- Sau sáu năm kết hôn, vợ chồng chị cùng nhau tích lũy được những tài sản gì?
- Chúng tôi cùng xây dựng được một số thành quả, trong đó phải kể đến các bất động sản đang cho thuê và những ngôi nhà đã mua để sửa chữa rồi bán lại. Hiện tại gia đình tôi sở hữu một vài building gồm nhiều căn nhà nối tiếp nhau như những dãy phố. Các căn nhà này chúng tôi cho thuê để họ làm văn phòng, nhà hàng, tiệm cắt tóc, hiệu may hay câu lạc bộ dạy khiêu vũ...
Ngoài ra, vợ chồng tôi đã đầu tư thêm cho ngôi nhà đang ở với chi phí khoảng 100.000 USD (hơn hai tỷ đồng). Tôi và ông xã mỗi người có một chiếc xe hơi riêng và khi cả nhà sử dụng chung thì chạy chiếc xe tải loại nhỏ. Nếu cần vận chuyển đồ đạc trong quá trình xây dựng, tôi dùng chiếc xe tải cỡ lớn. Còn lúc nào hai vợ chồng muốn "trốn" con để tận hưởng không gian lãng mạn đã có chiếc xe hơi thể thao hai chỗ ngồi.
Mùa hè ở Mỹ ngắn ngủi, chỉ vỏn vẹn ba tháng thôi nên chúng tôi cố gắng chơi hết mình với một chiếc du thuyền trên biển và một chiếc tàu nhỏ đủ cho gia đình cùng những người bạn dạo mát ngoài sông ngay sau vườn nhà. Bên cạnh những món tài sản hữu hình này, chúng tôi tạo cho bản thân một cuộc sống thoải mái, chủ động, không phải lo lắng khi chi tiêu sinh hoạt hàng ngày.
- Nhờ đâu vợ chồng chị tạo dựng được nguồn kinh tế dồi dào chỉ sau chừng ấy năm?
- Nhờ vào sự siêng năng làm việc và tinh tế nắm bắt thị trường. Trong kinh doanh, chúng tôi tận tậm chăm sóc khách hàng và nhờ đó có thể kiếm ra nhiều tiền. Đặc biệt, chúng tôi cân nhắc rất kỹ mỗi khi giải quyết các chi phí. Gia đình tôi quan niệm: thoải mái chi nhưng phải chi đúng việc. À, riêng chiếc du thuyền đi biển là chồng tôi sắm trước khi kết hôn. Nhưng sau khi kết hôn, chúng tôi có nhiều thứ hơn thế.
- Hai năm qua, kinh tế thế giới nói chung và thị trường Mỹ nói riêng trì trệ do Covid-19. Bí quyết nào giúp anh chị ăn nên làm ra trong bối cảnh nhiều người gặp khó khăn?
- Chúng tôi cũng trải qua những thử thách như mọi người. Khi dịch bùng phát, tất cả mọi thứ đều đóng cửa và dĩ nhiên, chúng tôi cũng không làm được gì. Nhưng khi nước Mỹ mở cửa trở lại, chồng tôi gấp rút khởi động tiếp những dự án còn tồn đọng. Giai đoạn này, chính phủ đưa ra một số chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp để giúp họ vượt qua những khó khăn vì dịch bệnh. Chồng tôi đã nắm bắt rất nhanh cơ hội này và lập tức chèo lái công việc trở về đúng quỹ đạo.
Nhờ một phần kinh phí từ chính phủ cộng với số vốn vợ chồng tôi tích lũy được, ông xã tôi đã vận hành các dự án tiếp tục hoạt động. May mắn, anh ấy là dân mua bán và sửa chữa nhà chuyên nghiệp nên rất rành về giá cả, lại còn trực tiếp tham gia xây dựng nên lúc nào cũng nhận được giá tốt nhất từ đối tác. Công sức anh bỏ ra xem như tiền lời của ngôi nhà. Chúng tôi chăm chỉ làm việc và tận dụng cơ hội nên năm qua công ty vẫn phát triển.
- Trước khi kết hôn, chỉ chủ yếu hoạt động nghệ thuật chứ không kinh doanh. Vậy làm cách nào chị giúp chồng quản lý và sinh lời cho khối tài sản lớn của gia đình?
- Hồi đó tôi cũng từng có nhà hàng... Mà thôi, tôi chẳng giúp được gì cho chồng đâu, anh ấy làm hết đó. Chồng tôi nhanh nhạy trong kinh doanh nên tôi chỉ việc lo cho con cái, quán xuyến nhà cửa, rảnh rỗi thì đi shopping còn không sẽ tìm hiểu các chương trình từ thiện để góp sức. Thỉnh thoảng, tôi nhận vài show để hát cho đỡ nhớ sân khấu còn cát-xê thì chồng tôi chẳng hỏi đến.
Lúc trước còn nhà hàng thì tôi quản lý nhưng vì không tìm được người trông coi hai bé vừa ý nên tôi quyết định buông công việc về chăm con. Chồng tôi rất giỏi nên không cần tôi phụ giúp. Tôi chỉ cần ngồi cạnh trò chuyện khi anh ấy làm việc là đủ rồi.
- Sống bên người chồng giỏi kiếm tiền, chị học được điều gì?
