Hà Nội
23°C / 22-25°C

Đắm đuối mắt thỏ

Thứ tư, 09:08 10/02/2021 | Giải trí

GiadinhNet - Về nhà, tôi lục lọi trí nhớ xem đã gặp đôi mắt ấy ở đâu. Xới tung tất cả ký ức mà vẫn không nhớ ra. Mãi khuya, tôi mới bật nhớ ra một người, đó là Giang. Đôi mắt kia là của Giang. Có lẽ bác sĩ Kim Oanh là con gái của Giang.

Đắm đuối mắt thỏ - Ảnh 1.

Ám ảnh đôi mắt Thỏ

Con trai liên tục giục tôi đi khám sức khỏe tổng quát. "Bố có làm sao đâu mà phải khám. Trước đây Giáo sư - Viện sĩ Phạm Song bảo bố là hằng ngày phải lắng nghe cơ thể mình. Sáng dậy bố ngồi một lúc trên giường lắng nghe cơ thể mình mà không thấy gì cả". "Bố nghe không bằng bác sĩ nghe. Bố cứ đến bệnh viện khám tổng quát đi. Con biếu bố 5 triệu đồng để đi khám". "Làm gì hết nhiều thế?". "Bố cầm cả đi, thừa còn hơn thiếu".

Tôi không ngờ người đi khám lại đông đến thế. Trước cửa phòng khám người chen nhau như nêm cối. Rồi cũng đến lượt tôi vào khám. Bác sĩ phòng này tên là Kim Oanh. Chính Kim Oanh chỉ định cho mọi người phải đến khám ở buồng nào. Tôi nhìn bác sĩ thấy rất quen, không biết đã gặp ở đâu. "Tôi thấy bác sĩ quen lắm, chẳng biết đã gặp ở đâu". Kim Oanh ngước nhìn tôi, đôi mắt đắm đuối như mắt thỏ. Tôi lần lượt đi các buồng để khám, tuy vậy tôi vẫn không sao quên được đôi mắt của bác sĩ Kim Oanh.

Về nhà, tôi lục lọi trí nhớ xem đã gặp đôi mắt ấy ở đâu. Xới tung tất cả ký ức mà vẫn không nhớ ra. Mãi khuya, tôi mới bật nhớ ra một người, đó là Giang. Đôi mắt kia là của Giang. Có lẽ nào Kim Oanh là con gái của Giang? Sáng dậy tôi quyết định đến bệnh viện để hỏi xem Kim Oanh có phải là con gái của Giang không. Nhưng bệnh viện đã bị phong tỏa vì dịch COVID-19. Tôi nghĩ ra một cách mua một ít trái cây đến thăm bác sĩ. Bác bảo vệ hỏi tôi: "Ông đi đâu?". "Tôi vào thăm bác sĩ Kim Oanh". "Không được ông ạ! Bệnh viện đang bị phong tỏa, nội bất xuất, ngoại bất nhập". Tôi ra về lòng cứ vương vấn mãi câu hỏi: "Có phải Kim Oanh là con gái của Giang không?".

Cuộc gặp gỡ định mệnh trên chuyến tàu chợ

Đắm đuối mắt thỏ - Ảnh 2.

Năm 1971, tôi được trung đoàn cử đi học lớp cộng tác viên của Báo Quân đội Nhân dân. Lớp học của chúng tôi chỉ một tháng. Sau 4 tuần tôi đã phải trở về đơn vị. Một anh trong Ban thời sự của Báo nói với tôi: "Trung đoàn của đồng chí vừa chuyển sang Khăm Muộn (Nam Lào), nghĩa là đồng chí phải vào Quảng Bình rồi từ đấy sang Khăm Muộn tìm đơn vị".

