Đặc sản Hà Nội xôi Phú Thượng - tinh hoa một làng nghề, ngon miễn chê
GĐXH - Ven sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội vài cây số, có một ngôi làng nghề truyền thống vang danh đất Hà Thành. Nơi đây có thức quà sáng giản dị mà rất đỗi thân thương, kết tinh bao giá trị vật chất lẫn tinh thần nay đã trở thành di sản mang tên - xôi Phú Thượng.
Tìm về với lịch sử làng nghề xôi Phú Thượng
Khi được hỏi về lịch sử của nghề làm xôi Phú Thượng, ai nấy trong làng đều khó có thể chỉ rõ thời gian cụ thể xôi xuất hiện là từ khi nào, chỉ biết rằng nghề làm xôi Phú Thượng từ lâu đã đi vào tiềm thức của bao thế hệ nơi đây với câu ca lưu truyền:
"Làng Gạ có gốc cây đề/ Có sông tắm mát, có nghề nấu xôi ".
Làng Gạ (hay Kẻ Gạ), tức làng Phú Gia là ngôi làng nằm bên bờ Nam sông Hồng, sau này cùng với Thượng Thụy (tên nôm là làng Bạc) và Phú Xá (tên nôm là làng Xù) được hợp lại thành Phú Thượng, thuộc quận Tây Hồ như ngày nay.
Người dân Phú Thượng xưa được ưu ái sở hữu một vùng đất đai màu mỡ, phì nhiêu được bồi đắp từ phù sa sông Hồng. Từ những cánh đồng màu mỡ ấy, người dân làng đã trồng được loại gạo rất thượng hạng, đó là gạo nếp cái hoa vàng để thổi xôi.
Trước kia, nghề xôi phát triển mạnh mẽ ở làng Phú Gia còn làng Thượng Thụy và làng Phú Xá chỉ chủ yếu làm bánh đa kê. Sau này, khi các cô gái làng Gạ lớn lên, gả sang làng khác, họ vẫn tiếp tục với công việc bán xôi. Phần lớn những người phụ nữ Phú Thượng theo nghề đồ xôi bởi đó là nghề gia truyền. Yêu làng nên giữ nghề, họ cởi mở, sẵn sàng truyền nghề cho những người con gái trong làng muốn theo. Cứ từ 3 - 4 giờ chiều, các nhà lại rục rịch sửa soạn đồ xôi. Tinh mơ mờ sáng, làng xóm đã rộn ràng, chị em í ới gọi nhau đi chợ. Họ tỏa đi khắp nơi, người sang các làng bên như: Ngọc Hà, Quảng Bá; người vào sâu nội thành như Đồng Xuân, Bát Đàn… Chính vì vậy, nghề làm xôi đã có cơ hội phát triển mạnh mẽ ở cả ba làng của Phú Thượng.

