Cuộc sống của 46 thầy ở trường tiểu học chưa từng có giáo viên nữ
“Chúng tôi sống như một gia đình, đàn ông với nhau nên xuề xòa lắm. Nhưng khi dạy học thì khác, phải thật chỉn chu, kiên nhẫn, tỉ mỉ vì học sinh tiếp thu chậm”, Hiệu trưởng Lang Văn Nhàn nói về cuộc sống tại Tiểu học Tri Lễ 4 nằm trên dãy Phà Cà Tún (Quế Phong, Nghệ An).
“Bám chắc nhé, rơi tôi không dừng lại nhặt đâu”, thầy giáo Hùng tếu táo khi xe máy bắt đầu chuyển bánh từ đường nhựa sang con đường đất ngoằn ngoèo, cheo leo trên hành trình từ thị trấn Kim Sơn vào điểm chính trường Tri Lễ 4.
Chiều chủ nhật, các thầy giáo chuẩn bị thực phẩm cho tuần kế tiếp và “tập kết” tại một điểm trước khi rẽ vào con đường dẫn tới Mường Lống. Nếu đi từ thành phố Vinh, họ phải vượt 210 km để vào được điểm trường Tri Lễ 4, thuộc xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong. Do đường quá xa và khó đi, suốt 30 năm qua, nơi đây chưa từng có giáo viên nữ dạy chính thức.
Đầu tháng 9, tập thể giáo viên đặc biệt này được nhận giải Ấn tượng VTV năm 2017 ở hạng mục Nhân vật của năm.
Cheo leo đường gieo chữ
“Chúng tôi phải kết thành đoàn mới dám đi vào trường, lỡ có việc gì còn hỗ trợ nhau. Ngày khô ráo còn đỡ chứ mưa thì nguy hiểm gấp 5, 6 lần”, thầy Nguyễn Trọng Quyền, Phó hiệu trưởng Tiểu học Tri Lễ 4, nói.
Những hôm mưa, các thầy chỉ đi vào chứ không thể trở ra. Để học trò không bỏ buổi học nào, họ hì hục đẩy chiếc xe mang theo thực phẩm dùng cho cả tuần qua những đoạn đường lầy lội, những cây cầu gập ghềnh bắc qua dòng suối. Họ trầy trật điều khiển xe lăn bánh trên làn đường trơn như đổ mỡ nằm cạnh vách núi sâu hun hút.
Đến những đoạn dốc, họ dừng lại, hai người đi bộ lên trước, quăng dây thừng xuống để người phía dưới buộc vào xe rồi cùng nhau kéo lên. Cứ như thế, hành trình 15 km đường khó đi có khi kéo dài tận một ngày.
Đường đi khó khăn, hiểm trở nên vừa nhận công tác được một tuần, thầy Lang Văn Lịch (23 tuổi) đã bị ngã mấy lần nhưng anh không dám kêu than, vì sợ các thầy mất tinh thần.
Chập choạng chiều chủ nhật, các thầy mới đến trường. Những lớp học nằm trơ trọi giữa núi rừng hiu quạnh, lá khô rải đầy sân. Họ dỡ gạo, dưa, mắm, muối xuống xe, chuẩn bị cho cả tuần tại nơi không có chợ; rồi nổi lửa nấu bữa tối dưới ánh sáng nhá nhem.
Điện từ pin mặt trời do nhà hảo tâm tặng không ổn định nên đèn chỉ được bật lúc tối hẳn. Một số thầy ra suối tắm giặt, người khác tranh thủ leo lên điểm cao hơn dò sóng để gọi về nhà, báo tin đến nơi an toàn.
Thầy Hùng lấy quần áo ra phơi, tận dụng chút nắng chiều còn sót lại.
Ngày thường, bữa cơm của các thầy giáo chỉ có nồi cơm, đôi đĩa rau rừng xào, cùng vài bát canh. Chiều chủ nhật và sáng thứ hai là bữa sung túc nhất khi có thêm đĩa thịt.