Chuyến tàu chợ rời ga Hà Nội lúc sẩm tối. Gọi là tàu chợ vì ga nào cũng đỗ, chứ không phải như tàu tốc hành chỉ đỗ những ga chính. Trong toa tàu, người nằm người ngồi ngổn ngang. Ngọn đèn trên nóc toa vàng vọt, khó nhìn rõ mặt người. Tàu chạy qua ga Thanh Hóa một quãng thì một nhân viên đoàn tàu hỏi to: "Ở đây có ai mang thuốc cảm không? Có một cô gái đang bị sốt cao". Thời chiến tranh, bộ đội đi công tác lẻ bao giờ cũng phải mang theo những loại thuốc thông dụng nhất như thuốc chữa đi ngoài, thuốc cảm, thuốc sốt rét và một ít thuốc bổ, chủ yếu là B1. Tôi đến chỗ cô gái đang sốt. Tôi đặt tay vào trán cô, thấy bỏng rẫy, ít nhất cũng khoảng 40 độ. Tôi đưa cho cô 2 viên thuốc cảm và 3 viên B1 rồi rót nước cho cô uống. "Em về ga nào?". "Em về ga Si". "Anh cũng về ga Si. Nhà anh ở gần ga, anh ghé qua nhà vài hôm". "Nhà em ở thị trấn Đô Lương. Em là sinh viên trường quân y đang nghỉ hè. Em chỉ bị cảm thôi. Uống thuốc vào sẽ đỡ". Tàu dừng ở ga Si. Tôi sờ trán cô gái thấy còn nóng lắm. "Em chưa thể về nhà được, đã hết sốt đâu. Tốt nhất em về nhà anh nghỉ vài hôm cho khỏe rồi hãy về nhà". Sau mấy giây im lặng, cô gái khẽ gật đầu.

Tôi đưa cô về nhà tôi. Mẹ tôi mở toang cửa dù tôi chưa gọi cửa. "Nghe tiếng bước chân là mẹ đã biết con về rồi. Con đi với ai vậy?". "Đây là cô gái con gặp trên tàu. Cô ấy sốt cao. Con đưa cô ấy về nhà mình nghỉ vài hôm rồi mới về nhà được. Nhờ mẹ nấu cho con một bát cháo trứng". "Con cũng ăn chứ?". "Con có ốm đâu mà phải ăn cháo. Mẹ còn cơm nguội hay khoai lang luộc con ăn cũng được". "Không còn cơm nguội, cũng không còn khoai luộc. Thôi để mẹ thịt con gà, nấu nồi cháo rồi tất cả cùng ăn. Người ốm ăn cháo gà chóng lại sức lắm".

Lúc đó mới hơn 5 giờ sáng. Trạm xá xã chưa mở cửa. Tôi phải đến nhà ông y sĩ mời ông đến khám cho cô gái. Ông y sĩ đo huyết áp cho cô và hỏi: "Cô tên là gì?". "Dạ cháu tên là Giang". "Cô chỉ bị cảm thôi. Tôi tiêm cho cô một liều thuốc bổ và cho cô uống thuốc hạ sốt là đỡ ngay". Đúng là Giang hết sốt thật, nhưng người vẫn yếu.

Tôi nói với Giang: "Em ở đây vài hôm nữa, khi thật khỏe mới được về. Còn anh thì tối hôm nay đã phải lên tàu vào Quảng Bình rồi. Kỷ luật quân đội nghiêm lắm, anh không thể nấn ná được". "Nếu em muốn viết thư cho anh thì gửi theo địa chỉ nào?". "Đơn vị anh sang Lào rồi. Em cứ gửi thư về đây và nhờ mẹ anh chuyển cho anh sau". Chiều muộn hôm đó, tôi chia tay Giang để ra ga. Giang nắm tay tôi rất chặt, đôi mắt em đắm đuối như mắt thỏ. Tôi hôn vào đôi mắt ấy rồi hôn vào môi em. Có lẽ tình yêu của chúng tôi bắt đầu như vậy.

Những lá thư không được gửi

Năm 1974, tôi ra hậu phương để thẩm tra lý lịch mấy trường hợp chuẩn bị kết nạp Đảng. Tôi lại được về nhà vài ngày. Tôi nhìn thấy đầu giường mẹ tôi có một tập thư hơn 10 cái. Lá thư nào cũng có một câu phía dưới phong bì: "Nhờ bác chuyển cho anh Hoàng hộ cháu. Cháu cám ơn". Tôi hỏi mẹ: "Tại sao mẹ không chuyển những lá thư này cho con?". "Mẹ không chuyển vì con cần phải quên cô ấy đi. Cô Liên cùng xóm thường hay đến thăm mẹ. Thư con gửi về cô ấy đọc hộ rồi cũng cô ấy viết thư cho con hộ mẹ. Người rất ngoan, lại làm đồng rất giỏi". Mẹ tôi nói thế tức là bà đã chọn vợ cho tôi rồi.

