Hà Nội
23°C / 22-25°C

Đã có lúc tôi phải nói bằng giọng của ông Dương Trung Quốc

Thứ ba, 10:07 02/10/2007 | Giải trí

Giadinh.net - Có mối liên hệ “huyết thống” nào giữa nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên với nhà sử học Dương Trung Quốc và dịch giả Đoàn Tử Huyến?

Có điều gì đằng sau những cuộc chơi cuối đất cùng trời của người sở hữu “cái mồm có gang có thép” ấy? Rất nhiều giai thoại về nhà phê bình “đanh đá” này sẽ được làm sáng tỏ trong cuộc trò chuyện dưới đây.

 “Hôm nay về sớm thế à?”          

Người ta nói rằng 1 giờ sáng, Phạm Xuân Nguyên đang nằm ôm vợ nhưng nghe điện thoại của bạn gọi có thể bật dậy lên đường sau 2 giây. Điều đó  đúng đến độ nào?

- Cái đó là người ta nói quá lên đó thôi. Chắc là dựa vào bài “Huyền thoại rượu” mà tôi hay hát lên bằng cái giọng rất chi là phá nhạc của tôi ở mỗi cuộc nhậu bạn bè: Đêm lên giường nằm với vợ / Nghe bạn gọi phải đi / Vợ có nói năng chi / Ta cũng đi cho bằng được / Vợ nói chi cũng mược / Vợ là vợ mà ta là ta. Xuất xứ bài này thì phải hỏi Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Trọng Tạo. Tôi đã nhằm nhò gì với hai “cha” đó về khoản “bỏ vợ” đi nhậu dù đêm hôm gà gáy.

Nhưng, cũng phải thấy rằng họ nói thế có nghĩa là ông Nguyên ham chơi và hết lòng vì bạn bè. Nửa đêm đang ôm vợ mà vẫn đi thì không có, nhưng nhiều lúc về nhà rồi, chuẩn bị ăn cơm rồi, chỉ cần bạn ới một tiếng, tôi biến ngay, là chuyện có thật. Đấy là một lý do trong rất nhiều lý do tôi bị vợ bỏ.

- Vậy cái tính ham đi, ham chơi ấy của anh có thể được kể bằng những câu chuyện cụ thể nào?

- Nhiều lắm. Bạn bè thỉnh thoảng gọi đến nhà tôi bằng máy bàn, nếu thấy tôi cầm máy thì câu đầu tiên bao giờ cũng là: “Ồ, ở nhà à? Hôm nay về sớm thế à?” (mặc dù lúc đó có thể là 10 - 11 giờ đêm rồi). Hoặc: “Ồ, gọi hú họa thế thôi mà cũng gặp à?”... Nghĩa là nghĩ về tôi là người ta nghĩ một gã suốt ngày trên đường. Gần đây có người bạn mới quen đã kịp đặt biệt hiệu cho tôi là kẻ “chuông rung là đi” theo tên một bộ phim của Lê Hoàng “Chuông reo là bắn” ấy. Quả thực, bận đến mấy tôi vẫn có thể đi với bạn. Như thế thực cũng là vô nguyên tắc đấy.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.

Quyết “trốn” khách, cũng không thoát

- Có thể lượng hóa thời gian anh ở nhà khi anh có gia đình và khi sống độc thân như hiện nay không?

- Mới đây thôi, vừa ở Nha Trang về hôm trước, hôm sau đang làm việc ở Hội đồng Anh (Hà Nội), bạn bè bảo có đi Lạng Sơn chơi không, thế là đi luôn, không cần về nhà lấy đồ nữa.

Nhưng bù lại, tôi hay làm việc về đêm. Nhiều người ngạc nhiên bảo không biết tôi làm việc vào lúc nào mà vẫn thấy đăng bài trên các báo, vẫn có bài dịch, sách dịch. Ơn giời, một khi tôi đã chú tâm vào công việc thì năng suất cũng được lắm. Thực ra bây giờ độc thân tôi còn đi ít hơn ngày trước. Ngày trước có gia đình, nhưng lại còn trai trẻ (cười), nên đi nhiều. Còn được đi và đi được là cái vui và hạnh phúc.

