Hà Nội
23°C / 22-25°C

Tháng Tư, ai xuôi dòng Thạch Hãn…

Thứ hai, 19:16 02/05/2016 | Xã hội

GiadinhNet - Chúng tôi lên con đò rẽ nước rời bến sang bờ Nam, nước sông Thạch Hãn chớm hè xanh ngắt. Giữa dòng, bất giác mấy câu thơ quen thuộc của nhà thơ Lê Bá Dương lại vang vọng trong đầu: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”.

Người lái đò Nguyễn Hùng đưa khách đến khu tưởng niệm chiến sĩ Thành cổ. Ảnh: Quang Thành
Người lái đò Nguyễn Hùng đưa khách đến khu tưởng niệm chiến sĩ Thành cổ. Ảnh: Quang Thành

Dòng huyền thoại bình lặng, trong xanh

Đó là 4 câu thơ người ta thường nhắc khi đến Thành cổ Quảng Trị vì nó có sức ám ảnh bồi hồi khó tả khi xuôi dòng Thạch Hãn, cho dù chiến trường đã lắng mùi khói súng, bình yên đã trở lại.

Trưa giữa tháng Tư, nắng hanh vàng, người chèo đò kỳ cựu Nguyễn Hùng đưa chúng tôi sang sông. Khúc sông Tân Đức, Triệu Thành thời khắc ấy vắng vẻ khiến người đi đò có cảm giác thanh bình đến lạ. Sông Thạch Hãn thời điểm giao mùa, nước trong vắt và con thuyền đưa chúng tôi sang sông cứ nhè nhẹ trôi như lời dặn của nhà thơ Lê Bá Dương.

Cũng tại nơi chúng tôi ngồi đây, xưa kia biết bao nhiêu người nằm lại sau những chuyến vượt sông. Hồi ký của cựu chiến binh Trịnh Hòa Bình (Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325) viết: “Chúng tôi vượt sông Thạch Hãn để vào Thành cổ lúc 5 giờ chiều 31/8/1972. Lúc ấy trời đã tối. Mưa đầy trời và những đám mây như bay sạt qua đầu. Phía trước có tiếng đạn pháo nổ vọng lại trong ánh chớp nhì nhằng, báo hiệu cho biết đó là chiến trường. Có tiếng lao xao: “Nhan Biều”, “Bến vượt”… Mưa vẫn rơi, mỗi lúc một nặng hạt. Nước sông khá lạnh và chảy xiết. Mặt trận có vẻ gần hơn. Tôi đã nghe rõ tiếng đạn pháo và thấy ánh đèn dù thấp thoáng trong bóng mây. Ở phía Bắc và hướng thượng nguồn có những dây chớp sáng xa xa. Đó là chớp của B52 rải thảm”. Dưới bạt ngàn rong rêu chỉ cách bụng đò vài mét, biết bao nhiêu chiến sỹ đã nằm lại, hòa xương máu mình với sóng nước mênh mông.

Tôi hỏi ông Hùng đã có lúc nào bắt gặp hài cốt chiến sỹ chưa, ông Hùng lắc đầu bảo: “Khúc sông này có đến vài chục người ngày đêm lái đò, chài lưới, lặn sông bắt cá. Tôi chưa một lần chứng kiến hoặc nghe nói ai đó bắt gặp hài cốt chiến sỹ. Nước sông cuốn ra Cửa Việt cả. Hay là các anh muốn yên nghỉ nên không cho mình gặp?”.

Hai điều trăn trở dở dang của vị chỉ huy chiến dịch

Cố Đại tá Nguyễn Hải Như.
Cố Đại tá Nguyễn Hải Như.

Mùa xuân vừa rồi, người chỉ huy bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trứ danh năm xưa đã ra đi. Trên đường đến Quảng Trị, chúng tôi nhận được tin buồn từ Đại tá Trần Ngọc Long, Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 48 - Thạch Hãn, Trung đoàn chủ lực bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. “Anh Nguyễn Hải Như, Tham mưu trưởng Ban chỉ huy bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị mất rồi”, giọng Đại tá Trần Ngọc Long trầm buồn.

Biết ông đã nhiều tuổi, tuy nhiên thông tin đó cũng khiến tôi bất ngờ, buồn rượi và thấy nuối tiếc bởi những trăn trở của ông chưa thực hiện được.

Vậy là mùa hè này, vị chỉ huy chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm nào có thể trở lại Thạch Hãn nối lại mạch ngầm, gặp lại đồng đội ở bên kia thế giới. Sóng nước Thạch Hãn ì oạp vỗ vào mạn đò gợi lại câu chuyện mà Đại tá Nguyễn Hải Như kể cho tôi 3 năm về trước. Rằng, suốt 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972, bom đạn địch cày xới hòng đánh sập Sở chỉ huy. Đại tá Nguyễn Hải Như kể: “Khi đó, thời tiết ở Quảng Trị nóng như thiêu, như đốt, người trong hầm chỉ huy thì đông, tạo nên hơi nóng hầm hập phả ra mấy cái cửa. Mỗi lần ngớt pháo của địch, anh em trong Sở chỉ huy lại lao ra sông Thạch Hãn để tắm, bởi hầm quá nóng”.

