Họa sĩ Lê Trí Dũng và chuyện “ngựa nhập vào đầu cọ”
GiadinhNet - Với 3.000 bức tranh ngựa đã được vẽ trong hơn 20 năm, họa sĩ Lê Trí Dũng được giới sưu tầm tranh đánh giá là người vẽ tranh ngựa nổi tiếng số 1 Việt Nam. Mỗi bức tranh ngựa sơn dầu” của ông “rẻ” nhất cũng 3.000 USD, có bức lên đến 7.500 USD. Khi ra thị trường, con số này phải tăng gấp đôi, thế nhưng ra bức nào là được giới chơi tranh “vét” hết bức đó.

Họa sĩ Lê Trí Dũng và nhà sưu tầm tranh Trương Nhuận (trái). Ảnh: NVCC
Tranh Lê Trí Dũng nổi tiếng vì nó rất riêng, rất Việt Nam
Họa sĩ Lê Trí Dũng sinh năm 1949 trong một gia đình làm nghệ thuật. Cha ông là họa sĩ sơn mài nổi tiếng Lê Quốc Lộc - một trong những danh họa của thế kỉ XX được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2000. Từ nhỏ ông đã được thừa hưởng niềm đam mê hội họa từ cha nhưng người khiến ông ảnh hưởng sâu sắc về bút pháp lại là danh họa Nguyễn Tư Nghiêm- hàng xóm sát nhà. Vì thế, ngày nào ông cũng thích sang xem họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vẽ con giáp. Sau này, với đề tài chiến tranh do ông từng lăn lộn ở chiến trường Quảng Trị, là lính bộ binh, rồi lính tăng thiết giáp - làm nên tên tuổi của ông, tranh 12 con giáp, tranh hoa sen cũng chính là những đề tài chủ đạo khiến giới hội họa phải nể phục.
Trong các con giáp, họa sĩ Lê Trí Dũng thích nhất là vẽ ngựa. Đến nay, gia tài của ông có chừng 3.000 bức tranh ngựa. Ông vẽ ngựa trên nhiều chất liệu nhưng phần đa là trên giấy dó, giấy xuyến chỉ, trong sổ tay, bút nhũ trên bìa đen, thậm chí trên bìa các-tông, mọi lúc, mọi nơi như thể chỉ sợ chậm một tí, cái “thần khí” trong tranh sẽ mất.
Sự chuyển hướng vẽ ngựa đến với ông khá tình cờ. Một lần, ông vẽ bức “Quân doanh Từ Công”- doanh trại của Tướng công Từ Hải cỡ lớn. Trong đó có hình ảnh Từ Hải mặc võ phục oai phong ôm Thuý Kiều, nàng Kiều đang ôm cây đàn tì bà. Sau lưng họ là con ngựa. Bức tranh này được treo ở phòng khách, sau có một khách người Mỹ đến xem tranh và “kết” duy nhất bức này. Cứ ngỡ khách là người am hiểu về Truyện Kiều mới mua nên ông mới gặng hỏi. Hóa ra, lý do người đó mua bức này là vì thích con ngựa đằng sau hai nhân vật chính: “Tôi thích nhất những con ngựa anh vẽ trong bức tranh này, nó phiêu linh mờ ảo và mang cốt cách bản sắc Việt rất rõ. Tôi cũng đã từng xem tranh ngựa ở nhiều nước trên thế giới nhưng con ngựa trong bức tranh này không giống bất cứ tranh ngựa nào vẽ ở đâu cả!”. Có lẽ vì thế mà về sau, Lê Trí Dũng vẽ riêng một dòng tranh ngựa, không “phụ họa” cho con người nữa.
Trước khi đến với đề tài tranh 12 con giáp, họa sĩ Lê Trí Dũng đã khá thành danh ở đề tài chiến tranh. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm ghi dấu ấn: “Vượt trọng điểm” (sơn mài, 1974), đang có mặt tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; “Vượt sông” (sơn mài, 1976), “Cánh rừng dioxin” (lụa, 1989), “Mẹ của những người lính” (sơn dầu, 1999), “Chân dung người lính” (sơn dầu, 2004)… Anh từng tham gia những triển lãm lớn về đề tài chiến tranh: “Cái nhìn từ hai phía” ở Boston do Mỹ tổ chức, triển lãm “Nam Bang” (Tiếng nổ ở Việt Nam) tại Sydney-Úc. Năm 1992 Hội Cựu chiến binh Mỹ mời ông sang Mỹ triển lãm, trong đó có những bức ông vẽ về đề tài chất độc da cam được khen ngợi của giới chuyên môn, tạo được ấn tượng mạnh mẽ cho các cựu chiến binh và người yêu hội họa ở Mỹ.
Được sánh ngang người vẽ ngựa nổi tiếng Thế giới

