Người đàn ông nhiễm liên cầu lợn sau khi ăn nem chua, cảnh báo thói quen ăn uống người Việt hay mắc phải
GĐXH – Theo các bác sĩ, người dân có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn do các thói quen như ăn các sản phẩm của lợn sống (nem chua, thịt chua, tiết canh...) hoặc ăn thịt tái, thịt chưa nấu chín...
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã tiếp nhận một bệnh nhân nam, 30 tuổi (ở thành phố Yên Bái) mắc liên cầu lợn sau khi ăn nem chua, nem nắm mua tại quán bia.
Cụ thể, bệnh nhân nhập viện với biểu hiện sốt không rõ nguyên nhân. Trước đó 1 ngày, bệnh nhân cảm thấy đau lưng, nóng rát thượng vị, ợ hơi và ợ chua nhiều nên đã tới cơ sở y tế.
Khai thác bệnh sử được biết, trước đó 3 ngày, người bệnh có ăn nem chua, nem nắm mua tại quán bia.
Tại bệnh viện, qua thăm khám và làm một số các xét nghiệm như chọc dịch não tủy nuôi cấy vi khuẩn và định danh hệ thống tự động cho kết quả dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis).

Biểu hiện của bệnh nhân mắc liên cầu lợn. Ảnh minh họa.
Liên cầu lợn là bệnh gì?
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) bệnh liên cầu lợn do liên cầu khuẩn Streptococcus suis (S.suis) gây nên. Bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể gây tử vong.
Streptococcus suis được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới, những nơi chăn nuôi lợn. Các đối tượng như người chăn nuôi lợn, bác sĩ thú y, công nhân chế biến và vận chuyển thịt, người bán thịt và đầu bếp thì liên cầu lợn có thể truyền trực tiếp vào máu sau khi tiếp xúc với lợn hoặc thịt lợn mang mầm bệnh khi có có vết thương ở da.
Theo BS Nguyễn Quốc Phương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, liên cầu lợn có 35 type huyết thanh, trong đó type 2 có độc lực cao nhất và thường gây bệnh ở người. Người dân có nguy cơ nhiễm bệnh do các thói quen ăn uống có nguy cơ cao nhiễm liên cầu lợn như ăn các sản phẩm của lợn sống (nem chua, tiết canh…) hoặc chưa nấu chín, bao gồm cả máu, nội tạng lợn.
Một nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã chỉ ra rằng, bệnh này có khuynh hướng xảy ra vào mùa hè, nắng nóng. Trong đó, 81% bệnh nhân là nam giới. Phần lớn bệnh nhân là nông dân, 38% người có tiền sử tiếp xúc với lợn hay thịt lợn.
Khi người bị nhiễm liên cầu lợn có thể biểu hiện dưới nhiều thể lâm sàng khác nhau như: viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, hội chứng sốc nhiễm độc liên cầu khuẩn với suy đa cơ quan, viêm nội tâm mạc và viêm khớp. Các khớp thường gặp: hông, khuỷu tay, cổ tay, xương cùng chậu, cột sống và ngón tay cái.
Tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn rất cao. Người bị mắc liên cầu lợn có thể bị mất thính lực vĩnh viễn (điếc) và rối loạn tiền đình là những di chứng thường được ghi nhận của những bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn.
Những nguy cơ tiềm ẩn khi ăn nem chua
Theo các bác sĩ, nem chua là một món ăn truyền thống được nhiều người ưa thích, nhất là những người hay ăn nhậu. Nguyên liệu làm nem chua chủ yếu là thịt sống lên men.

Theo các bác sĩ, thói quen ăn đồ tái, sống hoặc lên men chưa chín có thể tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe người dùng. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, hiện nay, nem chua đa phần được làm thủ công. Vì vậy, nếu trong quá trình chế biến không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, món "khoái khẩu" này rất dễ bị nhiễm bẩn, gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng.
Bên cạnh đó, thịt lợn sống làm nem còn có thể chứa các ấu trùng sán gạo, sán dây lợn. Khi ăn phải ấu trùng có thể di chuyển theo đường máu tới não, cơ và gây bệnh. Mặt khác, ăn nem chua chưa đủ độ chua hoặc các sản phẩm thịt lợn chưa được nấu chín có thể đối mặt với nguy cơ nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn.
Các nhóm sinh vật gây bệnh có thể có trong nem chua là salmonella, shigella, e.coli, coliform… và có thể gây ngộ độc cấp tính cho người sử dụng.
Lưu ý khi ăn nem chua
Các chuyên gia khuyến cáo, nem chua được tạo thành nhờ quá trình lên men từ thịt lợn sống chưa qua chế biến hay bất kỳ thao tác xử lý nhiệt nào. Do đó, để đảm bảo an toàn, nên hạn chế ăn nhiều loại thực phẩm này.
Bên cạnh đó, một số người được cảnh báo không nên ăn vì có thể dẫn đến nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Chẳng hạn, phụ nữ có thai được khuyến cáo không nên ăn thực phẩm sống, nem chua, thịt tái, nấu chưa chín bởi các loại thực phẩm này dễ bị nhiễm khuẩn gây hại cho thai nhi. Trường hợp xấu có thể gây sảy thai hoặc nhiều vấn đề nghiêm trọng khác.
Mặt khác, với đặc thù là thịt sống và chín sinh học không phải chín bằng nhiệt, nên sự tiêu diệt các vi sinh vật ở nem chua rất khó khăn, dễ nhiễm sán lợn. Vì vậy, những người bị sán lá gan đang điều trị hoặc điều trị chưa dứt điểm, nếu ăn nem chua, nguy cơ nhiễm sán càng cao.
Để đảm bảo an toàn, nếu muốn ăn nem chua nên mua ở những cơ sở uy tín, có thương hiệu. Trên bao bì phải được ghi rõ ngày sản xuất và hạn sử dụng rõ ràng. Không ăn nem bày bán lề đường, nem quá chín hoặc nem có mùi lạ, để tránh gây hại cho sức khỏe.


