Hà Nội
23°C / 22-25°C

Lai Châu: Chạm mặt “vàng tặc”, hé lộ báo cáo “ma”!

Thứ sáu, 08:34 27/11/2015 | Xã hội

GiadinhNet - Việc khai thác vàng trái phép ở xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đang diễn ra suốt ngày đêm. Tiếng nổ mìn inh ỏi cả một vùng, không ít ngọn đồi bị đào bới, sông suối bị vùi lấp nhưng nhiều cán bộ chính quyền từ tỉnh, huyện đến xã vẫn khẳng định… không hề có việc đó?!

 

Theo lời người dân địa phương, từ lâu con suối nay đã bị đục bẩn và nghi nhiễm độc do nguồn nước ở các mỏ vàng chảy ra. Ảnh: Cao Tuân
Theo lời người dân địa phương, từ lâu con suối nay đã bị đục bẩn và nghi nhiễm độc do nguồn nước ở các mỏ vàng chảy ra. Ảnh: Cao Tuân

 

Cán bộ khẳng định đã ra tay “dẹp hết”

Theo một số tài liệu địa chất, Lai Châu là địa phương có trữ lượng vàng rất lớn. Vài năm trước, từng rộ lên thông tin, khu vực xã Can Hồ, huyện Mường Tè có “kho vàng” lên đến hơn 2 tấn, nằm sâu trong lòng đất. Có lẽ vì thế mà rất nhiều doanh nghiệp đã  xếp hàng xin được cấp phép khai thác vàng ở nơi này.

Tuy nhiên, khi không được cấp phép chính thức, một số người vẫn tìm mọi cách khai thác trái phép. Thời điểm tháng 7/2013, phóng viên đến đây ghi nhận thấy vô số lán trại phục vụ khai thác được dựng lên ngay dưới chân taluy cao hàng chục mét dọc tuyến đường tránh ngập 127 - một công trình trọng điểm Quốc gia. Bên trong lán trại, một hệ thống đường hầm đã được đào thẳng từ chân taluy, sâu vào bên trong gần 25m. Cuối đoạn đường hầm này là hệ thống nhánh xương cá sang hai bên đang được đào bới để khai thác vàng.

Sự việc thời đó rầm rộ đến mức UBND tỉnh Lai Châu phải lập tổ công tác kiểm tra, giải tỏa nhiều khu vực khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Đến ngày 21/11/2013, ông Nguyễn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – người chủ trì cuộc họp đã khẳng định: Tình trạng khai thác trái phép khoáng sản trên địa bàn đã được kiểm soát.

Vị Phó chủ tịch tỉnh này cũng nhấn mạnh là đã chỉ đạo UBND huyện Mường Tè kiểm tra, lập biên bản đối với các cá nhân khai thác vàng trái phép ở các khu vực bản Nậm Hạ A, xã Can Hồ. Biết tin này, người dân Hà Nhì sống dọc Tỉnh lộ 127 mừng vui hết sức. Họ không còn lo sợ hiểm họa sạt lở khủng khiếp trong tương lai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông, môi trường, đất canh tác cũng như cuộc sống thường nhật.

Đúng hai năm sau, tháng 11/2015, PV Báo GĐ&XH có dịp trở lại Mường Tè. Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Trường Giang, Chánh văn phòng UBND huyện Mường Tè tự tin khẳng định: “Cả năm nay, địa phương không còn tình trạng khai thác vàng trái phép”.

Như để minh chứng cho lời nói của mình, vị Chánh văn phòng giới thiệu chúng tôi sang gặp ông Nguyễn Khánh Yên, Trưởng phòng TNMT của huyện để nắm số liệu. Những văn bản chúng tôi có được là công tác kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Mường Tè luôn được tăng cường. Từ tỉnh đến huyện quan tâm, những văn bản chỉ đạo ngày càng nhiều. Khi hỏi về khu vực xã Can Hồ - nơi cách đây 2 năm “vàng tặc” phá nát từng khúc sông, lòng suối, ông Nguyễn Khánh Yên cho hay: “Tại xã Can Hồ những doanh nghiệp, cá nhân khai thác vàng trái phép đã bị xử lý, trục xuất ra khỏi địa bàn. Hiện nay, toàn huyện cũng không có doanh nghiệp, tổ chức nào được cấp phép khai thác vàng. Các anh cứ an tâm”.

