- Dịch bệnh khiến vợ chồng chị phải tự chăm con mà không có sự hỗ trợ từ hai mẹ. Chị và ông xã xoay xở thế nào trong những ngày đầu?
- Tình hình dịch bệnh ở TP HCM hiện rất căng thẳng. Vì thế, cả mẹ đẻ và mẹ chồng của tôi đều không thể ở bên, giúp tôi chăm sóc bé Tây Phương. May mắn là tôi đã tìm được cho mình một cô vú nuôi - người đã hỗ trợ tôi từ lúc mới sinh. Trước đó, mẹ đẻ vài lần ngỏ ý qua giúp vợ chồng tôi chăm con nhưng tôi từ chối vì không dám phiền bà. Bà đã cao tuổi mà sức khỏe lại không tốt. Mẹ chồng của tôi cũng vậy, dù rất muốn thăm cháu nhưng thật khó di chuyển giữa hai nước lúc này. Tôi nghĩ mình có thể quán xuyến được mọi việc và hiện tại chúng tôi vẫn ổn.
- Chị vốn ăn chay trường. Sau sinh chị áp dụng thực đơn thế nào để có nguồn sữa dồi dào cho con?
- Theo tôi, nguồn sữa của bà mẹ sau sinh phụ thuộc nhiều vào hai yếu tố là thể trạng và dinh dưỡng. Thể trạng của tôi vốn rất tốt. Khi chưa có sữa, tôi cũng không quá lo lắng mà giữ tinh thần lạc quan, tích cực để chờ sữa về. Ngay từ đầu, tôi không hy vọng sẽ có nhiều sữa. Mỗi khi có sữa dù ít, tôi cảm thấy mừng và coi đó là động lực để mình tiếp tục "ra sữa" cho con. Về dinh dưỡng, tôi giữ nguyên khẩu phần ăn hàng ngày. Tôi cũng không tuân theo các mẹo dân gian như phải ăn mặn, ăn móng giò heo... để lợi sữa mà chỉ tin vào khoa học thôi.
- Con gái mới sinh mắc chứng vàng da sinh lý. Chị được bác sĩ khuyên những gì để cải thiện tình trạng này cho con?
- Vàng da là bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh, tùy vào cơ địa thì chỉ số cao hay thấp và thường chỉ số vàng da sẽ hạ dần sau 1-2 tuần đầu tùy theo trẻ được sinh đủ hay thiếu tháng. Bác sĩ khuyên tôi thường xuyên ẵm con ra nơi nhiều ánh sáng để kiểm tra độ vàng da của con. Đặc biệt, khi đưa con về nhà, tôi phải cho con bú nhiều để cơ thể bé có thể đào thải chất làm vàng da là bilirubin.
Nếu tình trạng vàng da ở trẻ vẫn kéo dài ở chỉ số cao, bác sĩ sẽ yêu cầu bé nhập viện để chiếu đèn. Bé Tây Phương nhà tôi sau khi chiếu đèn thì đỡ hẳn. Chỉ số giảm đều nên hiện nay, bé đã không còn tình trạng vàng da nữa.
- Bên cạnh chăm con, hồi phục sức khỏe và lấy lại vóc dáng sau sinh là vấn đề mà nhiều sản phụ quan tâm. Chị thực hiện những điều này ra sao sau hai tuần vượt cạn?
- Là một nghệ sĩ, tôi luôn ý thức việc giữ gìn vóc dáng nên từ lúc mang thai, tôi đã không dể cơ thể tăng cân quá đà. Suốt thai kỳ, tôi chỉ lên cân ở mức cho phép theo khuyến cáo của bác sĩ, đó là từ 10-14kg. Khi con chào đời, tôi đã giảm 12 kg nên bây giờ chỉ dư 2-3 kg. Sau hai tháng nghỉ ngơi, tôi sẽ quay lại tập gym để "giải quyết" nốt số cân thừa cũng như hồi phục sức khỏe.
- Từ Ấn Độ, mẹ chồng chia sẻ với chị những kinh nghiệm gì để chăm con và cải thiện sức khỏe?