18h30, dưới ánh đèn tù mù, các thầy quây quần bên mâm cơm, trò chuyện rôm rả. Ăn xong, người rửa bát, người vệ sinh cá nhân rồi ngồi uống bát chè xanh, chuyện trò dăm câu, kiểm tra lại bài soạn rồi nghỉ ngơi trong căn phòng lụp xụp lợp từ gỗ đã hỏng. Họ tận dụng băng rôn cũ để che nắng chắn gió. Còn ở điểm trường khác, tất cả sống trong căn phòng gió lùa, mưa tạt quanh năm.
Thiếu thốn trăm bề nhưng Hiệu trưởng Lang Văn Nhàn vẫn vui vẻ kể Tri Lễ 4 đã "thay da đổi thịt" như thế nào trong vài năm qua nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước và những người hảo tâm. Tránh nói đến sự thiếu thốn nhưng ông không nén nổi ngậm ngùi khi kể về nỗi bất lực của người quản lý những khi học trò, đồng nghiệp đau ốm.
Năm ngoái, một học sinh bị ngất, các thầy đành bế em về nhà để gia đình mời thầy lang tới chữa. Vừa rồi, có thầy trong trường không may ngộ độc. Ngay giữa đêm, các thầy dìu nhau vượt qua con đường gập ghềnh, trơn trượt dưới mưa lạnh để đưa đồng nghiệp đi cấp cứu.
“Nhưng đau xót nhất là vì khó liên lạc và đi lại, một thầy giáo khác chỉ biết bố ốm nặng khi người nhà lặn lội vào tận trường báo tin, lúc trở về không kịp nhìn mặt cha lần cuối. Xót xa lắm!”, giọng thầy Nhàn chùng xuống.
Với những người bỏ đồng bằng lên miền núi dạy học, thiếu thốn vật chất hay đường rừng hiểm nguy chỉ là chuyện nhỏ. Cảnh bố mẹ già, con thơ dại ở xuôi cùng lòng áy náy khi quăng hết gánh nặng gia đình cho vợ cáng đáng mới là nỗi băn khoăn lớn nhất.
Cuộc sống tách biệt, không sóng điện thoại, không Internet cũng là thử thách lớn với các thầy giáo trẻ. Một tuần trôi qua, thầy Hoàng sụt 4 kg, thầy Sáng vẫn kìm nỗi nhớ để không bật ra tiếng khóc lúc đêm về, còn thầy Lịch bỗng vui vẻ hẳn ra khi có khách dưới xuôi lên thăm trường.
‘Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy’
Cuộc sống thiếu thốn đủ bề nhưng 46 giáo viên tại Tri Lễ 4 vẫn không một lời than vãn. Một phần vì họ luôn dặn mình phải mạnh mẽ trên hành trình gieo chữ gian nan. Phần khác, khi so với cảnh sống cách đây 5-6 năm, các thầy tự nhận mình đã may mắn hơn nhiều lắm.
Hồi đó, các thầy chưa có xe máy, đi cả ngày trên núi không phải việc dễ nên chỉ về nhà vào cuối học kỳ. Không có sự tiếp tế từ miền xuôi, cuộc sống trên non cao càng khó khăn gấp bội.
Những cảnh đó, người già hơn đã quen, người trẻ lại tự dặn so với người đi trước, mình không có lý do gì để than trách. Thêm vào đó, họ luôn động viên nhau mạnh mẽ, vững tâm với nghề.
Ngày mới của các thầy bắt đầu bằng việc thức dậy lúc trời còn tờ mờ, sương giăng kín đỉnh đồi và thời tiết se lạnh. Từng tốp xuống suối đánh răng, rửa mặt rồi cùng nhau ăn mỳ trong căn phòng lụp xụp nhưng rôm rả tiếng trò chuyện, cười đùa.
Sau giờ lên lớp, họ lại cùng nhau xuống suối bắt cá hoặc lên rừng lấy măng, hái rau dại về chuẩn bị bữa tối. Đến cuối tuần, nếu thời tiết thuận lợi, họ lại cùng nhau xuống núi, chẳng cần phân công, ai có gì thì chuẩn bị nấy, mang đồ ăn thức uống lên gom góp với nhau.
Cứ như thế, 46 con người từ 46 gia đình riêng với hoàn cảnh sống khác nhau gộp lại thành gia đình chung. Mỗi người góp một câu chuyện, vài lời tâm sự, người đi trước dặn dò, truyền đạt kinh nghiệm sống cho người đến sau.
