Hơn nửa thế kỉ kể từ ngày Bác về thăm đảo, Cô Tô hôm nay đã có những đổi thay, chuyển mình rõ rệt, xứng đáng với lời căn dặn của Bác: "Thủ đô Hà Nội tuy xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết, cố gắng và tiến bộ”.
Tượng đài Bác Hồ trên đảo Cô Tô |
Bức tranh mới trên đảo
Xuất phát từ Hạ Long, sau gần hai giờ đồng hồ, chúng tôi đã đặt chân đến huyện đảo Cô Tô. Cảm nhận đầu tiên là hình ảnh một thị trấn sôi động với nhiều đổi thay, chuyển mình, các phương tiện chở khách xếp thành hàng trên cầu tàu đón khách, là những dãy nhà, cửa hàng, nhà nghỉ dọc theo con đường vào trung tâm thị trấn khoác lên mình thị trấn nhỏ của huyện đảo tiền tiêu này một diện mạo mới cùng với nhịp điệu của cuộc sống hiện đại đô thị.
Diện mạo Cô Tô thay đổi từng ngày |
Ở Cô Tô bây giờ mọi sinh hoạt của người dân và du khách đã được cải thiện đáng kể, từ năm 2012, huyện đã đầu tư nâng cấp hệ thống máy phát, tăng giờ phát điện từ 12 giờ lên 23 giờ mỗi ngày. Tháng 11/2012, Dự án đưa điện lưới quốc gia ra huyện đảo với tổng kinh phí đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng đã chính thức được khởi công. Đường điện này khi hoàn thành sẽ mang lại cho huyện đảo rất nhiều lợi thế trong phát triển KT-XH cũng như nâng cao đời sống sinh hoạt của nhân dân trên đảo. Cô Tô cũng đã qua cơn khát nước ngọt, khi cuối năm 2012 hồ chứa nước Trường Xuân có dung tích chứa 170.000m3 chính thức đưa vào sử dụng. Cùng với việc nâng cấp, xây dựng mới các hồ chứa nước trên đảo Thanh Lân là Chiến Thắng 2 thì đến đầu năm 2013 đã cơ bản giải quyết được vấn đề nước ngọt phục vụ sinh hoạt người dân trên đảo.
Hồ chứa nước Trường Xuân đưa vào sử dụng giải quyết vấn đề nước ngọt cho người dân trên đảo. |
Cùng với điện và nước ngọt, vấn đề kết nối giao thông giữa đảo với đất liền cũng được huyện Cô Tô tập trung giải quyết. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, trang bị các đội tàu cao tốc vận tải hành khách chất lượng cao hoạt động, rút ngắn hành trình từ đảo với đất liền từ 4 đến 5 giờ trước đây xuống còn gần 2 giờ, và tới đây chỉ còn hơn 1 giờ.
Hành trình từ đất liền ra đảo bằng tàu cao tốc chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ. |
Bác Lê Xuân Thanh, ở khu 3, thị trấn Cô Tô cho biết: “So với những năm trước đây, hiện nay Cô Tô như có sự “lột xác”, cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, hiện đại, người dân chúng tôi như cảm thấy như không còn khoảng cách với đất liền nữa. Cả cuộc đời tôi chắc sẽ gắn với mảnh đất này”.
Bên cạnh đó, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc Bộ đã được đầu tư xây dựng trên đảo và phát huy hiệu quả tích cực. Nơi đây có thể đón hơn 400 tàu có công suất 600CV vào tránh trú bão an toàn. Nhờ sự đầu tư này đã từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và khách du lịch, nhất là trong dịp lễ tết và mùa du lịch hè.
Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc Bộ |
Một khó khăn trước đây của Cô Tô là giáo dục đã được khắc phục. Cơ sở vật chất về giáo dục được đầu tư đồng bộ khang trang từ trường lớp đến chất lượng đào tạo. Năm 2012 là năm ghi nhận nhiều niềm vui nhất của giáo dục Cô Tô với số lượng học sinh thi đỗ vào đại học, cao đẳng cao nhất từ trước đến nay và cũng là năm đầu tiên Cô Tô có học sinh thi đạt giải nhất cấp tỉnh. Toàn huyện có 4 trường đạt chuẩn quốc gia và đang phấn đấu năm 2013 có 100% các trường đạt chuẩn quốc gia. Để từng bước thực hiện chính quyền điện tử, huyện đã hỗ trợ cho hơn 500 cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên với mức 3 triệu đồng/người để mua máy tính bảng, máy tính xách tay, từng bước thực hiện việc trao đổi thông tin, phát hành văn bản qua hệ thống cổng thông tin điện tử và hộp thư công vụ.
Các cơ sở giáo dục trên đảo được đầu tư khang trang, hiện đại |
Ông Nguyễn Đức Thành, Bí thư – Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho chúng tôi biết, hiện nay ở Cô Tô, đường thôn, ngõ xóm đều đã được nhựa hoá, bê tông hoá với sự vào cuộc tích cực của nhân dân. “Có những công trình trị giá đến 5 tỷ đồng nhưng đã được xây dựng 100% bằng nguồn vốn thông qua xã hội hoá.", ông Thành tự hào nói về nhiệt tình đóng góp của người dân, doanh nghiệp với đảo.
