Hà Nội
23°C / 22-25°C

Chương trình thiện nguyện của Báo Gia đình & Xã hội: Nghĩa tình nơi “rốn lũ” miền Trung

Thứ bảy, 08:39 07/11/2020 | Vòng tay nhân ái

GiadinhNet - Từ ngày 1 đến ngày 4/11/2020, đoàn từ thiện của Báo Gia đình & Xã hội và các nhà hảo tâm do Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số dẫn đầu đã có chuyến công tác về miền Trung, nơi bà con đang phải oằn mình giải quyết những hậu quả của mưa lũ. Có lẽ chưa khi nào, hai tiếng “đồng bào” lại thiêng liêng, chan chứa nghĩa tình đến thế…

Chương trình thiện nguyện của Báo Gia đình & Xã hội: Nghĩa tình nơi “rốn lũ” miền Trung - Ảnh 1.

Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Nguyễn Doãn Tú (đứng thứ 2, từ phải sang) và Tổng Biên tập Trần Tuấn Linh (bên phải) trao 20 triệu đồng chia sẻ với gia đình Trung tá - liệt sĩ Nguyễn Cao Cường (xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh).

Xót xa những cảnh đời mùa lũ

Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn, trong hành trình hướng về miền Trung là tại 4 xã thuộc 3 huyện của tỉnh Hà Tĩnh. Sáng ngày 2/11, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Nguyễn Doãn Tú cùng đoàn từ thiện đã đến gia đình liệt sỹ Nguyễn Cao Cường ở thôn Nam Sơn, xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân) thắp nén tâm hương, chia sẻ những đau thương, mất mát với người cha già và người vợ trẻ của liệt sỹ. Trung tá Nguyễn Cao Cường là một trong 22 cán bộ chiến sỹ Đoàn 337 đã hy sinh khi làm nhiệm vụ tại Quảng Trị. Bên di ảnh con, ông Nguyễn Khắc Dương nghẹn ngào không nói nên lời. Đứng gần đó, cô Nguyễn Thị Hoa, con dâu ông, nước mắt lã chã rơi. Nhận 20 triệu đồng từ tay Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú cùng những lời động viên, an ủi, ông Dương cảm ơn sự quan tâm của Báo Gia đình&Xã hội cùng các nhà hảo tâm dành cho gia đình mình, nói rằng sẽ nuôi dạy con cháu nên người, sống đẹp, sống tốt, xứng đáng với sự hy sinh của người con đã cống hiến cho Tổ quốc.

Trên đường đoàn từ thiện vào 3 xã tiếp theo gồm Thạch Thắng (huyện Thạch Hà), Cẩm Thành, Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), mưa bắt đầu rơi. Dọc đường vào Thạch Thắng, dấu vết của mưa lũ, ngập lụt vẫn còn hằn in trên những bức tường của các hộ dân. Dù bận rộn với những công việc sau mưa lũ, nhưng các đồng chí cán bộ ở UBND xã vẫn kịp tổ chức một buổi lễ trao quà ấm cúng, tình nghĩa. Phát biểu tại trước đông đảo bà con và chính quyền địa phương, Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú nói: "Trước những mất mát, đau thương mà người dân miền Trung đang phải gánh chịu, hoạt động thiện nguyện của Báo Gia đình&Xã hội cùng các nhà hảo tâm rất có ý nghĩa. Cả nước đang hướng về miền Trung, mong bà con sớm khắc phục tổn thất, ổn định cuộc sống sau bão lũ…".

Chương trình thiện nguyện của Báo Gia đình & Xã hội: Nghĩa tình nơi “rốn lũ” miền Trung - Ảnh 2.

Người dân vùng lũ xúc động khi nhận được sự quan tâm, chia sẻ của Tổng cục Dân số, Báo GĐ&XH và các nhà hảo tâm.

Ngay sau khi trao quà cho bà con và trạm y tế, trường học ở xã Thạch Thắng, đoàn tới 2 xã Cẩm Thành, Cẩm Duệ. Ở Cẩm Duệ, ngoài trục đường giao thông chính xe ô tô có thể vào được, các con ngõ nhỏ vẫn ngập nước, người dân phải di chuyển bằng thuyền. Nhận món quà từ đoàn từ thiện, ông Võ Thái Trọng (ở xã Cẩm Duệ) rưng rưng nói: "Cảm ơn đoàn nhé, cảm ơn nhé, bà con cảm ơn rất nhiều. Những ngày vừa qua khổ lắm…".

