Đau đáu tìm nhau qua câu ví giặm!
GiadinhNet - 8 năm trước, khi viết về dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, tôi may mắn được gặp một số Nghệ nhân dân gian trong lĩnh vực này. Hồi đó, các cụ cũng đã ngoài 80 tuổi. Cho đến vừa rồi, khi ví giặm được công nhận là di sản văn hóa nhân loại, tôi cứ mong những nghệ nhân ấy vẫn còn sống để họ có thể mãn nguyện bởi những trăn trở ở tuổi xế chiều về việc ví giặm đứng trước nguy cơ thất truyền. Dù vậy, nhiều người trong số họ cho tới lúc trở về với đất mẹ đã không kịp chứng kiến ngày trọng đại đó.
Khắc khoải tìm thân nhân người yêu qua câu ví, giặm
Trên chuyến tàu trở lại miền Trung, gặp các nghệ nhân xưa tôi định sẽ kể cho các cụ câu chuyện tình đẹp nhưng buồn của đôi trai gái yêu nhau mãi không đến được với nhau vừa được biết đến như một thông điệp cho việc câu dân ca ví giặm luôn có sức sống mãnh liệt trong đời sống thường nhật chứ không chỉ có ở trên sân khấu, trong những vở diễn.
Đó là chuyện tình của bà Dương Thị Tam quê ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh với liệt sĩ Lê Xuân Hiệp quê ở Cẩm La, Yên Hưng, Quảng Ninh. Mấy năm trước đây, người phụ nữ này đã viết bức thư gửi đến nhiều cơ quan chức năng mong tìm thân nhân quê quán người yêu thời chiến của mình. Trong thư đó có đoạn: “Kể từ sau năm 1975, tôi đã nhiều lần tìm kiếm thông tin về gia đình liệt sĩ Lê Xuân Hiệp từ nhiều nguồn, có lần tôi tìm đơn vị cũ nhưng không biết số hiệu, tên đơn vị bây giờ ở đâu. Cũng nhiều lần tính ra Quảng Ninh tìm kiếm gia đình người yêu, nhưng thân gái dặm trường, lại chỉ biết loáng thoáng thông tin nên không biết tìm kiếm ở đâu”…
Hồi đó, người yêu bà theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường vào Nam chiến đấu. Ai ngờ lần đi ấy, ông mãi mãi không trở về. Thắc thỏm đợi chờ, đến khi kết thúc chiến tranh, bà mới nghe tin ông Hiệp đã hy sinh. Bà Tam viết bức thư tìm người nhà không gì ngoài mong muốn tìm tin tức gia đình của ông Hiệp và gửi lại cho gia đình tấm ảnh chân dung - kỷ vật ông đã tặng bà khi yêu nhau. Bà đoán, do điều kiện, rất có thể thời đó gia đình ông Hiệp không có một tấm ảnh để thờ, nên điều tâm nguyện của người con gái miền Trung là trao cho gia đình liệt sĩ kỷ vật thiêng liêng này.
Bà Tam kể: “Tôi nhớ rất rõ là vào tháng 5/1971, anh ấy về đây từ chiến trường Quảng Trị để an dưỡng và chữa vết thương. Khi lành dần, anh lại tham gia lực lượng địa phương với anh chị em dân công để chờ ngày trở lại đơn vị vào trong nớ (miền Nam) chiến đấu. Chúng tôi bắt đầu quen nhau từ đó”. Thời đó, các o (cô) thôn nữ Hà Tĩnh tham gia lực lượng thanh niên phong phòng đều thuộc làu nhiều dân ca hò vè, nhất là các bài ví dặm, các điệu hò xứ Nghệ… cứ xướng dài trên những cung đường vào Nam. Chất giọng con gái xứ Nghệ của bà mỗi khi cất lên khiến nhiều chàng trai xứ Bắc ngẩn ngơ. Trong những người si mê o thôn nữ có nước da trắng ngần, lưng thon, mắt biếc ấy có anh Hiệp.
Một lần khi san đường cho xe qua làng, tôi đang hò cho anh chị em nghe cho bớt mệt nhọc, tôi hò thế này này: “Hò ơ… Nghe tin anh đau đầu chưa khỏi, em băng rừng bẻ lá về xông, ước mần răng (làm sao) đây vợ đó chồng, đổ mồ hôi em quạt, ngọn gió nồng em che…”. Không ngờ khi dứt đoạn hò, anh Hiệp đứng gần đó cũng bỗng cất lời trọ trẹ bắt chước hò đáp lại: “ Ơ...ơ... Anh đến giàn hoa thì hoa đã nở, anh đến bến đò, đò đầy đò phải sang sông. Anh đến bên em, em đã lấy chồng”.