Tôi bóc tất cả thư của Giang ra đọc. Những lá thư đầy ắp tình yêu. Thương nhất là lá thư cuối cùng. "Em viết cho anh trong bệnh xá ở Nam Lào. Nhà trường kêu gọi sinh viên tình nguyện ra chiến trường. Em xung phong đi ngay. Hễ có thương bệnh binh vào bệnh xá là em lại hỏi thăm về anh mà không ai biết cả. Sao ông trời lại bắt chúng ta phải xa nhau mãi thế. Nếu anh viết thư cho em thì gửi cho bố em và nhờ bố chuyển thư cho em. Bệnh xá có thể phải thay đổi địa điểm bất cứ lúc nào. Nhưng anh gửi cho bố em thì không sợ mất thư". Tôi viết liền 4 lá thư, gửi theo địa chỉ Giang viết. Những lá thư thời chiến mong manh lắm, thư đi ít có hồi âm.

Năm 1976, tôi ra học viện Chính trị tham gia một lớp đào tạo ngắn hạn. Nhớ lời Giang dặn, tôi lên thị trấn Đô Lương thăm thầy giáo Cử. Ông giáo tiếp tôi rất thân mật và cũng rất thật lòng. "Xin lỗi anh! Tôi nhận được 4 lá thư anh gửi cho Giang nhưng tôi không chuyển cho nó, vì nó đã có người yêu và sắp cưới rồi". Tôi về nhà, lòng nặng trĩu một nỗi buồn không tả được.

Bác sĩ của Học viện khám sức khỏe cho tôi trước khi nhập học và bảo: "Huyết áp của đồng chí tụt thấp quá. Ngày mai đồng chí về Bệnh viện 354 khám lại". Sáng hôm sau tôi vào Bệnh viện 354. Lúc đó phòng khám chưa làm việc nhưng trên bàn đã có một tập dày giấy giới thiệu. Tôi là người xếp hàng sau cùng, chắc còn rất lâu mới đến lượt mình. Tôi ra ngồi ở gốc cây chờ đợi, bỗng nghe tiếng gọi rất to: "Đồng chí Khánh Hoàng". Tôi chạy vào. Hóa ra bác sĩ phòng khám là Giang. Em ngước nhìn tôi, mắt đắm đuối như mắt thỏ. Em đo huyết áp, rồi nghe nhịp tim của tôi và nói: "Anh đi đường xa mệt và ăn uống không đầy đủ nên huyết áp tụt thôi. Về trường vài hôm sẽ trở lại bình thường. Em cấp cho anh một lọ thuốc bổ, mỗi ngày uống 4 viên". "Chả nhẽ chỉ thế thôi ư? Chúng ta xa nhau lâu quá rồi". "Anh đừng về vội. Đi chơi đâu đó đến trưa quay lại đây, chúng ta ăn trưa với nhau. Em cũng có nhiều điều phải nói với anh". Trưa hôm đó Giang đưa tôi đi ăn phở. Điều mà Giang nói khiến tôi rất buồn: "Em lấy chồng và đã có một con gái rồi. Em viết thư cho anh rất nhiều mà không có hồi âm". "Anh cũng viết thư cho em mà bố em không chuyển hộ. Tình yêu của chúng ta bị lưu lạc vì những lá thư không gửi". Tôi xa hẳn Giang từ đấy.

