Hà Nội
23°C / 22-25°C

Nâng cao chất lượng dân số các dân tộc thiểu số rất ít người

Thứ sáu, 13:07 04/12/2020 | Dân số và phát triển

GiadinhNet - Một trong những mục tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đề ra về công tác dân số trong tình hình mới là: "Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc có dưới 10.000 người, đặc biệt là những dân tộc có rất ít người".

Nâng cao chất lượng dân số các dân tộc thiểu số rất ít người - Ảnh 1.

Lớp dạy dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Pà Thẻn. ảnh: tl

Bức tranh chất lượng dân số đáng quan ngại

Khoản 5 Điều 4 Nghị định 5/2011 về công tác dân tộc của Chính phủ nêu rõ: "Dân tộc thiểu số rất ít người là dân tộc có số dân dưới 10.000". Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, 16 dân tộc có số dân dưới 10.000 người là Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Brâu, Cống, Bố Y, Mảng, Lô Lô, Cờ Lao, Ngái, La Ha, Pà Thẻn, Lự, Chứt, La Hủ. Trong đó, có 4 dân tộc dưới 8.000 người là La Ha, Pà Thẻn, Lự, Chứt; 6 dân tộc dưới 5.000 người là Cống, Bố Y, Mảng, Lô Lô, Cờ Lao, Ngái; 5 dân tộc dưới 1.000 người là Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Brâu và một số dân tộc ít người có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: Phù Lá, La Hủ.

Với tổng số 74.359 người, các dân tộc thiểu số rất ít người (DTTSRIN) chiếm 0,08% dân số toàn quốc, 0,55% so với DTTS. Nhóm dân tộc yếu thế này cư trú tại những địa bàn khó khăn thuộc lõi nghèo của cả nước, tập trung ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn của các tỉnh vùng núi cao, biên giới: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Quảng Bình… Đây là nhóm dân tộc luôn bị tụt hậu trong việc tiếp cận các nguồn lực, dịch vụ công và cơ hội phát triển quyền con người khi mà tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 2 – 4 lần so với các nhóm dân tộc khác.

Rào cản đối với sự phát triển KT-XH và sự phát triển bền vững vùng DTTS, gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các dân tộc là những hạn chế về chất lượng dân số thấp. Nhiều nghiên cứu cho thấy các chỉ số đáng quan ngại trong bức tranh thực trạng dân số của 16 DTTS rất ít người.

Nâng cao chất lượng dân số các dân tộc thiểu số rất ít người - Ảnh 2.

Người Lô Lô ở Việt Nam có lịch sử lâu đời, có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Ảnh: TL

Đó là các chỉ số về tỷ suất chết thô, tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi/1000 trẻ sinh sống, tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi/1000 trẻ sinh sống, tỷ suất chết mẹ ở nhóm các DTTSRIN đều cao hơn so với tỷ lệ chung toàn quốc. Tuổi thọ trung bình của DTTSRIN chỉ đạt 69,9 năm, thấp hơn 3,4 năm so với kết quả chung của cả nước, đồng thời số năm sống khỏe mạnh trong cuộc đời của người dân các dân tộc này cũng thấp so với các dân tộc khác. Tầm vóc thể lực (chiều cao, cân nặng trung bình) thấp so với các dân tộc khác: Chiều cao trung bình là 1m40-1m55, cân nặng trung bình từ 40-45kg; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ở mức cao, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhẹ cân.

Đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi, ảnh hưởng đến chiều cao, tầm vóc của người DTTSRIN. Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của trẻ em DTTSRIN dưới 5 tuổi là 29,2%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cao cho thấy vấn đề xuất phát từ tình trạng suy dinh dưỡng bào thai. Theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2014, tỷ lệ cân nặng trẻ sơ sinh thấp ở DTTS rất cao, với 8,1% ở những trẻ được cân ngay sau sinh và thêm 14,6% ở những trẻ không được cân nhưng bà mẹ cho rằng con mình bé hơn những trẻ trung bình khác. Trong khi đó, tỷ lệ cân nặng sơ sinh thấp toàn quốc được ghi nhận là 5,7%.

