Diễn biến mới nhất về siêu bão Noru: Chỉ còn cách đất liền khoảng 270 km, đảo Lý Sơn gió giật cấp 11
GiadinhNet - Lúc 13 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền khu vực Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 270km về phía Đông, tại đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11.
Bão Noru di chuyển nhanh, Thủ tướng yêu cầu người dân hạn chế ra đường
Công điện ứng phó khẩn cấp với bão Noru vừa được Thủ tướng ký ban hành trưa 27/9.
Theo người đứng đầu Chính phủ, bão số 4 có tên Noru là cơn bão có cường độ rất mạnh, sức tàn phá lớn, đang di chuyển nhanh về phía vùng biển và đất liền nước ta.
Diễn biến của bão rất phức tạp, khó dự báo, trong khi khả năng chống chịu của nhà dân, cơ sở hạ tầng nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, công tác cứu hộ, cứu nạn khó khăn.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đình hoãn các cuộc họp chưa thật cần thiết để tập trung chỉ đạo chống bão.
"Cần phân công từng lãnh đạo trực tiếp xuống địa bàn trọng điểm ứng trực để chỉ đạo, kiểm tra công tác ứng phó", Thủ tướng chỉ đạo.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố trên phải cương quyết sơ tán triệt để tất cả người dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là trên tàu thuyền, lồng bè, khu vực ven biển, cửa sông, nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập sâu.
Trường hợp cần thiết, Thủ tướng quán triệt phải cưỡng chế sơ tán để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Nơi sơ tán đến phải bảo đảm an toàn, lương thực, nước uống, phòng chống dịch…
Lực lượng chức năng cần hỗ trợ người dân thu hoạch nông, thủy sản, chằng chống nhà cửa, trụ sở… và bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống, nhất là cứu hộ cứu nạn trên biển, trên sông hay những nơi bị chia cắt.
Trong thời gian bão đổ bộ, Thủ tướng yêu cầu kiểm soát việc đi lại, phân luồng giao thông, hạn chế người dân ra đường để bảo đảm an toàn.
Mặt khác, các địa phương cần tiếp tục rà soát phương tiện, tàu thuyền, không để tàu thuyền hoạt động trong khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão (kể cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch, các phương tiện hoạt động ven bờ, vùng cửa sông).
Các địa phương khác phải tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để kịp thời chỉ đạo ứng phó phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không được lơ là, chủ quan, đồng thời không hoang mang, mất bình tĩnh trước diễn biến của bão. Việc cần làm là tập trung thực hiện các biện pháp ứng phó bão với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất, không để bị động, bất ngờ gây thiệt hại tính mạng.
Không đi vào cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khi bão Noru đổ bộ
Trong điện khẩn ứng phó với siêu bão Noru, Cục CSGT (Bộ Công an) yêu cầu Công an Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi cảnh báo tài xế và người dân không đi vào cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trong thời gian bão hoạt động. Nguyên nhân là trên tuyến này không có khu vực đảm bảo an toàn để dừng, đỗ tránh trú bão trong trường hợp khẩn cấp.
Trước khi bão Noru đổ bộ, Cục CSGT yêu cầu Phòng CSGT công an các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum kêu gọi các phương tiện thủy vào nơi tránh trú an toàn.
Người dân được khuyến cáo không lưu thông vào khu vực bão đang hoạt động. Lực lượng CSGT được bố trí giám sát chặt các tuyến giao thông trọng điểm, nhất là tại các ngầm tràn, khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở.
Trên các tuyến quốc lộ, công an địa phương được yêu cầu xây dựng phương án đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ hoặc xảy ra lũ lụt, sạt lở. Trường hợp tuyến đường bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cần cấm đường và bố trí điểm đỗ an toàn cho xe cộ. "Địa phương cần báo cáo về Cục CSGT khi cần thiết điều tiết liên tuyến và phân luồng từ xa", lãnh đạo Cục CSGT yêu cầu.
Sau khi bão đi qua, CSGT được yêu cầu phối hợp với đơn vị quản lý hạ tầng sớm khắc phục các điểm sạt lở và giải phóng xe cộ, không để xảy ra tai nạn.
Tin khẩn cấp về bão số 4
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, tại đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11, đảo Phú Quý gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Lúc 13 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 270km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật trên cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 01 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển Thừa Thiên Huế-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (167-183km/giờ), giật cấp 17.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần. Đến 13 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm trên biểng trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 36 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển, nước dâng do bão vùng ven bờ: Vùng biển phía Tây Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển phía Tây Bắc khu vực Giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão cấp 14-15, giật cấp 17; sóng biển cao 9-11m, biển động dữ dội. Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), khu vực Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng cao 3-4m, biển động mạnh.
Vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15, giật cấp 17; sóng biển cao 9-11m, biển động dữ dội.
Vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, sau tăng lên cấp 12-13, vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15, giật cấp 17; sóng biển cao 4-6m, vùng gần tâm bão 6-8m. Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi nước dâng do bão cao 1,2-1,7m (Quảng Bình: 1,2m; Quảng Trị: 1,3m; Huế: 1,5m; Đà Nẵng:1,7m; Quảng Nam: 1,5m; Quảng Ngãi: 1,0m) mực nước tổng cộng (nước dâng bão kết hợp với thủy triều) cao 1,5-2,5m (Quảng Bình: 1,6m; Quảng Trị: 2,0m; Huế: 1,8m; Đà Nẵng: 2,5m; Quảng Nam: 2,5m; Quảng Ngãi: 1,5m), nguy cơ cao ngập tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông do nước dâng do bão và sóng lớn.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Từ tối và đêm 27/9, ven biển khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 15, các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13; khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10. Từ sáng sớm ngày 28/9, khu vực Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, có nơi cấp 10, giật cấp 12.
Cảnh báo mưa lớn: Từ ngày 27/9 đến ngày 28/9, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 300-400mm/đợt, có nơi trên 450mm/đợt; khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt. Từ ngày 28/9, mưa lớn có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trượt lở đất, ở vùng núi, ngập úng tại vùng thấp.
Các tỉnh lên phương án ứng phó
Sáng 27/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh ký văn bản hoả tốc chỉ đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Công an tỉnh;… các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh khẩn trương ứng phó khẩn cấp với bão số 4.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, bão số 4 là cơn bão có cường độ rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh và dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển và đất liền tỉnh Quảng Ngãi.
Trên cơ sở đó, ông Đặng Văn Minh yêu cầu chính quyền các cấp, lực lượng chức năng tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, sử dụng tất cả phương tiện truyền thông hiện có để phát tín hiệu dự báo, cảnh báo cho người dân biết.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi thống nhất từ 12h ngày 27/9, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị nhà nước được nghỉ làm việc cho đến khi có thông báo mới từ cấp có thẩm quyền, trừ những người được thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phân công tham gia phòng chống lụt, bão của cơ quan, đơn vị mình.
Các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp, nhà máy tư nhân chủ động cho công nhân, người lao động... được nghỉ làm việc để phòng, tránh bão số 4, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người. Người đứng đầu các địa phương, đơn vị tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó bão số 4, mưa, lũ trên địa bàn; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật do thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, chỉ đạo nếu để xảy ra thiệt hại về người.
Từ 10h trưa nay, toàn bộ người dân trên huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) được yêu cầu không ra khỏi nhà, nơi cư trú để đảm bảo an toàn khi bão số 4 đi qua.
Ngày 27/9, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay địa phương này sẽ đóng cửa tạm thời các khu chợ truyền thống, ngừng mua bán từ 14h cùng ngày. Đồng thời, tỉnh tổ chức sơ tán hơn 14.000 hộ dân với 43.000 nhân khẩu ở những khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng bão trước 12h cùng ngày.
Nhà chức trách yêu cầu người dân không được ra đường từ 21h ngày 27/9. Các chủ doanh nghiệp có phương án bố trí ca, kíp làm việc đảm bảo an toàn cho người lao động khi bão đến, mưa lớn.
Chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các chủ khách sạn đảm bảo an toàn cho khách du lịch đang lưu trú ở địa phương. Đến hôm nay, tỉnh này có hơn 2.000 khách du lịch (trong đó có 690 khách quốc tế) đang lưu trú.
Tại Đà Nẵng, sáng 27/9, UBND TP yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 20h ngày 27/9 đến khi có thông báo tiếp theo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố.
Chính quyền địa phương yêu cầu tuyệt đối không để người ở lại trên trên tàu cá, lán trại tạm công trình đang xây dựng từ 14h ngày 27/9 cho đến khi có tin cuối cùng về cơn bão số 4.
Các địa phương tổ chức sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất vùng núi, vùng ven sông, ven suối, ven biển, các vùng thấp trũng, ngập úng đến nơi an toàn, hoàn thành trước 14h ngày 27/9.
Trước đó, tại cuộc họp phòng chống bão Noru, TP Đà Nẵng quyết định từ 12h ngày 27/9 tạm dừng họp chợ truyền thống; tất cả cán bộ công chức viên chức, người lao động, công nhân… nghỉ làm việc để tránh bão.
Tại Quảng Nam, sáng 27/9, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị Nhà nước nghỉ làm từ 12h ngày 27/9 đến hết ngày 28/9.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các công ty, doanh nghiệp, nhà máy may tư nhân trên địa bàn tỉnh cho công nhân, người lao động được nghỉ việc từ 12h ngày 27/9 đến hết ngày 28/9.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu người dân không được ra khỏi nhà từ 18h ngày 27/9 để phòng tránh bão Noru cho đến khi có thông báo mới của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam.
Cùng ngày, Sở GD&ĐT Quảng Nam tiếp tục thông báo cho học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh nghỉ học ngày 28/9 để phòng, tránh bão số 4.
Tại Bình Định, sáng 27/9, các khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão tiếp nhận 5.600 tàu thuyền. Đối với tàu hàng, hiện toàn bộ tàu đang bốc dỡ hàng hóa ở khu vực cảng Quy Nhơn đã di chuyển vào tránh trú tại vịnh Xuân Đài (Phú Yên) từ chiều 26/9.