- Mẹ chồng tôi là một người mẹ truyền thống. Bà luôn đưa cho tôi những lời khyên theo kinh nghiệm dân gian như phơi nắng cho con, ủ con sau khi tắm, massage cho con dễ tiêu hóa... Tôi nghe lời mẹ dặn và kết hợp thực hiện theo những phương pháp được bác sĩ tư vấn để bé Tây Phương có thể cảm thấy dễ chịu nhất.
- Chị thấy những khác biệt nào trong quan điểm chăm sóc trẻ sơ sinh của bà mẹ Việt Nam và Ấn Độ?
- Tôi thấy quan điểm của hai đất nước gần giống nhau, nhất là với các bà mẹ truyền thống thì họ chủ yếu hướng đến các phương pháp dân gian. Nhưng chung quy, tất cả đều muốn em bé được phát triển tốt nhất. Ở TP HCM, tôi được tiếp cận những máy móc, dụng cụ hiện đại như máy tiệt trùng diệt khuẩn, máy lọc không khí khi nhưng khoe với mẹ thì mẹ hay hỏi "cái này là cái gì?". Tôi còn hướng dẫn lại cho mẹ cách sử dụng và mẹ thích lắm vì thấy tôi đã chuẩn bị những điều tốt nhất cho con gái của mình.
- TP HCM hiện giãn cách xã hội và một số khu vực bị phong tỏa do Covid-19. Điều này trở ngại gì đến cuộc sống cũng như chuyện chăm con mới sinh của vợ chồng chị?
- Chúng tôi gặp khó khăn một chút như khi đặt hàng thì thời gian chờ đợi lâu hơn. Ngoài ra việc đi lại cũng khó khăn nên gia đình nội - ngoại, bạn bè của tôi chưa có dịp đến thăm bé Tây Phương. Dịch bệnh buộc chúng tôi phải kỹ lưỡng hơn trong việc giữ gìn an toàn sức khỏe cho cả nhà. Ví dụ lúc nhận hàng từ shipper, tôi phải khử khuẩn rồi mới mang vào trong. Các đồ dùng sinh hoạt thì luôn phải vệ sinh, tiệt trùng sạch sẽ. Nhưng tôi nghĩ đây là tình trạng chung của cả nước nên tìm cách thích nghi chứ không coi đó là bất tiện lớn.
Sau khi ra mắt MV Nói với con cách đây ít hôm, tôi cũng nhận được lời đề nghị tham gia các chiến dịch âm nhạc vì cộng đồng để cổ vũ tinh thần chống dịch của mọi người. Nhưng vì tình hình sức khỏe của con gái và thời gian của bản thân chưa nhiều nên tôi đều từ chối dù rất tiếc. Lúc này, tôi mong TP HCM nói riêng và cả nước nói chung mau hết dịch để cuộc sống trở lại bình thường. Mọi người lại có thể làm việc, sinh hoạt như trước đây.
- Ông xã là cộng sự đắc lực giúp chị chăm sóc bé Tây Phương suốt hai tuần qua. Chị chấm mấy điểm cho khả năng chăm con của anh ấy?
- Ông xã là doanh nhân nên tôi chẳng dám đặt nhiều hy vọng vào khả năng chăm con của anh ấy. Những việc như thay tã, tắm bé, mặc quần áo... đã có vú nuôi lo. Anh chỉ có thể phụ tôi ẵm bồng con, chơi với con khi tôi nghỉ ngơi, vệ sinh cá nhân...
Khi bồng con, anh sợ bé... rơi khỏi vòng tay còn hễ thấy bé khóc là anh gọi tôi ngay để tôi cho con ti, dù bé mới ti mẹ được một lúc. Biết mình chưa giỏi giữ con nên anh xung phong làm việc nhà, dọn dẹp "bãi chiến trường" mà hai mẹ con để lại. Về đêm, anh hay tâm sự với tôi vì biết phụ nữ mới sinh thì tâm lý chưa ổn định, cần sự quan tâm và chia sẻ.
Theo Ngôi sao