Hà Nội
23°C / 22-25°C

Gặp gia đình liệt sỹ 47 năm hàm oan vì một lời đồn

Thứ hai, 10:21 27/07/2015 | Xã hội

GiadinhNet - “Chú ơi, 47 năm từ ngày chú mất, chưa được một lần giỗ, chưa được thắp một nén hương. Gia đình nào biết chú còn sống hay đã chết, nào dám lập bàn thờ…”, ông Nguyễn Văn Viền rưng rưng nước mắt bên di ảnh người chú liệt sỹ. Người chú Nguyễn Đức Toàn của ông hy sinh gần 50 năm, đến nay mới được gia đình lập bàn thờ thờ tự.

Anh em con cháu đoàn tụ nhân dịp địa phương tổ chức truy điệu và trao Bằng “Tổ quốc ghi công” cho thân nhân liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn. 	Ảnh: Q.T

Anh em con cháu đoàn tụ nhân dịp địa phương tổ chức truy điệu và trao Bằng “Tổ quốc ghi công” cho thân nhân liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn. Ảnh: Q.T

 

“Ngày về” trong niềm vui trào nước mắt

Sáng 22/7 vừa qua, người dân xóm 2, xã Thụy Lôi, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam tập trung đông đủ tại căn nhà ông Nguyễn Văn Viền để chứng kiến lễ truy điệu và trao Bằng “Tổ quốc ghi công” cho liệt sỹ Nguyễn Đức Toàn sau 47 năm kể từ ngày hy sinh trong không khí rất trang trọng và xúc động. Hàng trăm lượt người đến thắp hương cho liệt sỹ ngày “trở về”, chia sẻ những điều tiếng mà thân nhân đã phải chịu đựng suốt gần nửa thế kỷ. “Chú tôi không đầu hàng địch, không theo địch. Bây giờ chúng tôi đã có thể ngẩng mặt lên để nhìn mọi người rồi”, ông Viền tâm sự.

Liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn được “minh oan” vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 năm  nay là sự kiện lớn đối với làng quê nghèo Thụy Lôi, Kim Bảng.

Chúng tôi về ngôi nhà nơi chiến sỹ Nguyễn Đức Toàn năm ấy chào tạm biệt gia đình lên đường chiến đấu vào một chiều mưa. Căn nhà nhỏ nay ông Viền tiếp quản kê bàn thờ liệt sỹ Toàn ngay gian giữa. Ở đó có di ảnh liệt sỹ Nguyễn Đức Toàn được gia đình làm sẵn trước đó đã lâu nhưng để trong tủ.

Ông Nguyễn Văn Viền rưng rưng kể lại: “Thật thương cho chú tôi. Ban đầu thì có tên trong bia tưởng niệm tại nghĩa trang liệt sỹ. Sau đó, có tin chú tôi “chiêu hồi” người ta vội xóa tên đi. Tới đây họ sẽ phải khắc lại. Điều đáng buồn hơn nữa là sau ngày chú tôi hy sinh, cơ quan chức năng bảo đã cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”, rồi lại thu hồi vì cho rằng chú theo địch và còn sống nên trong suốt thời gian dài chúng tôi không thờ cúng gì cả”.

Câu chuyện của chiến sỹ Nguyễn Đức Toàn mấy chục năm về trước dần hiển hiện qua lời kể của gia đình, của bà con lối xóm. Ông Nguyễn Đức Toàn nhập ngũ tháng 4/1962 ở Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308. Ngày 31/12/1965, đơn vị ông vào chiến đấu ở Tây Thừa Thiên - Huế, rồi đến Tây Nguyên và tháng 8/1967 mới vào đến Phước Long (cũ). Trong quá trình chiến đấu, ông Toàn đã gửi thư về cho gia đình 2 lần (năm 1966 và giữa năm 1967).

Sau 30/4/1975, người sống trở về với gia đình, người hy sinh thì Nhà nước báo tử nhưng ông Nguyễn Đức Toàn vẫn bặt vô âm tín. Năm 1976, gia đình ông Nguyễn Đức Toàn chỉ nghe phong thanh là “ông quy hàng địch”, cũng không có giấy tờ nào thông báo việc ông Toàn quy hàng. Tin đồn vô căn cứ này âm ỉ cho đến hôm nay mới được bác bỏ.

Ba thế hệ đi… kêu oan

Di ảnh liệt sỹ Nguyễn Đức Toàn.

