Thực hiện Dự án phân khu Thủ đô: Dân phố cổ đối mặt nỗi lo “cơm áo gạo tiền”
GiadinhNet - Mặc dù người dân ở phố cổ Hà Nội đều đồng lòng với chủ trương giãn dân về khu đô thị Việt Hưng (phường Việt Hưng, quận Long Biên, TP Hà Nội) nhưng không ít người lại mang trên mình nỗi lo “cơm áo gạo tiền” khi về nơi ở mới.

Khu sinh hoạt chung của 3 hộ gia đình tại số nhà 74 Hàng Khoai. Ảnh: Bảo Loan
Nỗi lo mưu sinh
Ngôi nhà 4 tầng tại số 74 Hàng Khoai (quận Hoàn Kiếm) có diện tích chỉ vài chục mét vuông nhưng là nơi sinh sống của 3 hộ gia đình, với 4 - 5 người/hộ cùng sinh hoạt.
Gia đình 4 thành viên của anh Phạm Đức Bách (SN 1980) sinh sống trên tầng 4 của ngôi nhà này. Diện tích nơi sinh hoạt chỉ vỏn vẹn khoảng 20m2, không có cửa chính, một ô thoáng là nơi hút gió và cũng là lối ra vào của 4 thành viên gia đình anh Bách. Diện tích chật chội đến nỗi, mỗi khi có ý định sắm sửa đồ vật cho gia đình thì vợ chồng anh Bách phải suy tính thật kỹ để mua được đồ bé nhất, phù hợp với diện tích nơi ở và lối ra vào.
Theo anh Bách, 3 hộ dân sống trong ngôi nhà số 74 phố Hàng Khoai đều sử dụng chung một cổng ra vào, chung nhà vệ sinh. Diện tích lối lưu thông chỉ đủ một người đi qua. Diện tích hạn hẹp đến nỗi, các thành viên trong 3 gia đình đều phải sắp xếp lịch sinh hoạt phù hợp, để không ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt chung của cả xóm. Cũng vì diện tích có hạn mà mỗi khi nhà nào có khách, sẽ phải ra quán cà phê ngồi tiếp.
Mặc dù là nơi khá ẩm thấp, chật chội nhưng đây là nơi sinh ra và lớn lên của 3 thế hệ gia đình anh Bách, nên dù có tiếc nuối với tuổi thơ hay đồng lòng với đề án quy hoạch phân khu phố cổ thì anh Bách tỏ ra lúng túng khi nhắc đến thu nhập. "Bởi nhiều năm nay, chỉ buôn bán lặt vặt ở phố cổ, tôi vẫn đủ để duy trì cuộc sống gia đình. Tôi lo lắng khi đến nơi ở mới, cho dù vẫn tiếp tục công việc buôn bán như hiện tại nhưng tiềm năng khách hàng sẽ khó có được như hiện nay", anh Bách cho hay.

Không gian sinh hoạt của gia đình chị Lý chật chội, chưa đầy 20m2.
Chị Đinh Thị Lý (SN 1986, ở số 74 Hàng Khoai) cũng tương tự. Gần 10 năm làm dâu trên phố cổ, cũng từng ấy thời gian, công việc kinh doanh, buôn bán của chị diễn ra ngay trong con ngõ nhỏ hẹp giữa lòng phố nhỏ hẹp này. Mặc dù cảm thấy bất tiện nhưng quán phở nhỏ trên phố Hàng Khoai của chị Lý đã mang lại nguồn thu nhập đảm bảo để nuôi sống cả gia đình chị.
Chị Lý lo lắng: "Tôi sẵn sàng di dời cùng gia đình đến nơi ở rộng rãi, khang trang hơn nhưng công việc buôn bán đang thuận lợi nên tôi lo lắng. Liệu rằng, đến nơi ở mới, công việc buôn bán có được như hiện tại hay không? Và nếu không được như hiện tại thì mình phải làm gì để có tiền nuôi con ăn học?".
Hơn 10 năm thực hiện, nhà ở vẫn trên giấy?

