Hà Nội
23°C / 22-25°C

Phở Hà Nội Hành trình vượt biển đến Trường Sa

Thứ bảy, 08:00 10/02/2018 | Xã hội

GiadinhNet - Cách đất liền Tổ quốc gần 300 hải lý, giữa trùng khơi các chiến sĩ Hải quân cùng cư dân hải đảo đã xuýt xoa với phở Hà Nội nóng hổi, ớt cay cháy lưỡi với những miếng gầu, miếng nạm ngon lành trong ngày hội Phở.


Nghệ nhân ẩm thực Vũ Ngọc Vượng. ảnh : TL

Nghệ nhân ẩm thực Vũ Ngọc Vượng. ảnh : TL

Ước mơ cả đời của hai người con Hà Nội

Phở Hà Nội ngọt ngào, là nỗi nhớ của những người Hà Nội xa quê, của những người từng được ăn phở Hà Nội. Một nhà văn đã viết, phở là một mảnh hồn của người Hà Nội, đẹp đẽ nhưng gần gũi, không kiêu kỳ, kiểu cách. Phở hòa đồng cả người giàu, người nghèo. Những người phải “ôm kiếp thiên di” khỏi Hà Nội mang trong trái tim góc phố cổ rêu phong, làn khói thơm mùi phở nhẹ mà quấn quít như tơ.

Phở Hà Nội sống động cõi nhớ, có sức cuốn hút kỳ lạ tâm hồn Việt, là tổng hòa tinh túy từ xương, thịt, hành, thơm, gia vị cho tới bánh phở - hòa quyện tạo nên một “tác phẩm nghệ thuật” ẩm thực. Người Việt đi đến đâu là mang theo bản sắc văn hóa hiện hữu tới đó, và hai người con Hà Nội - nghệ nhân Vũ Ngọc Vượng và nhà báo Nguyễn Hồng Kỳ (Giám đốc Trung tâm Ảnh Thông tấn xã Việt Nam) đã nảy ra ý tưởng đưa phở Hà Nội “xịn” vượt ngàn trùng khơi ra quần đảo Trường Sa thân yêu, và họ đã vỡ òa niềm vui khi được Quân chủng Hải quân chấp thuận.

Từ ước mơ trở thành hiện thực - đó là niềm vinh dự quá lớn trong một đại gia đình hạnh phúc đã 3 đời làm phở của nghệ nhân ẩm thực Vũ Ngọc Vượng. Thế là anh tạm xa bố mẹ, gia đình và 5 hiệu phở gia truyền ở Hà Nội để bước vào hành trình đưa phở Hà Nội ra Trường Sa.

Trong căn phòng khách ấm cúng của ông chủ hiệu phở Ngọc Vượng với đào thắm, quất vàng thơm nức hương hoa Tết, có treo trang trọng tấm ảnh “đắt giá” phóng khá to hình ảnh một chiến sĩ trẻ ở đảo Sơn Ca hăm hở bưng tô phở nghi ngút khói - tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc đẹp lần đầu tiên phở Hà Nội ra đảo.

Hai chuyến mang phở Hà Nội ra Trường Sa có rất nhiều kỷ niệm xúc động, nhất là năm 2017, anh đã rưng rưng tặng những tô phở nóng hổi cho các công dân nhí ở đảo Trường Sa Lớn - nơi đoàn công tác ở lại lâu nhất từ 9 - 21 giờ.

