Hà Nội
23°C / 22-25°C

Đừng để bác sĩ liên tục bị “bạo hành” cả thể xác lẫn tinh thần

Thứ tư, 15:00 18/04/2018 | Y tế

GiadinhNet - Chỉ 2 tuần đầu tháng 4/2018, trên cả nước đã có 3 vụ người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế, có bác sĩ đã phải “theo dõi chấn thương sọ não” sau khi bị tấn công. Những vụ việc này, một lần nữa khiến giới y khoa cả nước phẫn nộ, khẩn thiết yêu cầu một môi trường “được làm việc tử tế với những người tử tế”.


Bác sĩ V.H.C (BVĐK Xanh Pôn) bị người nhà bệnh nhi tấn công khi đang trao đổi hướng xử lý vết thương cho bệnh nhân, đêm 13/4 (ảnh trích xuất camera bệnh viện).

Bác sĩ V.H.C (BVĐK Xanh Pôn) bị người nhà bệnh nhi tấn công khi đang trao đổi hướng xử lý vết thương cho bệnh nhân, đêm 13/4 (ảnh trích xuất camera bệnh viện).

2 tuần, 3 vụ hành hung bác sĩ

Ngày 16/4, gần 3 ngày sau khi bị người nhà bệnh nhi tấn công, đấm thẳng vào mặt, bác sĩ V.H.C (29 tuổi, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, BVĐK Xanh Pôn Hà Nội) vẫn chưa hết sốc. Anh hiện đang được BVĐK Xanh Pôn, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ cho nghỉ phép để ổn định tinh thần, sức khỏe.

Trước đó, khoảng 23h30 đêm 13/4, khi đang bàn bạc với bố bệnh nhân về hướng xử lý vết thương trên thái dương của em bé 7 tuổi, bác sĩ V.H.C bất ngờ bị người đàn ông này tấn công vào mặt. Bị bất ngờ, vị bác sĩ trẻ có tiếng hiền lành này chỉ biết ôm đầu, ôm mặt. Đáng nói, không chỉ đánh bác sĩ, ông bố bệnh nhi này còn rút tiền đặt lên bàn tạo “hiện trường giả” phải lót tay bác sĩ. Vụ tấn công không gây thương tích đáng kể cho vị bác sĩ trẻ, nhưng để lại di chứng tinh thần rất rõ.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội sáng 16/4, một lãnh đạo Công an phường Điện Biên, (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công an phường đã xuống hiện trường, lập hồ sơ ban đầu, mời đối tượng về trụ sở cơ quan công an làm việc. Hiện hồ sơ vụ việc đã được chuyển lên Cơ quan điều tra cấp quận. Xác nhận với PV, đại diện Công an quận Ba Đình cho biết, vụ việc đang được Đội Điều tra tổng hợp công an quận này điều tra, làm rõ.

Chỉ trong 2 tuần (từ 31/3-14/4), cả nước xảy ra 3 vụ người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ. Các sự việc xảy ra ở cả bệnh viện hạng I tại Thủ đô (ở BVĐK Xanh Pôn), bệnh viện ở địa phương (BVĐK Hà Tĩnh ngày 8/4 và BVĐK tỉnh Bắc Kạn 31/3). Trước đó, “thống kê" chưa đầy đủ của Bộ Y tế cho thấy, từ năm 2010 đến đầu năm 2017 có 22 vụ bạo hành cán bộ y tế, trung bình 3 vụ/năm. Nhưng một thống kê khác của ngành Công an, năm 2017 xảy ra 25 vụ bác sĩ bị hành hung, gây thương tích tại các cơ sở y tế như: Ngày 11/4/2017, tại Tây Ninh, người nhà bệnh nhân sau khi dùng ma tuý tổng hợp đã tấn công bác sĩ đang điều trị cho bố nuôi. Tiếp đó, ngày 16/4, tại BVĐK huyện Thạch Thất (Hà Nội), BS Lê Quang Dương bị bố bệnh nhi đập cốc thuỷ tinh vào đầu gây chấn thương, chảy máu. Cũng trong tháng 4/2017, sinh viên thực tập tại BVĐK Thái Nguyên bị người nhà bệnh nhân đấm liên tiếp vào mặt khi đang chuyển bệnh nhân bị tai nạn đi chiếu chụp.