Di ảnh liệt sỹ Nguyễn Đức Toàn.

 

Đúng như những gì từ phía gia đình cung cấp, ông Ong Thế Huệ, nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 88 cũng đã xác minh về trường hợp của liệt sỹ Nguyễn Đức Toàn. Ông Huệ cho biết: “Trong danh sách liệt sỹ của Trung đoàn 88 đã khắc bia vinh danh ở Khu lưu niệm truyền thống, tưởng niệm liệt sỹ Trung đoàn 88 tại Thái Nguyên, có tên của liệt sỹ Nguyễn Đức Toàn, trùng khớp với thông tin gia đình cung cấp”.

Ông Huệ vẫn còn nhớ như in trận đánh mà ông cho là ông Toàn hy sinh: "Ngày đó, tôi là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 5, còn ông Nguyễn Đức Toàn ở Tiểu đoàn 4. Trung đoàn 88 nằm trong đội hình sư đoàn 5 Quân giải phóng. Từ Tây Nguyên, chúng tôi hành quân chuyển chiến trường, vào đến Phước Long là vào cuối tháng 9/1967 và tác chiến đến hết tháng 11/1967”.

Theo lời kể của Phó Chính ủy Trung đoàn 88 thì đêm 24/10/1967, Tiểu đoàn 4 đánh đồn Phước Quả 3. Đến ngày 5/11/1967, địch tìm cách đưa tiểu đoàn biệt động 31 đến tái chiếm. Vào đến khu rừng ở ấp Phước Sơn thì bị Trung đoàn 88 vây đánh, sau hơn 2 tiếng, tiểu đoàn 31 địch bị tiêu diệt gọn. Ông Nguyễn Đức Toàn hy sinh trong trận đánh.

Nghe những lời xác nhận của ông Huệ về người chú mình, ông Viền ứa nước mắt nhớ lại cảm giác buồn tủi tại buổi kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 năm 1978 được tổ chức tại UBND xã Thụy Lôi, rằng chú ông hàng địch. “Tôi lặng người đi trước tiếng nói oang oang phát qua loa phát thanh trong bài diễn văn kỷ niệm năm đó, “Nguyễn Đức Toàn chiêu hồi địch”! Trời đất như đổ sụp. Sinh thời, ông nội tôi, cụ Nguyễn Văn Diện (bố liệt sỹ Nguyễn Đức Toàn) khi hay tin “con quy hàng địch”, ông đau buồn lắm. Những năm tháng cuối đời ông cố hỏi hết đơn vị này đến cơ quan khác nhưng không có kết quả. Ông mất đi, các chú tôi tiếp nối công việc tìm kiếm và đến trách nhiệm lớp cháu chúng tôi. Không có gì mừng hơn nay đã có kết quả”.

Ông Viền kể, năm 1992 ông được đi học lớp cảm tình Đảng nhưng cuối cùng không được chi bộ kết nạp. “Tuy chi bộ không nói thẳng ra nhưng lúc đó tôi biết vì sao rồi. Thật đáng buồn”, ông Viền nhớ lại.

Tâm nguyện của người em rể

 

Ông Nguyễn Văn Viền bên bàn thờ người chú mới được lập mấy hôm.
Ông Nguyễn Văn Viền bên bàn thờ người chú mới được lập mấy hôm.

 

Ông Phạm Quý Mùi, em rể liệt sỹ Nguyễn Đức Toàn, người trực tiếp nắm giữ hồ sơ và liên lạc với Ban Dân nguyện, UBTV Quốc hội, đơn vị có công lớn làm sáng tỏ oan khuất của gia đình. Ông Mùi cho biết: “Những ngày cuối đời, bố chúng tôi vẫn đau đáu làm rõ sự việc con trai mình. Lần lượt ông rồi bà mất đi khi sự việc chưa được làm sáng tỏ. Đó là điều khiến cho chúng tôi giờ phút này cảm thấy thương bố mẹ nhất. Sinh con ra, nuôi khôn lớn, rồi con hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước. Hòa bình lập lại, hai cụ sống trong lời đồn. Đến lúc các cụ nhắm mắt xuôi tay lòng vẫn đau đáu…!”.

Ông Mùi cho biết lúc còn sống, ông Diện vẫn dặn dò các con rằng một mai ông nằm xuống thì các con vẫn phải có trách nhiệm tìm ra sự thật của anh trai mình. Ông cho biết rằng sau khi anh mình được trao lại Bằng “Tổ quốc ghi công”, gia đình sẽ tiếp tục gửi đơn xin làm sáng tỏ sự việc. “Ngoài việc giải quyết chế độ chính sách mà gia đình chúng tôi xứng đáng được nhận. Cá nhân, cơ quan nào đã có sự nhầm lẫn nghiêm trọng ảnh hưởng đến danh dự người chiến sĩ Nguyễn Đức Toàn? Chúng tôi muốn được công bố bằng văn bản”.

Hiện nay, một điều mà gia đình đang rất mong mỏi và xúc tiến tìm kiếm, đó là việc kết nối lại với Trung đoàn 88 để tìm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn.

Ông Minh cho biết ngay sau khi trở về Đồng Nai, ông sẽ trở lại chiến trường Phước Long, nơi anh vợ mình từng chiến đấu và hy sinh để tìm hài cốt. “Mặt trận Phước Long cách nơi tôi sống 90 km. Trước đây, chúng tôi không toàn tâm tìm kiếm bởi có người bảo anh theo địch, người bảo chết. Bây giờ, sự thật đã rõ, tôi có linh cảm sẽ sớm tìm lại được hài cốt của anh”.

Chia tay chúng tôi, bước chân dưới hàng nhãn cổ thụ xõa bóng hai bên đường, ông Minh nói trong khắc khoải: “Ngày anh Toàn lên đường nhập ngũ tháng 4/1962 còn tôi đi bộ đội tháng 3/1975, biết bao nhiêu thế hệ thanh niên Thụy Lôi đều chia tay gia đình, quê hương dưới những tán nhãn này. Chiến tranh khốc liệt, người về, kẻ nằm lại nơi chiến trường, hàng nhãn vẫn còn đó chứng giám cho lòng trung thành sắt son của con người nơi đây”…

 

Việc xóa tên trên bia liệt sỹ là có thật

PV GĐ&XH lần giở lại các tài liệu thu thập được thấy rằng danh sách đối khớp hồ sơ liệt sỹ chống Mỹ của Sở LĐTB&XH tỉnh Hà Nam ngày 22/6/2000, có tên liệt sỹ Nguyễn Đức Toàn, sinh năm 1944, nhập ngũ tháng 4/1962, hy sinh tháng 11/1967 (thông tin trong Bằng Tổ quốc ghi công là năm 1968) nhưng bia tưởng niệm liệt sỹ huyện Kim Bảng khánh thành năm 2000 có tạc tên của liệt sỹ Nguyễn Đức Toàn nhưng rồi tên ông đã bị xóa khỏi đó. Theo chân gia đình ông Toàn đến nghĩa trang liệt sỹ huyện, bằng một vài thao tác nhỏ, cạo đi lớp sơn phủ, chúng tôi đã thấy tên ông Toàn hiện ra trên văn bia. Thời gian tên chú mình bị xóa  trên bia liệt sĩ Kim Bảng, theo ông Viền là thời điểm gia đình ông làm đơn khiếu nại oan sai.

 

 Ông Nguyễn Minh, người em út trong gia đình liệt sỹ Nguyễn Đức Toàn đã lặn lội từ Tân Phú, Đồng Nai trở về quê túc trực hương khói cho anh. Trước giờ lên đường trở về Đồng Nai, ông ôm tấm Bằng “Tổ quốc ghi công” vào lòng nghẹn ngào: “Ngay từ lúc đầu người ta nói anh theo địch, em đã không tin. Tháng 8/2010 em đã vào Trung đoàn 88, đơn vị của anh. Em đã thấy có tên anh trong danh sách 191 chiến sỹ hi sinh của Trung đoàn. Vậy mà, ở địa phương người ta vẫn không công nhận. Thông tin anh theo giặc, oan cho anh, cũng thông tin đó đã gây biết bao trở ngại cho chúng em và các cháu. Bây giờ mọi việc đã rõ rồi. Anh có thể yên nghỉ”.

Quang Thành/Báo Gia đình & Xã hội

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Người đàn ông để lại nhẫn cưới, điện thoại rồi nhảy xuống sông

Người đàn ông để lại nhẫn cưới, điện thoại rồi nhảy xuống sông

Xã hội - 5 giờ trước

GĐXH - Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện một đôi dép, chiếc áo, điện thoại và một nhẫn cưới do nạn nhân để lại.

