Người hiến máu 102 lần, 'nghỉ việc để đi vận động hiến máu... như một cách trả ơn cuộc đời'
Họ là những 'bà nội trợ', người lao động tự do, thầy cô giáo, bộ đội, công an, sinh viên, y bác sĩ hay công chức, viên chức... đến từ nhiều nơi khác nhau trên cả nước, nhưng đều có điểm chung là sẵn sàng hiến những giọt máu của mình để cứu người. Có người đã hiến hơn 100 lần, có gia đình hiến hơn 250 lần...
Nghỉ việc để đi vận động hiến máu... như một cách trả ơn cuộc đời
Ông Trần Minh Mến - 52 tuổi, đội trưởng Đội Ngân hàng máu sống xã Nghị Đức, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận đã dành lần hiến máu thứ 102 tại Hà Nội dự lễ tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc diễn ra từ ngày 27-29/7.
Kể về lần đầu tiên tham gia hiến máu - cách đây từ hơn 22 năm trước, ông Mến nhớ lại: "Ngày đó, trong xã của tôi có một vụ tai nạn chấn thương sọ não rất nghiêm trọng, người đó qua đời. Từ đó, tôi đến với hiến máu để có thể cứu những trường hợp khẩn cấp như vậy".
Suốt 22 năm qua ông Mến không chỉ là người chăm chỉ hiến máu tình nguyện thường xuyên mà còn trở thành "hotline" của các bệnh viện mỗi khi cần máu hiến.
"Tôi ở cùng mẹ già hơn 90 tuổi. Hai mẹ con nương tựa nhau nhờ mảnh ruộng cùng với công việc bảo vệ. Cách đây 2 năm, sau khi được các nhà hảo tâm hỗ trợ xây nhà ở, mẹ khuyên tôi nghỉ việc để đi vận động hiến máu như một cách trả ơn cuộc đời"- ông Mến nói và không giấu được xúc động bởi với ông "tôi không nghĩ việc hiến máu của mình lại được ghi nhận như vậy".
Báo cáo với Thủ tướng, ông Mến kể: "Bản thân tôi đã tham gia hiến máu 100 lần, bên cạnh đó cũng đã vận động hơn 3.000 người tham gia hiến máu. Trong gần 30 năm tham gia hoạt động hiến máu tình nguyện, đối với tôi lần hiến máu nào cũng là những kỷ niệm đẹp. Tuy nhiên trong đó có một kỷ niệm mà đến bây giờ tôi vẫn không thể quên. Đó là 1h30 sáng tôi nhận được cuộc điện thoại đi hiến máu cấp cứu cho một ca mổ, bệnh nhân bị tai nạn rất nặng, cần được truyền máu kịp thời. Dứt cuộc gọi, dù trời mưa tầm tã, tôi đã nhanh chóng đến tham gia hiến máu và huy động thêm 3 người nữa cùng tham gia với mong muốn cứu sống được bệnh nhân. Sau này khi bệnh nhân qua khỏi cơn nguy kịch, có gọi điện cảm ơn tôi nhiều lắm, họ nói "nếu không có tôi thì có lẽ giờ họ không còn trên đời này nữa".
Đội Ngân hàng máu sống mà ông Mến tham gia có 80 người, có đầy đủ các nhóm máu. Họ hiến máu cho các bệnh nhân tai nạn giao thông, sản phụ cần cấp cứu, bệnh nhân chạy thận… bất kể đêm hôm, mưa gió.
"Anh Mến ơi, bệnh viện đang cần 4 đơn vị nhóm máu B để mổ khẩn cấp", những cuộc gọi tương tự như vậy đã khiến ông dừng lại mọi việc đang làm để huy động anh em lên đường ngay lập tức.
Một trường hợp được nhận máu mà ông nhớ nhất là bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Ông cùng đội của mình đã vận động 50 đơn vị máu nhóm B cho bệnh nhân đó trong suốt nhiều năm. Riêng bản thân ông đã hiến cho người đó 12 đơn vị máu.
Với ông Mến, niềm vui lớn nhất của những người tham gia công tác vận động và trực tiếp hiến máu tình nguyện như ông là bệnh nhân được khỏe mạnh, trở về cuộc sống bình thường.
4 người trong 1 gia đình hiến máu đến hơn 250 lần
Bà Hồ Kim Phượng ( TP Hồ Chí Minh) là đại biểu nữ có số lần hiến máu nhiều lần nhất trong 100 người hiến máu tiêu biểu được tôn vinh năm nay với 78 lần. Tuy nhiên, theo bà Phượng "nhìn vào danh sách tôi thấy nhiều đại biểu khác có số lần hiến máu rất cao 80, 90 hay thậm chí là hơn 100 lần, tôi vẫn sẽ tiếp tục hiến máu, vận động gia đình hiến máu cho đến khi nào không đủ điều kiện thì thôi"
Hiện nay công việc của bà Phượng là làm nội trợ gia đình. "Tôi có quan niệm rằng hiến máu là hoạt động có thể giúp đỡ người khác và là việc làm xuất phát từ tâm không vì bất cứ lý do nào khác. Bản thân Tôi cứ định kỳ 3 tháng tham gia hiến máu 1 lần suốt từ những năm 1997 đến nay"- bà Phượng nói.