- Tôi học được nhiều lắm. Tôi thấy bản thân tốt lên mỗi ngày kể từ khi cưới anh. Ngày xưa, tôi như công chúa còn bây giờ cái gì cũng có thể tự mình làm được nên ít khi phiền đến ai.
- Chị chia sẻ một trong những bí quyết làm giàu là chi tiêu hợp lý. Hiện tại, vợ chồng chị ưu tiên chi tiền cho những nhu cầu gì?
- Đơn giản là chi dùng cho con cái và nhu cầu thiết yếu mỗi ngày. Hàng tháng, chúng tôi phải thanh toán hóa đơn với số tiền đáng kể, ít nhất là 10.000 USD (hơn 230 triệu đồng). Ngoài ra, thích cái gì đó cũng là mục tiêu và động lực để kiếm tiền vì khi có tiền, chúng tôi sẽ mua nó. Du lịch thì năm nào nhà tôi cũng đi ít nhất ba chuyến. Còn lại thì dành đầu tư kinh doanh nhà đất.
Sau cùng, chúng tôi luôn có khoản để dành. Nghĩa là từ thu nhập chung, tôi trích ra một phần tạm gọi là "không được đụng đến khi còn có thể xoay xở". Ngoài khoản này, tôi trích tiếp một số tiền khác theo tuần để gửi vào sổ tiết kiệm riêng cho hai con. Tiền này được dành đến năm con 18 tuổi sẽ dùng vào việc học đại học. Nếu hai nhóc có học bổng thì cũng bỏ vào đó hoặc mang đầu tư sinh lời...
- Tất cả những khoản lớn nhỏ ấy sẽ do chị hay ông xã chị nắm giữ?
- Ở nhà tôi thì tiền ai nấy giữ. Mà tiền của anh ấy thì cũng là tiền của tôi. Vợ chồng tôi ngoài những khoản đã nói với nhau để dành tiết kiệm thì khoản còn lại có thể tự thu chi cho bản thân và gia đình. Tôi không để ý chuyện tiền bạc nhiều đâu. Tôi chỉ quan tâm không khí trong nhà thôi.
- Hai con trai của chị sinh trưởng trong gia đình có điều kiện vật chất dư dả, làm sao để dạy các bé tính tiết kiệm?
- Đây là một trong những điều khiến tôi đau đầu. Tôi luôn muốn dạy con tự lập và không được đòi hỏi nhiều. Ví dụ khi bé ngoan và học giỏi, tôi sẽ cho con mua đồ chơi còn nếu bé chưa ngoan sẽ bị khiển trách. Nói chung, tôi để con hiểu rõ: "có công thì thưởng, có lỗi thì phạt". Nhưng chồng tôi thì hay chiều tụi nhỏ. Suy nghĩ của anh ấy là: "nếu để các con đầy đủ rồi thì chúng sẽ không xin nữa" hoặc "cha mẹ có điều kiện thì cứ cho con những thứ chúng thích". Nhiều lúc tôi cũng bó tay luôn. Thôi thì chuyện này cứ tạm gác lại, từ từ rồi tính tiếp.
- Chị khen chồng tài giỏi và nhạy bén trên thương trường còn lúc ở nhà, anh ấy là người thế nào?
- Những ai theo dõi trang cá nhân của ông xã tôi chắc chắn hiểu rõ anh ấy rất yêu thương và chiều chuộng vợ con. Anh ấy chưa bao giờ nói "không" với các con và luôn cố gắng cho chúng những điều tốt nhất. Bên cạnh vai trò người cha, chồng tôi là người thầy dạy dỗ các con cách tiếp cận cuộc sống thực tế từ nhỏ. Anh đưa các con đi du lịch nhiều nơi và đi bất cứ đâu, anh ấy cũng muốn có vợ con theo cùng.
Anh ấy làm nhiều điều cho vợ con nhưng mỗi khi nhận lại thứ gì từ tôi đều nói lời cảm ơn dù việc ấy rất nhỏ nhặt. Trong sáu năm chung sống, ông xã luôn yêu thương, quan tâm đến những sở thích của tôi. Ngoài ra anh ấy để tôi đứng tên nhiều tài sản chung, tặng tôi những món quà giá trị như nhà, xe, kim cương...
- Chị làm gì để giữ chân người chồng giàu có lại rất tâm lý với phụ nữ?
- Lễ phép và thường xuyên quan tâm tới ba mẹ chồng. Không quên làm đẹp cho bản thân mỗi ngày bên cạnh chăm sóc con cái cẩn thận, nhà cửa tươm tất và luôn dành nhiều niềm vui, sự thoải mái mỗi khi anh về đến nhà. Chưa hết, nên cư xử hòa nhã với bạn bè của anh, tránh làm phiền khi anh đang làm việc, luôn ở bên chia sẻ khi anh cần người lắng nghe. Còn nhiều nữa cơ nhưng cơ bản là vậy.
Phạm Thanh Thảo cưới doanh nhân Trường Sơn sau đó sang Mỹ định cư vào năm 2015. Chồng cô kinh doanh lĩnh vực bất động sản và xây dựng ở tiểu bang Massachusetts. Tại xứ cờ hoa, Phạm Thanh Thảo giã từ sự nghiệp ca hát để lần lượt sinh hai con và tập trung chăm sóc tổ ấm. Các con trai của cô lên 4 và 5 tuổi, hiện học mẫu giáo.
Theo Ngôi sao