Bữa tiệc phở Hà Nội ấy, các gia đình, đặc biệt là các em nhỏ háo hức chờ đợi thưởng thức. Theo sắp xếp của đoàn công tác và Chỉ huy đảo nên bữa tiệc phở diễn ra buổi tối - sau buổi biểu diễn văn nghệ. Nhìn những công dân tí hon tíu tít kéo nhau gia nhập ngày hội Phở khiến trong lòng nghệ nhân trào dâng cảm xúc rất lạ. Còn các chiến sĩ thì hồ hởi “cụng” phở chúc nhau những điều tốt lành. Một chiến sĩ quê ở Đồng Nai xúc động khen phở Hà Nội ngon, và là lần đầu tiên trong đời anh được thưởng thức phở Hà Nội, thưởng thức hương vị nồng ấm tình cảm đất liền. Có chiến sĩ ăn xong một bát phở rụt rè xin thêm bát nữa. Và anh Vượng đã trào nước mắt khi một chiến sĩ ăn phở xong nói rằng: "Mẹ cháu cũng nấu phở. Phở mẹ nấu không ngon bằng phở của các chú. Nhưng ăn phở này, cháu nhớ tới mẹ cháu"! Rất nhiều chiến sĩ đã không cầm được nước mắt vì nhớ hương vị quê nhà, xuýt xoa với đặc sản phở Hà Nội nóng hổi, ớt cay xé với những miếng gầu, miếng nạm chế biến khéo léo, những cọng rau thơm mộc mạc, hiếm hoi, và trên hết là sự ấm áp gần gũi, gắn kết giữa đất liền và biển đảo quê hương.

Hành trình khó tin của phở Hà Nội được nhà báo Hồng Kỳ bồi hồi ghi lại: “Đêm ở Trường Sa Lớn mới thật là đêm hội, vì số lượng phục vụ lớn hơn lên nhiều lần. Bộ đội phải chi viện cho đội nấu phở hai nồi lớn để hầm số xương bò dự trữ làm nên nồi nước dùng có lẽ là chất lượng nhất. Những đôi tay thoăn thoắt thái thịt, chuẩn bị đầy đủ gia vị: Hành, tỏi, ớt tươi, tương ớt… như ở Hà Nội, chờ sau buổi biểu diễn để phục vụ những vị khách đặc biệt của hàng phở đặc biệt nhất Việt Nam”.

Gian nan mang phở vượt trùng khơi


Nghệ nhân Vượng chế biến phở trên tàu. Ảnh: TL

Nghệ nhân Vượng chế biến phở trên tàu. Ảnh: TL

Những ngày chuẩn bị phở vượt biển, đêm nào anh Vũ Ngọc Vượng cũng mơ thấy phở, với những rau, hành, thịt, bánh… Vào việc mới thấy rất khó để đưa hương vị đặc trưng của phở Hà Nội đi dài ngày trong thời tiết nóng ẩm mà vẫn giữ được chất lượng. Làm sao bảo quản nguyên liệu, đặc biệt là bánh phở suốt hành trình. Và đau đầu nhất là tìm cách giữ nguyên độ tươi ngon của thực phẩm, đảm bảo an toàn sức khỏe cho bộ đội. Việc hương vị phở Hà Nội phải đặt xuống hàng thứ hai.

Bình thường bánh phở chỉ bảo quản tối đa 36 giờ. Nước dùng nấu và dùng luôn trong ngày. Anh Ngọc Vượng đã “thiết kế” loại bánh phở tráng kỹ hơn, điều chỉnh bột đặc hơn… phù hợp với chuyến đi đường trường. Bánh phở tráng xong, được trải ra, hong dưới quạt, rồi được xếp nhẹ nhàng vào các túi lớn. Mẻ bánh đầu tiên đã bị hỏng. Anh thử đi thử lại mới tìm ra được công thức gọi vui là “bánh phở thửa riêng cho Trường Sa”.

Tiếp đó là tìm giải pháp cho phần hồn của phở - đó là nước dùng, gia vị và thịt bò. Họ chọn cách nấu nước dùng tại đất liền, rồi cấp đông mang ra đảo. Rau thơm, gia vị ăn kèm cũng phải được chế biến trước, hong khô rồi bọc vào giấy báo để không bị héo úa.

Sau nhiều ngày chuẩn bị, tháng 5/2013, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Vượng và nhà báo Nguyễn Hồng Kỳ hiện thực hóa hành trình đưa phở Hà Nội ra Trường Sa.

Nhà báo Hồng Kỳ đã viết lại rằng: “Hành trình mang phở ra Trường Sa được bắt đầu từ khoảng 4h sáng khi chiếc UAZ của Hải quân đưa chúng tôi qua quận Tân Bình. Xe dừng trước cửa hàng phở Hà Nội số 116 Hoàng Hoa Thám. Phở mang ra Trường Sa được đóng thành 30 kiện nguyên liệu, đủ các loại đã bao gói, đóng thùng dán tem rất chuyên nghiệp mang dòng chữ: Thông tấn xã Việt Nam - Quân chủng Hải quân. Phở Ngọc Vượng - Quà tặng Trường Sa”.