Đúng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2017, chị Trần Thị Thanh Hải, Phó Trưởng trạm Y tế xã Hương Lâm (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đang trong ca trực bị chém nhiều nhát vào người, khiến chị bị đa chấn thương. 3 ngày sau, BS Trần Thanh Sơn đang làm nhiệm vụ cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) đã bị người nhà bệnh nhân xông vào đánh đến bất tỉnh, chảy máu vùng mặt và phải cấp cứu. Tối ngày 25/12, BS Đỗ Chính Nghĩa - Trung tâm Cấp cứu 115 Thái Bình trong khi làm nhiệm vụ cấp cứu bệnh nhân vụ tai nạn giao thông tại huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) đã bị người nhà bệnh nhân đấm liên tục vào mắt làm gãy xương sống mũi, xước giác mạc, chấn thương sưng nề mặt vùng mắt trái, vùng trán.

Đến năm 2018, các vụ việc hành hung bác sĩ xảy ra với tần suất dày hơn. Ngày mùng 5 Tết Mậu Tuất (20/2/2018), hai bác sĩ Phạm Hải Ninh và Hoàng Đức Trung của Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái sau khi mổ đẻ thành công cho một sản phụ đã bị chính chồng sản phụ này hành hung dã man, chấn thương đầu, có bác sĩ bị khâu tới 20 mũi. Tại Lâm Đồng, từ đầu năm đến nay cũng liên tục xảy ra các vụ tấn công, hành hung bác sĩ.

Hình phạt quá nhẹ nên “nhờn”

Điểm danh lại các vụ việc để thấy tần suất và mức độ “manh động” của người nhà bệnh nhân ngày càng phức tạp. Nhưng điều đáng nói hơn, là sau những vụ việc đó, các đối tượng hành hung, tấn công bác sĩ đã bị cơ quan chức năng xử lý như thế nào?

Trên thực tế, cơ quan chức năng đã vào cuộc, xử lý các vụ việc (triệu tập đối tượng, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tam giam để điều tra…). Tuy nhiên, quá trình điều tra các vụ việc “cố ý gây thương tích” cho các bác sĩ, nhân viên y tế bị hành hung hay gây rối trật tự lại phức tạp do nhiều yếu tố, quy định của Luật (liên quan đến tỷ lệ thương tích, các bị hại sau khi bị hành hung do nhiều nguyên nhân nên “ngại” tố cáo…). Các vụ việc được đưa ra xét xử hiện chưa nhiều so với tỷ lệ những vụ bạo hành bác sĩ. Mới đây nhất, ngày 11/4, TAND TP Đồng Hới (Quảng Bình) mở phiên tòa hình sự xét xử sơ thẩm đối với 3 đối tượng hành hung bác sĩ ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) vào ngày 23/10/2017. Ba bị cáo trong vụ án này bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” và “Gây rối trật tự công cộng” khi đánh BS Trần Văn Sơn (Phó Trưởng khoa Cấp cứu) thương tích tới 25% và một người khác bị thương tới 55%. HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Minh Hải (SN 1995) 7 năm 6 tháng tù giam, Nguyễn Trung Thông (SN 1984) 5 năm 6 tháng tù giam và Phan Hoàng Diệu (SN 1991) 5 năm 6 tháng tù.

Trước đó, ngày 3/8/2017, TAND huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã tuyên phạt bị cáo Cấn Ngọc Giang 9 tháng tù giam tội “Cố ý gây thương tích”, do dùng cốc hành hung khiến bác sĩ Lê Quang Dương của BVĐK huyện Thạch Thất phải khâu 7 mũi (vào ngày 16/4/2017).

Giới y khoa phẫn nộ

Sự việc bác sĩ trẻ ở BVĐK Xanh Pôn bị hành hung đã trở thành “giọt nước tràn ly” khiến giới y khoa phẫn nộ, bất bình. Không bất bình sao được khi môi trường y tế đang thật sự bất an. Bởi từ năm 2017 đến nay, cứ vài tuần, vài tháng “được yên”, giới y khoa cả nước lại tiếp tục bị “tra tấn về tinh thần” khi ở một nơi nào đó, lại có bác sĩ bị hành hung.