Quả thật, nếu đọc những văn bản, báo cáo của huyện Mường Tè thì thấy không có vấn đề gì. Nhưng trước thông tin mà người dân “rỉ tai”, chúng tôi về Can Hồ xem thực hư thế nào!.

Dân kêu váng óc vì “vàng tặc” nổ mìn

 

Nhiều điểm khai thác vàng trái phép đang diễn ra ngang nhiên nhưng ông Lý Trà Lối, chủ tịch UBND xã Can Hồ vẫn khẳng định là không có (?). Ảnh: Cao Tuân.
Nhiều điểm khai thác vàng trái phép đang diễn ra ngang nhiên nhưng ông Lý Trà Lối, chủ tịch UBND xã Can Hồ vẫn khẳng định là không có (?). Ảnh: Cao Tuân.

 

Con đường đến Can Hồ một bên là dốc núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm khiến chúng tôi phải vừa đi xe máy, lúc dắt bộ cho an toàn. Đến xã Can Hồ, ông Đặng Thế Hùng, Bí thư Đảng ủy xã quả quyết rằng: “Từ năm 2013, tỉnh, huyện và xã đã phối hợp xử phạt, trục xuất các doanh nghiệp khai thác vàng trái phép ra khỏi địa bàn. Giờ thì không còn tình trạng này nữa. Mà bây giờ nước lòng hồ đã ngập, có muốn khai thác vàng cũng bất lực”.

Còn ông Lý Trà Lối, Chủ tịch UBND xã cũng khuyên chúng tôi không nên đi bởi sẽ mất công vì bây giờ không còn một bóng người khai thác vàng, lán trại cũng bị phá hết rồi. Ông Lối cũng không quên nhắc rằng đường đến khu vực khai thác vàng ngày trước rất hiểm trở, phải leo qua nhiều quả đồi cao mới đến nơi.

Để kiểm định những lời khẳng định chắc nịch của quan chức xã Can Hồ, chúng tôi tiếp tục đến bản Nậm A nhờ người dân giúp đỡ tìm hiểu sự việc. Đến nhà ông Tờ Phí G. khi đã quá trưa, vừa nghe hỏi về đường đến khu vực khai thác vàng trái phép, ông G. vội bỏ bát cơm đang ăn dở xuống, đi ra sân chỉ tay về phía đồi nằm ven làng nói lớn: “Họ vẫn đang khai thác cả ngày lẫn đêm đấy. Nhiều hôm họ còn dùng mìn nổ làm dân ở đây váng hết cả tai”.

Theo chỉ dẫn của một số người dân, sau cả giờ leo núi đồi, đập vào mắt chúng tôi là hệ thống lán trại cùng với hệ thống khai thác vàng với quy mô khá lớn. Tiếng máy nổ gầm rú vang vọng cả một góc rừng. Phía sau lán, những “phu vàng” đang hì hục đào bới rồi xách đất, cát đổ vào một khu đất trống gần đó.

Người thanh niên dân tộc Hà Nhì dẫn đường không ngại ngần đưa chúng tôi đến cận bể chứa cát đánh hóa chất để cô đọng vàng. “Nếu như trước đây, những con sông bị khai thác đến sụt lở thì nay nước ngập, nhóm “vàng tặc” chuyển sang khai thác vàng ở ven các khu đồi núi”, anh cho hay.