Toàn bộ nguyên liệu nhanh chóng được chuyển xuống khoang lạnh. Con tàu đầu tiên chở đặc sản phở Hà Nội của Hải quân từ cửa biển Vũng Tàu tiến ra quần đảo đá xa xôi với bao kỳ vọng, mong chờ và cả chút hiếu kỳ của mọi người.

Tàu vừa ra khỏi cửa biển, sóng bỗng lừng lên. Từ phía chân trời, gió và mưa ầm ầm kéo đến. Cả tàu chao đảo, khiến hầu hết mọi người say lử lả. Vũ Ngọc Vượng vốn gốc thành Nam ra Hà Nội, chưa từng quen sóng lớn cũng ngây ngất. Tới giờ, anh vẫn nhớ cảm giác hơi bồng bềnh như đang trên tàu - mọi người bảo nhau đó là triệu chứng say đất, về đất liền khoảng 1 tuần mới hết hẳn - và những người từng đi Trường Sa bảo nhau, phải nằm sấp, áp cả người xuống sàn tàu cho đỡ say.

Ngày đầu tiên ấy, lúc nào hai người con Hà Nội cũng lo lắng về chuyến hàng đặc biệt, leo lên leo xuống kiểm tra từng chút và chỉ có thể thở phào khi tất cả bánh, nước dùng và gia vị đều an toàn.

Sáng hôm sau, nghe sóng vỗ oàm oạp thân tàu, phía chân trời nhấp nhô những ánh nắng đầu ngày bắt đầu le lói, dù vẫn chuyếnh choáng say sóng nhưng anh Vượng đã trở dậy sắp xếp đủ thứ đồ nghề lỉnh kỉnh để tự tay nấu những bát phở nức danh Hà Nội đầu tiên trên Biển Đông mời cả đoàn.

Cảm giác làm phở giữa biển bổi hổi đặc biệt, anh chẳng thể nghĩ tới điều gì ngoài quyết tâm nấu phở Hà Nội một cách ngon nhất. Âu phở nghi ngút khói với những nạm, tái, gầu, hành hoa, chanh ớt và mùi thơm đặc trưng khó cưỡng. Những người say sóng nhất ăn xong bát phở như khỏe hơn, không ai ngờ đi Trường Sa lại được ăn bát phở Hà Nội ngon quá trời.

Ngày hội… Phở trên biển


Anh em bộ đội được thưởng thức món phở Hà Nội ngay giữ Trương Sa. Ảnh: TL

Anh em bộ đội được thưởng thức món phở Hà Nội ngay giữ Trương Sa. Ảnh: TL

Sau chuyến hành trình dài đằng đẵng tới 4 ngày mới thấy đảo, cả đoàn nhao lên phía mạn tàu. Đảo xa đã ngay phía trước rồi... Nghệ nhân Ngọc Vượng và nhà báo Hồng Kỳ hối hả, bận rộn sắp xếp đủ thứ đồ nghề lỉnh kỉnh. Cả đêm trước khi “chạm” đảo Sơn Ca các anh không ngủ được, và trở dậy từ 23h để rã đông, kiểm tra toàn bộ nguyên liệu, nhờ chỉ huy tàu gọi vào đảo bảo anh em đặt sẵn nồi nước sôi để chần bánh. Rồi lại bận rộn sắp xếp nguyên vật liệu đợi chuyến CQ đầu tiên đưa phở Hà Nội vào với chiến sĩ.

