Hà Nội
23°C / 22-25°C

“Cô gái Thạch Nhọn” và cuộc gặp kỳ lạ ở Trường Sơn: 30 phút và 39 năm

Thứ bảy, 08:35 24/11/2007 | Giải trí

Giadinh.net - Nhà thơ Phạm Tiến Duật và cô thanh niên xung phong "Thạch Kim lừa là Thạch Nhọn" 39 năm chỉ có hai lần gặp gỡ. Chỉ có 2 lần nhưng sẽ là “hai đứa ở hai đầu xa thẳm”...

>> Chùm ảnh: “Cô gái Thạch Nhọn” gặp lại nhà thơ Phạm Tiến Duật trên giường bệnh
>> Video “Cô gái Thạch Nhọn” đến thăm nhà thơ Phạm Tiến Duật

Có thể nói câu chuyện về cuộc gặp chớp nhoáng của một nhà thơ trẻ (Phạm Tiến Duật) và cô thanh niên xung phong Thạch Kim, Thạch Nhọn (được miêu tả trong bài thơ nổi tiếng “Gửi em cô thanh niên xung phong”), đã trở thành một giai thoại sống động nhất trong thơ văn chiến tranh chống Mỹ. Và hai số phận hoàn toàn khác nhau ấy lại có chung một sợi dây níu kéo vô hình và kỳ lạ.

1. “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn”

Từ hôm chứng kiến cuộc gặp lại kỳ lạ giữa O Nhị và nhà thơ Phạm Tiến Duật trên giường bệnh, tôi cứ tự hỏi: Có điểm gì chung giữa một nhà thơ nổi tiếng và một người phụ nữ nông dân bình thường ở một miền quê xa ngái, mà sao số phận lại gắn họ với nhau bằng một sợi dây hoàn toàn vô hình, suốt 39 năm có lẻ (1968 - 2007)?

O Nhị với chị ruột nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Và khi đọc bài viết cảm động của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, thì tôi tìm ra sợi dây vô hình ấy. Nguyễn Quang Thiều nói rằng nếu như Phạm Tiến Duật rất “đúng đường” khi xuyên mưa bom bão đạn chiến tranh, thì trong thời bình, ông luôn đi lạc. Sống trong thời bình mà ông vẫn phiêu bạt trong ký ức Trường Sơn năm xưa.

Cái điểm chung trói buộc cuộc đời ông và O Nhị trong sợi dây vô hình có tên gọi: Trường Sơn.

2.”Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là “Thạch Nhọn”

Thoạt trông, người đàn bà bước vào tuổi 62 ấy, chỉ có mỗi một đặc điểm đủ để gợi ý rằng xưa kia bà là một nữ thanh niên xung phong trong đội phá bom cảm tử nơi Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại. Đó là dáng người chắc gọn.

Bước xuống cổng bệnh viện 108, đôi mắt bà đã như có màng che phủ. Tôi chưa biết ở Trường Sơn năm xưa, các cô gái thanh niên xung phong khóc thế nào khi chia tay một anh lính trẻ dù mới quen nhưng đã kịp để lại cả khoảng trời hy vọng. Nhưng không hiểu sao, khi nhìn đôi mắt ầng ậng nước của bà ngơ ngác giữa tấp nập người thăm thân, tôi cứ đinh ninh đó là giọt nước mắt của cô gái Thạch Nhọn 39 năm về trước. Bởi nơi cô sắp bước chân vào, có một anh nhà thơ mặc áo lính, trẻ măng của năm 1968, đang trú ngụ dưới cái lốt của một ông già mang trọng bệnh. “Bây giờ tôi vẫn nhớ như in cái đêm hôm ấy. Anh ấy có khuôn mặt đáng mến lắm, cái mũi thanh tú và giọng Bắc ngọt lịm: “Quê em ở đâu?”. “Quê em qua Thạch Bằng rồi đến Thạch nớ là Thạch Nhọn eng nờ! Gần 40 năm, chưa bao giờ tôi quên giây phút đêm Trường Sơn đó”

"Cô gái Thạch Nhọn" bên giường bệnh nhà thơ trong cuộc gặp lần thứ hai.

