- Cuộc sống chị thế nào qua hai năm điều trị đột quỵ?
- Tôi đang phải chống gậy để đi lại, một phần người bên phải vẫn tê cứng. Tay tôi tuy đã có cảm giác cầm nắm song thỉnh thoảng vẫn bị đơ. Tôi về Việt Nam từ đầu năm để vừa nghỉ ngơi vừa tập vật lý trị liệu, cũng là dịp gần gũi bạn bè.
Không bao giờ tôi nghĩ mình có thể đột quỵ. Một buổi sáng cuối tháng 5/2018, tôi đang làm móng cho khách ở tiệm nail tại Vancouver. Bất ngờ, mắt tôi tối sầm, đầu óc choáng váng, người mệt rã rời. Một người bạn tưởng tôi ngồi trúng gió, khuyên tôi ngồi trên ghế nghỉ mệt. Lát sau, thấy tôi không đỡ mà đuối dần, như có linh tính, người bạn vội gọi cấp cứu. May là lúc ấy tôi ở nơi đông người, chứ nếu ngất xỉu, bỏ qua "giờ vàng" để chữa trị, không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
- Chị vượt qua tháng ngày trên giường bệnh ra sao?
- Dù được cấp cứu kịp thời, tôi cũng mất bốn tháng lao đao, gần như nằm liệt giường. Thời gian đầu, tôi bị rối loạn ngôn ngữ, quên sạch bảng chữ cái. Tôi không thể viết nổi chính tên mình, thậm chí không ghi "a", "b", "c"... được như y tá yêu cầu. Tôi phải học viết chữ lại, suốt một tháng sau mới dần bình phục. Những tháng tiếp theo, tôi tập vật lý trị liệu, đi lại trong hồ bơi, leo cầu thang với thiết bị trợ lực.
Bốn tháng nằm trong bệnh viện, tôi sợ vô cùng, không biết chuyện gì sẽ xảy ra với cuộc đời mình. May là tôi có hai con bên cạnh. Ngay khi biết mẹ cấp cứu, con trai và con gái lập tức vào việc, túc trực cạnh giường bệnh nhiều ngày. Các con quan tâm tôi từ những chuyện rất nhỏ. Mỗi lần ra khỏi phòng bệnh, con gái hỏi tôi: "Con để đèn cho mẹ nhé?" vì biết tôi sợ bóng tối.
- Làm mẹ đơn thân, chị khó khăn về tài chính ra sao?
- Tôi may mắn được bảo hiểm lo tất cả nên cũng đỡ phần nào. Tôi không tốn một đồng chữa bệnh. Cơ sở y tế nơi tôi điều trị cũng rất tốt. Mỗi lần tôi đau, bác sĩ, y tá đều xin lỗi và động viên. Khi về nước, tôi còn nhận được khoản trợ cấp mỗi tháng vài trăm USD, cuộc sống không đến nỗi chật vật. Chị ruột tôi - nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc - có một căn hộ ở TP HCM nên cho tôi ở nhờ. Chị bảo: "Có thiếu thốn gì cứ nhắn chị". Tôi thường ví chị như bà tiên, luôn có mặt mỗi lúc em gái cần.
Tôi chỉ thương các con tôi một phen chật vật. Con trai lo cho mẹ nên xin nghỉ học để đi làm, dù lúc ấy thằng bé đã học năm cuối đại học chuyên về khoa học tự nhiên. Tôi biết tính con, đã quyết là không thể cản được, đành ngậm ngùi nhìn con sớm ra đời, mưu sinh. Hiện con tôi làm cho một công ty truyền thông, con gái vẫn theo học ngành khoa học xã hội. Cuộc sống chúng tôi dần ổn định lại. Lúc tôi quyết định về nước, các con lo lắm, muốn cản. Những ngày tôi ở Việt Nam, không hôm nào, con gái không gọi điện hỏi thăm, dặn tôi đừng đến chỗ đông đúc.