Vì vẽ nhiều tranh ngựa nên Lê Trí Dũng còn có biệt danh là “Dũng ngựa” hay “lão lái ngựa”. Ông vẽ bộ về ngựa theo triết lý âm dương ngũ hành,Kim-Mộc-Thuỷ-Hoả-Thổ, dáng hình con ngựa đang phi nước kiệu, tung bờm căng vó câu phi nước kiệu hay thong thả soải bước chân trên bãi cỏ… Với vốn kiến thức đông, tây, kim cổ thuộc lòng, am tường hiểu tận đủ ngọn nguồn lai lịch từng con ngựa, từ Thiên lý mã, Xích thố, Ô truy, Bạch mã càng làm cho hình ảnh mỗi con chiến mã như được thăng lên…
Đến nỗi, nhắm mắt vào Lê Trí Dũng cũng vẽ được ngựa. Ngựa như “nhập” vào đầu cọ, vào cảm nhận của ông. Đến mức, họa sĩ Thành Chương còn mang tranh ngựa của ông để so sánh với danh họa người Trung Quốc Từ Bi Hồng - người vẽ ngựa khiến cả thế giới nghiêng mình. Nhưng theo đánh giá của ông Trương Nhuận - nhà sưu tầm tranh Lê Trí Dũng có tiếng thì tranh ngựa của Từ Bi Hồng dù nổi tiếng nhưng thiên về tả thực và ông vẽ chủ yếu bằng mực Nho. Ngựa trong tranh Từ Bi Hồng chắc, khỏe nhưng hơi thô. Còn ngựa của Lê Trí Dũng nổi tiếng trước hết là vì nó rất Việt Nam, không lẫn với trường phái của Trung Quốc hay của thế giới. Về mặt màu sắc, hình khối hội họa, đề tài thì tranh ngựa của Lê Trí Dũng có nét rất riêng biệt: Chân rất nhỏ, mảnh mai nhưng bờm, đuôi và đặc biệt là dáng rất giống cốt cách của con người. Như bức vẽ trên giấy xuyến là bức mà không bao giờ có thể vẽ lại được nữa vì nó rất có “thần”, dáng tung vó mạnh mẽ nhưng cũng đầy bay bổng. Ngựa của ông ít khi có dáng điệu nghỉ ngơi mà luôn ở trạng thái tung bờm, tung vó như vươn lên. Và điều đặc biệt nữa là tranh ngựa của Lê Trí Dũng luôn gắn với yếu tố không gian thực tại như mùa sen, hoa đào, hoặc gắn với trăng hạ, sương giáng… khiến bức tranh trở nên rất sâu, không trộn lẫn với bất cứ con ngựa trong tranh nào trên thế giới cũng như ở phương Đông.