Bà Tam bồi hồi: “Bất ngờ anh ấy hạ giọng chùng xuống nhìn thẳng mắt mà hỏi tôi như “ri” (thế này): “Hỏi rằng em yêu anh như rứa (thế) có thật lòng hay không?”. “Lúc nớ tôi xấu hổ lắm, mần răng (làm sao) không xấu hổ được, đông người quá mà. Nhưng mà tôi kịp trấn an và đáp trả: “Ơ…ơ... Anh đến giàn hoa hoa đến thì hoa nở, anh đến bến đò, đò đầy, đò phải qua sông. Đến duyên em, em phải lấy chồng. Hỏi rằng anh trách em như rứa, có cực lòng em không?”. Bà Tam nhắc lại câu hò đối đáp năm xưa.
Rồi bà bảo: “Tui lúc đó còn đáp lại trêu anh: “Ơ… Cơm em đơm hai bát, bát ăn bát nhịn; đũa em so hai đôi, đôi đứng đôi nằm/Cho dù thầy mẹ em có đánh đập em chín chục, một trăm roi/ Đập rồi em dậy, quyết tâm em thương chàng”. Sau câu hò, cô thôn nữ tên Tam và chàng bộ đội tên Hiệp đã thương nhau mất rồi!
Nhưng, cái tình thoảng qua trong câu ví giặm đó ám ảnh bà Tam trọn cả cuộc đời. Bời, họ bặt tin nhau từ đó! Trong tim bà Tam lúc nào cũng vẹn nguyên một lời hẹn thề cùng hình ảnh, lời dặn dò của anh Hiệp “khi hoà bình lập lại sẽ gặp nhau”. Cuối năm 1975, bà đau buồn nhận tin ông Hiêp đã hy sinh. Tình cảm sắt son đó được bà Tam giữ bên mình non 40 năm. Để rồi, cuối cùng bà cũng tìm được thân nhân của liệt sỹ để trao lại tấm kỷ vật cho gia đình…
Hôm nay, tôi trở lại Làng Sen, vẫn lối nẻo quanh co song đáng buồn, các nghệ nhân thuở ấy giờ người đã về với ông bà, tiên tổ, người còn sống thì tai biến, người thì yếu do tuổi già. Cũng đúng thôi, quy luật tạo hóa, tuổi đời của họ đã non một thế kỷ. Những cây đại thụ của hát phường vải Kim Liên như lá vàng trên cây, rơi rụng dần và đó là mất mát không gì bù đắp được.
Ngõ Dân Ca, điệu ví giặm là em!
Ngay giữa thành phố Vinh (Nghệ An) phồn hoa là vậy vẫn có một không gian riêng biệt cho dân ca ví giặm. Tôi tìm đến khu tập thể của những người hoạt động nghệ thuật dân ca ví giặm. Khu tập thể đó còn được gọi với cái tên rất dân dã là “ngõ Dân Ca” ở Mộ Cháy, khối 10, phường Lê Lợi. Nơi đó có sự góp mặt của những cái tên kỳ cựu trong làng ví giặm như nhạc sỹ Phan Thành, NSƯT Đình Bảo… và hàng trăm cán bộ công nhân viên, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực dân ca sinh sống. NSƯT Đình Bảo cho biết đây như một không gian riêng của những người hoạt động nghệ thuật ví giặm. “Tất nhiên, khối phố này hiện bây giờ đã có những người “ngoại đạo” ở cùng nhưng số đó không nhiều. Và, khi bước qua góc phố đề “ngõ Dân Ca”, người ta thấy sự đông đảo của những người làm trong ngành sẽ biết còn nhiều tâm huyết và sức sống dân ca ví giặm còn mạnh mẽ”, NSƯT Phan Thành cho biết.
