Hà Nội
23°C / 22-25°C

Ở nơi bác sĩ khám bệnh từ lúc “gà gáy”

Thứ tư, 10:15 29/06/2016 | Y tế

GiadinhNet - Để người dân không phải chờ đợi lâu, tập thể các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm, thu ngân… của Bệnh viện Ung Bướu TPHCM đã nhất trí với phương án đi làm lúc 3-4h sáng, thậm chí nhiều cán bộ phải ngủ lại bệnh viện. Vất vả là vậy nhưng họ vẫn rất vui vì đã phần nào chia sẻ, gánh bớt nhọc nhằn cho hàng ngàn bệnh nhân.

Mỗi ngày có gần 40 CB NV Bệnh viện Ung Bướu TP HCM tình nguyện đi làm sớm hoặc ngủ lại. Trong ảnh: Bộ phận xét nghiệm đã đông người lúc 5h45. Ảnh: Đỗ Bá
Mỗi ngày có gần 40 CB NV Bệnh viện Ung Bướu TP HCM tình nguyện đi làm sớm hoặc ngủ lại. Trong ảnh: Bộ phận xét nghiệm đã đông người lúc 5h45. Ảnh: Đỗ Bá

Khám bệnh từ 5h sáng

Gần 10 ngày qua kể từ khi Bệnh viện Ung Bướu TP HCM áp dụng sáng kiến khám bệnh lúc 5h sáng (từ ngày 26/6), nhiều người dân, đặc biệt những người ở ngoại thành hài lòng hơn vì không phải chờ đợi nhiều giờ, có khi xếp hàng đến nửa ngày nữa!

5h30 sáng 28/6, khi có mặt tại đây, chúng tôi chứng kiến nhiều người đã rời bệnh viện với kết quả thăm khám - xét nghiệm trên tay. Dĩ nhiên kết quả ấy không thể khiến ai cũng tươi cười vì có người biết mình bệnh nặng, cũng có người xóa tan mối nghi ngờ đáng sợ mang ung thư… Nhưng dù kết quả thế nào, những người chọn dịch vụ khám bệnh lúc 5h sáng đều hài lòng vì không phải "rồng rắn" xếp hàng như trước đây. Để người bệnh có kết quả trên tay vào thời điểm "gà còn chưa gáy" ấy là cả một câu chuyện dài.

Chị Nguyễn Thị Thu Ba (quê ở Quảng Ngãi) hiện là công nhân đang tạm trú tại huyện Nhà Bè. Cầm trên tay kết quả chẩn đoán hình ảnh từ một phòng khám đa khoa ghi “Nhân giáp hai thùy, đề nghị FNA”, chị Thu Ba đến Bệnh viện Ung Bướu TP HCM lúc 4h30 để biết chắc mình bị bệnh gì. Người phụ nữ có hoàn cảnh không may (chồng vừa mất) phải một mình chăm hai con cứ nhấp nhổm nhìn bảng điện tử ở phòng khám số 4.

“Dù hôm nay đã xin nghỉ làm để đi khám bệnh, nhưng vì đi sớm nên để hai đứa nhỏ ở nhà chưa kịp gửi gắm ai, lo quá. Khi đến đây thì tôi bất ngờ được các điều dưỡng hướng dẫn có dịch vụ khám lúc 5h sáng. Giá khám có đắt hơn 40.000 đồng (khám dịch vụ 5h sáng giá 60.000 đồng, khám thường giá 20.000 đồng) nhưng được làm sớm thì tiện mọi bề”, chị Thu Ba chia sẻ.

Chuyện của chúng tôi đến đấy thì bảng điện tử hiện số 75, lúc đó là 5h30 sáng, chị Thu Ba vào phòng khám số 4. Chưa đầy một giờ sau, chúng tôi gặp chị rời bệnh viện. Chưa kịp hỏi chị kết quả thế nào thì chị đã cười: “May quá, không nghiêm trọng lắm. Mình về với hai đứa nhỏ đây”.

Bà Trần Thị Hiền (quê ở huyện Tân Phú, Đồng Nai) chia sẻ: “Cách đây vài ngày, tôi thấy “có cục gì ở cổ” nên đón xe từ sớm đi khám. Biết bệnh viện này đông lắm nên phải đi thiệt sớm mới được. 5h sáng mà người chờ khám đã đông nghẹt rồi. May quá, có anh bảo vệ thấy tôi lui cui tìm chỗ mới hỏi thăm. Tôi nói ở xa quá nên tới muộn, anh nghe vậy mới giới thiệu dịch vụ khám sớm. Mừng quá, tôi đăng ký ngay. Nhờ vậy mà 6h tôi đã được bác sĩ khám rồi”.