Một gánh xôi quen thuộc trước cổng đình làng Phú Gia – Phú Thượng
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến - Phó Chủ tịch Hội Làng nghề xôi Phú Thượng chia sẻ: "Gia đình tôi chính thức theo nghề làm xôi đã được 4 đời. Từ thời bao cấp, đời bà, đời mẹ đi bán xôi, tôi đã phụ giúp một số công đoạn trong quá trình làm xôi như nhặt gạo, xếp lá... Cứ thế theo thời gian, niềm đam mê với nghề xôi đã thấm dần trong tôi. Vì vậy, sau khi học xong cấp ba, tôi đã chọn lấy hạt gạo làng quê để tiếp tục phát triển nghề xôi kiếm tiền mưu sinh cho cuộc sống sau này."
Gìn giữ tinh hoa trong từng dẻo thơm mộc mạc
Trải qua hơn 40 năm gắn bó với nghề xôi, nghệ nhân Tuyến đã có được những thành công nhất định và điều khiến bà luôn giữ được lửa đối với nghề đó chính là những khách hàng thân thuộc chỉ đợi ăn "xôi của bà Tuyến".
Thời gian làm nghề có rất nhiều những kỉ niệm và kỉ niệm bà Tuyến khá ấn tượng là cách đây hơn chục năm, trong một lần đi bán xôi, hôm đó trời mưa tầm tã, có một đôi vợ chồng trung niên ghé vào sạp bán xôi của cô để trú nhờ. Họ đã bắt gặp những người đội mưa đi mua xôi và có suy nghĩ xôi cũng chỉ là món ăn bình thường thôi có gì đặc biệt mà người ta đội mưa để đi mua. Vì hành động mua xôi đó mà đôi vợ chồng tò mò mua thử, sau khi ăn xong họ cũng hiểu ra vì sao người ta chấp nhận mưa gió để mua xôi. Cho đến bây giờ đôi vợ chồng đó đã trở thành vị khách trung thành của xôi Phú Thượng.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến bên cạnh mâm xôi Phú Thượng
Bà Tuyến cho biết, xôi Phú Thượng đặc biệt ở chỗ về chất lượng đảm bảo sức khỏe, mẫu mã cũng như màu sắc đa dạng. Đặc biệt hạt xôi giữ được sự mềm, dẻo từ sáng đến chiều, không bị cứng dù có mua đi lên máy bay nhờ cách nước nấu giữ độ dẻo của xôi, đến nơi chỉ cần quay lò vi sóng làm nóng.
Chia sẻ về quá trình nấu một mẻ xôi ngon chuẩn vị, bà Tuyến cho biết sẽ cần trải qua gồm 4 - 5 bước cơ bản từ khâu đầu tiên là chọn nguyên liệu, đảm bảo các tiêu chí sạch, chất lượng tốt. Sau đó đem ngâm gạo đủ thời gian trong khoảng 5 tiếng hoặc hơn, tuỳ vào loại xôi sẽ làm để hạt xôi được mềm. Gạo khi đã ngâm đủ thời gian thì vớt ra vo lại một lần nữa rồi cho vào đồ. Thành phẩm cuối cùng cho ra là mẻ xôi căng bóng, thơm dẻo được ủ trong thúng nhằm giữ được nhiệt độ cũng như chất lượng của xôi.
Bà Công Thị Tuyết ( 55 tuổi ) - người đã có kinh nghiệm hơn 30 năm thổi xôi trong làng cũng cho hay, để làm nên được thương hiệu xôi Phú Thượng cần có những lưu ý riêng. Nhìn chung, quá trình làm xôi sẽ cần đảm bảo yêu cầu khắt khe và chu đáo trong từng công đoạn. Khâu quan trọng đầu tiên là chọn nguyên liệu. Gạo được chọn để thổi xôi phải chuẩn nếp ngon, tuỳ theo mùa mà chọn nếp nhung hoặc nếp cái hoa vàng.
Đặc biệt, muốn xôi được ngon dẻo, để lâu không bị cứng, một bí quyết mà các thợ xôi cần phải tuân thủ đó là nguyên tắc 2 lửa, tức là đồ xôi 2 lần. Lần 1 đồ trong khoảng 30 phút, sau đó nhanh tay rải đều mỗi loại xôi ra rổ rồi đảo đều để xôi được tơi, mềm dẻo và ngon hơn.
Thông thường, khoảng 3-4 giờ chiều hằng ngày là các thợ xôi sẽ đồ lần 1. Sau khi xôi nguội sẽ được lưu trữ trong tủ lạnh để đến 3 giờ sáng hôm sau sẽ đồ lần 2, rồi đưa vào thúng, mỗi loại xôi để riêng trong từng lớp buồm cói, xếp lần lượt chồng lên nhau. Buồm này có tính chất giữ nhiệt, thoát được hơi mà lại giữ độ mềm cho xôi…
Những chiếc thúng đầy ắp những "dẻo thơm" sau đó được chất lên xe, toả đi từ đầu làng cho đến khắp các con phố lớn nhỏ trong nội thành, sẵn sàng phục vụ bữa sáng ngon miệng cho người dân Thủ đô.
Mỗi gói xôi là mỗi "gói tinh hoa", gói "dẻo thơm" trong từng mộc mạc giản dị. Nó chứa đựng biết bao sự khéo léo, cầu kỳ mà tinh tế của những người làm ra. Chẳng thế mà có câu "Ăn phở 3 lần thì ngán, ăn xôi cả tháng vẫn thèm" là vì vậy.
Chắp cánh đưa thương hiệu bay xa
Đã từng có thời điểm, nghề làm xôi Phú Thượng tưởng chừng như đã mai một. Song, nhờ sự đồng lòng của người dân cùng sự quan tâm của chính quyền địa phương, xôi Phú Thượng được nâng tầm và nhiều người biết đến hơn.
Năm 2017, hội làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng được thành lập. Ban đầu mới thành lập chỉ có khoảng 20 hội viên.
Trao đổi với phóng viên Bà Nguyễn Thị Loan – Quyền chủ tịch Hội làng nghề xôi Phú Thượng cho biết: Hiện nay Hội làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng có khoảng 400 thành viên trong tổng số 600 hộ làm xôi phường Phú Thượng. Hội đã được hỗ trợ tạo điều kiện về nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, áp dụng khoa học kỹ thuật phát triển sản phẩm làng nghề, ngoài ra còn được hỗ trợ sử dụng điện 1 giá nhằm thúc đẩy phát triển làng nghề truyền thống nơi đây.
Hằng năm, cứ vào ngày mùng 8 tháng Giêng, làng lại tổ chức Lễ hội xôi tại đình Phú Gia để tưởng nhớ công ơn của thần Khai Nguyên. Đây cũng là dịp để bảo tồn và phát triển, tôn vinh nét văn hóa làng nghề truyền thống đồng thời quảng bá hình ảnh xôi Phú Thượng đến rộng khắp người dân trên cả nước.