Khoảng 5h sáng thì tàu cập vào Sơn Ca. Khoảnh khắc “chuyến tàu phở” cập bến đảo đá vừa háo hức, vừa khó tin để có được bát phở Hà Nội trên biển khơi. Vào đảo, trong khi mọi người hồ hởi chào hỏi, chụp ảnh, ngắm cảnh… hai anh lao ngay vào bếp ăn thái thịt, chẻ rau, đun nước dùng, nước chần bánh… để nhanh chóng có những bát phở Hà Nội cho toàn bộ chiến sĩ đảo Sơn Ca. Chuẩn bị xong xuôi, anh Ngọc Vượng làm một bát nhỏ ăn trước - như thủ tục kiểm tra chất lượng. Nhà báo Hồng Kỳ kéo chiếc khăn rằn quấn cổ lau mồ hôi trán rồi hỏi: “OK chứ?”. Ngọc Vượng gật đầu. Mồ hôi túa ra đầm đìa nhưng ánh mắt họ lấp lánh vì chất lượng phở Hà Nội ra Trường Sa đã thành công.

Bên những chiếc bàn giản dị, hàng chục chiến sĩ xì xụp ăn phở Hà Nội mà đất liền gửi tặng. Phở ngon phải ăn nóng hổi để ai cũng xuýt xoa vì vị dấm tỏi chua, vị cay của ớt, vị thơm nồng của hạt tiêu sọ, màu tương ớt đỏ rực, kết hợp với hoa hồi, thảo quả, hành nướng, gừng nướng, với vị hoi hoi của bò... khiến ai ăn cũng hít hà, trào nước mắt, túa mồ hôi.

Lần đầu tiên những bát phở Hà Nội đã tới được với chiến sĩ đảo Sơn Ca, Nam Yết, Trường Sa Lớn. Những bát phở đẫm tình cảm đất liền làm ấm lòng chiến sĩ Trường Sa. Trong ánh mắt các chiến sĩ và của những vị khách đất liền đầy ắp niềm vui rạng ngời…

Năm 2017, hai người con Hà Nội lại mang phở Hà Nội đến tất cả các đảo ở Trường Sa. Lần này họ có kinh nghiệm hơn về quy trình cấp đông bảo quản và rã đông nguyên liệu làm phở… với hành trình 10 ngày. Nước cốt phở nấu sẵn từ ở nhà, sau đó cấp đông nước cốt phở, bánh phở, cùng thịt bò (cả tái và chín) đưa lên tàu. Tàu vận tải không có hệ thống hầm lạnh. Các anh phải sắm mấy cái tủ đông, cho nước cốt, thịt, bánh phở bỏ vào đó và khiêng lên tàu, cột chặt để nhỡ có giông bão cũng không bị rơi xuống biển, không ảnh hưởng những thứ bên trong.

Sau những ngày lênh đênh cưỡi sóng, tàu đến đảo Đá Lát. Trong khi mọi người hồ hởi hát hò, chụp ảnh, tặng quà thì hai anh nổi lửa, chế biến nước cốt thành nước dùng, thái thịt, thái hành, rửa rau thơm, chần bánh... cho kịp “ngày hội Phở Hà Nội”. Những tô phở nghi ngút khói được bày ra trên đảo đá với niềm vui vỡ òa trong ánh mắt tò mò, khao khát.

Sau đảo Đá Lát, phở Hà Nội đều được các cán bộ, chiến sĩ Hải quân và những cư dân Trường Sa các đảo khác đón nhận nồng nhiệt, dù mỗi lần lại có diễn biến khác: Lúc thì trời giông rất to, sóng lớn ào nên tưởng không thể xuống xuồng, hoặc xuồng không thể cập đảo. Nhưng biển vừa lặng là hai anh đội mưa lên xuồng vào đảo phục vụ phở Hà Nội. Có những đảo chỉ một số ít người trên tàu được vào và phở Hà Nội được ưu tiên số 1. Có ngày, phở Hà Nội lên hai đảo, họ phải chuẩn bị kỹ hơn, chia nhau sức để kham cả hai đảo, và sự vất vả cũng tăng gấp đôi.

Giữa trùng khơi, các chiến sĩ trẻ xuýt xoa ăn phở Hà Nội. Nhiều chiến sĩ lần đầu tiên biết đến hương vị phở Hà Nội đã chân thành nói “Không ngờ nó lại ngon đến thế!”. Lần lượt những điểm đảo Đá Lát, Trường Sa Lớn, Đá Tây, Thuyền Chài, Phan Vinh, An Bang, Tốc Tan A, nhà giàn DK1/2 các chiến sỹ ngày đêm đang canh giữ biển trời của Tổ Quốc đều được thưởng thức tinh hoa ẩm thực xứ Bắc.