Sau khi vụ việc xảy ra, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Đại biểu Quốc hội, đồng thời là Phó Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội bày tỏ trên trang cá nhân của mình: “Chắc cần một hiệu ứng mạnh hơn cho một xã hội rất đặc biệt này, như một cú "sốc điện" mà chúng tôi phải sử dụng khi tính mạng người bệnh ngàn cân treo sợi tóc. Tôi tự hỏi, vào một ngày đẹp trời sẽ có bao nhiêu người nắm tay nhau trên đường để bảo vệ một môi trường y tế bình an?”. “Tâm tư” của vị bác sĩ tim mạch nổi tiếng ngay lập tức được hàng nghìn người đồng tình, chia sẻ. BS Ngô Hùng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng “cần phải có khung hình phạt thích đáng cho những kẻ hành hung bác sĩ”.

Một bác sĩ khác là lãnh đạo Khoa Phẫu thuật thần kinh (BVĐK Xanh Pôn), người cũng từng bị người nhà bệnh nhân “đe doạ bằng cách dí súng vào đầu” đã “chính thức đề nghị” Ban Giám đốc Bệnh viện tiến hành những thủ tục pháp lý cần thiết để bảo vệ trật tự của Bệnh viện, và trên hết đó là sự an toàn của các nhân viên y tế Bệnh viện khi đang thực hiện nhiệm vụ. “Hãy để Bệnh viện là nơi chúng tôi có được sự hứng khởi trong làm việc, là nơi chúng tôi có thể cống hiến sức lực và tâm trí cho công việc của mình.Hãy để Bệnh viện là nơi chúng tôi được làm việc tử tế với những người tử tế”, vị bác sĩ này nói.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu từng cho rằng, tình hình bạo hành diễn ra là một nỗi đau mang tới tâm lý bất an và những hậu quả nặng nề với nhân viên y tế. Nó không chỉ ảnh hưởng tới bản thân người bệnh mà còn ảnh hưởng tới hầu hết các bệnh nhân/người nhà bệnh nhân khác.

Đến nay mặc dù có nhiều biện pháp từ Bộ Y tế, những thay đổi trong Bộ Luật Hình sự được đưa ra, nhưng dường như các vụ bạo hành, tấn công nhân viên y tế không có dấu hiệu thuyên giảm, nếu không muốn nói là đang tăng nhanh. PGS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, nhiều biện pháp (tuyên truyền, xử phạt) chưa đạt hiệu quả. Thậm chí, từng có nơi, có người đề xuất “kế sách” cho nhân viên y tế đi học võ, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, biện pháp này không khả thi vì rất lâu và nguy hiểm. Bởi nếu không may đánh trả gây thương tích, dù là tự vệ cũng khiến nhân viên y tế rơi vào vòng lao lí. Với giải pháp tăng cường lực lượng bảo vệ ở các bệnh viện thì không phải bệnh viện nào cũng có điều kiện để làm, đặc biệt là các bệnh viện tuyến dưới.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhận thấy, hầu hết các vụ tấn công bác sĩ đều là đánh trộm, hoặc đánh khi bác sĩ không chủ động đề phòng, thường là khi họ đang làm nhiệm vụ khám chữa bệnh/cấp cứu. Vị Đại biểu Quốc hội này đề xuất ý tưởng, giải pháp “Khoảng cách một cánh tay” để ngăn bạo hành bác sĩ. Nguyên tắc này đã được các nước phương Tây áp dụng từ rất lâu. Đây là khoảng cách riêng tư, an toàn cho mỗi thầy thuốc khi giao tiếp với người nhà bệnh nhân/bệnh nhân. Với khoảng cách 1 cánh tay, trong trường hợp bị tấn công, bác sĩ có thể lùi lại, hoặc tránh được.

TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở Y tế đã chỉ đạo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương làm rõ sự việc. TS Nguyễn Khắc Hiền cũng đã trực tiếp chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tổ chức thăm hỏi động viên; quan tâm công tác điều trị phục hồi sức khỏe và tâm lý cho bác sĩ của bệnh viện bị người nhà người bệnh hành hung trong khi đang làm nhiệm vụ. Mặt khác, bệnh viện phối hợp với cơ quan công an địa phương điều tra xác minh, làm rõ vụ việc và xử lý theo quy định của pháp luật. Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn rà soát tất cả các khoa, phòng chức năng nhằm tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc ngành nghiêm túc triển khai Chỉ thị 03/CT-BYT ngày 19-5-2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện.