- Có bao giờ anh cảm thấy phiền toái khi có quá nhiều bạn bè không?

- Nhiều bạn là một thú vui. Mình phải chơi như thế nào thì người ta mới quý mến mình chứ?! Nhưng con gái tôi thì cũng thấy phiền (cười).

Mỗi khi đưa con gái đi du lịch, khi về bao giờ nó cũng nói, lần sau chỗ nào không có bạn của bố thì hãy dẫn con đến. Chả là bố nó gặp bạn bè là bù khú, có kéo con đi cùng thì cũng khiến con thấy lạc lõng, đi chơi đi du lịch mà bố con ít được thong dong bên nhau. Vừa rồi nó đỗ đại học, tôi dẫn nó đi Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Lạt... nó càng khẳng định câu đó. Một lần khác nó bảo: “Bố ơi, thế lên Sa Pa bố có bạn không?”. Tôi bảo: “Ở Sapa thì bố chưa có bạn sở tại ở đấy, nhưng bố không chắc là trong số du khách đến đó có bạn của bố hay không?”. Bạn bè tôi bảo, nơi tôi có bạn còn nhiều hơn nơi tôi không có bạn. Nhiều bạn đến mức chính tôi cũng không nhớ hết nữa.

Hôm đi từ Nha Trang ra Hà Nội, bước lên xe khách, ông lái xe bước ra bắt tay, bảo anh có nhận ra em không, rồi còn mời bia. Uống xong mình cũng chẳng nhớ ông ấy là ai.

Một lần khác, ở Sài Gòn, sợ con gái buồn, tôi bảo hôm nay hai bố con không bạn bè, nhậu nhẹt nữa và chọn một cái quán vắng vẻ. Nhưng vừa ngồi xuống được một lúc thì từ bàn bên kia, một ông đứng ra bắt tay bảo: “Anh Phạm Xuân Nguyên phải không, anh vào khi nào vậy?”

Hai anh em ruột?

“Nếu lão là phụ nữ, thì tháng nào cũng phải vào bệnh viện phụ sản”

- Ngược lại với bạn thì anh có bao nhiêu kẻ thù?

- Kẻ thù à? Tôi cũng làm nhiều người bực nhưng thù thì chắc là không, ngay cả khi người ta không ưa mình.

Nếu “kẻ thù” hiểu theo nghĩa: Người không ưa mình do tính cách, hoặc khác nhau về văn kiến (mình thì thẳng, mà cái nghề lại hay đụng chạm) thì cũng có. Ngoài ra nhiều người còn bực mình về sự cả nể của tôi, một người không biết nói “không”. Ngay cả khi vợ đề nghị bỏ, làm đơn ly hôn mấy lần, cũng không biết nói “không” (cười). Rồi ai nhờ gì cũng làm, ai đặt bài cũng ừ, mà chúa là hay sai hẹn, khiến nhiều báo điên đầu, bực tức. Nhà văn Hồ Anh Thái đã có lần trêu tôi: “Nếu lão là phụ nữ thì chắc tháng nào lão cũng phải vào bệnh viện phụ sản nạo, hút điều hòa”.

- Các nhà phê bình đều nói: Chỉ tranh luận với nhau nảy lửa về học thuật, còn ngoài đời vẫn bè bạn Ok với nhau. Nhưng thực tế rất ít người làm được như vậy. Phạm Xuân Nguyên thì sao?

- Chơi hay không còn phụ thuộc vào tính cách của nhau nữa, nhưng vẫn quan hệ một cách bình thường thì có. Có lần, tôi chê rất nặng tiểu thuyết “Đêm thánh nhân” của Nguyễn Đình Chính. Tôi viết: “Cuốn tiểu thuyết khá dày nhưng độ dày tỉ lệ thuận với độ chán khi đọc”.

