|
Chợ rau đêm Ngã Tư Sở khép mình bên cầu vượt. |
Khi ấy những chiếc xe thồ cồng kềnh hay chiếc xe gắn máy chất đầy rau củ lặng lẽ mà hối hả từ mọi phía đổ về chợ đầu mối. Chợ rau đêm bắt đầu trong sự tĩnh mịch và bình yên của thành phố với những con người bình lặng từ nơi xa đổ về mưu sinh, và kết thúc trong âm thanh nhộn nhịp của xe cộ, phố phường.
Một góc cuộc sống thành phố nửa đêm
Theo chân những người phụ nữ từ nhiều miền quê lân cận lên thủ đô kiếm sống mới thấy được hết một ngày dài lăn lộn. Dù mùa đông rét buốt hay mùa hạ oi nồng, mưa rào hay gió bấc, một ngày của họ cũng bắt đầu lúc 3h sáng, nhanh chóng làm mấy thao tác vệ sinh cá nhân rồi đạp xe ra chợ. Những chiếc xe thồ thô kệch, cũ kĩ, nặng nề đeo bên mình hai chiếc sọt to đùng, thế mà lại nuôi sống bao nhiêu gia đình. Những người phụ nữ thân hình sương gió, đội cái nón to xụp che đi mưa nắng của trời, của đời, chậm rãi, nhịp nhàng đạp xe trong hơi thở trầm lặng và yên ắng của thành phố về đêm.
Chợ rau đêm Ngã Tư Sở là nơi mưu sinh của bao con người, bao gia đình. Chợ bắt đầu từ 1 giờ sáng. Những xe rau chất đầy. Xe máy, xe thồ kĩu kịt từ các cửa ngõ thủ đô đổ về với đủ loại rau củ xanh tươi mơn mởn mới được thu hái chiều hôm trước. Những người nông dân mang rau họ trồng được hay những người mua buôn ra tận ruộng lấy hàng rồi từ ngoại thành mang về chợ đêm tập kết. Rồi rau lại được phân tán theo những người phụ nữ ngoại tỉnh đến khắp các chợ lớn nhỏ, đến từng ngóc ngách của thành phố mỗi ngày. Con đường của rau cũng trèo trở lắm đoạn, nâng lên đặt xuống bao nơi, qua tay bao người như chính cuộc đời bếp bênh, lam lũ của những con người hai sương một nắng với trời.
Nằm gọn gàng một bên cầu vượt, khép mình trong bóng tối đổ dài của các cây lớn và những dãy nhà cao tầng, ánh đèn đường cao áp không đủ soi sáng hết chợ đêm, không rõ được mặt người. Nhưng không vì thế mà chợ trở nên lộn xộn, bát nháo. Như đã thành thói quen, người bán, người mua nhận ra nhau qua tiếng nói, tiếng cười. Ngày nào họ cũng gặp nhau ở đây, ai có thứ rau nào, ai mua thứ củ nào họ cũng đều thông thuộc, đều nhớ, chỉ cần thỏa thuận giá cả và số lượng mua là xong. Chợ đêm nhộn nhịp bởi tiếng nói chuyện cười đùa. Rôm rả, hồ hởi nhưng không ồn ã, xô bồ. Câu chuyện của họ toàn về rau củ, thi thoảng hỏi han về gia đình, nhà cửa, con cái. Nhà ai có việc, có chuyện người trong chợ đều biết, thân thì đến tận nhà thăm, sơ thì cũng lời chia sẻ, động viên. “Cùng hoàn cảnh nhà quê lên, sống xa gia đình kiếm sống, chẳng giúp được gì nhau thì cũng cố lấy câu chuyện, lời nói làm vui lòng, vui đời”- một bác bảo vệ chợ có tuổi, chắc cũng vào bậc “lão chợ” nhâm nhi chén trà nói với người khách trẻ đang chăm chú quan sát.
Nhìn bày bán rau củ ở chợ rau đêm dễ liên tưởng đến những món ăn đầy màu sắc. Màu xanh non của những ngọn rau cần, rau su su, tươi mơn mởn của họ hàng nhà cải, điểm sắc đỏ của cà chua, cam của cà rốt, tím của cà, trắng của củ cải... Một bữa tiệc rau vui mắt với những bàn tay thoăn thoát, lời chào mua đon đả, lời tán chuyện rộn ràng. Dường như chẳng ai nỡ mang nỗi buồn phiền, khắc khổ của cuộc sống mưu sinh nhuộm vào tiệc rau tươi vui ấy.
|
Chợ rau đêm nhộn nhịp trong tĩnh lặng của đêm. |
Là chợ rau đêm nhưng ở đây cũng có cả chục sạp thịt, vài thùng cá, mấy hàng đồ khô chủ yếu phục vụ khách đi chợ sớm khi trời đã sáng. Có thêm cả mấy hàng ăn vặt. Mọi người đều đi từ đêm đâu đã kịp ăn uống gì.
3 giờ đến 4 giờ sáng là khoảng chợ đêm nhộn nhịp, đông đúc nhất. Lúc ấy, người mua, người bán đều đã ở chợ. Một ngày đầu mùa hạ, thời tiết sáng sớm còn hơi se lạnh nhưng cũng khá dễ chịu. Nhưng thời tiết có khắc nghiệt tới mức nào thì những con người này cũng chẳng bao giờ vắng mặt ở chợ. Những đêm đông buốt lạnh thấu xương, bàn tay cứng đờ nhưng cũng không thể đeo găng tay vì còn phải chọn rau. Mưa thì áo mưa mặc kín, đi ủng và quần xắn cao. Ngại nhất là khi trời vừa mưa vừa rét, ướt và lạnh cũng có được về nhà thay quần áo đâu, cứ thế ngồi bán hàng để gió trời thổi khô.