Khu tập thể Dân Ca ở Thành phố Vinh, ai ai cũng biết chuyện tình đẹp của cặp đôi Nguyễn Hữu Mão - Trần Thị Ngọ. Anh Mão hiện đã về hưu nhưng vẫn nhiệt tình hoạt động trong các phong trào văn nghệ của phường. Chị Ngọ là cán bộ của Trung tâm Bảo tồn Phát huy Dân ca Xứ Nghệ. Cặp đôi trai tài gái sắc đã nên vợ thành chồng qua khúc hát dân ca đang hưởng cuộc sống tuy vật chất còn thiếu thốn nhưng hạnh phúc và tràn ngập tiếng cười. Một ngày cuối đông, kể chuyện nghề, hồi ức 35 năm trước lại vọng về với chị Ngọ: “Năm 1979 mình đi thi giọng hát hay đoạt giải nhì”. Cô gái quê gốc Đô Lương đi hát cho các trung tâm văn nghệ. Một lần, Trưởng đoàn dân ca Nghệ Tĩnh, Thanh Lưu nghe tiếng hát cô Ngọ đã phải thốt lên: “Giọng hát hay quá!”. Ông Lưu đã lưu cô ở lại với đoàn dân ca Nghệ Tĩnh. Và từ đó, đoàn dân ca Nghệ Tĩnh thu nạp được một nhân tài trẻ tuổi.
Hồi ấy trong đoàn nổi tiếng nhất có giọng hát nghệ sĩ Lê Thanh, rồi chị Ngọ với chất giọng luyến láy nhấn nhá đặc biệt trời cho của mình là sự nối tiếp xứng đáng. Chính bởi tiếng hát ấy đã khiến bao chàng trai phải thương thầm nhớ trộm. Anh Mão bảo: “Năm 1980 tôi gặp Ngọ. Chưa có cảm tình với con người cô ấy nhưng lần đầu nghe hát đã yêu giọng hát này rồi”. Chị Ngọ thì nhỏ nhẹ rằng: “Gặp anh Mão lúc đầu chỉ coi là người anh trong đoàn. Rồi ngày ngày nghe anh hát, giọng hát toát lên sự chân tình của người đàn ông mà có cảm tình”. Họ yêu đầu tiên từ tiếng hát của nhau.
Tình yêu của chàng trai và cô gái trẻ cùng hát dân ca bắt đầu từ những ngày đó. Hàng ngày bên nhau, họ lại hát hò, đọc thơ cho nhau nghe để quên đi mệt nhọc, vất vả và cả sự thiếu thốn vật chất. Chị Ngọ kể, thời đó, các o trong đoàn hát đều thuộc làu nhiều dân ca hò vè, nhất là các bài ví dặm, các điệu hò xứ Nghệ… cứ xướng dài trên những cung đường đi diễn toàn đối đáp bằng những điệu hò ví giặm mộc mạc chân thành.
Mang giọng hát của mình đi giới thiệu ví giặm cho người nghe khắp mọi miền đất nước, chị Ngọ bảo, cảm động nhất là những lần vào miền Nam, khi cất lên điệu hò xứ sở, có người ngồi xúc động tuôn trào nước mắt. “Những lúc đó mới thấy được sự nao lòng của những đứa con ở miền xa”, chị Ngọ kể. Sau mỗi lần diễn cơ man nào là hoa, tiếng cười nói cảm ơn giúp người nghe bồi hồi nhớ quê, họ quay lại với cuộc sống thường nhật. Đời sống của người chuyên chở khúc hát dân ca còn chật vật, song anh Mão nhẩm tính rằng, ở trong ngõ Dân Ca này có đến hơn 10 cặp đôi yêu nhau, lấy nhau nhờ yêu tiếng hát của nhau. Họ không sợ nhau… nghèo!
80 tuổi với nỗi lo “mất”… di sản!
Dẫu được coi là dải đất địa linh nhân kiệt, là quê hương cách mạng, nơi đóng góp nhiều nhân tài, hào kiệt cho đất nước song nhắc đến hai từ Nghệ Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh) ai cũng biết đó là miền quê nghèo “quanh năm bao mùa nắng gió”… Nghèo, nhưng người Nghệ Tĩnh không gục ngã trước số phận, trước thiên tai. Họ, từ thuở cha ông khai thiên lập quốc đã cất cao lời ca tiếng hát giữa nắng gió Lào, mưa bão bịt bùng. Như một sự vươn lên, như một niềm hãnh diện, vùng đất của những làn điệu ví giặm nghĩa tình sâu lắng này đã lưu lại cho đời những di sản quý hơn bạc vàng. Như một sự đáp đền, những làn điệu dân ca ví giặm nơi này vừa được Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, một vinh dự vượt tầm quốc gia chưa từng có.