Gặp tôi, nhà văn Bảo Ninh nói: “Mày tránh lão Chính đi, nếu không, khi gặp là nó đánh mày đấy. Chính tức câu của mày lắm”. Nhưng sau này gặp nhau, tôi và anh Chính vẫn vui vẻ với nhau. Nguyễn Đình Chính bảo tôi: “Mày đọc sách của tao chưa mà nói thế?”. Tôi bảo: “Anh nói như thế là xúc phạm em. Em chưa bao giờ không đọc mà phê bình cả. Em có thể tự nhận là một đứa đọc nhiều nhất trong giới văn chương”.

“Chơi thế nào mà mời được cả ông Dương Trung Quốc?”

Anh có bộ tóc và bộ ria khá đặc biệt, nó khá giống với ông nghị Dương Trung Quốc. Thậm chí còn có cả giai thoại về sự nhầm lần này?

- Nhầm lẫn thì nhiều. Càng ngày cùng với tuổi tác thì tóc và râu càng bạc hơn. Tóc tôi xấu có lẽ là do di truyền. Nôm na là do máu xấu (không phải “xấu máu” đâu nhé). Bố tôi vào độ tuổi như tôi cũng bạc trắng hết rồi. Từ khi tóc có sợi bạc, chưa bao giờ tôi phải lăn tăn tìm cách nhuộm hay nhổ nó đi cả. Nhưng được cái, bạn bè cũng khen tôi... đẹp ra nhờ có mái tóc bạc đó.

Còn bộ ria thì như thế này. Tôi là người phát về râu tóc thì phải. Buổi sáng vừa cạo xong thì buổi chiều đã bắt đầu lún phún rồi. Cạo nhiều quá cũng chán, nên quyết định để ria. Từ ngày để ria, ra đường gặp bạn bè ai cũng bảo là giống nhà sử học Dương Trung Quốc.

Lúc đầu tôi cũng không ý thức được điều đó. Nhưng càng nhiều tuổi thì cái sự nhầm lẫn ấy càng nhiều. Và cứ thấy ông Dương Trung Quốc là người ta không “nhịn” được việc hỏi thăm, làm quen (cười).

Mỗi khi đi đám cưới, đám ma nhà bạn bè, nhiều người thán phục bảo ông/bà bạn: “Chơi thế nào mà mời được cả ông Dương Trung Quốc đến thế”.

Hôm rồi tôi đi đám ma một người bạn ở Nghệ An cũng thế. Đang đưa tang mà cũng có mấy thanh niên chen lên hỏi: “Có phải bác Dương Trung Quốc không ạ?”.

Lần khác, tôi đi làm hộ khẩu, các nhân viên ở đây cứ tưởng ông Dương Trung Quốc nên đã  nên ưu tiên cho làm trước. Chỉ khi nhìn vào hồ sơ thì họ mới ngã ngửa. 

Mỗi khi vào quán nhậu cũng không tránh được cái nhìn ngờ ngợ của mọi người. Cách đây mấy hôm, tôi đang ngồi ăn ở nhà hàng Phù Đổng, vừa gọi món xong thì có hai cô đi đến bảo: “Chú có phải là nhà sử học Dương Trung Quốc không?”.

Đổi tên thành ông... Âm Việt Nam

- Có bao giờ anh nói những câu chuyện buồn cười này với ông Dương Trung Quốc không?

- Có chứ. Chúng tôi còn chụp ảnh chung vì cái sự giống nhau này nữa. Chúng tôi nói đùa với nhau là giống nhau thế thì phải hỏi lại ông bố mình xem có vấn đề gì không. Tôi bảo anh Quốc: “Anh và em có hai cái giống nhau. Thứ nhất là ngoại hình; thứ hai là không muốn học lên lấy bằng này bằng nọ. 

Tôi cũng bảo anh Quốc: “Em định đổi tên để người ta dễ phân biệt hơn. Anh là Dương Trung Quốc còn em là Âm Việt Nam hoặc Dương Trung Hoa”. Anh Quốc mới bảo: “Tên tớ bố mẹ đặt với nghĩa là thằng con trai họ Dương trung thành với nước nhé, chả phải tên cái nước láng giềng ta đâu. Thì là đồng âm khác nghĩa cho vui vậy thôi”.