Hết giờ dạy, các thầy cùng nhau chơi thể thao hoặc trồng cây trên mảnh đất khô cằn. Họ kiên nhẫn chăm chút cho những mầm non như chính việc kiên trì gieo chữ cho trẻ em vùng cao suốt hàng chục năm qua.
Thầy giáo như cha hiền
Cuộc sống tập thể không có bóng dáng phụ nữ tạo cho các thầy ở Tri Lễ 4 lối sống có phần xuề xòa. Thế nhưng, với học sinh, họ luôn cố gắng chỉn chu nhất.
Gần 7h sáng thứ hai, thầy Thái Dương đánh hồi trống đầu tiên để nhắc nhở học sinh đến trường. Khi tốp trẻ men theo đường nhỏ tiến vào cổng, các thầy đứng đón chào, dẫn những em mặt mũi, chân tay lem luốc đi rửa ráy.
Cánh mày râu vốn chăm lo cho mình còn chưa tốt, nay lại tỉ mẩn buộc tóc, cắt móng tay, móng chân cho học trò. Họ thực hiện những hành động nhỏ nhất bằng sự kiên nhẫn, dịu dàng lớn nhất.
Vào lớp, dù theo cách nghiêm khắc hay nhẹ nhàng, các thầy luôn cố gắng hết sức để truyền đạt kiến thức cho học trò, giúp các em học tiếng, đánh vần, viết chữ, làm toán. Học trò tiếp thu chậm, một bài toán phải giảng đến cả chục lần, cách phát âm cũng phải chỉnh hết lần này đến lần khác nhưng không ai mất kiên nhẫn hay cáu gắt với các bé.
“Nhìn các em như vậy, chúng tôi vừa bất lực vừa xót, thương còn không kịp, sao nỡ quát nạt. Các em chịu đến học là quý lắm rồi, học chậm thì mình dạy chậm”, thầy Và Bá Dê tâm sự.
Xác định đã dạy học ở vùng cao thì cần bỏ công sức gấp bội nên hàng tuần, các thầy dành 3 buổi tối, chia nhau vào bản vừa thăm gia đình vừa kiểm tra việc học bài của trò. Họ cũng tự cắt bớt thời gian nghỉ hè, dành khoảng nửa tháng để phụ đạo, nhắc lại kiến thức cho học sinh.
46 thầy giáo ngày ngày lên lớp, không tính toán mình bỏ ra bao nhiêu và nhận lại chừng nào. Với đồng lương tháng khoảng 5 triệu đồng, họ cần mẫn gieo chữ với hy vọng kiến thức có thể giúp trẻ nghèo thoát cảnh đói khổ.
Công lao đó không được đền đáp bằng những lời tri ân, vài đóa hoa hay món quà dịp 20/11. Thực tế, phần lớn học sinh nơi đây không biết đến ngày Nhà giáo Việt Nam.
“Với chúng tôi, ngày nào cũng là 20/11 khi học trò có gì cũng nhớ đến thầy. Không cần dịp nào đặc biệt, các em vẫn mang gạo, dứa, khoai, măng hoặc củi lên để thầy không đói, không lạnh”, thầy Quyền chia sẻ.
Trong 30 năm qua, hàng chục thầy giáo miệt mài đóng vai “cha hiền”, chăm lo việc học hành, sức khỏe của học sinh. Và dù lúc khó khăn nhất, họ cũng chưa từng có ý định rời bỏ học trò, đồng nghiệp, rời bỏ gia đình thứ hai - nơi có những người dành cả đời cho sự nghiệp trồng người đầy gian khổ.
Theo Zing
Gần 100 chiến sĩ công an, người nhái, lực lượng địa phương tìm kiếm nạn nhân mất tích trên sông Hương
Thời sự - 1 phút trướcHàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an, người nhái và các lực lượng phối hợp đã tham gia tìm kiếm 2 nạn nhân mất tích sau khi xe tải chở rác đâm sập lan can cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), rơi xuống sông Hương.