Đảo Chìm và Nhà giàn DK gồm 20 nhà dựng giữa biển là nơi nhiều khó khăn nhất trong hải trình. Ở đây luôn thiếu thốn rau xanh và nước ngọt, cao điểm có ngày mỗi chiến sĩ chỉ được dùng 3 lít. Còn Nhà giàn DK 4 lần bị hư hại vì bão lớn, giờ đây đã an toàn hơn. Khi mang phở Hà Nội tới, thời gian xuống xuồng vẻn vẹn 2 - 3 giờ, nhưng di chuyển đã tốn quá nửa thời gian đó.

Theo nghệ nhân Vũ Ngọc Vượng, những suất phở Hà Nội tự tay anh và nhà báo Nguyễn Hồng Kỳ cũng cộng sự chuẩn bị, sau hải trình 10 ngày lênh đênh trên biển, tất cả đều ngon và hợp vệ sinh, đó là niềm vui hạnh phúc lớn của hai anh.

Hai lần đem phở Hà Nội ra Trường Sa đầy cảm xúc khó quên, những cảm xúc vẫn vẹn nguyên, lâng lâng hạnh phúc như ngày đầu chào đảo Sơn Ca, trong ngày hội phở giữa mênh mông đầy nắng, đầy gió.

Hành trình mang phở ra Trường Sa trở thành hải trình đặc biệt, vì kết nối các vùng miền Tổ quốc với đảo xa: Ý tưởng hình thành từ Hà Nội. Chuẩn bị nguyên vật liệu ở hàng phở gia truyền tại TP Hồ Chí Minh. Từ ý tưởng đến hiện thực đã kéo hai đầu Tổ quốc gần lại, gắn đất liền với đảo xa trong một hành trình ý nghĩa.

Phở Hà Nội sẽ còn tiếp tục đến với Trường Sa, nối dài câu chuyện về phở Hà Nội, về những chuyến đi đặc biệt kết nối Hà Nội - Sài Gòn - Trường Sa thân yêu. Một bát phở mang hương vị của đất liền, còn chứa chan rất nhiều giá trị tinh thần, là tấm lòng, là quà tặng hậu phương gửi tặng chiến sĩ Trường Sa. Đó là cũng là cách góp phần giữ gìn chủ quyền bằng văn hóa theo cách tự nhiên nhất.

Nhà báo Nguyễn Hồng Kỳ là phóng viên ảnh kỳ cựu gắn bó nhiều năm với biển đảo Trường Sa, đã chụp hàng vạn kiểu ảnh Trường Sa từ mọi góc độ.

*Nghệ nhân ẩm thực Vũ Ngọc Vượng người gốc thôn Vân Cù (xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) - địa danh nổi tiếng về phở từ 1920. Anh là người Việt Nam đầu tiên được vinh dự 2 lần mang phở Hà Nội ra Trường Sa. Hiện anh là chủ 5 cửa hàng phở nức tiếng mang tên Phở Ngọc Vượng ở Hà Nội. TP Hồ Chí Minh cũng có cửa hàng phở gia truyền.

- Năm 2006, nghệ nhân Ngọc Vượng được trao giải Nhất trong Hội thi nấu phở đầu tiên (của Tập đoàn ACCOR, khách sạn Sofitel Metropole), đã phục vụ món phở (gần 2 tuần liền) trong Hội nghị cấp cao APEC 14 ở Hà Nội.

- Năm 2013, nghệ nhân Ngọc Vượng và các cộng sự đã được Quân chủng Hải quân Việt Nam trao huy hiệu danh dự “Chiến sĩ Trường Sa” và Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

- Nghệ nhân Ngọc Vượng cũng được trao tặng Bằng khen, Kỷ niệm chương danh dự vì đóng góp tích cực cho sự phát triển của Liên hiệp các tổ chức UNESCO Việt Nam 20 năm qua (1993-2013).