Ở Bệnh viện Ung Bướu TPHCM hiện có 4 phòng khám dịch vụ ngoài giờ bắt đầu làm việc lúc 5h sáng. Mỗi phòng khám có 2 bác sĩ và 2 điều dưỡng. Tại khu vực khám dịch vụ 5h sáng, còn có bàn hướng dẫn với 4 điều dưỡng hỗ trợ thông tin người dân, cả 4 người đều “quay như chong chóng” bởi lượng người đăng ký khám bệnh sớm quá đông. “Đông quá nên dù 4 người nhưng trả lời, hướng dẫn người dân cũng mệt luôn”, BS Phạm Minh Thanh, Phó Trưởng phòng điều dưỡng cho hay.

Ăn, ngủ tại bệnh viện

Tất bật đến nỗi không có thời gian dừng tay, nữ điều dưỡng Lê Thị Thu cho hay, mình phải ngủ lại bệnh viện để kịp làm việc từ 4h45 sáng. Nữ điều dưỡng trẻ cho biết: “Nhà em ở tận Củ Chi, làm việc giờ hành chính thì không vấn đề gì nhưng làm việc trước 5h sáng thì không còn cách gì khác ngoài ngủ lại bệnh viện. Không chỉ riêng em đâu, như tối này có 5 chị em điều dưỡng khác cũng ngủ lại để sáng nay kịp làm sớm”.

Còn BS Phan Minh Châu cho biết: “Mình không phải ngủ lại bệnh viện vì nhà ở quận Gò Vấp, đi lại không quá xa. Tuy nhiên, cứ mỗi tuần có một ngày mình lại dậy từ 4h sáng để chuẩn bị đi làm, cũng phải giải thích thêm với gia đình về chuyện này đấy. Làm sớm một chút để nhiều người dân được rời bệnh viện sớm là chuyện nên làm mà”.

BS Hà Chí Đô, người cũng phải dậy từ khá sớm để rời nhà ở quận 10 đến bệnh viện kịp khám lúc 5h sáng nói thêm: “Có mệt hơn nhưng chủ trương này rất hay, trước là giúp người dân khám sớm, về sớm, sau là chung vai tiếp sức cùng bệnh viện giải quyết vấn đề quá tải nên mình và các đồng nghiệp rất đồng tình”.

Được biết, để việc khám bệnh từ 5h sáng được thực hiện suôn sẻ, gần 40 cán bộ, nhân viên ở đây hoặc phải đi làm từ lúc gà gáy, hoặc phải ngủ lại bệnh viện.

Tình nguyện sẻ chia

“Sáng kiến này thực hiện được là hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện chia sẻ của anh, chị em cán bộ, nhân viên trong bệnh viện đấy”, BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cho biết. Lý giải thêm về sáng kiến này, BS Lê Hoàng Minh nói: “Chúng tôi luôn trăn trở trước tình trạng quá tải tại khu vực khám trong giờ cao điểm (7h30 - 10h). Trung bình mỗi ngày có khoảng 1.200 người dân đến khám, trong đó khoảng 2/3 là người khám mới và ở xa. Người dân ở xa đến đây từ 3h sáng, chờ đợi được khám quả là lâu, có khi đến cả ngày. Bệnh viện đã nỗ lực cải cách đủ kiểu, tăng bàn khám từ 16 - 30 bàn, thủ tục tinh gọn…nhưng vẫn không khắc phục nổi. Trước tình trạng này, chúng tôi chỉ còn cách vận động anh, chị em nỗ lực khám sớm hơn và rất vui là, ai cũng tình nguyện sẻ chia cùng người dân, cùng bệnh viện”.

Gần 10 ngày qua, sáng kiến khám bệnh lúc 5h sáng đã mang lại hiệu quả rõ rệt. BS Lê Hoàng Minh cho biết: “Trong 2,5 giờ đồng hồ khám sớm đã giải quyết trung bình 350 lượt người, tức vào khoảng 1/3 tổng số người đến khám trong ngày. Kể từ khi chương trình khám sớm được thực hiện, đến 7h30 là khu vực khám đã thưa hẳn người bệnh. Việc này rõ ràng là có hiệu quả”.

BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM chia sẻ, dù hiệu quả đã thấy rõ, nhưng việc khám bệnh lúc 5h sáng không phải là giải pháp lâu dài, mà chỉ mang tính tình thế nhằm giải quyết quá tải cục bộ nơi khu vực khám. BS Lê Hoàng Minh nói:“Tôi cũng chia sẻ rất rõ điều này với anh chị em cán bộ, bởi sự quá tải ở đây không chỉ khu vực khám, điều trị ngoại trú mà còn cả nội trú. Hơn ai hết, tôi thật mừng vì cơ sở 2 Bệnh viện Ung Bướu TPHCM đã được khởi công. Đó mới chính là giải pháp căn cơ, lâu dài. Từ nay đến khi có cơ sở 2, tập thể cán bộ bệnh viện sẽ tiếp tục thực hiện sáng kiến khám bệnh lúc 5h sáng, để ít nhất cũng giúp được 1/3 lượt người đến đây khám bệnh ra về sớm với sự hài lòng”.