4 rưỡi trở đi, trời bắt đầu sáng, chợ đêm cũng bắt đầu thưa thớt. Những “núi” rau củ đã vãn. Những người bán buôn ở nán lại để bán nốt hàng cho chợ sáng. Mặt trời chiếu sáng thay cho bóng đèn đỏ mờ của đêm. Xe cộ bắt đầu tấp nập. Chợ đêm đã chuyển sang chợ ngày với rất nhiều mặt hàng được mang tới như quần áo, giày dép, quán ăn... Chợ ồn ào. Chợ hối hả. Chợ xô bồ. Tiếng cười nói thoải mái, tự nhiên như không hề còn mang chút dấu vết của chợ đêm nhộn nhịp trong tĩnh lặng.
Những người phụ nữ của đêm
Rau củ chất đầy trong các sọt hàng trên chiếc xe thồ cũ kĩ mà chắc khỏe, nặng nhọc theo những người phụ nữ đi khắp các chợ lớn nhỏ thành phố. Một ngày của họ giờ mới chính thức bắt đầu, bán để thu hồi lại vốn mua sáng sớm, bán để kiếm lấy chút lãi lời. Chẳng cần đến một sạp hàng hay gian hàng, họ chỉ cần một khoảng nhỏ đủ bày biện mấy thứ rau, chào mời khách mua, bàn tay thoăn thoắt gọt củ, nhặt rau. Khi nào vãn khách, các cô, các chị mới tranh thủ mua cái gì đó ăn tạm, có khách thì lại đặt xuống, bán hàng đã. Cái nóng hôi hổi, thơm ngon của đồ ăn đi mất lúc nào chẳng hay. Trưa muộn, đầu giờ chiều, họ mới trở về khu nhà trọ tạm bợ, tồi tàn, ăn uống qua loa, khi ngủ chưa kịp sâu giấc đã giật mình tỉnh dậy, vội vã đi bán hàng chiều. Thành phố lên đèn, nhà nhà đang quây quần bên mâm cơm ấm cúng hay cùng nhau đi dạo phố tối, những người phụ nữ sương gió ấy mới lặng lẽ, lầm lũi trở về. Tranh thủ từng bữa ăn, giấc ngủ, kết thúc một ngày dài bận rộn, vất vả. Đến 3 giờ sáng... Chợ rau đêm nhộn nhịp...
|
Những xe thồ rau đầy hối hả về các chợ lớn nhỏ trong thành phố. |
Các cô, các chị đều từ quê lên, ruộng đồng không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình với những đứa con tuổi ăn tuổi học, để chồng ở nhà vừa đi làm vừa thay vai người mẹ nuôi dạy các con. Xa nhà cũng nhớ, cũng lo lắng lắm nhưng dần thành quen. Họ đều đã lên thành phố làm ít nhất đã 5- 10 năm, thời gian làm việc nhiều, từ khi trời chưa sáng đến muộn về khuya, điều kiện ăn ở thiếu thốn, vất vả, bươn chải nhưng có tiền cho con ăn học đầy đủ thì ai cũng cố gắng được.
Chị Hà (30 tuổi, Hưng Yên) kể chị lên đây đi chợ đã được 6 năm. Lần sinh thằng con trai út, được tuổi rưỡi, vừa mới cai sữa, chị đã để con ở nhà với bà nội và bố rồi lại một mình lên thành phố kiếm tiền. Cũng thương và nhớ con lắm, gần như tối nào chị cũng gọi điện về trò chuyện với mấy bố con. Được cái chồng chị ở nhà cũng chăm chỉ làm ăn, hai đứa con đều học giỏi, vậy cũng yên lòng. Không được may mắn như chị Hà, cô Hoài (60 tuổi, cùng quê) một mình nuôi con từ khi mới sinh, khi con lớn một chút thì cô để cháu ở nhà với ông ngoại để đi chợ. Giờ con cô đi học xa (ở tận Hà Tĩnh), nhà chỉ còn mỗi ông ngoại đã già yếu nhưng cô Hoài vẫn phải xa quê kiếm tiền cho con đi học và chăm sóc tuổi già cho ông. Ở cái tuổi của cô, người ta ở nhà bồng bế cháu nội cháu ngoại rồi. Sức khỏe cô cũng đã giảm, hay đau ốm, cố được thì cố, mệt quá thì về quê nghỉ mấy ngày cho có ông có con, rồi lại lên.
Chợ rau đêm cứ đều đều mỗi ngày như thế, như bước chân dạo bộ buổi sáng sớm, như nhịp thở đều đặn của thời gian, khi chậm rãi, khi hối hả như nhịp xoay cuộc đời, xoay trở bao số phận con người. Mấy ai biết được một cuộc sống đang nhộn nhịp ở một góc nhỏ thành phố giữa đêm khuya tĩnh mịch ấy. Ở đó có những mảnh đời, có những người phụ nữ đang trầm lặng phơi bạc mái đầu, rách sờn vai áo với sương đêm, với gió bụi.
3 giờ sáng. Chợ rau đêm nhộn nhịp...
Đào Thu Huyền