Nam thanh niên 30 tuổi tiên lượng nặng sau khi ăn tiết canh và những điều nhất định nên biết về món ăn 'khoái khẩu' này
Sống khỏe - 2 giờ trướcGĐXH - Sau 3 ngày ăn tiết canh, bệnh nhân được đưa đến viện trong tình trạng rất nặng, nhiễm khuẩn huyết và suy đa cơ quan. Tiên lượng hiện tại rất dè dặt.

Người phụ nữ 44 tuổi có 15 khối u xơ kết thành chùm trong tử cung, thừa nhận 1 sai lầm nhiều chị em Việt mắc phải
Bệnh thường gặp - 5 giờ trướcGĐXH - Người phụ nữ có khối u xơ kết thành chùm trong tử cung cho biết bỏ tái khám nhiều năm. Gần đây, bụng to dần, kèm theo dấu hiệu chảy máu nhiều khi hành kinh, táo bón... mới đến viện khám.

Các xét nghiệm cần làm khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc ung thư vú
Mẹ và bé - 7 giờ trướcKhi phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào nghi ngờ ung thư vú, cần gặp bác sĩ chuyên khoa sớm để được đánh giá, thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán chính xác và có phác đồ điều trị kịp thời.

5 lợi ích sức khỏe từ thịt vịt không nên bỏ qua
Sống khỏe - 9 giờ trướcThịt vịt thường bị xem là 'béo' hơn so với thịt gà nhưng khi hiểu rõ về thành phần dinh dưỡng và có cách chế biến hợp lý, thịt vịt hoàn toàn có thể trở thành một phần bổ dưỡng trong chế độ ăn hàng ngày.

Nhóm người nào có nguy cơ bị mất nước trong mùa hè?
Sống khỏe - 12 giờ trướcMùa hè nóng nực, việc bổ sung nước là rất quan trọng giúp cơ thể đảm bảo được sự hoạt động bình thường. Những người có nguy cơ mất nước cần chú ý uống nước nhiều hơn.

5 nhóm thực phẩm dễ gây ung thư nhất
Sống khỏe - 13 giờ trướcUng thư do nhiều nguyên nhân, với tỷ lệ mắc và tử vong ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Mặc dù có nhiều yếu tố góp phần vào sự phát triển của ung thư nhưng chế độ ăn uống đóng một vai trò không nhỏ.

Người đàn ông 39 tuổi nguy cơ vỡ u gan chia sẻ đã lựa chọn chữa bệnh theo cách này!
Bệnh thường gặp - 1 ngày trướcGĐXH - Người bệnh nhận viện và được theo dõi vỡ u gan cho biết, anh được chẩn đoán u gan cách đây 5 tháng. Tuy nhiên, anh lựa chọn sử dụng thuốc nam tại nhà.

Phát hiện ung thư giai đoạn cuối từ một dấu hiệu kéo dài 2 tháng
Sống khỏe - 1 ngày trướcLiên tục đại tiện ra máu nhưng bà L. nghĩ rằng mình mắc bệnh trĩ, khi đi khám, bác sĩ phát hiện nữ bệnh nhân mắc ung thư trực tràng giai đoạn cuối.

Bé 10 tuổi ở Phú Thọ bị dị tật tủy sống từ dấu hiệu nhiều người Việt bỏ qua
Mẹ và bé - 1 ngày trướcGĐXH - Một số yếu tố nguy cơ gây dị tật tủy sống như: Thiếu axit folic trong thai kỳ, tiền sử gia đình có người mắc dị tật ống thần kinh, một số thuốc hoặc bệnh lý người mẹ mắc trong quá trình mang thai...

Chạy đua với thời gian, hồi sinh 5 cuộc đời từ nghĩa cử hiến tạng
Y tế - 1 ngày trướcGĐXH - Bệnh viện E vừa triển khai thành công lấy đa tạng từ người cho chết não, để hồi sinh sự sống cho 3 người bệnh và đem lại ánh sáng cho 2 người bệnh khác.

Chấn động: Bé gái 3 tháng tuổi bị người thân xâm hại tình dục
Y tếGĐXH - Tại bệnh viện, các bác sĩ phát hiện bé bị rách màng trinh và tổn thương âm đạo khoảng 1,5 cm.