Người đàn ông 3 đời lượm ve chai được nhận giấy khen vì có thành tích phòng chống tội phạm
GiadinhNet - Hàng ngày, dưới những dòng kênh nước bẩn đen nghịt, hôi hám, rác nổi lềnh bềnh, ông Hoàng bám víu vào đó mưu sinh. Đã không ít lần, ông gặp phải người chết, hoặc một phần thi thể người và cả hung khí, tang vật của những vụ án. Nghèo đói, bệnh tật bủa vây nhưng ông vẫn luôn lạc quan, tin tưởng "trời sinh voi, trời sinh cỏ".
Ngôi nhà 8m2 có 9 người ở chen chúc
Nằm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo, ngôi nhà số 295/2/16 của gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng (SN 1964, ngụ đường Tân Hoà Đông, quận Bình Tân, TP.HCM) là đặc biệt nhất. Đặc biệt bởi nó nhỏ xíu chỉ chừng 8m2, tuềnh toàng như một ngôi nhà tạm, bị che khuất bởi những ngôi nhà cao tầng khang trang rộng rãi. Phía trước nhà, quần áo giăng chi chít, chiếc chum đựng nước choán hết lối đi.
Giữa trưa, trời nắng như đổ lửa, ngôi nhà nhỏ nóng hầm hập như một cái lò. Chiếc quạt nhỏ, hoen gỉ, kêu lạch cạch càng khiến không khí ngột ngạt hơn. Trong nhà, chẳng có vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc ti vi cũ kĩ có cách đây đã hơn chục năm. Chiếc tủ gỗ nhỏ đa năng dựng góc tường đựng nhiều đồ vật thiết yếu. Quần áo nhăn nhúm, cái xếp chồng nơi góc tường, cái lại treo lủng lẳng bừa bộn.
Ông Hoàng bên các con, cháu
Thấy có khách, người đàn ông nước da đen nhẻm, khắc khổ chạy vội vào dọn đồ đạc lấy chỗ trống cho khách ngồi. Vừa dọn, ông vừa cười ái ngại chia sẻ: "Đây là chỗ ngủ của vợ chồng tôi với 3 đứa con. Phải nằm ngang mới đủ chỗ chứ nằm dọc thì thiếu". Phía trên là căn gác tồi tàn, làm tạm bằng vài tấm ván, che chắn bởi ni lông, miếng tôn rách. Ông bảo, đó là chỗ ngủ của gia đình con gái gồm hai vợ chồng cùng hai đứa con nhỏ.
Căn nhà quá nhỏ, chỉ đủ cho người ngồi nên mọi sinh hoạt từ nấu nướng cho tới giặt giũ, gia đình ông phải tận dụng khoảng đất trống của con hẻm đi chung trước nhà. Nhiều lần bị hàng xóm nhắc nhở, nhưng gia đình ông vẫn phải đành "chai mặt" sử dụng.
Người đàn ông kể về hoàn cảnh gia đình mình xen lẫn tiếng khóc e é của hai đứa con. Ông sinh ra tại Sài Gòn, trong một gia đình đông con. Ba ông làm nghề bốc vác, còn mẹ gánh nước thuê. Sức yếu, ba mẹ ông lại chuyển qua nghề lượm ve chai. Từ nhỏ, cậu bé Hoàng đã quá quen với cuộc sống "ăn bữa nay lo bữa mai", lăn lộn nhặt rác kiếm tiền phụ ba mẹ. Ông chẳng biết mặt chữ vì chưa từng được đến trường học một ngày nào.
Những ngày còn là chàng trai trẻ nhặt ve chai, ông Hoàng thương cô bán nước. Không cưới hỏi hay làm lễ liệc gì, hai người dắt nhau về sống chung rồi sinh hai cô con gái. Cả gia đình ông sống nhờ vào nghề nhặt ve chai. Người vợ đổ bệnh qua đời, ông Hoàng lầm lũi sống cảnh "gà trống nuôi con".