Trước chuyến “trở về” với ví giặm Nghệ Tĩnh lần này, khoảng 8 năm trước tôi cũng đã đặt chân đến đây để hỏi chuyện về dân ca ví giặm. Lần đó, tôi ngồi say sưa nghe chuyện trai gái yêu nhau nhờ câu ví giặm qua những câu chuyện tưởng chừng như không có hồi kết từ các nghệ nhân dân gian Trần Văn Tư, Hoàng Thị Út, Trần Văn Hào, Nguyễn Thị Em, Trần Thị Em đều ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Hồi đó, Nghệ An có 8 người được phong danh hiệu Nghệ nhân dân gian thì xã Kim Liên có tới 7 người. Lúc ấy, các cụ cũng đã trên 80 tuổi, có cụ gần 90 tuổi.
Cụ Trần Văn Tư kể chuyện yêu đương qua câu dân ca xứ sở mà tự sự với người mình yêu. Tôi có cảm giác người kể cho mình đinh ninh rằng tình yêu qua câu hò điệu ví phường Vải quê hương ông rồi sẽ chỉ còn trong câu chuyện kể của thời ông trở về trước, chứ sau này không còn thực ngoài đời. Cụ Tư nói: “Ngày trước, phong trào hát phường vải ghê lắm, xóm mô (nào) cũng có, làng mô cũng có, nhiều người hát hay, hát giỏi. Ngay từ lúc chưa cướp chính quyền (tháng 8/1945), tôi đã đi theo các anh chị lớn tuổi để học hỏi. Nhiều đôi nên vợ nên chồng cũng nhờ câu hát. Bây giờ người trẻ thích nhạc Tây, nhạc Hàn mấy ai để ý đến câu dân ca. Rồi hát phường Vải sẽ vào quên lãng thôi”.
Sức sống trường tồn
Nhớ lại cuộc gặp gỡ 8 năm trước, NSƯT Thanh Lưu không khỏi đau đáu trước câu hỏi liệu dân ca ví giặm có bị mai một dần và sẽ biến mất không? Thuở ấy, để trả lời câu hỏi đó cũng không phải dễ. NSƯT Thanh Lưu là người đặt nền móng cho việc đưa dân ca Nghệ Tĩnh lên sân khấu từ những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, đồng thời là người sưu tầm và nghiên cứu rất kỹ về dân ca xứ Nghệ. Nhà hát đã tổ chức đi sưu tầm, ghi băng, quay hình những làn điệu dân ca truyền miệng trong đời sống nhân dân. Thêm vào đó là việc đưa dạy hát dân ca vào trường học, có những buổi nói chuyện chuyên đề với các em, rồi dạy hát dân ca trên sóng phát thanh truyền hình Nghệ An. Mọi nỗ lực của những người tâm huyết như ông đều góp công vào sự trường tồn của dân ca ví giặm.
Riêng tôi, một người ngoại đạo vẫn có một niềm tin mà như lời của NSND Trịnh Hồng Lựu đã nói: "Ví, giặm như hòn than ẩn mình trong đời sống lao động, chỉ đợi người đến “hà hơi” để thổi sẽ bùng lên sức sống mãnh liệt và trường tồn".
Chẳng nhà nghiên cứu nào khẳng định từ thuở nào miền quê "mưa thối đất, nắng nẻ trời” Nghệ An, Hà Tĩnh đã cất lên những lời ví, tiếng giặm mang nặng ân tình quê hương đất nước, khắc ghi đời sống sinh hoạt hằng ngày, kết nối biết bao tâm hồn những đôi trai gái. Vượt qua rào cản về thời gian, sự giao thoa của nhiều nền văn hóa trong thời đại thông tin, ở đâu đó những câu hò dân ca vẫn có chỗ đứng riêng và lâu bền.
Ví giặm giờ đã là di sản của nhân loại. Nhưng trước khi được công nhận nó đã là di sản trong mỗi hơi thở, nhịp đập của con người xứ Nghệ. Câu chuyện tình yêu thời chiến của cô Tam cứ ám ảnh tôi. Đâu đó, vẫn có những câu chuyện đẹp mà ta chưa biết.
Trên suốt hành trình trở về Hà Nội, thoáng đâu đó giọng người con gái quê gốc Đô Lương: “Em cứ đùa anh “nỏ cho” và “nỏ lấy”/ Sao mềm lòng ngồi hát để anh nghe/ Khúc dân ca có từ trong máu thịt/ Không thể dối lòng làm sống dậy một hồn quê/ Tôi viết tặng em bài ca lần đầu gặp gỡ/ Bởi chia xa không nói được nên lời/ Nhưng điệu ví theo anh về mãi mãi/ Anh cứ mơ hồ – điệu ví dặm là em...”.