Tỷ lệ thiếu máu vẫn luôn cao ở vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên với 43% trẻ thiếu máu so với tỷ lệ chung toàn quốc là 27,8%. Tỷ lệ thiếu máu cao ở nhóm trẻ dưới 6 tháng cũng phản ánh dinh dưỡng kém ở bà mẹ trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Tình trạng thiếu vitamin A tiền lâm sàng, i ốt, kẽm… vẫn còn ở mức cao.

Dinh dưỡng học đường chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức ảnh hưởng đến sự phát triển về chiều cao của trẻ, đặc biệt đối với những trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi khi nhỏ.

Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn khá phổ biến, tỷ lệ tảo hôn lên tới 26%. Một số dân tộc có tỷ lệ tảo hôn cao như: Ơ Đu 72,73%, Mông 59,6%, Rơ Măm và Brâu 50%... Các nghiên cứu y khoa đã chỉ ra rằng, khi người mẹ sinh con lần đầu dưới 18 tuổi có thể gây tình trạng đẻ non, thai nhi kém phát triển, suy dinh dưỡng, thể trạng yếu. Còn hôn nhân cận huyết thống gây bệnh tan máu bẩm sinh, chi phí điều trị vô cùng tốn kém và gây suy thoái giống nòi…

Tuổi thọ trung bình của các DTTSRIN cũng thấp hơn nhiều so với tuổi thọ trung bình của cả nước (73,23 tuổi). So với kết quả chung của cả nước từ điều tra biến động dân số thời điểm 01/4/2015, tuổi thọ trung bình của DTTS thấp hơn 3,4 năm. Tuổi thọ trung bình của DTTS là 69,9 năm, trong đó, của nam là 67,1 năm và nữ là 72,9 năm. Tuy nhiên, một số DTTSRIN có tuổi thọ trung bình thấp như: La Hủ (57,6 năm), Lự (59,3 năm), Mảng (60,2 năm), Si La (61,3 năm), Pà Thẻn (65 năm), Chứt (65 năm).

Nguyên nhân chất lượng dân số thấp ở các dân tộc thiểu số rất ít người

Nâng cao chất lượng dân số các dân tộc thiểu số rất ít người - Ảnh 3.

Si La là một trong những dân tộc thiểu số ít người nhất của Việt Nam. Ảnh: The Straight Time

Hôn nhân cận huyết cùng với mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng dân số của một số DTTSRIN. Nhiều cộng đồng DTTSRIN còn sống biệt lập, ít kết hôn khác tộc người, hôn nhân được lựa chọn là cùng tộc và cùng trong cộng đồng nên dẫn tới tảo hôn và hôn nhân cận huyết khá phổ biến ở một số dân tộc như: Pu Péo, Lô Lô, La Hủ, Phù Lá, Rơ Măm.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã khẳng định có mối tương quan chặt chẽ giữa chất lượng dân số với mang thai, sinh đẻ. Mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên, khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, chưa đủ điều kiện về sức khỏe để nuôi dưỡng bào thai sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thai nhi. Mặt khác, mang thai và sinh đẻ ở lứa tuổi vị thành niên là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tử vong chu sinh và sơ sinh. Đồng thời trẻ em sinh ra từ những người mẹ mang thai ở độ tuổi này cũng có tỷ lệ nhẹ cân cao (dưới 2.500 gram), hoặc dị dạng, dị tật.

Tập quán kết hôn cận huyết thống, tảo hôn của một số DTTSRIN dẫn đến nhiều hệ lụy như đẻ non, thai nhi kém phát triển, suy dinh dưỡng, thể trạng yếu, mắc bệnh, tỷ lệ tử vong cao, chất lượng giống nòi suy thoái. Phân tích số liệu tử vong trẻ em DTTS cho thấy, mối quan hệ giữa tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi với hôn nhân cận huyết đặc biệt đúng ở những dân tộc có tỷ lệ hôn nhân cận huyết rất cao là dân tộc Mảng (44%o), La Hủ (53%o). Đây là hai dân tộc có tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi cao nhất, cứ 1000 trẻ sinh ra có đến 45 hoặc 53 trẻ tử vong trước khi được 1 tuổi.