- Ngoài ngoại hình thì có điểm gì ở hai người khiến người ta nhầm lẫn nữa không. Ví dụ hai ông đều “mồm to hơn người” chẳng hạn?

- Nói chung họ chỉ nhầm ngoại hình thôi. Một bận tôi đang uống bia ở quán, có người hỏi: “Anh không nhận ra em à”. Biết là người ta nhầm rồi nhưng vẫn phải mở đường lui cho người ta, nên tôi phải bảo anh ta “bằng cái giọng của ông Dương Trung Quốc”: Anh cứ về lại chỗ đi, lát nữa tôi qua. 

Lần khác tôi đi ăn phở ở phố Nguyễn Chí Thanh, đang cúi xuống bát phở chợt nghe tiếng hỏi: “Ơ anh Quốc, anh cũng đến đây ăn phở à?”. Ngẩng lên thì cả hai đều ngượng ngùng vì không quen biết gì nhau.

Còn chuyện to mồm và hay nói thì tôi thua anh Quốc rồi. Tôi cũng biết nhìn anh ấy mà rút kinh nghiệm chứ. Cũng nhiều bạn bè đã nhắc tôi chuyện đó.

- Nhưng bản thân ông có thấy thú vị về sự nhầm lẫn đấy không?

- Con gái tôi bảo, bố phải làm sao để mọi người nói bác Dương Trung Quốc giống bố. Tôi mới nói với con rằng thì là việc ấy khó lắm, bác Quốc bác ấy là nghị sĩ, bác ấy lên ti vi nhiều hơn bố, bác ấy nổi tiếng rộng hơn bố. Vui vậy thôi, anh em chúng tôi giống nhau tình cờ là có cái vui ở đời rồi. Cho nên bây giờ, một số bạn bè khi giới thiệu tôi với ai đó thường kèm thêm một câu hoặc nói chữa lại là: “Ông Quốc giống ông Nguyên chứ”. Đấy cũng để vui thôi. Ngoài anh Quốc, tôi với dịch giả Đoàn Tử Huyến cũng nhang nhác nhau về vóc dáng, khuôn mặt, râu tóc. Có câu ca về ba anh em hao hao chúng tôi thế này: “Họ Đoàn họ Phạm họ Dương / Ba tên họ ấy từ đường nào ra”, tức thị ý hỏi có phải cùng một tông tộc dòng giống không.

Đứa con nào cần bố, tôi sẽ nhận

- Cũng có một giai thoại như thế này: Nếu có một nữ văn sĩ nào đó mới sinh con mà không biết bố của đứa trẻ là ai, thì mọi con mắt đều đổ dồn vào Phạm Xuân Nguyên. Có cái sự đó là vì sao? Sao lại là anh mà không phải là người khác trở thành hướng ngắm trong chuyện này?

- Có lẽ họ nghĩ thế vì ba nhẽ: Một, ông Nguyên được nhiều cô quý mến như thế thì dễ “không có lửa làm sao có khói” lắm. Hai, ông Nguyên lại đang độc thân, cũng “đáng nghi” lắm chứ. Và lẽ cuối cùng: Nếu có gán (đổ vạ) cho ông Nguyên là bố đứa trẻ thì cũng vô sự, không sợ ai đánh ghen.

- Nhưng có lần anh cũng nói là nếu được cô nhà văn đó đó (???) nhận là cha của đứa trẻ thì anh mừng quá, được cả trâu cả nghé...

- Thực ra cái đó là nói cho vui thôi. Đôi lúc cũng phải nghĩ là tại sao họ lại hay gán cho mình như thế. Có khi cũng do bản tính của tôi nữa, ít khi phản đối. Lúc đi học tôi cũng hay bị ghép đôi, càng chối thì càng bị gán. Còn nếu bảo: “Ừ đấy, thế thì sao” thì chúng sẽ cụt hứng ngay. Trong tất cả những lời đồn, gán ghép về “tác giả” của cái bụng bầu các cô văn sĩ, tôi đều cười và nói, nếu được thế thì tốt quá, đứa con nào cần bố thì tôi sẽ nhận giúp thôi (cười). Nói vui vậy thôi chứ các cô ấy cũng chẳng thèm cái thằng tôi đây làm bố cho con các cô ấy, khéo mà nói ra thế này còn bị ăn mắng nữa. Anh bạn Lê Hoàng đạo diễn điện ảnh còn khuyên tôi là cứ giữ tiếng nghi như vậy lại là một cách “quảng cáo” hiệu nghiệm nhất.