Hai điều trăn trở của vị chỉ huy vẫn dở dang khi ông đã về già. Điều thứ nhất, dấu tích của Sở chỉ huy chiến dịch đã bị xóa sổ. Sở chỉ huy chiến dịch bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị trước đây là hầm rượu của tên tỉnh trưởng. Đại tá Nguyễn Hải Như cho biết, những ngày đầu “xây dựng”, để ngụy trang, cứ mỗi loạt đạn pháo của địch bắn vào thì công binh dùng mìn giật sập từng mảng tường của 2 tầng căn nhà tạo nên một tấm trần bê tông kiên cố. Bên dưới được đào thêm nhiều ngách hào và hầm trú ẩn. Hầm chỉ huy được chia ra làm nhiều ngăn. Có ngăn cho bộ phận thông tin, trinh sát, cảnh vệ, phẫu thuật và trực ban tác chiến. Nơi đây là đầu mối cuộc chiến khốc liệt 81 ngày đêm tạo nên khúc tráng ca của lịch sử.

Nhưng, Sở chỉ huy chiến dịch ngày ấy nay đã là Nhà văn hóa thể thao của thị xã. Ông lấy làm tiếc vì sự biến mất của chứng tích lịch sử, nơi mà kẻ thù đã trút xuống vùng đất không đầy 3km2 một lượng bom đạn tương đương 7 quả bom nguyên tử. Hồi đó, ông bảo: “Lẽ ra nên để lại căn hầm đó làm chứng tích. Thậm chí, chỉ cần cắm bia ghi vài hàng chữ: Nơi đây là Sở chỉ huy chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ”.

Điều trăn trở thứ hai, đó là một lần để ông và đồng đội có đầy đủ thời gian nói trọn vẹn về cuộc rút lui khỏi Thành cổ. “Tối 15/9, địch đã vào cả 2 góc thành. Sở chỉ huy họp và quyết định rút khỏi thị xã và Thành cổ theo thứ tự thương binh và những người ở xa đi trước, người ở gần đi sau và cuối cùng là vệ binh. Tôi ở lại cùng rút ra với bộ phận cuối cùng này”, Đại tá Nguyễn Hải Như kể lại giây phút rời khỏi hầm chỉ huy.

Tuy nhiên giờ đây, mong muốn đó của ông đã mãi mãi dang dở… Những chiến sỹ “tuổi đời 20” năm xưa cứ như những ngôi sao rụng dần, mang theo dần những pho sử sống về một thời sống, chiến đấu oanh liệt.

Lá thư định mệnh

Hơn 40 năm đã qua đi dòng sông Thạch Hãn đã thanh bình trở lại. Tuy nhiên, nhiều câu chuyện tìm mộ cha, hài cốt đồng đội, có người muốn đến để gặp gỡ em trai đã tử trận... nỗi đau vẫn còn dai dẳng.

Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị mới trưng bày thêm một lá thư mới của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, người lính quê Thái Bình, vào chiến trường Quảng Trị khi đang là sinh viên năm thứ 4 khoa Xây dựng, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Đọc thư, nhiều người đã bật khóc vì thương mến và cảm phục chị Nguyễn Thị Xơ, vợ của liệt sỹ Huỳnh. Người phụ nữ hết sức bình dị mà rất đỗi phi thường ấy, làm vợ chưa đầy 1 tuần nhưng trọn cuộc đời chị đã gắn bó thủy chung, ân tình với cả người mất và người còn. Mấy ngày làm vợ, cả đời làm dâu. Ở Quảng Trị, chúng tôi được hướng dẫn viên Bảo tàng kể rằng đến tận bây giờ chị Xơ vẫn ở vậy thờ chồng.

Anh Huỳnh đã viết bức thư cuối cùng cho gia đình, cho người vợ thân yêu của mình vào ngày thứ 77 của chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Thư anh viết vội và chưa kịp gửi, "Em thương yêu! Mọi lá thư đến với em là nguồn động viên em khi xa anh. Song lá thư này đến là nỗi buồn nhất. Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều, song đối với em không những chẳng được cái diễm phúc ấy mà đã phải sớm xa rồi... Nhưng anh chỉ mong một điều là hãy đối đãi với mẹ, anh chị trong gia đình như khi anh còn sống để cho linh hồn anh được bừng nở trong giấc mơ trìu mến của em... Nếu có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh. Từ thị xã lần ngược lại hỏi vào thôn Nhan Biều 1. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Về đấy sẽ tìm thấy tấm bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảnh tôn...".

Sau hàng chục năm kiếm tìm, chị Xơ đã được nhìn thấy chồng, người vợ ấy chỉ còn biết ôm nắm xương chồng lặng lẽ. Bức thư ấy, nội dung riêng tư, nhưng theo thời gian nó đã trở thành của chung, là kỷ vật vô giá của lịch sử minh chứng cho một thời cha anh sống chiến đấu hào hùng như thế nào. Mỗi lần đến Quảng Trị hay bất cứ một chiến trường miền Nam nào là một lần tôi chạm tới những xúc cảm không giống nhau. Đó là những chuyện đời, chuyện người, chuyện liên quan giữa hai thời đại chiến tranh - hòa bình vẫn đan xen và móc nối với nhau dù binh lửa đã lùi xa hơn 40 năm.