Vài năm sau, người đàn ông tái hôn với người vợ thứ hai đã có một con riêng 16 tuổi. Họ dắt nhau về sống chung và cũng không cần lễ lạt gì. Dù hạnh phúc theo kiểu "rổ rá cạp lại" nhưng ông bảo vợ chồng mình rất thông cảm, thương yêu nhau. Nay hai người đã có với nhau 2 đứa con 1 trai 1 gái.
Cuộc sống vốn đã khốn khó, nay đông con lại bệnh tật càng khiến họ túng bấn hơn. Cả đại gia đình chỉ biết trông chờ vào tiền ông Hoàng nhặt ve chai kiếm được nhưng chẳng thấm vào đâu.
Đôi mắt ông đượm buồn, ôm cô con gái nhỏ vào lòng rồi nói: "Chân bé bị tật, không thể tự đứng dậy đi được. Từ lúc sinh ra, thấy đầu con đã ngoẹo một bên, bây giờ thẳng rồi. Nay đã hơn 6 tuổi mà bé cũng không nói được. Nó muốn nói, muốn cười lắm nhưng chỉ biết ú ớ trong miệng không phát ra được".
Từ lúc sinh ra tới giờ, đứa trẻ tội nghiệp chỉ biết lê lết quanh căn nhà chật chội và cũng chỉ mới ú ớ gọi "ba… ba". Mỗi lần được đứng dậy bám vào bờ tường, cô bé vỗ tay, nhủn nhảy vui mừng. Song, cũng chỉ được dăm ba phút lại ngồi thụp xuống vì chân yếu.
Từ lâu, hai vợ chồng ông đã có ý định đem con đi khám bệnh, nhưng vì không có tiền nên đành cắn răng bỏ liều. "Một lần khám phải mất cả triệu. Đã thế nếu ra bệnh, bác sĩ bắt nằm điều trị thì lấy tiền đâu ra", người cha chua xót than thở.
Còn đứa con út lại chào đời trong hoàn cảnh tréo ngoeo. Đêm đó, người mẹ dậy đi vệ sinh, không hiểu sao đứa con lại tuột ra. Người chồng nghe tiếng vợ kêu cứu, hốt hoảng bật dậy, luống cuống không biết xử lý sao. Trong tình thế nguy cấp, ông Hoàng trở thành "bà đỡ" bất đắc dĩ, dùng kéo tự cắt dây rốn cho vợ rồi nhờ hàng xóm đưa vợ con đi cấp cứu.
Đứa trẻ chào đời nặng gần 1,9 kg, phải nuôi trong lồng kính hơn nửa tháng. Không có tiền, ông Hoàng chạy vạy khắp nơi mới gom góp được 5 triệu đồng trả tiền viện phí.
Căn nhà nhỏ của ông Hoàng đang ở
Tứng miếng ăn của đại gia đình, thuốc thang bệnh tật con cái đều do một tay ông Hoàng gánh vác. Bỗng thời gian gần đây, đôi mắt ông ngày một mờ dần nhưng cũng đành bỏ liều vì không có tiền đi khám. Có lẽ, vì mấy chục năm qua ngâm mình trong môi trường nước bẩn đã ảnh hưởng đến sức khoẻ ông.
Người con gái đầu của ông đã lấy chồng, sinh hai đứa con nhưng cũng nghèo đói phải nhờ vả vào cha. Chị tiếp tục theo nghiệp nhặt ve chai từ cha mình. Lo từng miếng ăn đã khó, nên chuyện học hành của những đứa trẻ dường như ông Hoàng chưa dám nghĩ tới.
Nhận giấy khen nhờ nghề lượm ve chai
Từ chuyện đời cực khổ, ông Hoàng đưa chúng tôi vào chuyện nghề bằng giọng lạc quan, vui vẻ. Cái nghiệp nhặt ve chai gắn với ông suốt mấy chục năm qua và nuôi sống cả đại gia đình từ con tới cháu.