Cùng với đời sống khó khăn, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết góp phần đẩy cao tỷ lệ suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ, tăng tỷ lệ bệnh tật do kết hợp các gen mang lại, gây suy thoái chất lượng giống nòi, giảm chất lượng nguồn nhân lực. Các rủi ro, hậu quả sức khỏe và chất lượng giống nòi chính là hậu quả lớn nhất, đáng cảnh báo nhất của vấn đề chất lượng dân số các DTTSRIN.

Do điều kiện sống phụ thuộc vào thiên nhiên, đời sống kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp gây trở ngại đến việc chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, sinh con của phụ nữ. Bên cạnh đó, các quan niệm lạc hậu về mang thai, sinh đẻ, tập quán sinh đẻ tại nhà… cản trở việc tiếp cận với các dịch vụ y tế và khoa học kỹ thuật tiên tiến chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Trong khi tỷ lệ phụ nữ có thai sinh con chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế trên toàn quốc chỉ 6% thì ở DTTSRIN là từ 30% đến 90%.

Tập quán làm nhà ở sát vạt rừng, cửa rừng, chăn nuôi gia súc dưới sàn nhà hoặc thả rông, lạm dụng rượu bia, uống nước lã, không nằm màn, ăn gỏi, ít tắm giặt… làm người dân dễ mắc bệnh. Khi bị bệnh lại không khám, chữa bệnh kịp thời gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.

Bên cạnh đó, tỷ lệ DTTSRIN từ 15 đến 60 tuổi chưa biết chữ còn khá cao, đặc biệt đối với phụ nữ DTTSRIN. Đây là rào cản rất lớn đối với phụ nữ DTTTRIN trong phát triển bền vững. Khả năng tiếp cận và hưởng thụ các thành quả phát triển như các dịch vụ giáo dục, y tế và khoa học kỹ thuật tiên tiến bị hạn chế cũng ảnh hưởng đến chất lượng dân số của DTTSRIN.

Nâng cao chất lượng dân số là đầu tư cho phát triển

Nâng cao chất lượng dân số các dân tộc thiểu số rất ít người - Ảnh 4.

Trẻ em dân tộc Cờ Lao, ở dãy núi Tây Côn Lĩnh, Vị Xuyên, Hà Giang. Ảnh: Chí Trung

Nghị quyết 21 nêu rõ: "Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân… Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển". Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết, ngày 31/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 137/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW. Trong chương trình hành động, Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Bảo vệ và phát triển các DTTS, đặc biệt dân tộc dưới 10.000 người theo hướng đảm bảo sự phát triển đồng đều, bình đẳng giữa các dân tộc.

Những năm qua, thể chế hóa Hiến pháp 2013 về lĩnh vực dân tộc, quán triệt quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, công tác dân tộc đã được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Bên cạnh việc Nhà nước tiếp tục dành nguồn lực đầu tư phát triển thông qua các chương trình, dự án như Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 69 huyện nghèo và 23 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao; chính sách định canh, định cư; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn... Qua đó, đã tạo động lực phát triển toàn diện cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào DTTSRIN nói riêng.

