Chuyện về người duy nhất sống sót sau tai nạn máy bay tại Việt Nam
Người phụ nữ Hà Lan - bà Annette Herfkens là người duy nhất sống sót trong vụ tai nạn máy bay xảy ra hồi năm 1992 tại núi Ô Kha, xã Sơn Trung, Khánh Sơn, Khánh Hòa, Việt Nam.
Bà Annette Herfkens (hiện 62 tuổi) là tác giả của cuốn hồi ký Turbulence: A True Story of Survival (tên sách dịch sang tiếng Việt: 192 giờ - Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh).
Ngày 14/11/1992, ở tuổi 31, bà Annette và chồng sắp cưới - Willem Van Der Pas rời TPHCM để tới Nha Trang trên chuyến bay mang số hiệu VN 474. Tổng cộng có 31 người có mặt trên chuyến bay định mệnh ấy, bao gồm 25 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn. Bi kịch xảy ra khi máy bay đâm vào đỉnh núi Ô Kha.
Không một ai trên chuyến bay sống sót, ngoại trừ bà Annette. Bà trải qua 8 ngày đêm với tổng cộng 192 giờ chiến đấu với nỗi đau đớn và những cảnh tượng hãi hùng hiện ra xung quanh. May mắn, bà đã được tìm thấy, được giải cứu đúng lúc và hồi sinh một cách thần kỳ.
Ký ức kinh hoàng về vụ tai nạn máy bay từng khiến bà Annette viết nên cuốn tự truyện kể về những giờ phút định mệnh trong cuộc đời mình. Cuốn tự truyện là thông điệp về sức mạnh vượt lên nghịch cảnh, vượt qua nỗi sợ hãi, tin vào điều tốt đẹp và niềm khao khát sống.
Mới đây, bà Annette Herfkens thực hiện một cuộc phỏng vấn sâu với tờ tin tức The Guardian (Anh) để chia sẻ lại về trải nghiệm 8 ngày vật lộn một mình trong rừng sau vụ tai nạn máy bay.
Đã 3 thập kỷ trôi qua sau biến cố cướp đi sinh mạng của 30 con người có mặt trên chuyến bay, bao gồm cả vị hôn phu của bà Annette, giờ đây, bà nhìn nhận lại mọi việc bằng sự bình thản. Bà Annette Herfkens tin rằng biến cố năm xưa đã vĩnh viễn làm thay đổi con người mình.
Sau 30 năm, nghe lại ký ức của người duy nhất sống sót
Ở thời điểm xảy ra biến cố, Annette đã gắn bó với hôn phu của mình được 13 năm. Sau 6 tháng làm việc ở những quốc gia khác nhau, họ coi quãng thời gian lưu lại Việt Nam là một kỳ nghỉ lãng mạn. Hôn phu của bà Annette là một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, còn bà khi ấy đang là một thương gia.
Annette vốn mắc hội chứng sợ không gian hẹp nên ban đầu bà không muốn có mặt trên chiếc máy bay cỡ nhỏ, nhưng vị hôn phu đã cố gắng thuyết phục bà rằng chuyến bay sẽ diễn ra rất nhanh thôi.
Trong giây phút hoang mang khi máy bay chao đảo, vị hôn phu đã quay sang nhìn Annette đầy lo lắng và nói: "Anh không thích điều này chút nào". Khi chiếc máy bay tiếp tục thay đổi độ cao, vị hôn phu nắm chặt tay bà, sau đó, ký ức của bà tạm ngừng, tất cả chìm vào một màu đen.
Khi bà Annette tỉnh lại, bà hiểu rằng chiếc máy bay đã gặp nạn và một bi kịch đã xảy ra với những người cùng bà có mặt trên chuyến bay ấy. Tất cả họ hoặc đã qua đời hoặc đang trong cơn nguy kịch, hấp hối sau tai nạn kinh hoàng. Annette tìm tới bên hôn phu, người chồng tương lai của bà đã ra đi.
"Đó chính là khoảnh khắc của sự lựa chọn sinh tồn, tôi đã lựa chọn để được sống tiếp trên đời này", Annette tâm sự. Những ký ức về thời điểm tỉnh dậy sau biến cố không lưu lại một cách đầy đủ và liền mạch trong trí nhớ của Annette. Những ký ức ấy chỉ còn tồn tại ở dạng những khoảnh khắc rời rạc.
Annette tin rằng chính bộ não của mình đã chủ động lựa chọn "biên tập" lại những ký ức kinh hoàng ấy, để bà có thể tiếp tục sống một cách dễ dàng hơn, bớt đi những ám ảnh. Annette thừa nhận rằng trong những năm tháng về sau này, bà đã phải nỗ lực rất nhiều để có thể quên đi những ký ức kinh hoàng, chẳng hạn như thứ mùi gây ám ảnh tại hiện trường nơi xảy ra tai nạn.