Những thửa ruộng biến thành biển nước

Chương trình thiện nguyện của Báo Gia đình & Xã hội: Nghĩa tình nơi “rốn lũ” miền Trung - Ảnh 3.

Phó Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc Đức (phải) và Phó Tổng Biên tập Nguyễn Chí Long trao 20 triệu đồng và quà cho đại diện Trường Mầm non xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình.

5 giờ sáng ngày 3/11, đoàn thiện nguyện Báo Gia đình&Xã hội hối hả lên đường vào Quảng Bình. Lần này điểm đến thuộc 2 xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa) và Mỹ Thủy (huyện Lệ Thủy). Từ lâu, Tân Hóa đã được ví như chiếc "túi đựng nước", là "rốn lũ" của huyện Minh Hóa, bởi xã này nằm trong lòng chảo, bao quanh là núi đá, hễ cứ mưa là bị ngập đầu tiên. Chính vì vậy, chính quyền và người dân nơi đây đã có sáng kiến xây dựng những căn "nhà phao", nước dâng đến đâu nhà sẽ nổi đến đó. Tuy nhiên, đối mặt với trận lũ lịch sử này, những chiếc nhà phao cũng trở nên chông chênh, vì có nơi nước dâng cao đến 6m. Điều đau lòng là khi nước lũ tràn về, ngập sâu, cháu Đ.M.T, 8 tuổi, ở thôn Cổ Liêm đã trượt chân từ nhà phao xuống nước tử vong. Gia đình cháu thuộc hộ cận nghèo, bố đi làm ăn xa, khi hay tin con thì tất cả đã muộn. Đứng bên ban thờ lập vội của đứa trẻ thơ ngây, giữa mùi khói hương, đoàn công tác Báo Gia đình&Xã hội ai cũng ngậm ngùi, xót xa. Trước hoàn cảnh của gia đình cháu bé, ngoài phần quà của đoàn thiện nguyện, Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú cũng tặng thêm gia đình cháu một phần quà với tư cách cá nhân.

Mưa vẫn không ngừng rơi, nhưng đoàn thiện nguyện, sau khi trao quà xong ở UBND xã Tân Hóa, Trạm Y tế và trường học xã Tân Hóa lại tiếp tục lên đường vào huyện Lệ Thủy – quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dọc hành trình chúng tôi đi qua, dấu tích của trận lũ kinh hoàng vẫn còn hằn in. Những căn nhà, bức tường đổ sập ngổn ngang, những chiếc bàn, chiếc tủ gãy chân nằm chỏng chơ, những thửa ruộng vẫn chìm sâu dưới biển nước mênh mông sóng vỗ. Ám ảnh hơn khi nhìn sang hai bên đường, rác sinh hoạt, túi nilon bị nước lũ đẩy lên, giờ nước rút nhưng vẫn treo toòng teng trên những ngọn cây. Chúng tôi không thể hình dung nổi, trong những ngày lũ vừa qua, bà con sống ở đâu?

Chương trình thiện nguyện của Báo Gia đình & Xã hội: Nghĩa tình nơi “rốn lũ” miền Trung - Ảnh 4.

Tổng Biên tập Trần Tuấn Linh (trái) trao quà cho người dân tại xã Cam Hiếu, Quảng Trị.

Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Tùng - Chủ tịch xã Mỹ Thủy cho hay, trong những ngày "đại hồng thủy" đó, bà con phải tá túc trên tầng 2 của Ủy ban xã hoặc được di tản tới một số điểm cao để tránh lũ. Có người hàng chục ngày mới được về nhà, vật dụng tan hoang, đổ nát.

Nhớ lại mấy ngày trước, bà Hoàng Thị Lé (72 tuổi, ở thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy) bảo, đến giờ vẫn thấy sợ. Bà kể, nhà bà có 4 người, hai con đi làm ăn xa, chỉ còn bốn bà cháu ở nhà. Lũ tràn quá nhanh, nên các con bà về không kịp. Lúc nước lên đến đầu người, nhờ sự trợ giúp của mọi người, bốn bà cháu mới thoát nạn, đồ đạc, tài sản chẳng còn gì. "Không có gì nấu ăn, chỉ ăn mì tôm sống. Nước uống cũng không đun được. Nhịn đói mấy ngày, may có đoàn đi qua cho được bốn suất cơm, mấy bà cháu mới đỡ đói. Khi nước cao mọi người chưa vào cứu trợ được, đói khổ lắm cô ơi. Cảm ơn các cô các bác nhiều lắm...", cầm trên tay món quà, bà Lé nói mà đôi mắt bà rưng rưng. Tâm sự của bà Lé cũng là của hàng trăm người dân đang có mặt tại UBND xã Mỹ Thủy.

Thiêng liêng hai chữ "đồng bào"

Chương trình thiện nguyện của Báo Gia đình & Xã hội: Nghĩa tình nơi “rốn lũ” miền Trung - Ảnh 5.

Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú và TBT Trần Tuấn Linh động viên chia sẻ với cô trò Trường mầm non Hoa Hồng (Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, Quảng Trị).

Ngày thứ ba của hành trình, đoàn Báo Gia đình&Xã hội cùng các nhà hảo tâm đến xã Cam Hiếu và Cam Thủy, thuộc huyện Cam Lộ - quê hương cách mạng, ở tỉnh Quảng Trị. Đây cũng là một trong những địa bàn ngập nặng nhất trong đợt thiên tai, bão lũ vừa qua. Tại UBND xã Cam Hiếu, ông Trần Tuấn Linh – Tổng Biên tập Báo Gia đình&Xã hội chia sẻ: "Đợt thiện nguyện hướng về miền Trung là một trong những hoạt động của Chương trình Vòng tay Nhân ái của Báo Gia đình&Xã hội. Thông qua chương trình này, chúng tôi mong muốn thông điệp yêu thương, sẻ chia được lan tỏa, mong muốn bà con miền Trung vơi đi những khó khăn, nhọc nhằn do thiên tai gây ra, sớm ổn định cuộc sống và sản xuất...".

Sau khi trao 100 suất quà cho các hộ dân, 50 triệu đồng cùng một số vật phẩm y tế cho Trạm Y tế xã, đoàn lên đường vào điểm Trường Mầm non Hoa Hồng của xã Cam Hiếu. Hơn 4km đường vào trường, những khúc gỗ, rễ cây từ thượng nguồn con sông Hiếu đổ về vẫn nằm ngổn ngang. Mưa lại rơi. Sân trường sũng nước. Thấy có khách đến, cô giáo Hiệu phó Hồ Thị Tuyết Nhung vội vàng ra đón. Thấu hiểu hoàn cảnh mùa bão lũ, Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú đề nghị cô đứng luôn tại hành lang nói chuyện cho tiện.

Cô Nhung cho biết, khi nước lũ tràn về, đồ đạc, tài liệu, sách vở, bàn học của các con… do ngâm trong nước đều hỏng hết. Bàn học các con đang ngồi là do những nhà hảo tâm vừa đưa tới. Nhận món quà 20 triệu đồng và một số vật phẩm thiết yếu từ tay Tổng cục trưởng trao tặng, bất giác đôi mắt cô Hiệu phó đỏ hoe, nghẹn ngào không nói thành lời. Sau lưng cô, các bé trong lớp ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Chương trình thiện nguyện của Báo Gia đình & Xã hội: Nghĩa tình nơi “rốn lũ” miền Trung - Ảnh 6.

Ông Lương Đức Quang (bên phải), ông Nguyễn Văn Ái (bên trái) đại diện cho Công ty Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam, trao quà cho người dân.

Mặc dù không ít thành viên trong đoàn thiện nguyện Báo Gia đình & Xã hội từng công tác nhiều năm ở miền Trung, từng biết tới nỗi vất vả của bà con nơi đây, nhưng lần này, khi chứng kiến những người như cô Nhung khóc, chúng tôi đều không thể cầm lòng. Hình ảnh những vệt nước trên tường cao ngút đầu, hình ảnh người dân đội nón lá, áo mưa đến nhận quà, hình ảnh những ngôi nhà, mái trường xác xơ, đầy bùn đất khiến trong lòng mỗi người dâng lên cảm xúc, thương cảm, sẻ chia. Hai chữ "đồng bào" chưa bao giờ thấm đến thế, thiêng liêng đến thế.

Rời Cam Hiếu, chúng tôi lên đường đến điểm cuối cùng của hành trình là xã Cam Thủy. Xã này có 1.470 hộ dân với 10 thôn. Trong đợt lũ vừa qua, 1.117 hộ dân ở 9 thôn đã bị ngập lụt, trong đó có hơn 900 hộ ngập sâu trên 1m. Người dân Cam Thủy chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên khi lũ về, tài sản của bà con như lương thực, gia súc gia cầm… đều gần như mất trắng.

Chương trình thiện nguyện của Báo Gia đình & Xã hội: Nghĩa tình nơi “rốn lũ” miền Trung - Ảnh 7.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Toàn Cầu - Lạc Hồng Viên trao gạo cho người dân.

Tuy nhiên, cũng như 6 xã khác trải dài từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Quảng Trị mà đoàn đã đến, bà con và chính quyền xã Cam Thủy đang nỗ lực khôi phục sản xuất, ổn định lại cuộc sống thường nhật. Dường như, trong cơn hoạn nạn, mọi đức tính tốt đẹp của người Việt lại trỗi dậy một cách mạnh mẽ. Đó là sự kiên trì, chịu khó, đó là tinh thần kiên cường, bất khuất chống lại thiên tai, đặc biệt đó là sự sẻ chia, cảm thông, ứng xử với nhau theo nghĩa "đồng bào", vốn tiềm ẩn trong mỗi con người Việt Nam.

Chương trình thiện nguyện của Báo Gia đình & Xã hội: Nghĩa tình nơi “rốn lũ” miền Trung - Ảnh 8.

Ông Trần Trung Thành, Giám đốc chi nhánh Nghệ An - Công ty Dược Hà Tây trao quà cho bà con xã Thạch Thắng (Hà Tĩnh).

Chúc cho người dân miền Trung và những vùng đang phải gánh chịu thiên tai, bão lũ sớm vượt qua thời khắc gian khó này.

Báo Gia đình & Xã hội xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các nhà hảo tâm đã đóng góp tiền bạc, hàng hóa, phương tiện, cảm ơn những độc giả gần xa đã đồng cảm, sẻ chia, hỗ trợ cho chuyến thiện nguyện này. Hy vọng rằng trong những hoạt động sắp tới, các nhà hảo tâm sẽ tiếp tục đồng hành cùng Báo Gia đình & Xã hội để lan tỏa tình yêu thương đến mọi miền đất nước.

Danh sách các đơn vị, cá nhân ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung

A. Ủng hộ bằng tiền mặt

1. Báo Gia đình & Xã hội và cá nhân các cán bộ, phóng viên ủng hộ hơn 130 triệu đồng.

2. Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam: 500.000.000 VNĐ.

3. Ứng dụng tổng hợp tin tức VN Ngày nay: 60.000.000 VNĐ.

4. Một bạn đọc đề nghị không nêu tên: 50.000.000 VNĐ.

5. Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Linh: 30.000.000 VNĐ.

6. Ông Trần Quốc Công (Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Lâm Vượng) và những người bạn ủng hộ: 20.000.000 VNĐ.

7. Công ty NSJ Group: 20.000.000 VNĐ.

8. Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng (Tổng Cục DS-KHHGĐ): 5.000.000 VNĐ; Vụ Quy mô Dân số: 1.000.000 VNĐ

9. Ngoài ra còn nhiều cá nhân khác ủng hộ, chúng tôi đã cập nhật trong bài "Báo Gia đình & Xã hội kêu gọi ủng hộ đồng bào bị bão lũ miền Trung", đăng tải trên Giadinh.net.vn ngày 19/10/2020.

B. Ủng hộ bằng hàng hóa

1. Công ty Toàn Cầu - Lạc Hồng Viên ủng hộ 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh: 14 tấn gạo (trị giá 224.000.000 VNĐ).

2. Công ty CP Sao Thái Dương ủng hộ 1000 sản phẩm thực phẩm chức năng và dầu gội đầu trị giá 150.000.000 VNĐ.

3. Công ty Dược phẩm Hà Tây ủng hộ một số loại thuốc, trị giá hơn 100.000.000 VNĐ.

4. Công ty TNHH Ích Nhân ủng hộ chăn màn, dầu gió, trị giá: 34.000.000 VNĐ.

5. Tập đoàn DABACO - Công ty TNHH Đầu tư và phát triển chăn nuôi gia công: 5000 quả trứng ăn liền.

6. Công ty CP Dược phẩm Việt Đức: 12.000 lọ thuốc nhỏ mắt.

7. Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) tài trợ 01 xe chuyên chở người và hàng hóa cho đoàn trong suốt hành trình từ thiện tại 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị.

8. Do gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển nên số hàng của Tập đoàn Tân Hiệp Phát và Tập đoàn TH (trị giá khoảng 200 triệu đồng) cùng các khoản tiền và hàng hóa khác sẽ được Báo Gia đình & Xã hội chuyển đến bà con trong thời gian tới.

Hàng hóa và tiền trị giá gần 2 tỷ đồng sẻ chia với bà con miền Trung

Sau một thời gian ngắn phát động, Báo Gia đình & Xã hội đã nhận được hơn 800 triệu đồng tiền mặt và hàng hóa (trị giá gần 1 tỷ đồng). Đoàn từ thiện Báo Gia đình & Xã hội đã trao tiền và quà tới bà con tại 3 tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị. Cụ thể:

Tại Hà Tĩnh:

- Xã Thạch Thắng (Thạch Hà) và xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên): Tại mỗi xã trao 100 suất quà cho 100 hộ dân gồm 500.000 đồng tiền mặt; 20 kg gạo cùng chăn màn, dầu gội, thuốc; trao 50 triệu đồng và thuốc (trị giá khoảng 20 triệu đồng) cho mỗi trạm y tế (02 trạm); trao 20 triệu đồng và quà cho mỗi trường học (02 trường);

- Xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên): Trao 100 suất quà tới 100 hộ dân gồm 500.000 tiền mặt, 20 kg gạo cùng các vật phẩm thiết yếu như chăn màn, dầu gội, thuốc…

Tại Quảng Bình, Quảng Trị:

- Trao quà tại 04 xã gồm: Xã Mỹ Thủy và Tân Hóa (thuộc các huyện Lệ Thủy, Minh Hóa của tỉnh Quảng Bình); xã Cam Hiếu và Cam Thủy (thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị). Tại mỗi xã đoàn đã trao 100 suất quà cho 100 hộ dân gồm 500.000 đồng tiền mặt, 20 kg gạo cùng các vật phẩm thiết yếu như chăn màn, dầu gội, thuốc…(tổng số 400 suất quà); trao 50 triệu đồng và thuốc (trị giá khoảng 20 triệu đồng) cho mỗi trạm y tế (04 trạm); trao 20 triệu đồng và quà cho mỗi trường học (04 trường).

* Ngoài ra, đoàn còn trao gạo đến một số viên chức các xã có hoàn cảnh khó khăn thuộc 3 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị.

 Phương Thuận

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Hình ảnh mới của cặp song sinh mắc bệnh ly thượng bì bóng nước

Hình ảnh mới của cặp song sinh mắc bệnh ly thượng bì bóng nước

Vòng tay nhân ái - 15 giờ trước

GĐXH – Không còn những vết phỏng trên toàn thân, cặp song sinh mắc bệnh ly thượng bì bóng nước đã có những thay đổi đáng mừng.

MS 968: Nỗi niềm trước ngày 20/11 của thầy giáo bị suy thận, chỉ sợ không còn được đứng trên bục giảng

MS 968: Nỗi niềm trước ngày 20/11 của thầy giáo bị suy thận, chỉ sợ không còn được đứng trên bục giảng

Vòng tay nhân ái - 2 ngày trước

GĐXH – Mắc phải căn bệnh suy thận, hiện sức khỏe thầy giáo Trần Đinh Quyến ngày một suy kiệt. Bao năm cống hiến với nghề gieo chữ, trước ngày 20/11, thầy lo sợ một ngày không còn được đứng trên bục giảng.

Tình cảm của bạn đọc Báo Sức khỏe và Đời sống đến với 2 trường hợp ở Nam Định

Tình cảm của bạn đọc Báo Sức khỏe và Đời sống đến với 2 trường hợp ở Nam Định

Vòng tay nhân ái - 5 ngày trước

GĐXH – Báo Sức khỏe và Đời sống đã kết chuyển những tình cảm mà bạn đọc của Báo gửi gắm tới hai trường hợp ở Nam Định. Đó là trường hợp hai bà sống trong cảnh ‘không chồng, không con, không trợ cấp’ và nam sinh mồ côi bị tai nạn.