Xôi Phú Thượng trong Lễ hội xôi truyền thống tổ chức tại đình làng Phú Gia
Năm 2018, xôi Phú Thượng là 1 trong 9 món ẩm thực truyền thống của Hà Nội phục vụ Trung tâm Báo chí tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, thu hút sự chú ý của rất nhiều phóng viên báo chí nước ngoài.
Năm 2019, làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Xôi Phú Thượng. Xôi Phú Thượng đã có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của Thành phố Hà Nội.
Ngày 17/2/2024 vừa qua, nghề làm xôi Phú Thượng đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây chính là một niềm tự hào vô cùng to lớn của người dân Phú Thượng.

Xôi Phú Thượng trong lễ công bố ghi danh vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia
Với tiềm năng sẵn có vô cùng lớn như thế, những nghệ nhân trong làng vẫn luôn khao khát một ước muốn có thể đem hình ảnh xôi Phú Thượng bay cao, bay xa hơn tới người dân trong nước và bạn bè quốc tế. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn là những trăn trở đối với những nghệ nhân đã có tuổi như bà Loan hay bà Tuyến khi sức khỏe ngày một kém đi và sẽ đến một thời điểm không còn đủ minh mẫn, dẻo dai để chèo lái Hội làng nghề, trong khi hiện tại vẫn chưa tìm được thế hệ kế tục.
"Thương hiệu với cái tên xôi Phú Thượng bao năm qua đã mất công gây dựng nên được như hôm nay không phải là dễ dàng. Giữ được thương hiệu là một chuyện nhưng để phát triển lên một tầm cao mới thì còn khó hơn rất nhiều" - bà Loan bộc bạch.
Trên hành trình chắp cánh cho sự vươn lên của làng nghề, mong rằng xôi Phú Thượng sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa từ các cấp chính quyền và cần lắm những người "giữ lửa" nghề truyền thống ông cha bằng tất cả tình yêu và sự trân trọng…

8 mẹo giúp món chiên không bắn dầu, giòn rụm lâu
Ăn - 7 phút trướcGĐXH - Chiên rán là kỹ thuật cơ bản trong nấu ăn nhưng lại khiến nhiều người “ngại” vì dầu mỡ dễ bắn tung tóe, gây bỏng hoặc làm bẩn bếp. Chưa kể, món chiên dễ bị ỉu, mềm nếu không biết cách. Vậy làm sao để chiên giòn mà không bắn dầu, lại giữ độ giòn lâu?

