Từ nguồn thu học phí, hàng năm Đại học Ngoại thương trích khoảng 25 tỷ đồng để cấp học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ tài chính cho các hoạt động của các em.
Năm nay, trường tuyển 3.390 sinh viên, cao hơn năm ngoái 150, theo 5 phương thức. Một là dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, lấy 50% tổng chỉ tiêu, tương đương 1.955 em. So với phương án tuyển sinh được Đại học Ngoại thương công bố cuối tháng 4, số lượng sinh viên tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT tăng 1.157 em.
Phương thức thứ hai là xét tuyển kết hợp học bạ cùng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với cả thí sinh hệ chuyên và không chuyên, áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại.
Ba là xét tuyển học bạ đối với thí sinh tham gia các kỳ thi quy mô quốc gia, đạt giải kỳ thi cấp tỉnh hoặc theo học hệ chuyên của các trường THPT chuyên trong cả nước. Trường sẽ xét thành tích học tập của các em trong 5 kỳ (trừ học kỳ II năm học 2019-2020) theo môn, phù hợp với yêu cầu cụ thể của từng ngành.
Xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020, tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là phương thức xét thứ tư và năm được Đại học Ngoại thương áp dụng.
Năm 2020, trường tuyển sinh thêm bốn chương trình chất lượng cao là Tiếng Nhật thương mại, Tiếng Trung thương mại, Tiếng Pháp thương mại, Quản trị khách sạn. Để thí sinh nắm bắt thông tin về các ngành mới, trường sẽ tổ chức giải đáp, tư vấn tuyển sinh vào ngày 26/4.
Trước đó, Đại học Ngoại thương lên kế hoạch cùng Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển sinh riêng bằng bốn bài thi gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ và Lý - Hóa. Tuy nhiên, đến đầu tháng 5, cả hai trường đã hủy phương án này.
Năm 2019, nhóm ngành Kinh doanh quốc tế và Quản trị kinh doanh của Đại học Ngoại thương cơ sở Hà Nội lấy điểm chuẩn cao nhất - 26,25.
Theo Vnexpress