“Anh cứ đi kiếm vợ đi, em đợi”

- Cách đây một vài năm, có chuyện anh khuyên một “người ta” đi lấy chồng. Thực hư thế nào?

- Tôi quan niệm thôi thì mình cũng đã lấy vợ một lần rồi, nếu có về với nhau thì chỉ sống chung thôi, không cưới xin gì nữa. Nhưng người ta lại muốn đảm bảo bằng một đám cưới, một giá thú. Khả năng cưới vợ của tôi còn cao lắm nhưng bạn bè ngạc nhiên thấy 2, 3 năm này tôi không có ai cả. Sau một cuộc đổ vỡ thì cũng phải lắng lại. Nếu đã lấy thì phải bảo đảm cho họ một cuộc sống tử tế, nếu không thì mình thành người vô trách nhiệm. Vẫn có những cơ hội nhưng bây giờ thì chưa...

- Cũng có chuyện rằng: Một nữ nhà văn có tên tuổi tuyên bố đợi Phạm Xuân Nguyên, nhưng rồi chị đó cũng đã đi lấy chồng trẻ vì hết kiên nhẫn.

- Chuyện ấy có nhưng cũng chỉ là đùa thôi. Một bữa các bạn bè tụ họp ở nhà tôi, cô ấy cười cười bảo: Em cho anh cứ đi tìm chán chê mê mỏi, tìm không thấy ai được, không thấy chỗ nào hợp thì quay về, em đợi.

Khi anh và vợ chia tay, câu cuối cùng mà anh nói với chị là...?

- Cũng chẳng biết có phải là câu cuối cùng không nữa, nhưng đã có lần tôi nói: Hai người tốt chưa chắc đã sống được với nhau. Bây giờ hai chúng tôi vẫn làm việc cùng một cơ quan, vẫn hàng ngày ra đụng vào chạm mà.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi thú vị này!

“Tôi sống nhiều khi như ngơ ngẩn”

- Nếu phải vẽ chân dung mình bằng mấy câu thì...

- Bạn bè hay nói về tôi bằng một ý thơ của Tản Đà: “Trời sinh ra lão Nguyên ta/ Quê hương thời có cửa nhà thì không/ Một đời nam bắc tây đông/ Bạn bè xum họp vợ chồng biệt ly”. Một câu khác của Cao Việt Dũng buột ra ở Paris: “Viện văn có một Phạm Xuân/ Nguyên là cán bộ cử nhân phê bình”. Hoàng Nhuận Cầm cũng tặng tôi mấy câu: “Kiếp sau vứt bút phê bình/ Làm tên thi sĩ thất tình mà chơi/ Trả trang trắng giấy cho người/ Biết đâu Từ Thức vẫn ngồi đợi anh”.

Còn tôi thì có mấy câu họa mình: “Tôi sống nhiều khi như ngơ ngẩn/ Vô tư không biết để làm gì/ Dòng đời nước chảy con suối cạn/ Tôi như cá quẫy một đôi khi”.

Hoàng Hải – Thanh Hà

kimvan
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Hồ Ngọc Hà: Có lúc tôi bế tắc, không biết phải làm gì!

Hồ Ngọc Hà: Có lúc tôi bế tắc, không biết phải làm gì!

Giải trí - 1 giờ trước

"Có lúc tôi bế tắc, không biết mình cần phải làm gì, không biết còn được yêu thương không...", Hồ Ngọc Hà trải lòng.