3. “Cạnh giếng nước có bom từ trường”

Những câu chuyện về Phạm Tiến Duật và Trường Sơn thì nhiều vô kể, bởi ông đã đi xuyên qua cái sống cái chết, niềm vui, nỗi buồn và hàng vạn khoảnh khắc gặp gỡ trong chiến tranh.

Ông và những người bạn, khi ngồi nhớ lại những năm tháng ấy, thường kể một câu chuyện phản ánh được cùng kiệt sự tàn khốc đến thản nhiên của chiến tranh.

Đó là lần ông suýt chết vì thèm thuốc lào. Lần ấy ông cùng đồng đội và xe đang chở đạn B40 xuyên rừng thì địch dội bom. Vừa lao xuống hầm trú ẩn thì xe trúng bom bốc cháy. Ngớt bom, họ tiếp tục lội bộ suốt đêm, cơn thèm thuốc lào trỗi dậy. Thấy trước mặt có vũng nước trong vắt như cái mâm, anh lái xe liền đắp mô đất hình bát úp lên vũng nước để ngụy trang rít hơi thuốc. Nhưng vừa rời vũng nước khoảng 100 mét thì một tiếng nổ long trời lở đất phía sau. Những người lính hú vía khi biết tiếng nổ ấy phát ra từ chính vũng nước họ hút thuốc lào. Té ra đó là vũng nước được một quả bom nổ chậm chui xuống đất tạo nên.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng kể lại một câu chuyện chẳng khác gì huyền thoại. Khoảng 10 năm cuối cùng của cuộc chiến tranh chống Mỹ, Phạm Tiến Duật được coi là người lính đặc biệt ở Trường Sơn. Có những người lính giữ chốt trên một quả đồi ven đường mòn Hồ Chí Minh bị giặc bao vây. Bên ngoài chỉ tiếp cận được họ bằng điện đài. Biết rằng tất cả những người lính trên chốt sẽ hy sinh, cấp trên hỏi họ cần gì? Họ trả lời:

- Chúng tôi cần thơ Phạm Tiến Duật.

Thế là một bộ phận được phân công cõng những tập thơ của Phạm Tiến Duật. Họ không lên được chốt, đành phải kỳ công tháo thuốc nổ trong một đầu đạn súng cối, cho thơ Phạm Tiến Duật vào đó, rồi bắn thơ lên chốt.

O Nhị giở lại tập thơ ngày xưa của nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Thơ Phạm Tiến Duật đã trở thành một huyền thoại nơi con đường huyền thoại đó. Một bạn thơ của ông kể rằng mùa khô năm 1972, tập Thơ một chặng đường (1971) của Phạm Tiến Duật có mặt ở trong khắp các binh trạm dọc đường Trường Sơn. Thơ ông đặt cạnh những kiện hàng quân nhu, thùng lương khô, hòm đạn cối 120 ly... cùng với Hoa dừa của Lê Anh Xuân, Đường chúng ta đi của Nguyễn Trung Thành, Gió vịnh Cam Ranh của Lê Văn Thảo...

Có bao nhiêu nhà thơ được hưởng cái hạnh phúc bi tráng như thế? Cho nên, cũng dễ hiểu việc sống bao nhiêu năm giữa thủ đô thời bình mà đôi chân Phạm Tiến Duật nhiều lúc vẫn chỉ bước những bước thập thõm đường Trường Sơn.

4. “Xong đoạn đường này các em làm đâu?”

Kể từ khi rời ngũ - “xong đoạn đường này” - năm 1972, 26 tuổi, O Nhị trở về quê gánh hàng thay mẹ già kiếm sống cho đến tận bây giờ. Đôi chân thanh niên xung phong ngày nào của O Nhị cũng đã bước hàng triệu bước thập thõm ở cái miền quê nghèo Thạch Kim (Thạch Hà, Hà Tĩnh).

Mỗi sáng sớm, với gánh hàng xén trịu nặng trên vai, người đàn bà ấy lại quày quả bước đi trong gió Lào cát trắng, đi bộ vài km đến chỗ những con tàu đánh cá vừa về.