Dương Hà

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Khởi tố đối tượng nổ súng để giải quyết mâu thuẫn

Khởi tố đối tượng nổ súng để giải quyết mâu thuẫn

Pháp luật - 22 phút trước

GĐXH - Công an tỉnh Cao Bằng đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra đối với Bùi Trung Kiên (SN 1998, trú tại huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.

Thí sinh THPT 2025 nếu thi các trường này cần lưu ý tổ hợp xét tuyển để tránh bị động

Thí sinh THPT 2025 nếu thi các trường này cần lưu ý tổ hợp xét tuyển để tránh bị động

Giáo dục - 47 phút trước

GĐXH - Nhiều trường đại học điều chỉnh tổ hợp môn xét tuyển từ năm 2025 để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bắt tạm giam 2 đối tượng tổ chức sử dụng và tàng trữ trái phép ma túy

Bắt tạm giam 2 đối tượng tổ chức sử dụng và tàng trữ trái phép ma túy

Pháp luật - 48 phút trước

GĐXH - Trong quá trình tuần tra, kiểm soát tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, Công an huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã phát hiện 2 đối tượng đang có hành vi tổ chức và tàng trữ trái phép chất ma túy nên đã tiến hành bắt giữ.

Khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 đối tượng có hành vi xé Quốc kỳ

Khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 đối tượng có hành vi xé Quốc kỳ

Pháp luật - 57 phút trước

GĐXH - Khi đi qua đoạn đường vắng, thấy người dân treo Quốc kỳ để chuẩn bị cho "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc", do bốc đồng 2 đối tượng đã xé Quốc kỳ.

Sau 2 ngày lẩn trốn, hung thủ giết đã sa lưới

Sau 2 ngày lẩn trốn, hung thủ giết đã sa lưới

Pháp luật - 1 giờ trước

GĐXH – Sau khi sát hại nạn nhân, Bạch bỏ trốn khỏi hiện trường gây án. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, chỉ hơn 2 ngày sau, đối tượng đã bị bắt giữ.

Hai phi công vụ rơi máy bay ở Bình Định được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc

Hai phi công vụ rơi máy bay ở Bình Định được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc

Thời sự - 1 giờ trước

GĐXH - Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Thượng tá Nguyễn Hồng Quân (2 phi công trong vụ rơi máy bay ở Bình Định) được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba vì có thành tính xuất sắc trong nhiệm vụ huấn luyện bay.

Đổ thuốc trừ sâu vào nước sinh hoạt nhà hàng
 xóm

Đổ thuốc trừ sâu vào nước sinh hoạt nhà hàng xóm

Pháp luật - 1 giờ trước

GĐXH - Ngày 22/11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai) đã thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Triệu Thị Ton (SN 1976) về hành vi “giết người”.

Truy tìm gã đàn ông nhận gần 2 tỉ đồng của nhiều người rồi bỏ trốn

Truy tìm gã đàn ông nhận gần 2 tỉ đồng của nhiều người rồi bỏ trốn

Pháp luật - 5 giờ trước

GĐXH - Nguyễn Tuấn Ninh bị tố giác có hành vi nhận tiền của nhiều người để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không thực hiện. Sau đó, Ninh bỏ trốn và chiếm đoạt số tiền 1,75 tỉ đồng,

Hà Nội: Xác định niên đại gần 150 bộ hài cốt được phát hiện trên phố Tây Sơn

Hà Nội: Xác định niên đại gần 150 bộ hài cốt được phát hiện trên phố Tây Sơn

Đời sống - 5 giờ trước

GĐXH - Khoảng 150 bộ hài cốt được phát hiện trong quá trình thi công, cải tạo hệ thống thoát nước ở ngõ 167 phố Tây Sơn là của những người dân và đã có từ khoảng 50-70 năm về trước.

Hiện trường phát hiện 150 bộ hài cốt ở Hà Nội

Hiện trường phát hiện 150 bộ hài cốt ở Hà Nội

Thời sự - 5 giờ trước

Nhiều bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo đường và hệ thống thoát nước ngõ 167 Tây Sơn (quận Đống Đa, Hà Nội) được di dời trong đêm.

Top