Theo ông Trương Nhuận, tại Việt Nam không có nhiều họa sĩ vẽ ngựa. Trong TPHCM có họa sĩ Trương Hán Minh vẽ tranh ngựa cũng rất đẹp nhưng thường là tranh thủy mặc và hay gắn với chủ đề “tam mã”, “mã đáo thành công”, “bát mã”… Ông này là họa sĩ gốc Hoa nên lối vẽ thiên về truyền thống Trung Quốc, gắn với phong thủy. Một người nữa ở Hải Phòng cũng vẽ trên 2.000 bức, chủ yếu vẽ mực Nho trên giấy dó nhưng ít được người biết vì thị trường tranh Việt Nam mới chỉ được biết đến chủ yếu ở Hà Nội và TPHCM. “Tranh của họa sĩ này chủ yếu được “truyền miệng” nhưng người chơi tranh vẫn tìm đến nhiều. Chỉ có điều tranh hơi tĩnh và thiếu sự đa dạng, chủ yếu vẽ mực Nho trên giấy dó, trong khi người chơi thường thích sự biến hóa về màu sắc. Dù vậy, phong cách của họa sĩ này cũng mang đến một dòng riêng biệt mà tôi rất thích”, ông Trương Nhuận nói.
Ở miền Bắc còn có họa sĩ Đỗ Đức cũng vẽ ngựa. Nhưng ngựa của ông là ngựa vùng cao Bắc Hà, Hà Giang, ngựa trên núi. Với đặc điểm này nên ngựa của ông thường nhỏ, không phải là trung tâm ở trong tranh mà lẫn vào với phong cảnh, con người.
Nhưng theo đánh giá của ông Trương Nhuận, riêng dòng tranh ngựa thì tranh của Lê Trí Dũng thuộc hàng số 1 Việt Nam. “Tôi từng xem rất nhiều tranh ngựa trên thế giới và được biết, người chơi tranh ngựa đánh giá cao Lê Trí Dũng bởi ở ông mang được cốt cách riêng rất Việt Nam, ấn tượng, mềm mại, bay bướm nhưng cũng rất linh hoạt và uyển chuyển. Trong chuyến đi Mỹ năm ngoái, Lê Trí Dũng mang hơn 20 bức sang Mỹ dự triển lãm tranh ngựa trên giấy dó và đều bán hết. Không ít những vị đại sứ hoặc các nhà ngoại giao của Nhật Bản, Đức, Đài Loan, Bỉ, Anh quốc, Mỹ, Thuỵ Điển... trở thành khách quen của Lê Trí Dũng. Khi thì ngựa, khi thì gà, sen… Biết tài hoa của ông, Tết năm 2018, hoạ sĩ Lê Trí Dũng vinh dự được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời đến nhà đàm đạo về tranh ngựa”, ông Trương Nhuận nói.
Người sưu tầm nhiều tranh nhất của Lê Trí Dũng
Nói về thú chơi tranh Lê Trí Dũng, ông Trương Nhuận cho biết, ông đã chơi tranh và sưu tầm tranh Lê Trí Dũng được 26 năm. Cơ duyên bắt đầu từ việc ông được họa sĩ này tặng bức tranh con gà - con giáp của ông Trương Nhuận. Cho đến nay, ông vẫn giữ bức tranh này làm kỷ niệm. Bắt đầu từ đó, hàng năm ông đều mua tranh của Lê Trí Dũng để sưu tầm, giới thiệu với người chơi tranh. 