Trong ngôi nhà nhỏ xây được từ lòng hảo tâm của xã hội ấy, suốt mấy chục năm như thế, O Nhị sống một mình cùng với mẹ già cho đến khi bà cụ qua đời năm 2002.

Không cầm được nước mắt khi kể về buổi tối gặp nhà thơ trẻ tại Trường Sơn, 39 năm về trước.

“Trời bắt tôi phải sống một mình chú ạ” - O Nhị kể.

Ngay trong 7 năm phá bom cảm tử ở chiến trường, cũng có nhiều lời hò hẹn với cô thanh niên xung phong xinh xắn có tiếng ấy. Người thứ nhất là một chàng lính trẻ tên Thi quê Thái Bình làm nghề sửa xe ô tô trong chiến trường. Người thứ hai tên là Dũng quê Hà Bắc, lính công binh. Duyệt quê Đức Thọ (Hà Tĩnh) - một y sĩ chiến trường - là người thứ 3. Nhưng người thì chết vì bạo bệnh, người thì hy sinh, người thì vì hoàn cảnh neo đơn không thể cưới một cô gái cũng neo đơn như O được.

Sau chiến tranh, cũng có một vài người đến hỏi, nhưng hoàn cảnh không cho O Nhị đến được với họ. Tuổi xuân qua đi như gió đuổi lá cây.

“Cuộc sống của tôi buồn khổ như vậy, nên tất cả những gì đẹp đẽ nhất của đời tôi, lại chính là những ngày gian khổ, kề bên cái chết ở Trường Sơn. Và cái khắc ghi sâu nhất vào tim tôi suốt quãng đời ấy, là cái đêm tối mà anh ấy đưa vào thơ:

“Có lẽ nào anh lại mê em
Một cô gái chưa nhìn rõ mặt
Đại đội thanh niên đi lấp hố bom
Áo em dường như trắng nhất.
- O Nhị kể trong nước mắt.

Khi O Nhị kêu đến lần thứ 3, thì hơi thở nhà thơ bỗng trở nên gấp gáp, mắt chấp chới và ông đột ngột mở to mắt trong khoảng 30 giây.

5. “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”

Trong số báo Văn Nghệ  ra ngày 28/8/1999, Phạm Tiến Duật kể: “...Từ lâu nay tôi là một trong những nhà thơ tham gia rất nhiều các chương trình thơ, nhạc, phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng và giao lưu với khán giả. Nghĩa là tôi rất quen với ánh đèn sân khấu. Ấy thế mà mấy đêm ở Nhà hát Lớn Hà Nội tôi run. Tôi run đến líu cả lưỡi không nói được. Tôi không sợ những người ngồi trước mặt tôi mà tôi run người lên vì một chi tiết trên bộ y phục biểu diễn mà tôi mặc trên người.

Theo sự sắp đặt của ông quyền giám đốc nhà hát - nghệ sĩ ưu tú Đỗ Tiến Định và đạo diễn nữ NSND Thu Hiền, tôi phải xuất hiện trước công chúng trong bộ quân phục với mũ tai bèo hẳn hoi. Bộ quần áo và mũ thì Nhà hát có và đúng là quân phục những năm 60, 70. Nhưng thắt lưng thì không phải. Tôi đi tìm mượn bằng được cái thắt lưng của lính ngày trước.

Một người bạn tôi, anh Nguyễn Anh Sơn là trung tá bộ đội không quân hiện nay cho tôi mượn cái thắt lưng nhựa màu đỏ mận của thời xa xưa ấy. Mà cái thắt lưng ấy cũng không phải của anh Sơn mà vốn của một người lính Trường Sơn ngày trước. Người lính ấy còn mất thế nào không biết.

Cái thắt lưng ôm lấy bụng tôi như vòng tay của bạn đang ôm tôi. Thế thì tôi yên dạ sao được khi nhạc đã tấu lên khúc nhạc ngày trước. Bao nhiêu mưa rừng, gió núi, bao nhiêu bom đạn một thời, bao nhiêu kỷ niệm đổ ập xuống tâm tưởng làm tôi run lên...”.