Đồng bào DTTSRIN ngày càng có cơ hội được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản có chất lượng. Nhiều xã vùng DTTSRIN sinh sống đã đạt chuẩn về y tế, có bác sĩ. Công tác tiêm chủng mở rộng cho trẻ em được thực hiện đều khắp, nhiều dịch bệnh nguy hiểm được kiểm soát, đẩy lùi như sốt rét, bạch hầu, ho gà uốn ván… Đồng bào nghèo được khám chữa bệnh miễn phí và hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định. Tỷ số tử vong mẹ đã giảm hơn 3 lần từ 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn 69/100.000 trẻ đẻ sống năm 2009 và tiếp tục giảm xuống còn 58/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2015. Tỷ suất trẻ tử vong dưới 1 tuổi giảm 3 lần từ 44,4%o năm 1990 xuống còn 14,5%o năm 2016. Tỷ suất trẻ tử vong dưới 5 tuổi giảm hơn 2 lần từ 58%o năm năm 1990 xuống còn 21,8%o năm 2016. Suy dinh dưỡng ở trẻ em thể nhẹ cân dưới 5 tuổi giảm đều từ gần 50% năm 1990 xuống còn 33,8% năm 2000 và tiếp tục giảm còn 17,5% năm 2010, 13,8% năm 2016.

Mặc dù vậy, công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTSRIN vẫn còn hạn chế. Do kinh tế phát triển không đồng đều giữa các vùng miền làm tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội trong đó có dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế thiếu và chưa đồng bộ; chất lượng đội ngũ cán bộ y bác sỹ và cơ sở vật chất y tế ở vùng DTTS, miền núi còn thiếu và yếu. Số cán bộ có trình độ chuyên sâu thiếu trầm trọng, nhất là cán bộ người địa phương. Cơ hội và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng của DTTSRIN ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế,… Nhiều chính sách ban hành còn dàn trải, chồng chéo, nguồn lực chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa khai thác được hết tiềm năng của vùng DTTS và phát huy bản sắc, chưa khuyến khích đồng bào tự vươn lên. Sự phối hợp của các cấp, các ngành chưa đồng bộ; công tác giám sát của cơ quan dân cử còn ít; cán bộ còn thiếu và yếu. Tuy các cuộc giám sát về đất ở, đất sản xuất, tình hình bảo đảm nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất vùng đồng bào DTTS đã được tiến hành, nhưng chưa có giải pháp quyết liệt để khắc phục những hạn chế, thiếu sót, giúp đỡ đồng bào giảm bớt khó khăn trong những lĩnh vực này.

Trước những biến đổi xã hội và yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới, đòi hỏi cần xây dựng các chính sách đặc thù, phù hợp với sự phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người trong thời kỳ mới với nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, tạo sinh kế, đảm bảo đất ở, đất sản xuất, đảm bảo quốc phòng - an ninh, chăm lo lĩnh vực y tế - giáo dục và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của 16 DTTSRIN trên cả nước.

Để giúp đồng bào từ bỏ dần các tập quán lạc hậu, tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục nhằm xây dựng lối sống văn hóa, vệ sinh, chăm sóc tốt sức khỏe bản thân và cộng đồng cần phải thực hiện truyền thông xóa bỏ hủ tục như tảo hôn và kết hôn cận huyết, nâng cao dân trí, cải thiện dinh dưỡng và y tế...

Trong số các giải pháp cụ thể, để nâng cao chất lượng dân số phải chú trọng hỗ trợ trẻ em dưới 5 tuổi uống miễn phí vitamin A, hỗ trợ bổ sung dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao thiếu vitamin A, theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ dưới 6 tuổi đặc biệt đối với trẻ dưới 2 tuổi kèm tư vấn giúp trẻ tăng trưởng bình thường, hỗ trợ hộ gia đình khám sức khỏe miễn phí 2 lần/trẻ/năm học, hỗ trợ đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ DTTSRIN tại các cơ sở giáo dục công lập...

Phương Nguyên

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Ung thư buồng trứng có chữa được không?

Ung thư buồng trứng có chữa được không?

Dân số và phát triển - 23 giờ trước

Ung thư buồng trứng là căn bệnh thường tiến triển âm thầm và triệu chứng không rõ ràng khiến nhiều người chủ quan, khi đi khám đã ở giai đoạn muộn. Vậy ung thư buồng trứng có chữa được không, làm thế nào để phát hiện sớm?

Có phải trẻ béo phì dễ dậy thì sớm?