Xông pha nơi tuyến đầu chống dịch

Bây giờ tôi lại gặp đôi mắt của Giang qua bác sĩ Kim Oanh. Hơn hai chục ngày phong tỏa bệnh viện đối với tôi rất dài. Ngày nào tôi cũng mong hết phong tỏa để tôi đến gặp bác sĩ Kim Oanh và hỏi một câu: "Bác sĩ có phải là con gái mẹ Giang không?". Rồi bệnh viện hết phong tỏa, tôi đến tìm Oanh ngay. Đến trước mặt bác sĩ Kim Oanh, tôi hỏi: "Cô có phải là con gái mẹ Giang không?". "Bác là ai mà biết mẹ Giang?". "Tôi là Khánh Hoàng". "Trời ạ! Mẹ cháu rất hay kể về bác. Bà vẫn tìm đọc các bài viết của bác trên báo". "Mẹ cháu có khỏe không?". "Mẹ cháu khỏe. Bây giờ bà sống một mình. Bố cháu mất lâu rồi". Không làm mất thời gian của mọi người, Oanh ghi vội cho tôi số máy điện thoại của mẹ Giang. Tôi gọi ngay cho Giang khi còn ở hành lang bệnh viện. "Em khỏe không?". "Ai vậy?". "Anh Khánh Hoàng đây". "Trời ơi! Anh! Em mừng quá! Anh đến nhà em chơi đi". Từ đó, tôi và Giang thường xuyên gặp nhau, lúc thì cà phê tối, lúc thì ăn trưa.

Rồi bùng ra ổ dịch COVID-19 ở Đà Nẵng. Bộ Y tế cử các y, bác sĩ từ các bệnh viện lớn phía Bắc vào Đà Nẵng để dập dịch. Oanh có trong đội tình nguyện đó. Tôi hỏi Giang: "Con gái xông vào nơi tuyến đầu chống dịch, em có lo không?". "Lo chứ anh. Không ai nói mạnh với dịch bệnh được. Nhỡ bị lây chéo thì không biết tình hình sẽ như thế nào?". Tôi gọi cho Oanh: "Bác rất sốt ruột mà không biết làm gì để giúp cháu". "Cám ơn bác. Bác cứ thực hiện đúng như Bộ Y tế khuyến cáo là đã giúp đỡ chúng cháu rồi".

Rồi Đà Nẵng kiểm soát được ổ dịch. Oanh trở ra Hà Nội và phải cách ly thêm 14 ngày. Sau khi hết thời gian cách ly, tôi mua hoa đến đón Oanh. Chồng Oanh lái ô tô, còn Giang ngồi cạnh tôi. Thấy Oanh khỏe mạnh, tôi mừng lắm. "Xin chúc mừng người chiến sĩ từ tuyến đầu chống dịch trở về!". Giang ngước nhìn tôi, vẫn đôi mắt đắm đuối như mắt thỏ. "Mẹ Giang và bác Hoàng đứng cạnh nhau để con chụp một kiểu ảnh. Đứng sát hơn nữa. Bác Hoàng ôm eo mẹ cháu có được không? Thế là được rồi. Đẹp như cô dâu chú rể". Tôi nói với Oanh: "Chưa năm nào bác thấy ngành Y vất vả như năm 2020 này. Tất cả các bác sĩ đều đứng ở tuyến đầu chống dịch. Nhân dân cả nước biết ơn các bác sĩ nhiều lắm". "Chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu của chúng cháu mà bác. Nguy hiểm cũng phải làm. Nguy cơ mấy cũng phải xông lên. Nếu không, sao gọi là người thầy thuốc. Cháu đề nghị điều này: Hoặc là mẹ Giang đến sống với bác, hoặc là bác đến sống với mẹ cháu. Hai người xa nhau lâu quá rồi. Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông". Chồng Oanh mỉm cười, gật đầu: "Ý kiến của Oanh rất tuyệt vời. Bây giờ hai ông bà phải sống bù những ngày xa cách". Giang cũng mỉm cười, ngước mắt nhìn tôi. Đôi mắt đắm đuối như mắt thỏ - đôi mắt mà tôi đã nhớ cả một đời.

Khánh Hoàng

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
"Bao Thanh Thiên" Lục Nghị: Sở hữu chục triệu USD, hạnh phúc bên tình đầu

"Bao Thanh Thiên" Lục Nghị: Sở hữu chục triệu USD, hạnh phúc bên tình đầu

Giải trí - 3 giờ trước

Với người hâm mộ, nam diễn viên Trung Quốc Lục Nghị là một ngôi sao kiểu mẫu khi có trong tay một sự nghiệp rực rỡ, khối tài sản đáng nể và gia đình ngập tràn hạnh phúc.