Tiết Đại Thử 2025 nhiệt độ tăng cao, ai cũng nên bổ sung món ngon bổ dưỡng này để đảm bảo sức khỏe
Ăn - 15 giờ trướcGĐXH – Tiết Đại Thử là thời điểm nắng nóng gay gắt nhất trong năm, dễ gây mệt mỏi, uể oải, rối loạn tiêu hóa. Ăn những thực phẩm bổ dưỡng khí dưới đây sẽ giúp cơ thể duy trì thể trạng ổn định và tránh bệnh mùa hè.

6 cách giúp rau luộc xanh mướt, không bị nát
Ăn - 18 giờ trướcGĐXH - Rau luộc – món ăn tưởng chừng đơn giản nhưng không ít người từng rơi vào cảnh: rau luộc bị vàng úa, mềm nhũn, mất vị ngọt và kém bắt mắt. Vậy làm thế nào để có món rau luộc xanh mướt, giòn ngon, giữ trọn dưỡng chất?

5 cách ướp thịt nướng đậm đà, mềm ngon khó cưỡng
Ăn - 19 giờ trướcGĐXH - Thịt nướng là món ăn “quốc dân”, không thể thiếu trong các buổi tiệc ngoài trời, tụ họp bạn bè hay những bữa cơm đổi vị cuối tuần. Nhưng làm sao để thịt nướng đậm đà, mềm thơm, không bị khô hay dai? Bí quyết nằm ở cách ướp.

5 mẹo nêm nếm gia vị đúng thời điểm, món ăn tròn vị khó cưỡng
Ăn - 23 giờ trướcGĐXH - Nấu ăn không chỉ là chuyện “cho bao nhiêu muối, bao nhiêu đường”, mà còn là nghệ thuật nêm nếm đúng thời điểm. Cùng một món ăn, nếu gia vị được cho vào lúc thích hợp, hương vị sẽ bùng nổ, dậy mùi và đậm đà hơn hẳn.

Cụ bà 105 tuổi bật mí bí quyết sống thọ, lại là loại gia vị nhiều người 'ghét'
Ăn - 1 ngày trướcGĐXH - Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra mối liên hệ tích cực giữa việc ăn tỏi thường xuyên với tuổi thọ con người.

Mẹ đảm Hà Nội tiết lộ mẹo rán nem 'thần thánh': Giòn lâu, không bung, ăn một miếng là mê cả đời
Ẩm thực 360 - 1 ngày trướcGĐXH - Mẹo rán nem không bị vỡ, giòn tan như ngoài hàng được chị Thùy Dương (32 tuổi, Hà Nội) chia sẻ khiến hội nội trợ thi nhau học theo.

6 cách khử mùi tanh của cá nhanh gọn, không còn ám bếp
Ăn - 1 ngày trướcGĐXH - Cá là thực phẩm bổ dưỡng, dễ chế biến, nhưng mùi tanh đặc trưng đôi khi khiến nhiều người e ngại.

Hôm nay tôi được khai sáng cách rã đông cá mà không cần ngâm nước lã
Ăn - 1 ngày trướcRã đông cá không còn là "cơn ác mộng" khi bạn biết đến hai phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả sau đây.

2 cách làm hạt nêm tại nhà vừa ngon vừa an toàn
Ăn - 1 ngày trướcVới những nguyên liệu có sẵn trong nhà, bạn hoàn toàn có thể tự làm hạt nêm giúp món ăn thêm đậm đà, hấp dẫn, ngọt một cách tự nhiên.

Mùa hè ăn gì cho đỡ chán? Đây là loạt món ngon 'mát rượi', ăn là 'hết nồi cơm'
Ẩm thực 360GĐXH - Trời nóng đến mấy mà gặp loạt món ngon mùa hè này thì cũng phải “húp trọn”! Dễ nấu, mát ruột, cả nhà ăn là gật gù no bụng.