Bắc Kạn: Dự án nhà máy thủy điện Khuổi Nộc 2 bị 'tuýt còi' do tận thu cát sỏi để khai thác vàng
Thời sự - 11 giờ trướcGĐXH - UBND tỉnh Bắc Kạn vừa yêu cầu đình chỉ hoạt động tận thu cát, cuội, sỏi làm vật liệu xây dựng tại dự án thủy điện Khuổi Nộc 2 huyện Na Rì do có dấu hiệu lợi dụng giấy phép tận thu vật liệu xây dựng để khai thác vàng trái phép.
Tin tối 21/11: 3 người trong 1 gia đình rơi xuống vùng nước sâu may mắn được cứu sống; bắt giữ gần 1 tấn thực phẩm ăn lẩu nhiều người yêu thích
Xã hội - 11 giờ trướcGĐXH - Cơ quan chức năng huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết vừa kịp thời cứu một gia đình bị rơi xuống vùng nước ngập sâu; Tổng khối lượng thực phẩm bị bắt giữ là 982kg, tất cả số hàng hóa này đều không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Vụ kè sông ở Bắc Kạn bị thiệt hại do xả lũ: Nhà máy thủy điện Thác Giềng 1 báo cáo gì?
Đời sống - 12 giờ trướcGĐXH - Ngày 06/11/2024, nhà máy thuỷ điện Thác Giềng 1 có báo cáo liên quan đến việc xả lũ gây ảnh hưởng dự án kè khắc phục sạt lở bờ sông Chu, sông Cầu đoạn qua thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn.
Tham ô tài sản, hai cán bộ lĩnh án
Pháp luật - 13 giờ trướcGĐXH - Ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961, trú phường Tây Lộc, TP Huế) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, trú phường Vĩnh Ninh, TP Huế) về "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
Hà Nội: Phát hiện gần 150 bộ hài cốt khi thi công cống thoát nước trên phố Tây Sơn
Đời sống - 13 giờ trướcGĐXH - Trong quá trình thi công, cải tạo đường và hệ thống thoát nước tại ngõ 167 Phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa, (TP Hà Nội), nhóm công nhân tại đây đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt.
Phá đường dây làm giả giấy tờ của lực lượng vũ trang
Pháp luật - 13 giờ trướcGĐXH - Một đường dây chuyên làm giả giấy tờ, trong đó có những giấy tờ của lực lượng vũ trang nhằm mục đích lừa đảo vừa bị Công an quận Đống Đa triệt phá.
Thủ đoạn lừa chạy thủ tục làm 'sổ đỏ' để chiếm đoạt tài sản
Pháp luật - 14 giờ trướcGĐXH - Lợi dụng tâm lý e ngại thủ tục hành chính và các thủ tục liên quan đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của người dân, các đối tượng tự nhận bản thân có các mối quan hệ nên làm được nhanh khiến nhiều nạn nhân "nhẹ dạ, cả tin" sập bẫy.
Công an tìm người gửi tiền vào một doanh nghiệp vàng bạc ở Nghệ An
Pháp luật - 14 giờ trướcGĐXH - Công an tỉnh Nghệ An đang điều tra vụ việc một doanh nghiệp vàng bạc ở huyện Yên Thành mở sổ tiết kiệm như ngân hàng, huy động vốn của người dân.
Quận Nam Từ Liêm xử lý triệt để vi phạm tại ngõ 8 phố Tôn Thất Thuyết sau phản ánh của Gia đình và Xã hội
Thời sự - 14 giờ trướcGĐXH - Sau phản ánh của chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức Khỏe và Đời sống), UBND quận Nam Từ Liêm cho biết sẽ chỉ đạo Công an Quận, Đội thanh tra GTVT thường xuyên kiểm tra, xử lý nếu phát sinh việc dừng đỗ, thu tiền trông giữ phương tiện trái phép tại ngõ 8 đường Tôn Thất Thuyết, thuộc phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm.
Tin sáng 21/11:Từ năm 2025, người mắc các bệnh này sẽ không được lái xe máy; Thay đổi lương hưu người lao động cần biết
Xã hộiGĐXH - Theo quy định của Thông tư 36/2024, Bộ Y tế quy định những người mắc một trong những bệnh được liệt kê không đủ điều kiện để lái xe máy. Chính sách lương hưu từ năm 2025 có nhiều thay đổi so với Luật BHXH hiện hành, người lao động cần nắm rõ.