"Búp bê màn ảnh Trung Quốc" được khen xinh đẹp nhưng không nên... hát

"Búp bê màn ảnh Trung Quốc" được khen xinh đẹp nhưng không nên... hát

Giải trí - 7 giờ trước

Sở hữu lợi thế là ngoại hình xinh đẹp, trong trẻo, nhưng nữ diễn viên Trung Quốc Trương Dư Hi lại đối mặt với làn sóng phản đối khi góp mặt tại chương trình "Đạp gió 2024" vì khả năng ca hát hạn chế.

Midu ở tuổi 35: Được gọi là "phú bà" sống sang chảnh, sắp lấy chồng đại gia

Midu ở tuổi 35: Được gọi là "phú bà" sống sang chảnh, sắp lấy chồng đại gia

Giải trí - 17 giờ trước

Cuộc sống Midu được nhiều khán giả ngưỡng mộ. Cô có sự nghiệp thành công, cuộc sống sang chảnh và chồng sắp cưới được đồn đoán là doanh nhân thành đạt.

Nữ chính U80 của 'Lật mặt 7' tiết lộ catse 'chưa từng có'

Nữ chính U80 của 'Lật mặt 7' tiết lộ catse 'chưa từng có'

Giải trí - 18 giờ trước

GĐXH - "Thù lao có thể không cao so với người khác nhưng đây chính là catse cao nhất với tôi tính đến hiện tại”, diễn viên Thanh Hiền chia sẻ.

Hoa hậu Đền Hùng Giáng My khoe vóc dáng tuổi ngoài 50, ngồi 'ghế nóng' cuộc thi nhan sắc

Hoa hậu Đền Hùng Giáng My khoe vóc dáng tuổi ngoài 50, ngồi 'ghế nóng' cuộc thi nhan sắc

Xem - nghe - đọc - 18 giờ trước

GĐXH - Giáng My mới đây đã xuất hiện tại cuộc họp báo "Hoa hậu Du lịch Việt Nam" 2024. Nhan sắc tuổi 53 của chị gây chú ý.

Hôn nhân đời thực của em gái Cẩm Ly: Lấy chồng Việt kiều, 24 năm không con cái

Hôn nhân đời thực của em gái Cẩm Ly: Lấy chồng Việt kiều, 24 năm không con cái

Giải trí - 19 giờ trước

GĐXH - Minh Tuyết và chồng doanh nhân Việt kiều là cặp đôi nổi tiếng trong làng giải trí bởi cuộc hôn nhân hạnh phúc.

Huỳnh Anh Tuấn giới thiệu mỹ nhân U60 là vợ, còn đưa về quê nấu ăn ở chòi lá: Hóa ra là "hoa hậu" màn ảnh một thời

Huỳnh Anh Tuấn giới thiệu mỹ nhân U60 là vợ, còn đưa về quê nấu ăn ở chòi lá: Hóa ra là "hoa hậu" màn ảnh một thời

Giải trí - 20 giờ trước

Những clip nấu ăn ở quê của Huỳnh Anh Tuấn và Khánh Huyền nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả.

Nghệ sĩ Trà My, Thanh Thanh Hiền trao yêu thương cho bệnh nhân

Nghệ sĩ Trà My, Thanh Thanh Hiền trao yêu thương cho bệnh nhân

Giải trí - 22 giờ trước

GĐXH - Chiều 26/4/2024, Trà My cùng các nghệ sĩ đã tham gia chương trình "Trao yêu thương 3" tại bệnh viện. Ngoài việc mang lời ca tiếng hát, chương trình còn tặng những phần quà ý nghĩa cho người bệnh đang điều trị.

2 nam NSND trải qua nhiều mối tình, đời vợ, tuổi xế chiều lại sống cảnh một mình

2 nam NSND trải qua nhiều mối tình, đời vợ, tuổi xế chiều lại sống cảnh một mình

Giải trí - 23 giờ trước

NSND Trần Nhượng và NSND Việt Anh đều lận đận trong chuyện tình cảm. Khi về già, họ chọn sống một mình.

Trương Minh Cường tái xuất sau thời gian dài bị trầm cảm trong phim mới của Lý Hải

Trương Minh Cường tái xuất sau thời gian dài bị trầm cảm trong phim mới của Lý Hải

Giải trí - 23 giờ trước

GĐXH - Diễn viên Trương Minh Cường về Việt Nam đóng 'Lật mặt 7: Một điều ước' sau thời gian dài trầm cảm và 12 năm không đóng phim.

Top