Ban đầu, ông rong ruổi khắp ngõ ngách Sài Gòn nhặt bất cứ thứ gì bán được, dù nó nằm sâu trong kẻ hay dưới kênh nước hôi hám, bẩn thỉu. Khổ cực, nhưng tiền thu được chẳng đáng là bao. Ông Hoàng chuyển qua mò ve chai dưới những con kênh nước đen nghịt, bốc mùi.
Hàng ngày ông lần theo các tuyến kênh Tân Hóa – Lò Gốm, kênh gần khu vực Đầm Sen xuôi về Tân Hiệp mò phế liệu đem bán. Ông bắt đầu công việc từ lúc 7h sáng và đến 14h chiều mới trở về nhà. Đồ nghề đơn giản chỉ cần hai chiếc chậu lớn, chiếc xe ba gác cũ kỹ và quan trọng nhất là đôi giày cao cổ.
"Đi giày cao cổ, cột chặt thì lội xuống nước khó bị tuột. Tôi mò chủ yếu dưới bùn sâu, nên khom người xuống chỉ chừ cái đầu để thở. Những ngày mới mò, nước bẩn hôi hám, tôi cũng không chịu được, về nhà, mình mẩy nổi nốt, ngứa ngáy. Thế mà, lội nhiều thành quen, dù nước bẩn thế nào mình cũng chịu được", ông Hoàng thổ lộ.
Giấy khen quận Bình Tân trao tặng cho ông Hoàng "ve chai"
Ngâm mình dưới dòng kênh đen, hôi hám nhiều tiếng đồng hồ, nhưng ông chẳng biết tới đồ bảo hộ là gì. Bộ quần áo, đôi dày bình thường rồi lội xuống mò. Công việc vất vả, song, mấy chục năm qua ông chỉ ăn mình bữa sáng, còn bữa trưa nhịn về chiều ăn.
Người đàn ông cười tươi chia sẻ những lần mình gặp "mánh hên" trong nghề: "Vài lần tôi mò được cả vàng, bạc, nhưng nhiều thì được một chỉ, còn lại tầm vài phân thôi. Những lần ấy mình mừng ra mặt, chạy về nhà khoe vợ luôn rồi mới đem đi bán. Có tiền, hai vợ chồng mua cho các con miếng gì đó ngon ăn đỡ thèm, còn đâu giữ lại để chi tiêu lúc cần, chứ cũng không dám hoang phí".
Dứt lời, ông Hoàng bỗng đứng bật dậy, lấy tấm giấy khen đang treo trên tường xuống khoe: "Đây là giấy khen quận Bình Tân tặng tôi. Tôi có nhiều, nhưng nay bị thất lạc hết, còn giữ được hai, ba cái". Đó là giấy khen vì ông đã có thành tích xuất sắc trong việc phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự. Nếu không nghe ông kể, thì nhiều người sẽ thắc mắc nghề nhặt ve chai liệu có liên quan gì tới thành tích đó.
Hoá ra, nhiều lần, ông Hoàng đã mò được những vũ khí gây án mà bọn tội phạm phi tang ném xuống các con kênh. "Tôi nhặt được 4-5 cây súng, cả vòng số 8, còn mã tấu, dao thì nhiều. Mỗi lần nhặt được, tôi liền đem lên phường báo cáo, giao trả để công an điều tra", người đàn ông cười khoe.
Được khen, nhưng cũng nhiều lần vì chúng mà ông bị thương. Ông Hoàng giơ bàn tay đen nhẻm, có vết thương cho chúng tôi xem rồi phân trần: "Tay mò dưới sâu, nhiều khi bị vật nhọn như dao, cọc sắt cắt phải. Cái tay này cũng mới bị hôm qua, nên hôm nay tôi mới phải nghỉ ở nhà".
