Tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục gây hấn
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam ngày 4/5. Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam |
Tối 8/5, đại tá Ngô Ngọc Thu, phó tư lệnh - tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam, cho biết đến thời điểm trên Trung Quốc vẫn giữ nguyên số lượng các loại tàu và máy bay tại khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam. Ông Thu cho biết các tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục va quẹt, kè ngăn chặn các tàu của Cảnh sát biển Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền.
Chiều 8/5, hai trong số các tàu Cảnh sát biển Việt Nam bị phía Trung Quốc đâm hỏng là tàu 2012 và 4033 (thuộc Vùng 2 Cảnh sát biển) được gấp rút sửa chữa tại Tổng công ty Sông Thu đóng tại vịnh Mân Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) sau khi vừa về đến đất liền.
Ghi nhận vào chiều 8/5 cho thấy nhiều tốp công nhân đã đội mưa để hàn lại khu vực mạn phải của tàu CSB 4033 bị tàu Trung Quốc đâm rách trước đó. Tương tự tàu CSB 2012 cũng đang gấp rút gia cố lại. Theo một lãnh đạo của Vùng 2 Cảnh sát biển, sau khi xảy ra va chạm, hai tàu cảnh sát biển nói trên đã tiếp tục ở lại hiện trường thêm một thời gian nữa trước khi có lệnh rút về Đà Nẵng sửa chữa để kịp quay trở lại khu vực Tri Tôn. Riêng cán bộ chiến sĩ trên hai tàu này vẫn tiếp tục bám trụ hiện trường bằng cách chuyển sang các tàu cảnh sát biển khác.
Việt Nam không đẩy vấn đề Biển Đông xấu đi
Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Lê Việt Trường, Phó chủ nhiệm ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cho rằng việc Trung Quốc đưa giàn khoan thả neo, chuẩn bị khoan thăm dò tại thềm lục địa của Việt Nam là hết sức nghiêm trọng. Nó đi ngược hoàn toàn nội dung được thỏa thuận trong DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông). Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Hành động này không đơn thuần là khai thác tài nguyên vì mục đích kinh tế mà sâu xa nhằm khẳng định tuyên bố đường lưỡi bò vô lý của họ, từ đó để tạo cơ sở nhằm thực thi quyền kiểm soát Biển Đông. Họ xác định tranh chấp trên vùng biển này rất phức tạp nên có thể tạm gác lại để cùng nhau khai thác nhưng họ phải trong tư thế là người đến trước, người định vị, sau đó ai muốn khai thác thì phải đặt vấn đề với họ.
Nếu đặt hành động này cạnh việc bắt tàu của ngư dân, hay cắt cáp tàu Bình Minh thì đây là sự leo thang trong chuỗi hành động có tính toán của Trung Quốc. Họ đưa ra chủ thuyết đường lưỡi bò chiếm 80% diện tích biển Đông và để hiện thực hóa điều đó thì hành động lần này chưa phải là cuối cùng vì sẽ còn những bước đi tiếp theo nữa.
Cũng theo ông Trường, hành động của Trung Quốc về chiến lược thì không bất ngờ, còn cụ thể thì phải xem chúng ta phát hiện đủ sớm chưa. Chúng ta phát hiện kịp thời và đã có hành động thực địa lẫn ngoại giao phù hợp. Chủ trương của ta là không để xung đột vũ trang. Nếu nóng vội, đẩy vấn đề tới nấc thang nóng không cần thiết thì tình hình sẽ nghiêm trọng hơn.
Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc và CNOOC không giải thích được vì sao phải điều đến 80 tàu hộ tống một giàn khoan
Ông Trình Quốc Bình, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc. Ảnh: Press TV |
Chiều qua (8/5), Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức cuộc họp báo nhằm biện minh cho việc đưa giàn khoan HD981 hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Cùng với việc nhắc lại lập trường về cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng bày tỏ tin tưởng Việt Nam và Trung Quốc sẽ giải quyết được vấn đề hiện nay thông qua "đối thoại".
Phía Trung Quốc cố tình vu cáo, đổ lỗi cho Việt Nam cũng như nhắc lại lập trường cái gọi là "chủ quyền" ở Biển Đông. Đây là nội dung chiếm thời lượng lớn của buổi họp báo, nhưng lại không phải là nội dung mà phóng viên báo giới quan tâm. Những vấn đề mà phóng viên quan tâm và đặt câu hỏi nhiều nhất thì phía Trung Quốc lại không thể trả lời, hoặc trả lời không thỏa đáng.
Cụ thể, phía Trung Quốc không đưa ra được hình ảnh nào làm bằng chứng chứng minh cho chỉ trích của nước này về việc “tàu Việt Nam quấy nhiễu tàu Trung Quốc”.
Mặc dù được các phóng viên hỏi đi hỏi lại nhiều lần, nhưng đại diện Bộ Ngoại giao cũng như đại diện Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) không giải thích được tại sao nước này phải điều đến hơn 80 tàu các loại để hộ tống một giàn khoan, trong khi bình thường chỉ cần 3 đến 4 tàu phục vụ là đủ.