Lừa đảo đưa 9 người dân ở Bắc Kạn sang Úc làm việc, một đối tượng quê Hải Dương bị bắt

Lừa đảo đưa 9 người dân ở Bắc Kạn sang Úc làm việc, một đối tượng quê Hải Dương bị bắt

Pháp luật - 7 giờ trước

GĐXH - Do nợ nần, Đoàn Văn Trung quê ở Hải Dương lập tài khoản zalo thường xuyên đăng tải hình ảnh về công việc ở Úc với mức thu nhập cao. Khi nạn nhân tin tưởng và chuyển tiền thì chiếm đoạt.

Bắc Kạn: Vận chuyển pháo hoa thuê với giá 2,2 triệu đồng, một đối tượng bị phạt 5 năm tù

Bắc Kạn: Vận chuyển pháo hoa thuê với giá 2,2 triệu đồng, một đối tượng bị phạt 5 năm tù

Pháp luật - 7 giờ trước

GĐXH - Vận chuyển pháo hoa với số lượng lớn từ Cao Bằng về Thái Nguyên với giá 2.200.000 đồng, một bị cáo bị xử phạt 5 năm tù giam.

TPHCM chỉ đạo nóng sau vụ trẻ mầm non bị tát, ngồi đè lên bụng, nhét đồ ăn

TPHCM chỉ đạo nóng sau vụ trẻ mầm non bị tát, ngồi đè lên bụng, nhét đồ ăn

Giáo dục - 8 giờ trước

Ngày 24/4, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM có văn bản chấn chỉnh hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo sau vụ bạo hành tại Lớp Mẫu giáo Tí Bo.

Sơn La: Mưa đá phủ trắng ruộng nương, đường sá, gây thiệt hại lớn

Sơn La: Mưa đá phủ trắng ruộng nương, đường sá, gây thiệt hại lớn

Thời sự - 9 giờ trước

GDXH - Trận mưa đá lớn ở xã Lóng Luông và Xuân Nha, huyện Vân Hồ, Sơn La bao phủ đồi núi, ruộng nương gây thiệt hại nặng.

Phát hiện, tạm giữ 3,5 tấn đường kính không rõ nguồn gốc xuất xứ

Phát hiện, tạm giữ 3,5 tấn đường kính không rõ nguồn gốc xuất xứ

Pháp luật - 9 giờ trước

GĐXH - Quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng của Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình phát hiện, tạm giữ 3,5 tấn đường không rõ nguồn gốc xuất xứ.

3 học sinh dựng hiện trường tự tử khiến nhiều lực lượng mò dưới kênh suốt nhiều giờ

3 học sinh dựng hiện trường tự tử khiến nhiều lực lượng mò dưới kênh suốt nhiều giờ

Xã hội - 9 giờ trước

GĐXH - Nhận được thông tin nghi có học sinh tự tử trên kênh N2 (địa bàn xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) các lực lượng chức năng đã khẩn trương xuống kênh để mò tìm suốt nhiều giờ.

Phát tán video ‘nhạy cảm’ khi người yêu cũ có bạn trai mới: Hành vi đê hèn

Phát tán video ‘nhạy cảm’ khi người yêu cũ có bạn trai mới: Hành vi đê hèn

Pháp luật - 9 giờ trước

GĐXH - Bực tức vì người yêu cũ có người yêu mới, Thức đã phát tán video "nhạy cảm" lên mạng xã hội với mục đích trả thù.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu công an làm rõ vụ 2 phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu công an làm rõ vụ 2 phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp

Pháp luật - 10 giờ trước

GĐXH - Trong quá trình tác nghiệp ghi nhận vụ cháy nhà xưởng trên địa bàn xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội, 2 phóng viên thuộc 2 cơ quan báo chí đã bị một nhóm đối tượng lăng mạ, hành hung.

Dự án tàu điện không ray được đề xuất triển khai tại Hà Nội có gì đặc biệt?

Dự án tàu điện không ray được đề xuất triển khai tại Hà Nội có gì đặc biệt?

Đời sống - 10 giờ trước

GĐXH - Tàu điện không ray là một loại hình vận tải hành khách công cộng mới được đề xuất áp dụng vào mạng lưới giao thông công cộng thành phố Hà Nội. Tàu không chạy trên đường ray truyền thống mà thay thế bằng đường ray ảo với công nghệ hiện đại.

Top