Annette tin rằng chính bộ não của bà đã phát động một cơ chế tự bảo vệ, giúp bà quên đi nhiều ký ức đáng sợ: "Chắc chắn tôi đã phải đau đớn rất nhiều trong biến cố ấy. Trước hết, đó là nỗi đau tinh thần khi thấy hôn phu của mình đã chết.
Sau đó, tôi chắc chắn đã phải trải qua nỗi đau thể xác khủng khiếp, bởi tôi có tới 12 vị trí xương bị gãy ở vùng hông và đầu gối, xương hàm bị trật, một bên phổi bị chấn thương nặng. Bằng một cách nào đó, tôi đã thoát ra khỏi thân máy bay rồi tìm cách rời khỏi hiện trường kinh hoàng ấy trong những ngày sau tai nạn".
Ký ức của Annette về những ngày một mình vật lộn trong rừng, trước hết, đó là ký ức về những tiếng khóc than, rên rỉ của những con người đang trong cơn hấp hối. Khi những âm thanh ấy dần lụi tắt, Annette nhìn xung quanh thấy toàn lá cây. Những lá vàng, lá xanh, những chiếc lá ướt sương, những tia nắng xuyên qua kẽ lá...
Những ngày sau đó, bà Annette dần đặt sự tập trung của mình vào những chiếc lá, bà để ý tới màu sắc, dáng hình, chuyển động của lá... Bà cố gắng để không nhìn tới cảnh tượng hãi hùng xung quanh mình.
Câu chuyện của người duy nhất sống sót sẽ được chuyển thể thành phim
Hiện tại, Annette đang cùng hợp tác với một ê-kíp làm phim đến từ Hollywood để đưa câu chuyện của mình lên màn ảnh, dù vậy, chưa rõ đây sẽ là một phim điện ảnh hay một phim truyền hình.
Đối với bà Annette, ký ức về khoảnh rừng nơi chiếc máy bay rơi xuống vẫn đọng lại trong bà như một quang cảnh... đẹp bình yên. Đó hẳn là điều rất khó tin đối với nhiều người.
Nhưng bà Annette khẳng định bà không hề cảm thấy sợ hãi trước quang cảnh khu rừng. Ngược lại, trong những năm tháng về sau này, bà vẫn tìm lại ký ức về khu rừng để tìm thấy sự bình an trong tâm hồn. Suốt 3 thập kỷ qua, ký ức về khu rừng trở thành một nơi chốn yên bình trong tâm khảm của bà Annette.
Annette vẫn tìm về khoảnh rừng ấy trong tâm thức mỗi khi bà ở vào trạng thái căng thẳng hay đang đi qua một giai đoạn khó khăn trong cuộc sống. Thực tế, khi trải nghiệm trạng thái bình an cân bằng tuyệt diệu lúc ngồi thiền, bà cũng thường thấy mình trở về với bối cảnh khu rừng năm xưa tại Việt Nam.
Nhưng làm thế nào mà một nơi gắn liền với sự vụn vỡ và bi kịch, nơi mà vị hôn phu của Annette qua đời và cuộc sống lứa đôi mà họ hướng đến vĩnh viễn khép lại, lại có thể trở thành một nơi chốn yên bình trong tâm khảm của bà?
Đối với Annette, mọi sự thay đổi bắt đầu từ thời điểm vài tiếng sau khi bà tỉnh dậy, dần lấy lại ý thức rõ ràng. Lúc ấy, Annette bị thương, khát nước, mong chờ được lực lượng cứu hộ tìm thấy, và bà bắt đầu nhìn lại tổng quát cuộc đời và sự nghiệp của mình tính tới thời điểm bấy giờ...
Những vấn đề từ tuổi ấu thơ đã giúp Annette sống sót
Trước khi vụ tai nạn xảy ra, bà Annette đang hoạt động trong thị trường trái phiếu và có một sự nghiệp triển vọng ở Madrid (Tây Ban Nha). Bà luôn là người phụ nữ nổi bật trong công việc, nhận được nhiều sự ngưỡng mộ. Chính bà cũng cảm thấy sững sờ trước biến động số phận xảy tới với mình. Dù vậy, không có lúc nào sau khi vụ tai nạn xảy ra, Annette nghĩ rằng mình sẽ chết.
"Tôi sống với từng khoảnh khắc của hiện tại trong thời điểm ấy. Tôi luôn tin rằng người ta rồi sẽ tìm thấy mình. Tôi không lo sợ với những ý nghĩ kiểu: Liệu có hổ tìm tới không? Liệu mình có chết không?".
Annette tin rằng mình đã thực sự sống với từng khoảnh khắc trong thời điểm ngặt nghèo ấy. Vì vậy, bà bỗng cảm nhận thấy sự trọn vẹn, đủ đầy trong sự tồn tại của sinh mệnh.
Khi những con người cuối cùng còn trong cơn hấp hối cũng ra đi, chỉ còn lại mình Annette trong sự tĩnh lặng của khu rừng: "Tôi chưa bao giờ cảm thấy đơn độc tới như vậy, tôi có thấy hoảng sợ".
Vì phổi bị chấn thương nên Annette luôn cảm thấy khó thở và phải chủ động tìm cách duy trì nhịp thở: "Chính khi tập trung vào nhịp thở, tôi trở lại với từng khoảnh khắc của thực tại, tôi thực sự tập trung vào thực tại để đi qua từng thời khắc".
Hiện tại, bà Annette còn là một diễn giả truyền cảm hứng. Chính bà cũng thường tự hỏi: Điều gì đã giúp mình có thể sống sót trải qua biến cố? Tại sao mình là người duy nhất sống sót trong biến cố? Liệu nội lực có phải là yếu tố giúp mình vượt qua sự việc? Qua năm tháng, Annette đã luôn cố gắng tìm kiếm những cách lý giải.
"Trong gia đình, tôi là con út, tôi lớn lên và nhận được nhiều tình yêu thương của người thân, nhưng bản thân tôi cũng thường phải ở một mình vì mọi người đều có việc riêng với những mối quan tâm riêng. Thực tế là tôi đã tự mình phát triển nhiều kỹ năng của bản thân, cha mẹ cũng không có nhiều thời gian để quan tâm tới tôi khi tôi còn là một đứa trẻ", bà Annette chia sẻ.
Annette tin rằng bà từng bị thiếu khả năng tập trung khi còn nhỏ, lớn lên bà có phần đãng trí, hay quên, nhưng cũng vì thế mà bà trở nên táo bạo, sáng tạo. Annette tin rằng chính những yếu tố tâm lý này đã giúp bà có thể sống sót sau vụ tai nạn.
Vài năm sau biến cố, Annette quyết định kết hôn với một đồng nghiệp, họ chuyển tới sống ở New York, Mỹ. Cuộc hôn nhân này đưa lại cho bà hai người con.
Một số bạn bè từng tặng cho Annette những cuốn sách viết về đề tài sinh tồn. Khi đọc những sách này, Annette nhận ra rằng khi ở trong rừng 8 ngày sau tai nạn, bà đã có những hành động chính xác tương tự như những gì được đề cập trong các cuốn sách dạy về cách sinh tồn.
Vụ tai nạn máy bay giúp Annette đương đầu với những vấn đề của cuộc đời
Trong quá trình chuẩn bị thực hiện bộ phim kể về trải nghiệm của mình, Annette hợp tác với một ê-kíp tới từ Hollywood. Ê-kíp này nhấn mạnh rằng, nội dung bộ phim sẽ xoay quanh Annette một cách kỹ lưỡng và sẽ chỉ nói về bà thôi, nhưng Annette khẳng định rằng nếu chỉ nghĩ về bản thân mình thôi, bà hẳn đã không thể sống sót sau vụ tai nạn.
"Ê-kíp tới từ Hollywood nhấn mạnh rằng bộ phim này sẽ chỉ nói về tôi. Nhưng cách làm đó sẽ đi ngược lại thực tế những gì đã diễn ra. Tôi tin rằng tôi sống sót là bởi tôi đã vượt lên bản ngã của mình. Tôi không chỉ nghĩ tới riêng mình. Theo một cách nào đó, tôi đã kết nối với số phận của những người khác nữa.
Tôi không nghĩ riêng về bản thân mình trong bi kịch ấy, chính bằng cách nghĩ ấy mà tư duy tôi trở nên sáng suốt và bản năng sống của tôi trỗi dậy mạnh mẽ, bởi tôi không còn thấy mình là con người nhỏ nhoi, đơn độc", bà Annette tâm sự.
Con trai của bà Annette bị chẩn đoán mắc chứng tự kỷ từ năm lên 2 tuổi. Sau này, Annette đã áp dụng những điều bà học được trong 8 ngày sống trong rừng sau vụ tai nạn, để áp dụng vào cuộc sống bên con trai. Ban đầu, Annette cũng rất đau khổ bởi bà biết rằng mình sẽ rất khó có thể tạo dựng sự kết nối bình thường với con trai mình.
"Con trai tôi không có gì khác biệt cho tới khi con được 18 tháng tuổi, khi nhận được chẩn đoán, tôi cảm thấy đau khổ. Trước đó, con tôi có học nói và tôi từng cảm thấy con là một đứa trẻ ấm áp, ngọt ngào. Nhưng rồi con dần... biến mất, từng chút từng chút một.
Con không tích cực học nói nữa, con như dần trôi xa ra khỏi vòng tay tôi, trở thành một đứa trẻ hoàn toàn khác. Tôi vừa đau khổ vì những điều tốt đẹp mà mình từng chờ đợi sẽ không bao giờ đến nữa. Đồng thời, tôi cũng phải rất tập trung vào những gì đang thực sự diễn ra ở nơi con. Trải nghiệm nuôi dạy con trai cũng giống như khi tôi tìm cách sinh tồn trong khu rừng", bà Annette chia sẻ.
Di chứng tâm lý sau vụ tai nạn máy bay, cách thức để vượt qua mất mát
Khi xảy ra vụ tai nạn máy bay, bà Annette đang ở tuổi 31. Trải qua biến cố, bà Annette hồi phục sức khỏe nhanh chóng, bà muốn sớm quay trở lại với công việc. Sau 3 tháng tĩnh dưỡng, bà quay lại với công việc ở Madrid, nhưng "di chứng" sau vụ tai nạn còn mãi đi theo Annette cho tới tận hôm nay.
Annette luôn cần phải mang theo nước uống bên mình trong mọi hoàn cảnh, bà uống nước đều đặn suốt cả ngày. Bà luôn cảm thấy vị của nước uống mới là vị tuyệt diệu nhất trên đời này, không gì sánh được.
Khi phải di chuyển bằng máy bay, bà luôn cố gắng đặt ghế ở hàng đầu tiên bởi bà sợ phải nhìn thấy lưng ghế của người khác trước mặt mình. Hình ảnh lưng ghế gợi bà nhớ về sức nặng của thi thể người hành khách ngồi hàng trên từng đè lên bà, đó là ký ức ám ảnh bà ngay sau khi Annette tỉnh dậy sau vụ tai nạn máy bay.
Annette có chuyên môn trong lĩnh vực phát triển thị trường, bà có những hiểu biết trong việc cắt lỗ khi kinh doanh. Điều này đã giúp bà biết cách chấp nhận những mất mát, những điều không may xảy tới với mình trong cuộc sống. Khi bà trải qua tai nạn máy bay, mất đi vị hôn phu, trải qua 3 lần sảy thai, chấp nhận con trai mắc chứng tự kỷ, rồi ly hôn chồng..., Annette đều sử dụng tư duy "cắt lỗ".
"Lời khuyên của tôi là hãy thực sự cảm nhận thấu đáo sự mất mát, cảm nhận nó một cách rõ ràng nhất để rồi chấp nhận được nó. Bạn sẽ học được rất nhiều từ việc chấp nhận mất mát. Sẽ rất đau đớn, nhưng bạn sẽ chấp nhận được mất mát sau khi cảm nhận nó thật rõ ràng, trải qua nó, rồi vượt qua nó", bà Annette tâm sự.
Theo Annette, trong kinh doanh, có những người lựa chọn tiếp tục nỗ lực với hạng mục mà mình theo đuổi, ngay cả khi mức lỗ vẫn đang tăng lên: "Để có thể chấp nhận được việc mình bị lỗ trong kinh doanh và dừng hạng mục đó lại cũng đòi hỏi sự dũng cảm. Sẽ rất đơn giản nếu như bạn cố tỏ ra rằng mức lỗ ấy chưa là gì, đó chính là bản năng của con người.
Với những mất mát trong cuộc sống cũng vậy. Nhiều khi người ta không chấp nhận được mất mát và không chịu thực sự đối diện, vì họ không muốn phải trải qua nỗi đau đi kèm với mất mát đó. Nhưng bạn cần phải ý thức được rõ ràng về nỗi đau đi kèm với sự mất mát, rồi bạn mới có thể vượt qua được".
Hiện tại, bà Annette đang tập trung viết kịch bản chuẩn bị cho bộ phim sẽ được thực hiện trong tương lai. Bên cạnh đó, bà cũng thực hiện các bài thuyết trình truyền cảm hứng và chăm sóc cho cậu con trai mắc chứng tự kỷ. Bà vẫn nhớ tới vị hôn phu năm xưa của mình và có một sự kết nối thường xuyên trong tâm thức. Người chồng cũ của bà cũng đã qua đời, bà vẫn thường tưởng nhớ về ông.
Về vị hôn phu đã ra đi trong vụ tai nạn máy bay, hàng năm, bà vẫn tưởng nhớ về ông trong ngày ông qua đời và trong 8 ngày sau đó, bà nhớ về nỗ lực sinh tồn của mình. Sau 8 ngày này, bà sẽ đi mua cho bản thân một món quà: "Tôi là người biết cách đối xử tốt với chính mình, tôi rất giỏi trong việc tự đối tốt với bản thân, đó là một bí quyết để sống tốt".
02/05/2023
Người dân chen chân đội nắng xếp hàng trải nghiệm tham quan Hà Nội miễn phí bằng xe buýt 2 tầng
Quảng Nam: Đồi núi sạt lở làm sập một ngôi trường mới xây
Thời sự - 1 giờ trướcMột điểm trường mới khánh thành, đưa vào sử dụng cách đây hơn 2 tháng, tuy nhiên những ngày qua mưa lớn đã khiến đồi núi sạt lở, làm sập ngôi trường.
Nội dung bức thư của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gửi 1 học sinh Đắk Nông
Giáo dục - 3 giờ trướcBộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã viết thư động viên, khích lệ một nữ sinh tại tỉnh Đắk Nông.
Nước lũ dâng cao khiến nhiều nơi bị ngập sâu, Quảng Ngãi ra công điện khẩn
Thời sự - 3 giờ trướcChủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành công điện khẩn về việc ứng phó, khắc phục thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn.
Lời khai của đối tượng cầm đầu đường dây mua bán pháo 'khủng'
Pháp luật - 3 giờ trướcGĐXH - Hoàng Khắc Phi khai nhận đã móc nối với một số đối tượng rồi liên hệ mua pháo từ Campuchia vận chuyển về tập kết tại kho ở Gia Lai để đóng gói mang đi tiêu thụ.
Người đàn ông tử vong thương tâm do xuồng bị lật
Đời sống - 3 giờ trướcGĐXH - Khi đi qua khu vực nước sâu, chiếc xuồng bất ngờ bị lật khiến người đàn ông ở Thừa Thiên Huế tử vong thương tâm.
Tin tối 24/11: Miền Bắc sắp đón đợt rét đậm đầu tiên trong năm; 6 quyền của cảnh sát giao thông từ 1/1/2025
Thời sự - 5 giờ trướcGĐXH – Từ mai (25/11) không khí lạnh ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ, nền nhiệt giảm sâu, có nơi dưới 10 độ; Thông tư 69/2024/TT-BCA nêu cụ thể 6 quyền đối với Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông từ ngày 1/1/2025.
Mua bán số lượng ma túy lớn, 3 gã đàn ông nhận án tử hình
Pháp luật - 5 giờ trướcGĐXH - Trong vụ án này, Thào Lao Lúa là người chủ mưu, Lý Văn Niệm là người thực hành trực tiếp thực hiện tội phạm và Hà Văn Hành giữ vai trò là người giúp sức. Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử tuyên phạt 3 bị cáo nói trên mức án tử hình.
Thủ khoa “hiếm” chia sẻ bí quyết học đại học
Giáo dục - 7 giờ trướcHuỳnh Thị Mỹ Anh là trường hợp hiếm hoi vì trong 10 năm qua, Trường ĐH Quốc tế chỉ có 2 thủ khoa duy trì được học bổng toàn phần trong suốt khoá học.
Chiêu trò chuyển tiền mua hàng nhầm để chiếm đoạt
Pháp luật - 7 giờ trướcGĐXH - Các đối tượng lợi dụng việc đổi tiền, mua hàng rồi chuyển khoản để chiếm đoạt tài sản của người dân. Đây là thủ đoạn không mới nhưng vẫn có nhiều người dân mắc bẫy của chúng.
Tạm giữ nhóm thanh thiếu niên tổ chức sử dụng trái phép ma tuý
Pháp luật - 7 giờ trướcGĐXH - Phát hiện nhóm đối tượng nghi vấn tổ chức sử dụng trái phép ma túy, Công an huyện Đakrông (Quảng Trị) triển khai tổ công tác đấu tranh, bắt giữ ngay trong đêm.
Chiêu trò chuyển tiền mua hàng nhầm để chiếm đoạt
Pháp luậtGĐXH - Các đối tượng lợi dụng việc đổi tiền, mua hàng rồi chuyển khoản để chiếm đoạt tài sản của người dân. Đây là thủ đoạn không mới nhưng vẫn có nhiều người dân mắc bẫy của chúng.