm vụ cụ thể về công tác chỉ đạo, điều hành; cải cách thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, công vụ, tài chính công, hiện đại hóa hành chính, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số…
Theo Báo Tin tức/TTXVN
Lái xe có thể bị trừ hết 12 điểm bằng lái nếu vi phạm lỗi này
Đời sống - 5 giờ trướcGĐXH - Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, lái xe sẽ không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Vậy những hành vi vi phạm giao thông nào sẽ bị trừ hết điểm bằng lái xe?
Quảng Nam: Đồi núi sạt lở làm sập một ngôi trường mới xây
Thời sự - 7 giờ trướcMột điểm trường mới khánh thành, đưa vào sử dụng cách đây hơn 2 tháng, tuy nhiên những ngày qua mưa lớn đã khiến đồi núi sạt lở, làm sập ngôi trường.
Nội dung bức thư của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gửi 1 học sinh Đắk Nông
Giáo dục - 8 giờ trướcBộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã viết thư động viên, khích lệ một nữ sinh tại tỉnh Đắk Nông.
Nước lũ dâng cao khiến nhiều nơi bị ngập sâu, Quảng Ngãi ra công điện khẩn
Thời sự - 9 giờ trướcChủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành công điện khẩn về việc ứng phó, khắc phục thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn.
Lời khai của đối tượng cầm đầu đường dây mua bán pháo 'khủng'
Pháp luật - 9 giờ trướcGĐXH - Hoàng Khắc Phi khai nhận đã móc nối với một số đối tượng rồi liên hệ mua pháo từ Campuchia vận chuyển về tập kết tại kho ở Gia Lai để đóng gói mang đi tiêu thụ.
Người đàn ông tử vong thương tâm do xuồng bị lật
Đời sống - 9 giờ trướcGĐXH - Khi đi qua khu vực nước sâu, chiếc xuồng bất ngờ bị lật khiến người đàn ông ở Thừa Thiên Huế tử vong thương tâm.
Tin tối 24/11: Miền Bắc sắp đón đợt rét đậm đầu tiên trong năm; 6 quyền của cảnh sát giao thông từ 1/1/2025
Thời sự - 10 giờ trướcGĐXH – Từ mai (25/11) không khí lạnh ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ, nền nhiệt giảm sâu, có nơi dưới 10 độ; Thông tư 69/2024/TT-BCA nêu cụ thể 6 quyền đối với Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông từ ngày 1/1/2025.
Mua bán số lượng ma túy lớn, 3 gã đàn ông nhận án tử hình
Pháp luật - 11 giờ trướcGĐXH - Trong vụ án này, Thào Lao Lúa là người chủ mưu, Lý Văn Niệm là người thực hành trực tiếp thực hiện tội phạm và Hà Văn Hành giữ vai trò là người giúp sức. Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử tuyên phạt 3 bị cáo nói trên mức án tử hình.
Thủ khoa “hiếm” chia sẻ bí quyết học đại học
Giáo dục - 12 giờ trướcHuỳnh Thị Mỹ Anh là trường hợp hiếm hoi vì trong 10 năm qua, Trường ĐH Quốc tế chỉ có 2 thủ khoa duy trì được học bổng toàn phần trong suốt khoá học.
Chiêu trò chuyển tiền mua hàng nhầm để chiếm đoạt
Pháp luật - 13 giờ trướcGĐXH - Các đối tượng lợi dụng việc đổi tiền, mua hàng rồi chuyển khoản để chiếm đoạt tài sản của người dân. Đây là thủ đoạn không mới nhưng vẫn có nhiều người dân mắc bẫy của chúng.
Chiêu trò chuyển tiền mua hàng nhầm để chiếm đoạt
Pháp luậtGĐXH - Các đối tượng lợi dụng việc đổi tiền, mua hàng rồi chuyển khoản để chiếm đoạt tài sản của người dân. Đây là thủ đoạn không mới nhưng vẫn có nhiều người dân mắc bẫy của chúng.