- Khi gặp khó khăn, chị nhận được tình cảm thế nào từ đôngg nghiệp, bạn bè?
- Tình đồng nghiệp sưởi ấm tôi. Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến Trấn Thành. Tôi đã nghe về Trấn Thành từ lâu, nhưng đến năm 2017, một lần xem kịch Idecaf cùng Hồng Đào, tôi mới có dịp gặp Thành. Em tiến tới, chủ động chào và nói em thần tượng tôi từ lâu lắm rồi. Nghe vậy, tôi ngỡ ngàng vì xa sàn diễn đã lâu vẫn còn được đồng nghiệp nhớ đến. Nửa năm sau, khi tôi bị đột quỵ, Trấn Thành luôn nhắn tin hỏi thăm. Thành nói: "Chị Phượng, khỏe lẹ lên nha, em có bao nhiêu 'sô' chờ chị về tham gia đây".
Vừa qua, tôi và Thành lần đầu diễn chung trong show Ơn giời cậu đây rồi. Mỗi lần tôi cần khám bệnh, châm cứu, Thành đều cho tài xế đưa đón. Tôi trân quý tình cảm ấy không phải bởi tiền bạc mà là hiểu được tấm lòng của em. Thành thương tôi vì cuộc đời không mấy suôn sẻ. Thời trẻ, sau khi ly hôn, tôi một mình làm nail nuôi hai con, đến khi con trưởng thành lại khốn đốn vì bệnh, không ngày nào được an nhàn.
- Hai năm qua, chị nhớ nghề diễn ra sao?
- Hồi tháng 7, vì quá nhớ nghề, tôi nhận lời tham gia Ơn giời cậu đây rồi. Sau đó, tôi đóng một vai nhỏ trong web-drama. Nhà sản xuất cũng thương nên bố trí cho tôi những cảnh chỉ chống gậy ngồi một chỗ. Nhiều lời mời tôi vào các dự án phim, có đạo diễn casting tất cả vai, trừ vai của tôi. Tiếc lắm nhưng tôi đành từ chối vì sức khỏe chưa cho phép.
Nhiều khán giả hỏi thăm tôi qua mạng xã hội khi hay bệnh tình. Tôi dở một cái là không biết dùng facebook nên dù rất muốn cảm ơn người hâm mộ cũng không biết làm cách nào.
- Sau nhiều biến cố, tinh thần của chị hiện thế nào?
- Những người quen khi gặp tôi đều ngạc nhiên, hỏi tại sao bị tai biến mà thần thái vui tươi, sắc vóc lại có phần trẻ ra. Mà, tôi vui thật sự chứ không cố tình giả vờ để động viên bản thân. Sau thời gian điều trị, tôi bắt đầu lạc quan hơn. Trong cái rủi lại có cái may, tôi đi lại khó khăn nhưng khuôn mặt vẫn không bị ảnh hưởng. Tôi tự nhủ: không việc gì phải lo, mọi thứ trên đời đều có nguyên cớ của nó. Như lúc này, dù chân còn rất yếu, tôi vẫn tin một ngày đi lại bình thường như xưa.
Tôi luôn nghĩ biến cố này là sự an bài của ông trời để tôi làm lại cuộc đời, sống với chính mình. Tôi bị tai biến dù không có tiền sử đột quỵ, tập yoga mỗi ngày, mà chỉ vì tinh thần tôi lo lắng quá nhiều. Ngày trước, tôi đeo đuổi nghề làm nail, bao nhiêu đồng nghiệp khuyên về nước diễn tôi cũng không màng. Tôi tham công tiếc việc, nghĩ còn làm được ngày nào thì ráng ngày ấy. Giờ tôi đã đủ quyết tâm bỏ nghề nail. Đợi chân khỏe lại, tôi sẽ dành toàn tâm ý cho diễn xuất như ngày nào.