Trước câu hỏi việc lực lượng chức năng của nước này dùng vòi rồng và cho tàu công vụ tấn công tàu Việt Nam có phải là hành vi ức hiếp thô bạo hay không và Trung Quốc đã điều bao nhiêu tàu đến khu vực giàn khoan HD981, trong đó có bao nhiêu tàu hải quân, Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc tỏ ra lúng túng, cố tình né tránh câu trả lời.
Tại cuộc bọp báo, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng bày tỏ quan điểm muốn giải quyết tình hình hiện nay thông qua đối thoại đàm phán.
Ông Dị Tiên Lương, Vụ trưởng Vụ biên giới và hải đảo Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Kênh trao đổi giữa hai nước là thông suốt. Kể từ khi xảy ra vụ việc đến nay, hai bên đã tiến hành 14 lần trao đổi. Trung Quốc mong muốn cùng phía Việt Nam thông qua trao đổi để giải quyết tình hình hiện nay”.
Việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vấp phải làn sóng lên án, chỉ trích mạnh mẽ khắp thế giới.
Hạ nghị sĩ Mỹ Eni Faleomavaega - Ảnh chụp màn hình ABC News |
Ngày 8/5, Hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega, thành viên cao cấp của Tiểu ban các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ, đã mạnh mẽ lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, đồng thời đề nghị chính quyền của Tổng thống Barack Obama có phản ứng rõ ràng và quyết liệt hơn nữa đối với các hành động của Bắc Kinh.
Thông cáo báo chí của Hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega khẳng định giàn khoan HD-981 đã được hạ đặt bên trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, chỉ cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 120 hải lý.
Hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega bày tỏ cảm ơn Thượng nghị sỹ John McCain đã đi tiên phong trong việc tuyên bố một cách dứt khoát rằng các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông là không có cơ sở chiểu theo luật pháp quốc tế.
Trước đó, Thượng nghị sĩ John McCain cũng đã ra tuyên bố về tình hình leo thang căng thẳng giữa TQ và Việt Nam.
Tuyên bố khẳng định: “Quyết định của TQ khi bắt đầu khoan dầu ở ngoài khơi bờ biển VN và việc họ triển khai hàng chục tàu hải quân yểm trợ là hành động khiêu khích, rất đáng lo ngại và chỉ làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jennifer Psaki ngày 7/5 nhấn mạnh: “Mỹ rất quan ngại về những hành động nguy hiểm và đầy hăm dọa của các tàu Trung Quốc trong khu vực tranh chấp”. Bà Psaki gọi đây là hành động “khiêu khích và làm gia tăng căng thẳng”.
Bà Psaki cho rằng hành động đơn phương của Trung Quốc là một phần của chiến lược leo thang tranh chấp lãnh thổ gây tổn hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực.
“Chúng tôi kêu gọi các bên có cách hành xử an toàn và phù hợp, đồng thời kiềm chế và giải quyết các đòi hỏi chủ quyền một cách hòa bình, bằng đường ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế”, bà Psaki tuyên bố.
Nhật Bản cũng lên tiếng phản ứng về hành động ngang ngược của Trung Quốc tại thềm lục địa Việt Nam. Theo hãng tin Kyodo, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh “cần tránh hành động đơn phương” trên biển Đông.
Ông Kishida nêu rõ: “Hành động này của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Điều này khiến Tokyo không thể không quan ngại. Các bên cần tránh những hành động đơn phương”.
Ngày 8/5, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố: “Trung Quốc cần giải thích rõ cơ sở và chi tiết các hoạt động của họ với Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Hòa bình và ổn định ở biển Đông là vấn đề liên quan tới cộng đồng quốc tế và chỉ có thể giải quyết hòa bình thông qua đối thoại”.
Thăm trụ sở NATO ở Brussels, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đánh giá tình hình biển Đông ngày càng căng thẳng, xuất phát từ những tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc buộc các nước trong khu vực phải tăng cường cảnh giác trước mọi động thái của nước này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore bày tỏ quan ngại về những diễn biến mới tại biển Đông, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và tránh làm leo thang căng thẳng tại vùng biển này. Bộ Ngoại giao Singapore kêu gọi tất cả các bên tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, truyền thông thế giới và các học giả quốc tế tiếp tục lên tiếng lo ngại về hành động ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông. Các chuyên gia Ernest Bower và Gregory Poling của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Mỹ nhận định, việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển thuộc thềm lục địa Việt Nam ngay sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm châu Á cho thấy ý đồ của Bắc Kinh trong việc kiểm tra quyết tâm của Việt Nam, ASEAN và Washington.
Trước việc TQ đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam, hãng thông tấn AP đã có bài viết vạch mặt các ý đồ của Trung Quốc bằng 6 luận điểm sâu sắc. (đọc toàn bộ nội dung bài viết
tại đây)
K.N(th)