Đỗ Bá

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Lần đầu tiên tại Việt Nam, bệnh nhân u phì đại tiền liệt tuyến được phẫu thuật bằng liệu pháp không đau

Lần đầu tiên tại Việt Nam, bệnh nhân u phì đại tiền liệt tuyến được phẫu thuật bằng liệu pháp không đau

Y tế - 11 giờ trước

GĐXH - Lần đầu tiên tại Việt Nam các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiết niệu và nam học, Bệnh viện E phẫu thuật thành công cho người bệnh mắc u phì đại tiền liệt tuyến (khoảng 40g) bằng liệu pháp vi nhiệt tạo hơi nước (Rezum).

Người đàn ông đột tử sau trận đấu tennis

Người đàn ông đột tử sau trận đấu tennis

Sống khỏe - 23 giờ trước

Ngày 1/4, Bệnh viện E đã tiếp nhận một bệnh nhân nam 41 tuổi do xe cấp cứu 115 đưa đến trong tình trạng nguy kịch, ngừng tuần hoàn sau khi chơi tennis.

Ra mắt mô hình điểm 'An toàn trên không gian mạng, vững vàng trong chuyển đổi số' tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An

Ra mắt mô hình điểm 'An toàn trên không gian mạng, vững vàng trong chuyển đổi số' tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An

Sống khỏe - 23 giờ trước

Mô hình ra đời nhằm xây dựng Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trở thành điểm sáng trong công cuộc chuyển đổi số, đảm bảo an toàn, an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Hội thảo khoa học: Nghiên cứu triển khai thử lâm sàng Dược chất Coenzyme NAD+ từ cây nấm tuyết Nhật Bản tại Việt Nam

Hội thảo khoa học: Nghiên cứu triển khai thử lâm sàng Dược chất Coenzyme NAD+ từ cây nấm tuyết Nhật Bản tại Việt Nam

Y tế - 1 ngày trước

GĐXH - Vừa qua, Viện Đông y Việt Nam phối hợp với các chuyên gia vừa tổ chức Hội thảo khoa học: Nghiên cứu triển khai thử lâm sàng Dược chất Coenzyme NAD+ từ cây nấm tuyết Nhật Bản tại Việt Nam.

Người tham gia BHYT thay đổi cơ sở khám, chữa bệnh thế nào?

Người tham gia BHYT thay đổi cơ sở khám, chữa bệnh thế nào?

Y tế - 1 ngày trước

Cơ quan BHXH thực hiện thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu của người tham gia trên cơ sở dữ liệu thẻ BHYT. Trường hợp thông tin trên thẻ BHYT bản giấy và bản điện tử khác nhau thì thực hiện theo thông tin trên thẻ BHYT điện tử.

Cảnh báo ngộ độc thực phẩm

Cảnh báo ngộ độc thực phẩm

Y tế - 2 ngày trước

Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương điều tra, xác minh nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm, cảnh báo cộng đồng

Liên tiếp 6 du khách nhập viện cấp cứu khi đi du lịch, 1 người hôn mê sâu do ngộ độc rượu methanol

Liên tiếp 6 du khách nhập viện cấp cứu khi đi du lịch, 1 người hôn mê sâu do ngộ độc rượu methanol

Y tế - 3 ngày trước

GĐXH - Cả 6 người sau khi uống cùng 1 loại rượu trái cây đều có biểu hiện đau bụng, nôn ói thậm chí lơ mơ…

Cứu sống du khách nước ngoài bị nhồi máu cơ tim cấp khi đang đi bộ

Cứu sống du khách nước ngoài bị nhồi máu cơ tim cấp khi đang đi bộ

Y tế - 3 ngày trước

GĐXH - Bệnh nhân được đưa đến viện trong tình trạng nguy kịch, huyết áp tụt, suy hô hấp nặng phải đặt ống nội khí quản, thở máy xâm nhập.

Chủ quan với đau răng, người đàn ông bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng

Chủ quan với đau răng, người đàn ông bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng

Y tế - 3 ngày trước

GĐXH - Sau khi tự uống thuốc giảm đau và kháng sinh tại nhà để điều trị đau răng, bệnh nhân thấy tổn thương ngày càng lan rộng. Đến khi khối áp xe chèn ép đường thở, bệnh nhân mới đến viện điều trị.

Trường Đại học Y Dược ký thỏa thuận hợp tác với Bệnh viện Mắt Trung ương

Trường Đại học Y Dược ký thỏa thuận hợp tác với Bệnh viện Mắt Trung ương

Y tế - 3 ngày trước

GĐXH - Trường ĐH Y Dược vừa ký kết thỏa thuận hợp tác với Bệnh viện mắt Trung ương. Đây là sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa hai đơn vị.

Top