Lên trên đỉnh đồi, nơi nhìn xuống khu khai thác vàng trái phép, chúng tôi gặp một số người đi làm nương về. Khi được hỏi chuyện, họ đều bức xúc: “Trước kia họ mua đất của người dân để đãi vàng, về sau người dân không bán, họ tự tiện  thích đào ở đâu thì đào. Chỗ đất các anh đang đứng là nương rẫy của nhà tôi nhưng phía dưới chân họ vẫn đang đào hầm đấy”.

Cuộc mục sở thị của chúng tôi kéo dài được gần 1 tiếng thì có hai người đàn ông với khuôn mặt dữ dằn chặn đường để hỏi chuyện. Rất may lúc này có nhiều người dân đi làm nương rẫy can thiệp nên họ bỏ đi trong sự tức giận.

“Họ là những người làm vàng ở đây. Có khi đông thì hàng chục người, bình thường thì chỉ một nhóm khai thác cả ngày lẫn đêm. Họ mang máy móc, thiết bị đến các điểm tập kết tìm kiếm vàng rồi khai thác ngay bên những quả đồi, thửa ruộng dọc theo con sông. Tình trạng khai thác vàng diễn ra cả năm nay rồi. Lâu lâu khi có đoàn kiểm tra của tỉnh, của huyện về thì họ tạm dừng. Sau đó vài ngày lại tiếp tục”, người thanh niên dẫn đường cho chúng tôi tiết lộ.

Đến nay, điều mà người dân Can Hồ lo lắng nhất chính là nguồn nước suối từ thượng nguồn chảy về ngày càng ô nhiễm, đục ngầu, nhiều nơi xuất hiện tình trạng cá suối bị sặc bùn, nhiễm hóa chất nên nổi lờ đờ hoặc chết trắng bụng. “Những người làm vàng dùng bể chứa cát đánh hóa chất để cô đọng vàng nên nguồn nước bị ảnh hưởng. Chẳng biết chúng tôi dùng nước suối để sinh hoạt có bị bệnh tật gì không nhưng cũng lo lắm”, một người dân sống ở cạnh con suối chia sẻ.

 

Theo phản ánh của người dân địa phương, việc doanh nghiệp và một số cá nhân ngang nhiên đưa máy móc phương tiện vào khu vực taluy đường tỉnh lộ 127 để đào hầm, nổ mìn đã làm chấn động lan sang cả khu vực liền kề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của bà con sinh sống nơi đây.

 

Phó Chủ tịch tỉnh từ chối trả lời vì… sắp nghỉ hưu!

Liên quan đến vấn đề khai thác vàng trái phép đang diễn ra ngang nhiên ở xã Can Hồ, PV Báo GĐ&XH đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu – phụ trách vấn đề khoáng sản. Khi được hỏi về quan điểm, hình thức xử lý như thế nào, ông Chương bất ngờ cho biết: “Anh thông cảm, tôi chuẩn bị nghỉ hưu rồi”. Khi chúng tôi đặt câu hỏi ở thời điểm đương nhiệm, tình trạng khai thác vàng trái phép trên huyện Mường Tè có hay không thì ông Chương trả lời: “Trước khi tôi nghỉ hưu thì không có đâu (?)”.

Cao Tuân/Báo Gia đình & Xã hội

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
TP.HCM mưa trắng trời giờ tan tầm, nhiều tuyến đường ở Thủ Đức ngập nặng

TP.HCM mưa trắng trời giờ tan tầm, nhiều tuyến đường ở Thủ Đức ngập nặng

Xã hội - 3 giờ trước

Cơn mưa như trút nước ở TP.HCM trong chiều tối 15/5 khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Thủ Đức bị ngập nặng.

Bắt kẻ mua bán ma túy dùng vật nhọn chống trả công an

Bắt kẻ mua bán ma túy dùng vật nhọn chống trả công an

Pháp luật - 4 giờ trước

GĐXH - Đối tượng là kẻ nghiện, với bản tính manh động, liều lĩnh đã dùng vật nhọn chống trả quyết liệt, gây thương tích đối với một Thượng úy.