Phát triển du lịch đang là thế mạnh của Cô Tô. Năm 2012, Cô Tô đón một lượng khách du lịch kỷ lục, 35.000 lượt khách, tăng gấp bốn lần năm 2011 và 10 lần so với năm 2010. Con số doanh thu từ du lịch gần 40 tỷ đồng là rất ấn tượng đối với một đảo nhỏ xa xôi có chưa đầy 6.000 người. Giờ đây, cái tên Cô Tô không còn xa lạ đối với khách du lịch như trước đây nữa, nhất là đối với các bạn trẻ. Du khách đến Cô Tô không chỉ ấn tượng với vẻ đẹp hoang sơ, vẹn nguyên của thiên nhiên vùng biển đảo này mà còn rất ấn tượng với sự thân thiện của người dân, sự quản lý hoạt động du lịch tuy rất mới mẻ nhưng bài bản của chính quyền huyện đảo.
Anh Vũ Thanh Minh, một trong những người làm du lịch đầu tiên trên đảo Cô Tô cho biết, ngay từ năm 2007, 2008 đã ra đảo khảo sát, tìm hiểu để có sự định hướng đầu tư. Lúc đầu anh và một số bạn bè chỉ đầu tư mang tính nhỏ lẻ như các khu tổ chức picnic ngoài trời, thiết kết các trang website để quảng bá, giới thiệu. Năm 2010 thì mạnh dạn đầu tư xây dựng khách sạn tiêu chuẩn để đón khách. “Hiện nay chúng tôi đang đầu tư xây dựng các nhà nghỉ tiêu chuẩn nhưng nằm trong khu dân cư để du khách vẫn được sống gần với người dân (homestay), được trải nghiệm với cuộc sống của họ nhưng vẫn đảm bảo các dịch vụ, tiện nghi tiêu chuẩn”, anh Minh phấn khởi nói.
Phong cảnh đẹp, thơ mộng là lợi thế thu hút du khách đến với Cô Tô |
Một điều chắc chắn sẽ làm khách đến Cô Tô ngỡ ngàng là, ở đây, sóng wifi lúc nào cũng “đầy”, truy cập, download thoải mái...Hỏi anh Nguyễn Đức Thành được biết Cô Tô là hòn đảo phủ sóng Wifi đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh và cả nước, chỉ có kết nối thông tin như thế thì nhân dân mới không lạc hậu, khoảng cách giữa đất liền với đảo được gần hơn.
Vững chắc nơi địa đầu vùng Đông Bắc
Đến thăm Đồn Biên phòng Cô Tô, đồn có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ an ninh biên giới vùng biển trải dài gần 40 cây số. Những năm qua, tình hình an ninh - trật tự trên địa bàn có nhiều diễn biến phức tạp. Tình trạng tàu thuyền nước ngoài lợi dụng công suất lớn, đêm tối và thời tiết không thuận lợi để xâm nhập đánh bắt hải sản. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, các cán bộ, chiến sĩ của Đồn phải thường xuyên duy trì chế độ thường trực sẵn sàng chiến đấu, bố trí lực lượng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên khu vực đường biên giới biển và các địa bàn trọng điểm.
Xác định "biên giới lòng dân là biên giới vững chắc nhất", các cán bộ, chiến sĩ của đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cô Tô thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp vận động nhân dân theo phương châm "ba bám, bốn cùng". Tham gia xây dựng cơ sở chính trị; tranh thủ những người có uy tín làm nòng cốt cho công tác vận động quần chúng, đồng thời triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân trên địa bàn đóng quân.
Một buổi tuần tra của các chiến sĩ Đồn biên phòng Cô Tô |
Cách Đảo Cô Tô lớn khoảng hơn 20 phút đi tàu là Bến cảng Chiến Thắng thuộc đảo Thanh Lân, đây là nơi ra vào thường xuyên của hàng trăm tàu thuyền thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Bình, Nam Định... Vì thế, việc bảo đảm an ninh - trật tự tại khu vực này luôn được các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Lân đặt lên hàng đầu. Từ cuối năm 2010 đến nay, Đồn Biên phòng Thanh Lân đã phối hợp cùng với chính quyền địa phương xây dựng mô hình tự quản tại bến cảng Chiến Thắng và thành lập 10 tổ tàu đánh bắt tự quản trên biển nhằm sắp xếp lại trật tự neo đậu của các tàu thuyền; duy trì an ninh trật tự, đồng thời tổ chức tuyên truyền cho ngư dân trong và ngoài tỉnh về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong khai thác thủy, hải sản và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Các tàu về tập trung tại bến Thanh Lân |
Chúng tôi rời Cô Tô mà còn nuối tiếc vì thời gian trên đảo quá ít ỏi để có thể khám phá, tìm hiểu. Hơn nửa thế kỉ đã qua, lời của Bác luôn là niềm tin soi đường cho huyện đảo vươn lên cùng đất nước. Chắc chắn rằng, trong một ngày không xa nữa, Cô Tô sẽ tiếp tục phát triển đi lên xứng với tiềm năng của đảo nơi địa đầu vùng Đông Bắc.
Minh Hải