26 năm, ông Trương Nhuận có lẽ là người sưu tầm tranh Lê Trí Dũng nhiều nhất trong những người chơi tranh. Chính vì vậy, mỗi khi có tác phẩm mới là Lê Trí Dũng lại gọi Trương Nhuận đầu tiên. Như năm Kỷ Sửu 2009, khi hoạ sĩ Lê Trí Dũng tròn “lục thập hoa giáp”, ông quyết định “nhập thất” đóng cửa phòng cả tháng trời kỳ cụi mài mực nho, phóng bút cả ngày lẫn đêm không còn biết cả trời đất bên ngoài phòng vẽ sáng tối ra sao nữa... Kết quả là 30 bức tranh ngựa trên bìa bồi giấy dó tung bờm, cong mông, nghiêng đầu đón gió phi nước đại thật hùng dũng đã “ra lò”. Ông bấm máy gọi Trương Nhuận: “Chú đến xem ngay lứa tranh ngựa đen trắng anh phóng bút cả tháng nay như trút hết tinh lực vừa xong, kẻo mai đến chậm là có khách mua ở Thụy Điển họ “bứng” hết đấy!”... “Bởi Lê Trí Dũng nói thích cái vía “mát tính” của tôi, hễ cứ mở hàng lứa tranh nào là bán hết veo chẳng mấy chốc”, nhà sưu tầm tranh Trương Nhuận nói. Có năm ông mua tới vài chục bức nhưng có khi chỉ vài bức. Như năm 2009, ông vét hết những bức tranh ngựa của họa sĩ để mang về bộ sưu tập của mình.
Tính đến nay, Trương Nhuận sở hữu khoảng hơn 100 bức, trong đó chừng 70 bức là tranh ngựa. Còn lại là sen, 12 con giáp, năm con gì thì “chơi” con đó. Qua thời gian, nhà sưu tầm tranh này tích lũy được bộ tranh rất lớn, trong đó có những bức gần như là đẹp nhất, độc nhất của Lê Trí Dũng. “Thường thì tôi chỉ mua những bức giá chừng 3.000 USD. Bức đắt nhất tôi mua của anh là 7.500 USD. Vừa rồi tôi mua một bức sơn dầu của anh cũng lên đến 5.000 USD. Đó là giá mua, còn thị trường thì cỡ gần gấp đôi. Bộ sưu tập tranh ngựa sơn dầu của anh, tôi bán được 100.000 USD. Cũng tiếc lắm vì toàn là những bức “độc”, khó mà vẽ lại được. Nếu không phải bị bệnh thì chưa chắc tôi đã bán bộ tranh ấy. Nhưng được cái, người mua khá sành tranh, lại có điều kiện để trưng bày nó trong một không gian sang trọng hơn để được nhiều người biết đến”, ông Trương Nhuận nói.
Cho đến nay, Trương Nhuận vẫn sở hữu vài chục bức tranh ngựa của Lê Trí Dũng và treo khá nhiều ở nhà. Được ngắm những bức tranh yêu thích mỗi ngày cũng là một thú vui tao nhã, giúp ông quên đi bệnh tật hay những khi căng thẳng mệt mỏi của cuộc sống.
Với kinh nghiệm chơi tranh, nhà sưu tầm Trương Nhuận cho rằng: “Việt Nam chưa có thị trường tranh nghệ thuật đúng nghĩa nên nó chưa được định giá. Chẳng hạn, có bức tranh ngựa “Mã đáo thành công” ở triển lãm của một họa sĩ Hàn Quốc, bức bé xíu cũng 2.000 USD, bức to lên đến 45.000 USD. Đặt bức 45.000 USD cạnh bức 5.000 USD của Lê Trí Dũng, tôi thấy không đẹp bằng nhưng vì họ có thị trường tranh rõ nét nên giá cả cũng được xác lập rõ ràng hơn”.
Nhật Minh