Quỳnh An

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Ăn thịt chó bị đánh bả, 8 người phải nhập viện

Ăn thịt chó bị đánh bả, 8 người phải nhập viện

Y tế - 1 ngày trước

Sau khi ăn thịt một con chó bị đánh bả, 8 người dân tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) có biểu hiện sốt, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy phải nhập viên cấp cứu.

Thanh niên 32 tuổi ở Vĩnh Phúc bị nhồi máu cơ tim vì làm điều này khi tập thể thao

Thanh niên 32 tuổi ở Vĩnh Phúc bị nhồi máu cơ tim vì làm điều này khi tập thể thao

Y tế - 1 ngày trước

GĐXH - Huấn luyện viên thể hình 32 tuổi nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở, vã mồ hôi… Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ bệnh viện E nhận thấy ở người bệnh có những triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim cấp.

Tai nạn bất ngờ trong vườn nhà khiến người đàn ông trẻ 'chạy không kịp'

Tai nạn bất ngờ trong vườn nhà khiến người đàn ông trẻ 'chạy không kịp'

Y tế - 1 ngày trước

Nam thanh niên 23 tuổi nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau đớn, mất vận động đùi trái, xương đùi vỡ nát thành nhiều mảnh sau khi bị cây đổ đè trúng.

Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn

Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn

Y tế - 1 ngày trước

Trong lúc bố mẹ vắng nhà, 2 anh em ruột ở Đắk Lắk đã bắt cóc làm thịt. Sau khi ăn xong, cả hai đều bị ngộ độc, người anh tử vong còn em gái đang nguy kịch.

Sốt cao liên tục, người đàn ông 36 tuổi nguy kịch vì căn bệnh nguy hiểm này

Sốt cao liên tục, người đàn ông 36 tuổi nguy kịch vì căn bệnh nguy hiểm này

Y tế - 1 ngày trước

GĐXH - Bệnh nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với đất và nước ô nhiễm đã tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh Whitmore.

Vi phẫu tạo hình cho bé trai 11 tuổi bị pháo nổ làm vỡ hàm, mất môi và những ca tổn thương nặng vùng hàm mặt

Vi phẫu tạo hình cho bé trai 11 tuổi bị pháo nổ làm vỡ hàm, mất môi và những ca tổn thương nặng vùng hàm mặt

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH - Đây là ca bệnh đặc biệt và nhỏ tuổi nhất được thăm khám tại chương trình Phẫu thuật vi phẫu quốc tế được tổ chức thực hiện tại Bệnh viện E.

Nam thanh niên 26 tuổi vào viện tâm thần 2 lần vì sở thích nguy hiểm

Nam thanh niên 26 tuổi vào viện tâm thần 2 lần vì sở thích nguy hiểm

Y tế - 2 ngày trước

Nam thanh niên 26 tuổi phải vào viện tâm thần 2 lần do thường xuyên hút thuốc lá điện tử pha với cần sa.

Người phụ nữ 41 tuổi ở Phú Thọ vỡ tử cung nguy kịch khi mang thai lần 2

Người phụ nữ 41 tuổi ở Phú Thọ vỡ tử cung nguy kịch khi mang thai lần 2

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH – Tại bệnh viện, bệnh nhân có biểu hiện choáng, sắc mặt tái nhợt, tim thai giảm thấp, huyết áp không đo được.

Cụ ông mất nửa lượng máu trong cơ thể do mắc sốt xuất huyết

Cụ ông mất nửa lượng máu trong cơ thể do mắc sốt xuất huyết

Y tế - 3 ngày trước

GĐXH – Ở ngày thứ 6 của sốt xuất huyết, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như sốt cao 39°C, tiểu cầu giảm sâu, xuất huyết tiêu hóa lượng lớn.

Sốt cao không dứt, người đàn ông đi khám phát hiện mắc bệnh Whitmore

Sốt cao không dứt, người đàn ông đi khám phát hiện mắc bệnh Whitmore

Y tế - 4 ngày trước

Sốt cao, mua thuốc uống không đỡ, anh T. nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, xác định dương tính với Whitmore.

Top