Xử phạt người mẹ giao ô tô BMW cho con 'biểu diễn' ở trung tâm TP.HCM

Xử phạt người mẹ giao ô tô BMW cho con 'biểu diễn' ở trung tâm TP.HCM

Pháp luật - 4 giờ trước

Người mẹ giao xe ô tô BMW cho con trai “biểu diễn” gây náo loạn tại trung tâm TP.HCM. Mới đây, 2 mẹ con bị CSGT xử phạt hành chính.

Bức xúc bị phạt tiền, nam thanh niên lên mạng xã hội bôi nhọ, xúc phạm Cảnh sát giao thông

Bức xúc bị phạt tiền, nam thanh niên lên mạng xã hội bôi nhọ, xúc phạm Cảnh sát giao thông

Pháp luật - 6 giờ trước

GĐXH - Tại cơ quan công an, L. khai nhận do bức xúc sau khi bị Công an huyện Hải Hà xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông, nên L. đã sử dụng tài khoản Facebook để đăng tải, bình luận bài viết có nội dung sai sự thật.

Kết quả xổ số - KQXS hôm nay thứ Tư ngày 15/5/2024

Kết quả xổ số - KQXS hôm nay thứ Tư ngày 15/5/2024

Đời sống - 7 giờ trước

GĐXH - Kết quả xổ số hôm nay - KQXS thứ Tư ngày 15/5/2024: Xổ số miền Nam - XSMN, xổ số miền Trung - XSMT, xổ số miền Bắc - XSMB, xổ số Vietlott - XS Vietlott.

Nữ sinh rơi từ tầng cao xuống đất, tử vong thương tâm ở Hà Nội

Nữ sinh rơi từ tầng cao xuống đất, tử vong thương tâm ở Hà Nội

Thời sự - 7 giờ trước

GĐXH - Nữ sinh đại học rơi từ tầng cao của khu nhà trọ xuống đất, nghi do tự tử tại Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội). Nạn nhân để lại thư tuyệt mệnh, nguyên nhân được cho là áp lực học hành.

Phú Yên đề xuất mức hỗ trợ hàng tháng đối với lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở

Phú Yên đề xuất mức hỗ trợ hàng tháng đối với lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở

Pháp luật - 7 giờ trước

GĐXH - Tỉnh Phú Yên vừa tổ chức lấy ý kiến đóng góp của tổ chức, cá nhân liên quan tới tiêu chí thành lập, số lượng thành viên và chính sách hỗ trợ đối với lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở trên địa bàn.

Tin vui mới cho hàng nghìn giáo viên, mức lương có thể được xếp cao nhất nếu đề xuất được thông qua

Tin vui mới cho hàng nghìn giáo viên, mức lương có thể được xếp cao nhất nếu đề xuất được thông qua

Giáo dục - 8 giờ trước

GĐXH - Theo dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT đề xuất tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Nghe cuộc điện thoại lạ, một cụ bà mất 18 tỷ đồng

Nghe cuộc điện thoại lạ, một cụ bà mất 18 tỷ đồng

Pháp luật - 8 giờ trước

GĐXH - Dù đã có nhiều cảnh báo về các chiêu thức lừa đảo thông qua điện thoại, mạng xã hội nhưng mới đây một cụ bà ở Hà Nội vẫn “sập bẫy”, mất tới 18 tỷ đồng.

Hóa ra, đây lại là công việc làm thêm tại nhà mang lại mức thu nhập 'khủng' mà ít ai biết đến

Hóa ra, đây lại là công việc làm thêm tại nhà mang lại mức thu nhập 'khủng' mà ít ai biết đến

Đời sống - 8 giờ trước

GĐXH - Ngoài việc học ở trường, nhiều sinh viên muốn tìm thêm các công việc có thể làm thêm tại nhà để tăng mức thu nhập. Tuy nhiên, ít ai biết rằng chính chiếc điện thoại hàng ngày sẽ giúp bạn kiếm thêm hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Top