Ví, giặm là hai thể hát dân ca có ca từ bằng thơ dân gian cô đọng, súc tích, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hát nên luôn được trao truyền, kế thừa và sáng tạo. Các chuyên gia ước tính có khoảng 15 điệu ví, 8 điệu giặm được gọi tên theo bối cảnh cuộc sống, lao động, nghề nghiệp như Ví phường vải, Ví đò đưa, Giặm ru, Giặm kể. Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng người Việt ở 259 làng, thôn, xóm, khu dân cư của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân địa phương, làm nên bản sắc riêng của văn hóa xứ Nghệ.
Nguyễn Quang Thành/Báo Gia đình & Xã hội
Chủ quán karaoke Tươi Cười đã “lợi dụng” 3 bé gái chưa đủ 16 tuổi thế nào?
Pháp luật - 2 giờ trướcLợi dụng các bé gái chưa đủ 16 tuổi, nhóm bị cáo đã ép buộc làm tiếp viên tại karaoke Tươi Cười ở TP Cần Thơ để thu lợi bất chính.
Vụ kè sông ở Bắc Kạn bị thiệt hại do xả lũ: UBND tỉnh gửi 'tối hậu thư' đến nhà máy thuỷ điện Thác Giềng 1
Thời sự - 3 giờ trướcGĐXH - UBND tỉnh Bắc Kạn đã ra văn bản chỉ đạo nhà máy thuỷ điện Thác Giềng 1 trong sự việc, xả lũ gây ảnh hưởng dự án kè khắc phục sạt lở bờ sông Chu, sông Cầu đoạn qua thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn.
Đài Truyền hình Việt Nam thông tin về việc lái xe 16 chỗ vượt ẩu gây tai nạn ở Mai Châu
Đời sống - 4 giờ trướcGĐXH - Ngày 22/11, thông tin từ Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, đơn vị đã làm việc với các cơ quan chức năng ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn giao thông ở huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) ngày 18/11.
Vờ hỏi đường rồi rút dao đe doạ để cướp
Pháp luật - 4 giờ trướcGĐXH - Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Mai Văn Quang (SN 1996, trú tại xã Nga Phượng, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá) để điều tra về hành vi “Cướp tài sản”.
Phá đường dây mua bán pháo 'khủng'
Pháp luật - 4 giờ trướcGĐXH - Các đối tượng mua pháo từ nước ngoài đưa về Việt Nam, sau đó tham gia hội nhóm mua bán pháo trên không gian mạng để rao bán kiếm lời.
Từ 2025, nhiều lái xe lo lắng khi quy định này được ban hành, vừa bị thu hồi giấy tờ quan trọng vừa bị mất tiền
Đời sống - 4 giờ trướcGĐXH - Theo Thông tư số 65 vừa được Bộ Công an ban hành, từ 2025, lái xe phải kiểm tra kiến thức để phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Tin tối 22/11: Đám cưới dùng 1 tấn rau củ trang trí ở Bình Định; Thông tin mới vụ ô tô 'đậu' trên cổng nhà ở Đồng Nai
Đời sống - 4 giờ trướcGĐXH - Đám cưới dùng rau củ quả để trang trí, tạo ra không gian lạ lẫm, đẹp mắt, khách khứa sau khi ăn cỗ còn được tặng đồ về nấu; Hình ảnh chiếc ô tô Matiz "đậu" trên mái cổng nhà ở Đồng Nai gây xôn xao dư luận...
Khởi tố đối tượng nổ súng để giải quyết mâu thuẫn
Pháp luật - 5 giờ trướcGĐXH - Công an tỉnh Cao Bằng đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra đối với Bùi Trung Kiên (SN 1998, trú tại huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.
Thí sinh THPT 2025 nếu thi các trường này cần lưu ý tổ hợp xét tuyển để tránh bị động
Giáo dục - 6 giờ trướcGĐXH - Nhiều trường đại học điều chỉnh tổ hợp môn xét tuyển từ năm 2025 để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bắt tạm giam 2 đối tượng tổ chức sử dụng và tàng trữ trái phép ma túy
Pháp luật - 6 giờ trướcGĐXH - Trong quá trình tuần tra, kiểm soát tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, Công an huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã phát hiện 2 đối tượng đang có hành vi tổ chức và tàng trữ trái phép chất ma túy nên đã tiến hành bắt giữ.
Khẩn trương tìm kiếm Chủ tịch Hội nông dân xã mất liên lạc
Pháp luậtGĐXH - Hơn 30 người gồm lực lượng của xã cùng sự hỗ trợ của lực lượng chức năng huyện đang tìm kiếm ông P. tại khu vực bờ sông nhưng đến sáng 22/11 vẫn chưa có kết quả.