Tường nhà ở khu vực sinh hoạt chung được tận dụng làm nơi để đồ gia dụng.
Liên quan đến nỗi lo của người dân phố cổ, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Đặng Đình Bằng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết, những nỗi lo về kế sinh nhai của người dân cũng là nỗi trăn trở, là tâm tư của cơ quan chính quyền các cấp, do chủ yếu người dân ở phố cổ kinh doanh nhỏ lẻ. Trong khi đó, sang nơi ở mới, nhiều người dân mang nỗi lo về công ăn việc làm, thu nhập…
"Về khó khăn này, chúng tôi sẽ có những phương án, đề xuất đến UBND quận Hoàn Kiếm rà soát lại đề án với tình hình thực tế, qua đó, nghiên cứu các chính sách để khuyến khích, động viên người dân trong việc di dời cũng như công ăn việc làm sau di dời", ông Bằng cho hay.
Thông tin về đồ án quy hoạch phân khu đô thị (nội đô lịch sử) UBND quận Hoàn Kiếm vừa công bố, ông Đặng Đình Bằng cho biết, đến nay, dự án nhà ở giãn dân phố cổ vẫn đang trong quá trình thực hiện giai đoạn 1. "Dự án nhà ở giãn dân phố cổ vẫn chưa xây dựng nên việc di dời người dân sang khu đô thị Việt Hưng (Long Biên) chưa thực hiện được. Dự án này do Ban Quản lý Đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm thực hiện", ông Bằng thông tin.
Theo ông Bằng, có 2 đối tượng thuộc diện di dời, gồm đối tượng bắt buộc là cư dân sống khu vực di tích, trường học... và đối tượng giãn dân tự nguyện là cư dân sống tại các nhà cũ xuống cấp, có diện tích dưới 5m2. Qua rà soát, thống kê đến nay, có khoảng 470 hộ dân thuộc diện bắt buộc di dời và gần 4.000 hộ dân thuộc diện tự nguyện di dời.
Ông Bằng cho biết, cả 2 đối tượng trên đều gặp khó khăn trong rà soát, thực hiện. Cụ thể, đối tượng thuộc diện bắt buộc sinh sống trong khu vực di tích, quản lý công sản thì rất khó xác định ranh giới. Bởi số lượng di tích trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có đến 190 di tích nhưng việc xác định khoanh vùng, bảo vệ di tích hiện nay lại có số lượng lại rất ít. Cần phải xác định rõ phạm vi bảo vệ di tích đến đâu mới có thể thống kê được số hộ dân di dời.
Bên cạnh đó, có những di tích có tên trong danh mục quản lý nhưng khi kiểm tra thực tế thì lại không còn dấu tích, nên việc giải quyết cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, do liên quan đến cơ sở pháp lý nên việc cần làm là vẫn phải xác định rõ các di tích, danh giới tồn tại hiện hữu của các di tích… để giải quyết chuyện di dời của người dân. Đây cũng là cơ sở để áp dụng biến pháp hành chính sau này.
Ông Bằng cho hay, nhiều hộ dân thuộc diện tự nguyện chưa quá mặn mà với việc di dời. Bởi chính sách tái định cư là nhà ở thương mại phục vụ tái định cư. Trong khi trước đây, thành phố áp dụng chính sách tái định cư như nhà ở xã hội. Do đó, không khuyến khích được người dân tham gia.
Đề án di dân phố cổ đã được Hà Nội đặt ra chủ trương từ năm 1998, với mục tiêu giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 832 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha, mục tiêu thực hiện đến năm 2020. Theo đó, khu vực phố cổ quận Hoàn Kiếm phải di chuyển trên 6.500 hộ dân, với khoảng 27.000 người.
Tháng 1/2013, đề án giãn dân phố cổ chính thức được phê duyệt. Theo đó, đề án được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 trên khu đất có diện tích 11,12ha tại khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên) để nghiên cứu di dời khoảng 1.153 hộ dân bắt đầu từ quý IV/2013, hoàn thành vào quý IV/2016.
Giai đoạn 2, thành phố bố trí khoảng 30ha để di dời 5.020 hộ dân sau khi dự án giai đoạn 1 kết thúc. Việc thực hiện đề án giãn dân Phố cổ dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2020.
Tuy nhiên, sau nhiều năm "ngủ đông", giữa năm 2019, đề án giãn dân phố cổ được tái khởi động.
Ngày 22/3, UBND TP Hà Nội đã công bố đồ án quy hoạch phân khu đô thị (nội đô lịch sử) tại 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng để cải tạo, chỉnh trang đô thị nhằm tạo cho bộ mặt Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại. Cụ thể, có khoảng 215.000 người cùng hàng chục cơ quan sẽ được di dời khỏi khu nội đô lịch sử theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Bảo Loan

TPHCM chi gần 19.400 tỷ đồng mở tuyến đường rộng 60m nối Long An
Đời sống - 7 giờ trướcDài gần 15km, quy mô mặt cắt ngang 60m, vận tốc thiết kế 80km/h cho làn xe cơ giới và 60km/h cho làn xe hỗn hợp... là những thông số nổi bật của dự án xây dựng tuyến đường Võ Văn Kiệt nối dài từ quốc lộ 1 đến địa phận tỉnh Long An, dự kiến sẽ được TPHCM triển khai trong giai đoạn 2026 - 2030.