Đối với khách du lịch, hiện có 1.033 người đang lưu trú ở TP Quy Nhơn đã nhận đầy đủ thông tin về cơn bão.
Tỉnh Bình Định xác định 13 khu vực nguy cơ cao sạt lở đất và đã lên kế hoạch sơ tán 18.995 hộ với 65.404 người dân bị ảnh do bão số 4.
Địa phương này khuyến cáo người dân dự trữ lương thực trong 7 ngày. Tỉnh Bình Định không cho người ở trên các lồng bè và trên thuyền đã vào khu neo đậu; không cho người ra đường khi có bão...
KHẨN CẤP: Bão số 4 đã đến đất liền nhưng tiếp tục tăng cấp
Hiện trường phát hiện 150 bộ hài cốt ở Hà Nội
Thời sự - 3 giờ trướcNhiều bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo đường và hệ thống thoát nước ngõ 167 Tây Sơn (quận Đống Đa, Hà Nội) được di dời trong đêm.
Điệp khúc thời tiết tái diễn tại Hà Nội và miền Bắc trước khi đón 2 đợt không khí lạnh tăng cường
Thời sự - 7 giờ trướcGĐXH – Theo dự báo thời tiết, trước khi đón đợt không khí lạnh tăng cường vào ngày 25 và 27/11, Hà Nội và miền Bắc tiếp tục tái diễn kiểu thời tiết lạnh về đêm và sáng, trưa chiều nắng hanh.
Gần 100 chiến sĩ công an, người nhái, lực lượng địa phương tìm kiếm nạn nhân mất tích trên sông Hương
Thời sự - 8 giờ trướcHàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an, người nhái và các lực lượng phối hợp đã tham gia tìm kiếm 2 nạn nhân mất tích sau khi xe tải chở rác đâm sập lan can cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), rơi xuống sông Hương.
Bắc Kạn: Dự án nhà máy thủy điện Khuổi Nộc 2 bị 'tuýt còi' do tận thu cát sỏi để khai thác vàng
Thời sự - 19 giờ trướcGĐXH - UBND tỉnh Bắc Kạn vừa yêu cầu đình chỉ hoạt động tận thu cát, cuội, sỏi làm vật liệu xây dựng tại dự án thủy điện Khuổi Nộc 2 huyện Na Rì do có dấu hiệu lợi dụng giấy phép tận thu vật liệu xây dựng để khai thác vàng trái phép.
Quận Nam Từ Liêm xử lý triệt để vi phạm tại ngõ 8 phố Tôn Thất Thuyết sau phản ánh của Gia đình và Xã hội
Thời sự - 23 giờ trướcGĐXH - Sau phản ánh của chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức Khỏe và Đời sống), UBND quận Nam Từ Liêm cho biết sẽ chỉ đạo Công an Quận, Đội thanh tra GTVT thường xuyên kiểm tra, xử lý nếu phát sinh việc dừng đỗ, thu tiền trông giữ phương tiện trái phép tại ngõ 8 đường Tôn Thất Thuyết, thuộc phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm.
Xác định danh tính hai nạn nhân mất tích vụ xe chở rác rơi xuống sông
Thời sự - 23 giờ trướcGĐXH - Lực lượng chức năng đã xác định được danh tính 2 nạn nhân mất tích trong vụ xe chở rác húc văng thành rơi xuống sông Hữu Trạch (Thừa Thiên Huế) vào sáng 21/11.
Thời tiết Hà Nội 3 ngày tới: Nhiệt độ Thủ đô hạ thấp nhất bao nhiêu độ khi đón không khí lạnh?
Thời sự - 1 ngày trướcGĐXH – Theo dự báo thời tiết Hà Nội 3 ngày tới, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường lệch Đông nên thời tiết Thủ đô duy trì đêm và sáng trời lạnh, ngày nắng hanh. Mức nhiệt thấp nhất từ 21-23 độ.
Hiện trường lặn tìm 2 người trên xe rác rơi xuống sông mất tích
Thời sự - 1 ngày trướcGĐXH - Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai tìm kiếm 2 người mất tích do xe rác rơi xuống sông.
Cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ hỏi thăm các gia đình trong vụ đuối nước thương tâm
Thời sự - 1 ngày trướcGĐXH - Công an tỉnh Phú Thọ và Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam, Sở LĐ-TB&XH và UBND huyện Tam Nông đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình 5 học sinh bị đuối nước thương tâm xảy ra ở xã Hiền Quan.
Khoảnh khắc xe chở rác húc văng thành cầu rơi xuống sông, 2 người mất tích
Thời sự - 1 ngày trướcGĐXH - Đoạn video ghi lại cho thấy, xe chở rác BKS 75C – 044.83 khi di chuyển đến giữa cầu treo Bình Thành bất ngờ mất lái, va chạm và tông văng thành cầu bên phải rồi rơi xuống sông.
Gió mùa Đông Bắc liên tiếp dồn xuống, miền Bắc sắp rét đậm, rét hại?
Thời sựGĐXH – Theo dự báo thời tiết, vào ngày 25 và 27/11, bộ phận không khí lạnh được tăng cường trở lại ảnh hưởng đến nhiều nơi ở miền Bắc.