Những “đặc sản” của Trường Sơn đổ ập xuống ông trên sân khấu Nhà hát Lớn cũng đã đổ ập vào những vần thơ ông những năm tháng ấy. Không mê muội bỏng khát với Trường Sơn, làm sao ông có được những vần thơ reo ca: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”.

6. “Rồi bóng tối lại khép vào bóng tối”

Nhiều người trong buồng bệnh hôm đó đã run lên, khi cô cựu thanh niên xung phong 62 tuổi, mắt nhòe nhoẹt nước, rờ rẫm miên man đôi tay chai sạn lên khuôn mặt bất động hôn mê của nhà thơ, lay gọi thảm thiết như thể một người ruột thịt đã cùng chia ngọt sẻ bùi từ lâu lắm: “Anh Duật ơi, anh ơi, anh có nhận ra em cô gái thanh niên xung phong đây. Anh ơi, anh ơi...”.

30 phút gặp gỡ ngắn ngủi thật nhỏ nhoi so với hàng vạn cuộc gặp rồi lại hành quân trong chiến tranh Trường Sơn trùng điệp. Và suốt 39 năm không hề gặp lại.

“Hôm nghe anh Cù Huy Hà Vũ (con trai cố nhà thơ Huy Cận) điện vào báo anh Duật thập tử nhất sinh, muốn đón tôi ra gặp lại anh ấy, tôi choáng váng quá, bắt xe khách ra ngay, thế mà... Năm 2000, anh Duật đã gọi điện cho tôi thông qua số máy của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú người Thạch Kim, nói tôi ra Hà Nội để hai anh em gặp mặt. Thế nhưng cuộc gặp không thành vì năm đó Tổng Thống Mỹ Bill Clinton sang thăm Việt Nam và anh Duật bận vì có hoạt động gì đó liên quan. Từ bấy đến giờ, tôi cũng ra Hà Nội mấy lần, nhưng phần vì quá gấp gáp, phần vì do dự tôi đã không tìm gặp anh. Trời ơi... Khi tôi gặp anh, thì anh đã không nghe được tôi nói nữa. Trời ơi... tôi sẽ hận suốt đời vì không được gặp anh lần thứ hai. Còn bao nhiêu chuyện anh em chưa kịp nói...”.

Tay nắm chặt tay.

Hy vọng hết sức giản đơn ấy của O Nhị đã chìm vào bóng tối như một câu thơ Phạm Tiến Duật viết trong bài “Gửi em cô thanh niên xung phong”: “Rồi bóng tối lại chìm vào bóng tối”. “Càng éo le thế này tôi lại càng không thể quên được Trường Sơn. Mỗi năm, cứ đến những ngày kỷ niệm là tôi lại nhớ về Trường Sơn, về anh Duật nhiều lắm.” - O Nhị thở dài.

7. “Như tình yêu nối lời vô tận”

Nhà văn Văn Chinh kể rằng, người bạn chí tình của nhà thơ Phạm Tiến Duật - nhà văn  Nguyễn Khắc Phục - hiểu rất rõ hàng trăm ngàn “mạch máu bạn ông. Chính vì thế ông đã có sáng kiến định tổ chức cho buổi ra mắt Tuyển tập Phạm Tiến Duật có một không hai: Sẽ xin phép Bệnh viện 108, nơi Phạm Tiến Duật nằm bệnh, lập ra trong vườn cây bệnh viện một “góc Trường Sơn,” các tấm áp phích nổi tiếng một thời “Tất cả cho giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam” được kẻ bằng vôi trên các nong nia. Mọi người đến dự thì tùy nghi ngồi dưới gốc cây, trên thảm cỏ hay trên các võng dù được căng chéo các gốc cây. Các ca sỹ hát các bài hát phổ thơ Phạm Tiến Duật được đệm bởi các cây măng đô lin, ghi ta gỗ, sẽ mặc quân phục TNXP, đi dép râu và đội mũ tai bèo... Nghĩa là một góc Trường Sơn sẽ sống dậy trong thơ, trong nhạc; sống tưng bừng trong niềm kỳ vọng vào một phép mầu: Phạm Tiến Duật sẽ ngồi xe lăn, thở bình ô xy, chợt ông từ từ đứng dậy, cầm lấy một trong các micro và hát như ông vẫn song ca cùng các ca sỹ:

Đọc lại bài thơ gắn liền với cuộc đời mình: "Gửi em cô thanh niên xung phong".

Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
 Hai đứa ở hai đầu xa thẳm...
Như tình yêu nối lời vô tận
Đông Trường Sơn nối tây Trường Sơn”.

Cái dự định ấy không thực hiện được vì tiến triển quái ác của căn bệnh. Nhưng chỉ một ý tưởng thế thôi của những người đồng đội hôm nay, nếu một ngày nào đó, nhà thơ có dạo chơi thong dong nơi cuối đất cùng trời, cũng có thể mỉm cười mãn nguyện.

8. “Hai đứa ở hai đầu xa thẳm”

Một trong những tấm hình khiến tôi ám ảnh nhất trong buổi “Cô gái Thạch Nhọn” gặp lại nhà thơ Phạm Tiến Duật trên giường bệnh, đó là khi O Nhị rời gót khỏi phòng bệnh. Gương mặt đầm đìa nước thất thần. Đằng sau O, nhà thơ vẫn nằm bất động trên giường bệnh.

Rời gót khỏi phòng bệnh, sau lưng O Nhị, nhà thơ vẫn nằm bất động.

Có nhiều lý do khiến O Nhị không thể và không nên ở lại bên cạnh nhà thơ đang thiêm thiếp trong nỗ lực cuối cùng chống chọi bệnh tật.

O Nhị không có tiền thuê khách sạn dài ngày (chi phí những ngày đầu được anh Hà Vũ chi trả). Mỗi ngày với gánh hàng rong nơi quê nghèo chỉ đủ kiếm dăm, bảy ngàn đồng trang trải cuộc sống.

O Nhị cũng không phải người thân của nhà thơ, dù số phận O gắn với sự nổi tiếng của Nhà thơ.

Mà O có ở lại đi chăng nữa thì tất cả ký ức Trường Sơn cũng chỉ còn là độc thoại mất rồi.

Thật kỳ lạ: 39 năm chỉ có hai lần gặp gỡ. Lần thứ nhất gói gọn trong 30 phút và nhà thơ không nhìn rõ mặt cô thanh niên xung phong “Thạch Kim lừa là Thạch Nhọn”. Lần thứ hai, 39 năm sau cũng chỉ kéo dài gấp đôi chừng ấy, và nhà thơ cũng không thể nhìn rõ mặt cô gái ngày xưa. Chỉ có 2 lần và sẽ là “hai đứa ở hai đầu xa thẳm”.

Nhưng có hề chi, Trường Sơn thì vẫn còn đó, bi tráng và lãng mạn  trong tâm tưởng hai số phận đi qua chiến tranh điển hình ấy và  sâu đậm trong trái tim, khối óc bao người.

Bài: Hoàng Hải - Hà Dương
Ảnh: Chí Cường

kimvan
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
MC Đức Bảo VTV: Một tuần vừa qua tôi liên tục bị tấn công trên mạng

MC Đức Bảo VTV: Một tuần vừa qua tôi liên tục bị tấn công trên mạng

Giải trí - 1 giờ trước

MC Đức Bảo nghi ngờ khả năng mình bị tấn công đến từ việc đăng nhập, sử dụng mạng Wi-Fi tại những nơi công cộng khi anh thường xuyên đi công tác.

Kim Soo Hyun xác nhận nên duyên với sao nữ kém 4 tuổi, đàng gái xuất sắc không kém Kim Ji Won

Kim Soo Hyun xác nhận nên duyên với sao nữ kém 4 tuổi, đàng gái xuất sắc không kém Kim Ji Won

Thế giới showbiz - 11 giờ trước

Thông tin mới về nam thần Kim Soo Hyun được cư dân mạng đặc biệt quan tâm.