Hà Nội phê duyệt phương án hộ đê, bảo vệ điểm xung yếu trước mùa mưa bão
Đời sống - 8 giờ trướcQua kiểm tra, đánh giá cũng như thực tế xử lý sự cố đê điều trong các mùa lũ, Hà Nội xác định còn 5 trọng điểm xung yếu cấp thành phố trong công tác phòng chống lụt bão năm 2025.

'Đẳng cấp thời 4.0': Thêm một công cụ biến ảnh tĩnh thành video sinh động chỉ trong vài giây
Đời sống - 8 giờ trướcGĐXH - TikTok ra mắt AI Alive công cụ trí tuệ nhân tạo giúp người dùng biến ảnh tĩnh thành video có chuyển động và âm thanh. Không cần kỹ năng dựng phim, bạn vẫn có thể tạo nội dung Story sống động và thu hút.

MC Khánh Vy và những chia sẻ thú vị trong Ngày hội tuyển sinh khối các ngành Khoa học và Công nghệ
Giáo dục - 9 giờ trướcSáng 18/5, hàng ngàn học sinh của 30 trường đại học, học viện, học sinh và phụ huynh có mặt tại Ngày hội tuyển sinh khối các ngành Khoa học và Công nghệ đã vô cùng phấn khích trong phần giao lưu với MC Khánh Vy.

Hàng triệu người cần lưu ý điều này nếu không muốn bị phạt lên đến hàng tỷ đồng
Đời sống - 10 giờ trướcGĐXH - Một bản dự thảo đang thu hút sự chú ý khi đề xuất tăng gấp đôi hình phạt đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Nếu được thông qua, pháp nhân vi phạm có thể bị phạt tới 6 tỷ đồng - mức xử lý cao nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội tại Việt Nam.

Triệt phá đường dây sản xuất, mua bán khí cười quy mô lớn
Pháp luật - 10 giờ trướcCông an Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây liên tỉnh sản xuất, mua bán khí N2O để phục vụ làm bóng cười tại các quán bar, karaoke trên cả nước.

Sau lũ quét ở Bắc Kạn: Nỗi đau quặn thắt giữa núi rừng Ba Bể
Thời sự - 10 giờ trướcGĐXH - Người dân vùng lũ quét ở Ba Bể, Bắc Kạn kể lại: "Tôi chỉ kịp hô hào cả nhà chạy ra ngoài, đồ đạc, tài sản bị cuốn trôi, lấp toàn bộ. Chỉ một lúc sau, căn nhà đã bị đất đá vùi lấp, một thành viên trong gia đình do tuổi cao không thể chạy kịp".

Xử lý tài xế điều khiển xe tải chạy lấn đường gây nguy hiểm
Thời sự - 11 giờ trướcGĐXH - Người dân đã quay lại clip xe tải chạy lấn làn trên quốc lộ 7, đoạn qua địa bàn huyện Anh Sơn (Nghệ An) gửi cơ quan chức năng.

Giải cứu cô gái bị kẹt trong thang máy lúc rạng sáng
Đời sống - 11 giờ trướcCô gái 19 tuổi kẹt trong thang máy, hoảng hốt cầu cứu. Tổ cứu nạn cứu hộ đặc biệt tinh nhuệ đã tiếp cận hiện trường trấn an và giải cứu cô gái thành công…

Để xe 'trôi' tự do cán tử vong người đi xe máy, lái xe tải bị tạm giữ hình sự
Pháp luật - 11 giờ trướcGĐXH - Trong lúc dừng chờ đèn đỏ trên quốc lộ 20, đoạn qua TP. Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), người đàn ông điều khiển xe máy bị xe tải phía sau "trôi" tự do tông trúng, cuốn vào gầm, tử vong thương tâm.

Hoảng hồn cảnh xe container mất lái, gây tai nạn liên hoàn trên Quốc lộ 28
Đời sốngGĐXH - Chiếc xe container trong lúc di chuyển trên Quốc lộ 28, đoạn qua huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) đã bất ngờ mất lái, lao sang làn đường ngược chiều, tông trúng 1 xe máy và 1 ô tô con. Hậu quả, vụ tai nạn khiến người điều khiển xe máy và lái xe container tử vong tại chỗ.