MS 967: Thảm cảnh của 3 mẹ con cùng điều trị bỏng sau vụ hỏa hoạn, kinh tế cạn kiệt cần cộng đồng giúp đỡ

MS 967: Thảm cảnh của 3 mẹ con cùng điều trị bỏng sau vụ hỏa hoạn, kinh tế cạn kiệt cần cộng đồng giúp đỡ

Cảnh ngộ - 6 ngày trước

GĐXH – Ngọn lửa bùng cháy đã thiêu rụi toàn bộ gia sản của gia đình anh Lợi. Éo le hơn, người con gái lớn đã mất, còn vợ cùng hai người con khác của anh đang phải điều trị với tình trạng bỏng nặng. Chi phí điều trị quá lớn khiến gia đình anh Lợi rơi vào cảnh khánh kiệt, đang rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng.

MS 966: Xin cứu giúp cháu bé 7 tuổi dân tộc Tày bị ung thư để có cơ hội được đến trường

MS 966: Xin cứu giúp cháu bé 7 tuổi dân tộc Tày bị ung thư để có cơ hội được đến trường

Cảnh ngộ - 1 tuần trước

GĐXH – Bé Hoàng Hải Đăng, 7 tuổi, ở Na Hang, Tuyên Quang đang từng ngày phải giành giật sự sống với căn bệnh ung thư mới phát hiện. Hiện cháu đang rất cần sự chung tay giúp đỡ của bạn đọc để có cơ hội được đến trường cùng các bạn trang lứa.

Tấm lòng bạn đọc Báo Sức khỏe và Đời sống đến với hoàn cảnh khó khăn

Tấm lòng bạn đọc Báo Sức khỏe và Đời sống đến với hoàn cảnh khó khăn

Kết chuyển - 1 tuần trước

GĐXH - Đại diện Báo Sức khỏe và Đời sống vừa trao số tiền 4.525.000 đồng đến hoàn cảnh gia đình chị Đỗ Thị Thủy (ở xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế).

MS 965: Xót xa hoàn cảnh người phụ nữ không chồng, không con, mong có tiền để chạy chữa bệnh tật

MS 965: Xót xa hoàn cảnh người phụ nữ không chồng, không con, mong có tiền để chạy chữa bệnh tật

Vòng tay nhân ái - 1 tuần trước

GĐXH – Không chồng, không con, bà Tốt hiện đang phải đối mặt với những khó khăn lớn về sức khỏe nhưng lại thiếu đi sự hỗ trợ về tài chính và tình cảm từ gia đình. Một mình chống chọi với bệnh tật, bà đang rất cần sự chung tay của bạn đọc gần xa.

MS 964: Xót thương hoàn cảnh người phụ nữ 70 tuổi tật nguyền nuôi con mắc bệnh não úng thủy nằm liệt một chỗ

MS 964: Xót thương hoàn cảnh người phụ nữ 70 tuổi tật nguyền nuôi con mắc bệnh não úng thủy nằm liệt một chỗ

Cảnh ngộ - 2 tuần trước

GĐXH - Dù đã bước sang tuổi lục tuần nhưng hằng ngày, người phụ nữ tật nguyền vẫn phải chăm sóc đứa con mắc bệnh não úng thủy nằm liệt giường nhiều năm nay. Đó là hoàn cảnh của bà Trần Thị Hồng 70 tuổi, trú thôn Lam Long, xã Xuân Hải, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Gần 72 triệu đồng đến với gia đình nữ sinh có mẹ qua đời, bố chấn thương nặng sau tai nạn giao thông

Gần 72 triệu đồng đến với gia đình nữ sinh có mẹ qua đời, bố chấn thương nặng sau tai nạn giao thông

Kết chuyển - 2 tuần trước

GĐXH – Ông Nguyễn Chí Long – Phó Tổng biên tập Báo Sức khỏe và Đời sống, đại diện Chương trình Vòng tay nhân ái đã trao số tiền 71.865.000 đồng đến với em Vũ Linh Chi – nhân vật trong MS 947 có bố bị chấn thương nặng, mẹ qua đời sau tai nạn giao thông.

MS 963: Xót xa hoàn cảnh cô gái trẻ bị suy thận, phải thay khớp háng nhiều lần cần sự giúp đỡ

MS 963: Xót xa hoàn cảnh cô gái trẻ bị suy thận, phải thay khớp háng nhiều lần cần sự giúp đỡ

Cảnh ngộ - 2 tuần trước

GĐXH – Căn bệnh suy thận cùng di chứng sau vụ tai nạn khiến sức khỏe của Trang suy kiệt. Éo le hơn khi hoàn cảnh gia đình em vô cùng khó khăn. Những gì có giá trị trong nhà, bố mẹ em đã cầm cố, bán đi nhưng vẫn không đủ tiền điều trị cho em.

Top