Có phải trẻ béo phì dễ dậy thì sớm?

Dân số và phát triển - 1 ngày trước

Trẻ béo phì có nguy cơ cao dậy thì sớm hơn so với trẻ có cân nặng bình thường. Vậy nguyên nhân tại sao trẻ béo phì lại dễ bị dậy thì sớm và có thể phòng ngừa được không?

Phụ nữ mang thai bị đa ối nên điều chỉnh chế độ ăn như thế nào?

Phụ nữ mang thai bị đa ối nên điều chỉnh chế độ ăn như thế nào?

Dân số và phát triển - 2 ngày trước

Đa ối là khi lượng nước ối vượt quá mức bình thường ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và bé. Mặc dù chế độ ăn không phải là yếu tố quyết định duy nhất nhưng việc điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng này.

Giảm nguy cơ sinh non khi bà mẹ được quản lý thai nghén đầy đủ

Giảm nguy cơ sinh non khi bà mẹ được quản lý thai nghén đầy đủ

Dân số và phát triển - 2 ngày trước

Nguy cơ sinh non sẽ được giảm thiểu tối đa nếu thai phụ được khám thai và thực hiện sinh tại cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện kỹ thuật cùng đội ngũ y bác sỹ trợ giúp.

Hải Phòng triển khai đồng bộ nhiều hoạt động giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng

Hải Phòng triển khai đồng bộ nhiều hoạt động giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng

Dân số và phát triển - 3 ngày trước

GĐXH - Với phương châm "đưa chính sách đến gần dân," xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng triển khai đồng bộ nhiều hoạt động giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng (chăm sức khỏe sinh sản, hỗ trợ người cao tuổi) và phát huy vai trò của đội ngũ cộng tác viên dân số.

Bổ ích hội thi rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về dân số và chăm sóc sức khoẻ sinh sản

Bổ ích hội thi rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về dân số và chăm sóc sức khoẻ sinh sản

Dân số và phát triển - 3 ngày trước

GĐXH - Hội thi giúp cho học sinh nâng cao những kỹ năng hoạt động, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên. Đồng thời, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để học sinh thể hiện tài năng, trí tuệ, sự sáng tạo.

Gần 150.000 em bé chào đời nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm

Gần 150.000 em bé chào đời nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm

Dân số và phát triển - 3 ngày trước

Sau 25 năm, Việt Nam có gần 300.000 chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện, 147.000 em bé ra đời khoẻ mạnh. Trong đó, có gần 3.000 trẻ được chào đời tại Bệnh viện Hùng Vương nhờ kỹ thuật IVF.

5 biểu hiện cho thấy bạn đã mắc hội chứng ống cổ tay

5 biểu hiện cho thấy bạn đã mắc hội chứng ống cổ tay

Dân số và phát triển - 5 ngày trước

Hội chứng ống cổ tay là tình trạng phổ biến trong cộng đồng. Hiện số người mắc hội chứng này ngày càng tăng do liên quan đến công việc có sử dụng nhiều tới độ linh hoạt, tỉ mỉ và lặp đi lặp lại của cổ tay.

Bác sĩ khuyến nghị 5 điều quan trọng nên biết về ung thư buồng trứng

Bác sĩ khuyến nghị 5 điều quan trọng nên biết về ung thư buồng trứng

Dân số và phát triển - 6 ngày trước

Phụ nữ thường hiểu nhầm những dấu hiệu ung thư buồng trứng là triệu chứng của các căn bệnh về phụ khoa khác. Việc biết về dấu hiệu ung thư buồng trứng giúp chị em mắc bệnh được điều trị và sớm tăng tỷ lệ sống.

Tắc ống dẫn trứng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tắc ống dẫn trứng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Tắc ống dẫn trứng là một trong những nguyên nhân gây vô sinh nữ khá thường gặp. Tình trạng này khiến cho trứng và tinh trùng không gặp được nhau, chiếm khoảng 25-30% trong tất cả các trường hợp vô sinh.

Top