Kể về hành trình gần ba thập kỷ tham gia hiến máu, đồng hành với các bệnh nhân, bà Phượng cho biết bà đã chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, cơ cực nên nghĩ "mình cho được ai cái gì thì cho, giúp được ai cái gì thì giúp. Máu của mình có sẵn trong cơ thể, mình có thể giúp người, giúp đời đến khi nào không còn sức khỏe thì thôi".
Gia đình bà Phượng có 4 người, tổng số lần hiến máu của 4 thành viên hơn 250 lần hiến máu, chồng bà Phượng cũng đã hiến máu 72 lần và hiện giờ đã hết tuổi hiến máu, con gái bà hiến máu 52 lần, con trai cũng đã hiến máu 48 lần và "hai con của tôi vẫn sẽ tiếp tục tham gia hiến máu đến khi nào không đủ điều kiện thì thôi"- bà Phượng chia sẻ.
"Hạnh phúc, vinh dự và trách nhiệm" khi lần đầu tiên hiến máu, hiến tiểu cầu tình nguyện ở Thủ đô
Ông Lê Đức Lâu, Phó Chủ nhiệm CLB hiến máu nhân đạo Giọt hồng Pleiku, Gia Lai đã 40 lần hiến máu.
Ông Lâu bén duyên với hiến máu tình nguyện từ năm 1995 khi còn là một chiến sỹ. Kỷ niệm khiến ông Lâu nhớ nhất là lần hiến tiểu cầu máu cho bệnh nhân tại TP. Kon Tum năm 2020. Nhận được cuộc điện thoại bất ngờ từ ngoại tỉnh, ông Lâu nhanh chóng lái xe 45 km từ Pleiku lên Kon Tum để hiến tiểu cầu.
"Khi hiến máu ở những năm tháng tuổi trẻ, tôi nghĩ đó là trách nhiệm của đoàn viên thanh niên. Mình khỏe mạnh thì đi chứ không tìm hiểu nhiều về hiến máu. Hơn 10 năm trở lại đây, khi trở thành tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ ở địa phương, tôi tiếp xúc với những người bệnh và hiểu được rằng chỉ có cơ thể người mới sản sinh được máu. Từ đó, tôi càng có thêm động lực tham gia hiến máu tình nguyện"- ông Lâu kể.
Chia sẻ câu chuyện với chúng tôi, ông Lâu tự hào khi có đến 3/5 thành viên trong gia đình đều tham gia hiến máu tình nguyện. Con trai thứ 2 của ông hiện đang là sinh viên cũng trở thành tình nguyện viên của Hành trình Đỏ "Giọt hồng Cao nguyên" lần thứ 8 – năm 2023 tại Pleiku. Chàng sinh viên cũng có lần hiến máu đầu tiên đầy ý nghĩa trong mùa hè này.
"Hạnh phúc, vinh dự và trách nhiệm", đó là cảm xúc của ông Lâu khi lần đầu tiên đến với Thủ đô tham dự Lễ Tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc. Vinh dự là của cá nhân nhưng ông nhận thấy trách nhiệm của mình với người bệnh, với công tác mình đang làm, với cộng đồng.
Đại úy Vũ Văn Nam (đội cảnh sát hình sự Công an thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) là một trong những cá nhân tiêu biểu của 100 người hiến máu được tôn vinh năm nay đã tranh thủ thời gian nghỉ ngắn ngủi của chương trình tôn vinh để hiến tiểu cầu ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Đại úy Nam kể, trước đây khi còn học tập và công tác tại thủ đô, tôi đã gắn bó với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương khá nhiều. Lần hiến máu khó quên nhất của Nam là một lần hiến máu tại Viện do người bạn cùng quê kêu gọi.
"Hôm đó tôi đến hiến máu và được giao lưu với các cháu nhỏ bị bệnh máu ở Viện. Nhìn các cháu hồn nhiên, ngây thơ chơi đùa trong khi đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, tôi vô cùng xúc động, tôi có thêm động lực cho công việc mình đang làm đó là bảo vệ sự bình an và bảo vệ sức khỏe cho các cháu".
Cùng với hiến tiểu cầu, đến nay chiến sĩ công an 32 tuổi này đã có 40 lần hiến máu tình nguyện. "Sau mỗi lần hiến máu tôi lại thấy mình như có thêm sức khỏe và lại muốn tiếp tục thực hiện những lần hiến máu tiếp theo"- Đại úy Vũ Văn Nam nói.