Con gái của Quyền Linh gây choáng khi lái xế sang đến trường

Con gái của Quyền Linh gây choáng khi lái xế sang đến trường

Giải trí - 14 giờ trước

GĐXH - Lọ Lem - con gái Quyền Linh mới đăng tải video "Một ngày của sinh viên" và nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Thu Quỳnh khoe khoảnh khắc con gái 'Thị Tằm' giống mẹ 'như 2 giọt nước'

Thu Quỳnh khoe khoảnh khắc con gái 'Thị Tằm' giống mẹ 'như 2 giọt nước'

Giải trí - 14 giờ trước

GĐXH - Thu Quỳnh đăng ảnh 1 tuổi của mình và bé Thị Tằm - con gái 6 tháng tuổi với niềm tự hào "công chúa giống mình mà phiên bản 'gấu biển' hơn".

Hôn nhân của nữ diễn viên mỗi ngày chỉ phát 100.000 đồng cho chồng, mâu thuẫn là ra bàn nhậu giải quyết

Hôn nhân của nữ diễn viên mỗi ngày chỉ phát 100.000 đồng cho chồng, mâu thuẫn là ra bàn nhậu giải quyết

Giải trí - 14 giờ trước

Có chồng điển trai lại đào hoa nên nữ diễn viên rất hay ghen. Cặp đôi cũng vì vậy mà từng nhiều lần trục trặc, rạn nứt...

Noo Phước Thịnh: Tôi không hạ bệ ai nhưng cũng không để ai làm tổn thương mình

Noo Phước Thịnh: Tôi không hạ bệ ai nhưng cũng không để ai làm tổn thương mình

Giải trí - 17 giờ trước

"Tôi không hạ bệ hoặc xem thường một ai, nhưng không để người khác làm tổn thương mình" - Noo Phước Thịnh tâm sự.

Bỗng dưng Song Hye Kyo lại bị mỉa mai là "cô vợ siêu sao không muốn đẻ"

Bỗng dưng Song Hye Kyo lại bị mỉa mai là "cô vợ siêu sao không muốn đẻ"

Giải trí - 19 giờ trước

Dù đã ly hôn từ lâu nhưng Song Hye Kyo vẫn luôn bị réo tên trong những sự kiện liên quan tới chồng cũ Song Joong Ki.

Mỹ nhân trẻ đẹp nhất phim 'Sex and the City' có hôn nhân ngọt ngào bên nhạc sĩ nổi tiếng

Mỹ nhân trẻ đẹp nhất phim 'Sex and the City' có hôn nhân ngọt ngào bên nhạc sĩ nổi tiếng

Giải trí - 19 giờ trước

GĐXH - Kat Dennings - sao phim "Sex and the City" sinh năm 1986 và nổi tiếng là mỹ nhân trẻ đẹp nhất trong dàn phim này. Ngoài đời, cô đang hạnh phúc bên chồng là nhạc sĩ.

Lộ vòng 2 bất thường, Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh vướng tin đồn mang bầu lần 2

Lộ vòng 2 bất thường, Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh vướng tin đồn mang bầu lần 2

Giải trí - 20 giờ trước

GĐXH - Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh mới đây xuất hiện trong một sự kiện, tuy nhiên điều khán giả chú ý chính là vòng 2 bất thường của cô.

Như Quỳnh: "Tôi hối hận vì đã làm điều đó với Hiền Thục"

Như Quỳnh: "Tôi hối hận vì đã làm điều đó với Hiền Thục"

Giải trí - 21 giờ trước

"Tôi không nhận ra lúc đó tôi đã đi quá giới hạn của mình" – Như Quỳnh chia sẻ.

Bị chê 'nghệ sĩ nổi tiếng mà ở ký túc xá', chị cả của show 'Chị đẹp' giải thích

Bị chê 'nghệ sĩ nổi tiếng mà ở ký túc xá', chị cả của show 'Chị đẹp' giải thích

Giải trí - 23 giờ trước

"Chị đẹp đạp gió 2024" có sự đổi mới khi 30 chị đẹp tham gia chương trình sẽ cùng sinh hoạt chung trong không gian kí túc xá.

Top