Quang Thành/Báo Gia đình & Xã hội

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Nguyễn Thanh Tuân, kẻ gieo rắc 'cái chết trắng' và kết cục đích đáng

Nguyễn Thanh Tuân, kẻ gieo rắc 'cái chết trắng' và kết cục đích đáng

Pháp luật - 1 giờ trước

GĐXH - Trong nhiều năm, khi công an triệt phá các đường dây ma túy lớn thì phát hiện một số đầu mối dẫn tới người tên Trăng (trú tại Lóng Luông, Vân Hồ, Sơn La). Trăng là ai mà đứng sau các hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy số lượng lớn đến vậy?

Nổ lò hơi làm 6 người chết, nhiều người bị thương nặng ở Đồng Nai

Nổ lò hơi làm 6 người chết, nhiều người bị thương nặng ở Đồng Nai

Xã hội - 1 giờ trước

TPO - Vụ nổ lò hơi đã làm 6 người tử vong tại hiện trường, nhiều người bị thương đang được cấp cứu

Người dân Cô Tô (Quảng Ninh) chôn cất xác cá voi 10 tấn trôi dạt trên biển

Người dân Cô Tô (Quảng Ninh) chôn cất xác cá voi 10 tấn trôi dạt trên biển

Đời sống - 2 giờ trước

Xác cá voi nặng khoảng 10 tấn trôi dạt vào vùng biển ven đảo Cô Tô (Quảng Ninh) và được chính quyền, người dân tổ chức chôn cất theo phong tục địa phương.

3 loại tiền lương sẽ tăng từ ngày 1/7 tới, hàng triệu người mừng thầm khi được hưởng chính sách mới

3 loại tiền lương sẽ tăng từ ngày 1/7 tới, hàng triệu người mừng thầm khi được hưởng chính sách mới

Đời sống - 2 giờ trước

GĐXH - Theo chính sách cải cách tiền lương mới, từ ngày 1/7/2024, ba loại tiền lương quan trọng gồm lương công chức, lương hưu, lương tối thiểu sẽ tăng.

Tin không khí lạnh: Gió mùa Đông Bắc tràn về sau đợt nắng nóng đỉnh điểm

Tin không khí lạnh: Gió mùa Đông Bắc tràn về sau đợt nắng nóng đỉnh điểm

Xã hội - 2 giờ trước

GĐXH - Gần sáng nay (1/5), bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ, Thanh Hóa - Nghệ An, gió chuyển hướng Đông Bắc trong đất liền cấp 2-3.

Truy tìm tài xế xe đầu kéo trong vụ tai nạn khiến 2 thiếu niên tử vong

Truy tìm tài xế xe đầu kéo trong vụ tai nạn khiến 2 thiếu niên tử vong

Xã hội - 4 giờ trước

Ngày 30-4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người, tất cả đều là tai nạn giao thông đường bộ, theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an

Rắn hổ mang nặng 3kg vào khu đô thị ở Hà Nội ‘dạo chơi’

Rắn hổ mang nặng 3kg vào khu đô thị ở Hà Nội ‘dạo chơi’

Đời sống - 4 giờ trước

Trong lúc đi tập thể dục buổi tối tại công viên trong khu đô thị The Manor Central Park, người dân phát hiện con rắn hổ mang nặng 3kg.

Bị phạt lỗi độ xe, thiếu niên 17 tuổi nói ‘vác mía 15 ngày mới đủ tiền đóng’

Bị phạt lỗi độ xe, thiếu niên 17 tuổi nói ‘vác mía 15 ngày mới đủ tiền đóng’

Xã hội - 5 giờ trước

Bị CSGT xử phạt do không có giấy phép lái xe, sử dụng xe độ chế,... thiếu niên 17 tuổi ở Phú Yên nói "phải đi vác mía 15 ngày mới đủ tiền đóng".

Tin sáng 1/5: Loạt chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 5/2024, Công an lên tiếng về thông tin 'Đà Lạt xảy ra biến lớn'

Tin sáng 1/5: Loạt chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 5/2024, Công an lên tiếng về thông tin 'Đà Lạt xảy ra biến lớn'

Xã hội - 6 giờ trước

GĐXH - Nhiều chính sách liên quan kinh tế sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 5/2024. Cơ quan Công an đang điều tra, xác minh các trường hợp lan truyền, phát tán thông tin sai sự thật và sẽ xử lý nghiêm.

Hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TPHCM xem pháo hoa

Hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TPHCM xem pháo hoa

Xã hội - 13 giờ trước

Nhiều tuyến ở đường trung tâm TPHCM ùn tắc kéo dài vì người dân đổ về khu vực bờ sông Sài Gòn (quận 1) xem pháo hoa chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Top