Như Sức khỏe & Đời sống đã đưa tin, trong buổi gặp mặt người hiến máu tiêu biểu chiều qua 29/7 - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ đặc biệt ấn tượng khi có những đại biểu đã 80, 90, thậm chí trên 100 lần hiến máu và các thành phần của máu như các đại biểu Trần Minh Mến (Bình Thuận), Trần Như Dũng (Hà Nội), Hồ Kim Phượng (TP.HCM); hay những gia đình tham gia hiến máu tiêu biểu như gia đình đại biểu Võ Tấn Cường (Vĩnh Long), gia đình đại biểu Hà Quốc Hải (Đà Nẵng)… Các đại biểu còn là những tấm gương sáng tích cực tham gia vận động gia đình, bạn bè và cộng đồng xã hội cùng hiến máu, trong đó có những người đã bền bỉ góp sức 30 năm qua.
Theo Thủ tướng, phát huy truyền thống "thương người như thể thương thân", hàng triệu người đã tích cực tham gia hiến máu tình nguyện và vận động hiến máu tình nguyện, đem những giọt máu hồng của mình cứu giúp người nguy kịch. Những năm qua, biết bao con người, bao cuộc đời đã được hỗ trợ, cứu giúp, giành lại cuộc sống giữa ranh giới sinh tử mong manh nhờ có những giọt máu vô giá, kịp thời của những người hiến máu tình nguyện trên cả nước.
Bé gái sơ sinh bị bỏ trong túi bóng đặt trước cửa bệnh viện ở Hà Nội
Y tế - 1 ngày trướcGĐXH – Trẻ bị bỏ vào túi bóng đặt tại cửa khoa cấp cứu của bệnh viện trong tình trạng tím tái toàn thân, không tự thở, tim mờ.
Mâu thuẫn với chồng, người phụ nữ 19 tuổi vào rừng hái lá ngón để ăn
Y tế - 2 ngày trướcDo mâu thuẫn với chồng, người phụ nữ trẻ ở Quảng Nam đã vào rừng hái 6 lá ngón ăn để tự tử, rất may được cứu sống kịp thời.
Ăn thịt chó bị đánh bả, 8 người phải nhập viện
Y tế - 3 ngày trướcSau khi ăn thịt một con chó bị đánh bả, 8 người dân tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) có biểu hiện sốt, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy phải nhập viên cấp cứu.
Thanh niên 32 tuổi ở Vĩnh Phúc bị nhồi máu cơ tim vì làm điều này khi tập thể thao
Y tế - 3 ngày trướcGĐXH - Huấn luyện viên thể hình 32 tuổi nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở, vã mồ hôi… Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ bệnh viện E nhận thấy ở người bệnh có những triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim cấp.
Tai nạn bất ngờ trong vườn nhà khiến người đàn ông trẻ 'chạy không kịp'
Y tế - 4 ngày trướcNam thanh niên 23 tuổi nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau đớn, mất vận động đùi trái, xương đùi vỡ nát thành nhiều mảnh sau khi bị cây đổ đè trúng.
Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn
Y tế - 4 ngày trướcTrong lúc bố mẹ vắng nhà, 2 anh em ruột ở Đắk Lắk đã bắt cóc làm thịt. Sau khi ăn xong, cả hai đều bị ngộ độc, người anh tử vong còn em gái đang nguy kịch.
Sốt cao liên tục, người đàn ông 36 tuổi nguy kịch vì căn bệnh nguy hiểm này
Y tế - 4 ngày trướcGĐXH - Bệnh nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với đất và nước ô nhiễm đã tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh Whitmore.
Vi phẫu tạo hình cho bé trai 11 tuổi bị pháo nổ làm vỡ hàm, mất môi và những ca tổn thương nặng vùng hàm mặt
Y tế - 4 ngày trướcGĐXH - Đây là ca bệnh đặc biệt và nhỏ tuổi nhất được thăm khám tại chương trình Phẫu thuật vi phẫu quốc tế được tổ chức thực hiện tại Bệnh viện E.
Nam thanh niên 26 tuổi vào viện tâm thần 2 lần vì sở thích nguy hiểm
Y tế - 4 ngày trướcNam thanh niên 26 tuổi phải vào viện tâm thần 2 lần do thường xuyên hút thuốc lá điện tử pha với cần sa.
Người phụ nữ 41 tuổi ở Phú Thọ vỡ tử cung nguy kịch khi mang thai lần 2
Y tế - 5 ngày trướcGĐXH – Tại bệnh viện, bệnh nhân có biểu hiện choáng, sắc mặt tái nhợt, tim thai giảm thấp, huyết áp không đo được.
Sốt cao không dứt, người đàn ông đi khám phát hiện mắc bệnh Whitmore
Y tếSốt cao, mua thuốc uống không đỡ, anh T. nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, xác định dương tính với Whitmore.