Dung mạo xinh đẹp của nữ trọng tài Thái Lan thu hút sự chú ý tại giải bóng chuyền quốc tế cúp VTV9 - Bình Điền 2024

Dung mạo xinh đẹp của nữ trọng tài Thái Lan thu hút sự chú ý tại giải bóng chuyền quốc tế cúp VTV9 - Bình Điền 2024

Xem - nghe - đọc - 13 giờ trước

GĐXH - Tại giải bóng chuyền quốc tế cúp VTV9 - Bình Điền 2024, nữ trọng tài Thái Lan Angkana Wongrot bất ngờ được chú ý nhờ vẻ ngoài xinh đẹp.

Những bí mật sau cảnh Tây Lương nữ vương tỏ tình với Đường Tăng

Những bí mật sau cảnh Tây Lương nữ vương tỏ tình với Đường Tăng

Giải trí - 14 giờ trước

Vì cảnh quay này, đạo diễn Tây Du Ký suýt trở thành "tội nhân muôn đời", còn nàng Tây Lương nữ vương thì bị đồn là ôm mối tình si với "Đường Tăng" Từ Thiếu Hoa.

Hoa hậu H'hen Niê sắp kết hôn với bạn trai lâu năm?

Hoa hậu H'hen Niê sắp kết hôn với bạn trai lâu năm?

Giải trí - 17 giờ trước

GĐXH - Hoa hậu H'hen Niê thời gian gần đây đã khiến khán giả chú ý vì rộ tin đồn sắp kết hôn. Tin đồn này đến từ chính bạn trai lâu năm của cô.

NS cải lương Ngọc Huyền ở tuổi 54: Sống trong biệt thự sân vườn triệu đô nhưng vẫn làm việc nhiều đến nỗi mẹ chồng phải lên tiếng

NS cải lương Ngọc Huyền ở tuổi 54: Sống trong biệt thự sân vườn triệu đô nhưng vẫn làm việc nhiều đến nỗi mẹ chồng phải lên tiếng

Giải trí - 17 giờ trước

Ngọc Huyền là con dâu của danh ca Thanh Tuyền và đang có cuộc sống đủ đầy ở Mỹ.

Nữ NSƯT xứ Nghệ nổi tiếng dòng nhạc đỏ có cuộc sống làm mẹ đơn thân bình dị

Nữ NSƯT xứ Nghệ nổi tiếng dòng nhạc đỏ có cuộc sống làm mẹ đơn thân bình dị

Giải trí - 19 giờ trước

GĐXH - NSƯT Tố Nga, giọng ca xứ Nghệ gây thương nhớ với khán giả yêu nhạc đỏ bởi giọng hát trữ tình sâu lắng. Đằng sau những lời hát đẹp nhiều màu sắc trên sân khấu, đời thực, nữ nghệ sĩ có cuộc sống dung dị bên con trai.

Hoài Lâm ở ẩn sau biến cố: Từng gây sốc vì ngoại hình phát tướng, đang hạnh phúc bên bạn gái

Hoài Lâm ở ẩn sau biến cố: Từng gây sốc vì ngoại hình phát tướng, đang hạnh phúc bên bạn gái

Giải trí - 21 giờ trước

Từng được đánh giá là giọng ca trẻ tài năng của showbiz Việt, sao nam này bất ngờ quyết định ở ẩn, tạm ngưng hoạt động trong ngành giải trí.

Thực hư Thương Tín không ở cùng mẹ và vợ, phải ở nhà trọ khi về quê

Thực hư Thương Tín không ở cùng mẹ và vợ, phải ở nhà trọ khi về quê

Giải trí - 23 giờ trước

GĐXH - Thương Tín mới đây lên tiếng phủ nhận thông tin phải ở nhà trọ khi rời Sài Gòn về quê Phan Rang.

Đen Vâu: Tôi không muốn mình đặc biệt vì sự tử tế

Đen Vâu: Tôi không muốn mình đặc biệt vì sự tử tế

Giải trí - 23 giờ trước

Đen Vâu cho rằng những hoạt động thiện nguyện của mình còn quá nhỏ bé, nên nếu được tung hô, anh sẽ cảm thấy rất xấu hổ.

Top