Đời thực đối lập trên phim của nữ diễn viên 22 tuổi đóng Út Khờ trong 'Địa đạo'
Giải trí - 3 giờ trướcDiễm Hằng Lamoon, diễn viên sinh năm 2003 đảm nhiệm vai nữ du kích Út Khờ trong bom tấn "Địa đạo" gây chú ý bởi nhan sắc đời thường khác xa trên phim.

Cảnh 'nóng' trong "Địa Đạo" gây thắc mắc, nghe đạo diễn Bùi Thạc Chuyên lý giải xong ai cũng thêm phần xúc động
Giải trí - 5 giờ trướcGĐXH - "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" chính thức được khởi chiếu, chi tiết khiến nhiều khán giả chú ý là sự xuất hiện của hai cảnh “nóng” trong phim.

Phim "Khi cuộc đời cho bạn quả quýt" lập kỷ lục toàn cầu
Thế giới showbiz - 6 giờ trướcDù đã khép lại tròn 1 tuần nhưng "Khi cuộc đời cho bạn quả quýt" vẫn dễ dàng lập thành tích "khủng".

Khoảnh khắc chung khung hình 'gây sốc' của 2 diễn viên VFC Kiều Anh - Thu Quỳnh
Giải trí - 7 giờ trướcGĐXH - "Xả vai" 2 bà mẹ bỏ con, nhan sắc Kiều Anh U40 và Thu Quỳnh qua 2 lần sinh nở gây chú ý khi chung khung hình.

Nhan sắc người đẹp quê Hà Tĩnh thần tượng Đỗ Thị Hà, gây chú ý ở Hoa hậu Việt Nam
Giải trí - 8 giờ trướcGĐXH - Người đẹp quê Hà Tĩnh - Hồ Ngọc Phương Linh được giám khảo Hoa hậu Việt Nam dành lời khen về nhan sắc.

NSƯT Kim Tuyến bật mí về vai diễn đầy nước mắt
Xem - nghe - đọc - 9 giờ trước"Mẹ biển" kể về làng quê yên bình bỗng chốc tan hoang sau một cơn bão. Người ra đi hay người ở lại đều chịu những tổn thương sâu sắc.

Mono phá vỡ hình tượng
Xem - nghe - đọc - 11 giờ trướcKhông đặt trọng tâm vào hình ảnh trẻ trung hay giai điệu sôi nổi, "Ôm em thật lâu" xây dựng như bộ phim ngắn, khai thác chủ đề tình yêu, ký ức và sự mất mát. Đây là bước chuyển mình của Mono khi thể hiện chiều sâu nội tâm trong âm nhạc lẫn hình ảnh.

Nam NSƯT quê Hà Tĩnh - giọng ca hiếm trong làng nhạc dân gian có đời thực bình yên bên vợ con
Thế giới showbiz - 11 giờ trướcGĐXH - NSƯT Đăng Thuật là nghệ sĩ quê Hà Tĩnh nổi bật với giọng ca hiếm trong làng nhạc dân gian. Ngoài thành công trong sự nghiệp, đời thực, anh có cuộc sống viên mãn bên vợ con.

Sao Việt làm đại sứ thương hiệu kiếm tiền tỷ nhưng cũng dễ huỷ hoại tên tuổi
Câu chuyện văn hóa - 14 giờ trướcVới sức ảnh hưởng lớn, sao Việt luôn được các thương hiệu săn đón mời làm hình ảnh đại diện với thù lao ngất ngưởng có người thu về tiền tỷ nhưng cũng dễ nhận quả đắng nếu không thận trọng.

Sau khi bị cấm xuất cảnh, Thùy Tiên có thể bị xử phạt thế nào?
Giải trí - 15 giờ trướcGĐXH - Với trường hợp Thùy Tiên, theo luật sư Đặng Văn Cường, điều tra chứng minh những người cùng thực hiện hành vi sản xuất hàng giả, lừa dối thì sẽ đều bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm theo quy định tại điều 17 Bộ luật Hình sự.

Nữ NSƯT quê Hà Tĩnh - giọng ca nổi tiếng trong làng nhạc đỏ, tuổi trung niên có cuộc sống bình yên
Giải tríGĐXH - NSƯT Tố Nga là nữ nghệ sĩ quê Hà Tĩnh có nhiều đóng góp cho làng nhạc đỏ và nhạc dân gian. Ở tuổi trung niên, sau những sóng gió cuộc đời, chị hiện tại có những khoảng lặng bình yên bên gia đình.