Cuộc đời khổ cực nhưng với người đối diện, ông hiện lên bằng vẻ lạc quan, giọng điệu luôn vui vẻ. Suốt câu chuyện, ông Hoàng không nhắc đến tương lai. Ông bảo, "trời sinh voi, trời sinh cỏ", mình còn sức, còn làm ra tiền nên không được nản chí trước nghèo đói. Nay cả đại gia đình ông có 9 người phải sống lay lắt trong căn nhà vỏn vẹn 8m2. 3 thế hệ, liệu tương lai có chút thênh thang cho những đứa con lớn lên từ nghề ve chai.
Truy tìm gã đàn ông nhận gần 2 tỉ đồng của nhiều người rồi bỏ trốn
Pháp luật - 1 giờ trướcGĐXH - Nguyễn Tuấn Ninh bị tố giác có hành vi nhận tiền của nhiều người để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không thực hiện. Sau đó, Ninh bỏ trốn và chiếm đoạt số tiền 1,75 tỉ đồng,
Hà Nội: Xác định niên đại gần 150 bộ hài cốt được phát hiện trên phố Tây Sơn
Đời sống - 1 giờ trướcGĐXH - Khoảng 150 bộ hài cốt được phát hiện trong quá trình thi công, cải tạo hệ thống thoát nước ở ngõ 167 phố Tây Sơn là của những người dân và đã có từ khoảng 50-70 năm về trước.
Hiện trường phát hiện 150 bộ hài cốt ở Hà Nội
Thời sự - 1 giờ trướcNhiều bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo đường và hệ thống thoát nước ngõ 167 Tây Sơn (quận Đống Đa, Hà Nội) được di dời trong đêm.
Điểm mới trong kì thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội
Giáo dục - 2 giờ trướcThêm địa điểm, tăng thời gian tổ chức... là những điểm mới tại kì thi đánh giá độc lập do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức năm 2025.
Khẩn trương tìm kiếm Chủ tịch Hội nông dân xã mất liên lạc
Pháp luật - 2 giờ trướcGĐXH - Hơn 30 người gồm lực lượng của xã cùng sự hỗ trợ của lực lượng chức năng huyện đang tìm kiếm ông P. tại khu vực bờ sông nhưng đến sáng 22/11 vẫn chưa có kết quả.
Tiếp tay cho người nước ngoài cư trú bất hợp pháp, nữ idol livestream lãnh 2 năm 6 tháng tù
Pháp luật - 4 giờ trướcThông qua việc là idol trên mạng xã hội Douyin, Nguyễn Thùy Dương quen Zheng Ren Gui rồi tiếp tay cho người này phạm pháp.
Công an bắt quả tang nhóm khách cùng nữ tiếp viên quán karaoke bay lắc
Pháp luật - 4 giờ trướcVào quán karaoke để hát nhưng chưa đủ độ "phê" nên các đối tượng mua ma túy về bay lắc cùng các nữ tiếp viên của quán.
Sinh viên trộm xe ôtô của nữ giảng viên trong ngày 20-11
Pháp luật - 4 giờ trướcNgày 20-11, để ôtô trong khuôn viên trường đại học, một cô giáo bị sinh viên lấy trộm xe
Quy định mới nhất về khám sức khỏe với lái xe từ 1/1/2025, nhiều điểm mới người dân lưu ý gì?
Đời sống - 4 giờ trướcGĐXH - Theo dự thảo Thông tư về tiêu chuẩn sức khỏe và việc khám sức khỏe cho người lái xe đang được Bộ Y tế xây dựng, từ ngày 1/1/2025 sẽ có nhiều điểm mới.
Năm 2024, ngành Y học chính thức có 3 giáo sư và 68 phó giáo sư được công nhận
Giáo dục - 5 giờ trướcHội đồng Giáo sư Nhà nước vừa chính thức công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024 cho 614 nhà giáo.
Bắt giữ đối tượng trộm cắp cà phê ở Lâm Đồng
Pháp luậtGĐXH - Công an huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã bắt đối tượng Lưu Xuân Kiên (1997, quê huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản.