Trong lịch sử Việt Nam và thế giới, chuyện người mù tham gia chiến trận là rất hiếm. Thế mà trên chiến trường Quảng Đà - Quảng Nam thời chống Mỹ, dưới làn mưa bom đạn lửa - một thanh niên mù gùi mỗi lần từ 50 - 100kg lương thực, súng đạn, ròng rã 14 năm trời phục vụ chiến trận đã làm nên kỳ tích có một không hai! Ông còn là nghệ nhân mù duy nhất chế tác thành công những nhạc cụ dân tộc độc đáo của đồng bào Cơ Tu - Người mù huyện thoại đó là ông Alăng Bhuôch (sinh năm 1931, dân tộc Cơ Tu), thôn Aruung - xã Bhalêê - huyện Tây Giang (Quảng Nam).
"Giàu hai con mắt"
Những ngày cuối năm 2008, chúng tôi tìm đến cổng trời Tây Giang - nơi tên tuổi Alăng Bhuôch gắn với những kỳ tích huyền thoại. Trên đường Hồ Chí Minh, cách ngã ba con đường huyền thoại lên trung tâm huyện lỵ Tây Giang chừng 1 km, cạnh UBND xã Bhalêê, ngôi nhà nhỏ của ông nép mình bên bạt ngàn cây rừng.
|
Bức chân dung mà ông cực kỳ nâng niu. |
Đã 77 tuổi nhưng trông Alăng Bhuôch vẫn còn khỏe khoắn, tinh lanh mỗi khi đi lại, leo trèo cùng chiếc gậy - "đôi mắt" gắn bó với ông đã gần 7 thập kỷ qua. Ông chỉ bị chứng lãng tai - hậu quả của những năm tháng xông pha gùi đạn dược dưới làn mưa bom lửa đạn xối xả của kẻ thù.
Sinh ra trong một gia đình nghèo có 4 anh em, năm lên 10 tuổi Alăng Bhuôch lâm bệnh rồi bị mù cả hai mắt. Gia đình vốn đã khó khăn lại càng vất vả, nhọc nhằn! Là con đầu, cậu thiếu niên Alăng Bhuôch không muốn trở thành gánh nặng cho cha mẹ. Vượt lên nỗi mặc cảm tật nguyền, Alăng Bhuôch đã dò dẫm lên nương phụ giúp cho cha, đỡ đần mẹ việc nhà...
Lớn lên đúng thời lửa đạn, chàng thanh niên mù nghe thấy tiếng bom gầm đạn rú trên quê hương mình mà lòng uất ức không yên. Nhưng ngẫm đi ngẫm lại: Phận mình mù thì làm được gì? 17 tuổi, bạn bè cùng trang lứa xôn xao: Người thì đi bộ đội, đứa làm du kích, mấy bạn nữ thì vào dân công hoả tuyến... khiến Bhuôch càng rối bời, trăn trở. Chẳng lẽ mình là người vô dụng, không làm được gì để đánh thằng Mỹ???
Sau nhiều đêm thức trắng, Bhuôch quyết định xin cha mẹ đi dân công, tham gia cách mạng. Cha mẹ ngăn cản mãi nhưng không được, cuối cùng trước sự quyết tâm của con trai, họ đành gật đầu mà lòng dạ không yên: "Giàu đôi con mắt", chiến tranh mù trời chẳng biết có tránh được hòn tên mũi đạn?!
14 năm gùi đạn trong màn đêm
Trước tình trạng chiến trường cấp bách cần đạn dược, gần 3 tháng trời ròng rã hầu như không ngủ, người thanh niên ấy đã tình nguyện ngày đêm bám trụ trên những nẻo đường quen thuộc, với cây gậy chỉ lối đưa đường, hoàn thành những chuyến hàng ngoài sức tưởng tượng. |
Bhuôch tham gia cách mạng năm 1958 tại xã A Vương, huyện Hiên (nay tách thành 2 huyện Đông Giang và Tây Giang - Quảng Nam). Nhiệm vụ chủ yếu là dân công vận chuyển hàng hóa, lương thực phục vụ kháng chiến.
Ngày lên đường, Bhuôch được bố mẹ trao cho chiếc gùi bằng mây song và chiếc gậy. Niềm hân hoan được tham gia dân công thành hiện thực nên dẫu nhọc nhằn gian khó, tuy lấy gậy làm "mắt" nhưng Bhuôch chẳng nề hà.
Bhuôch cùng hàng ngàn dân công các xã A Vương, Anông, Bađun, C'ghiêr, Ca nung và xã Ba... vận chuyển hàng, lương thực, thực phẩm từ điểm xuất phát là kho A zứt, xã A Vương đi theo nhiều hướng, trung chuyển lên các xã vùng cao, thuộc các điểm như Aroch, A bí (xã A Tiêng), Voòng, P'dâm (xã Tr'hy), gùi liên tục trong vòng 5 năm từ năm 1958 đến năm 1962, phải lên dốc Apác, dốc đèo Coong Zờng qua sông Lăng, phải lên dốc Ch'zách, Ch'rếch rồi lên tới dốc núi Tr'hy (vùng đất thuộc thôn Voòng, xã Tr'hy ngày nay).
Từ năm 1963 đến 1966, Bhuôch gùi vũ khí, súng đạn các loại, đi lại như con thoi giữa các trạm. Đến năm 1967, Bhuôch được điều động bổ sung vào Đoàn Trung Sơn trực thuộc Tỉnh đội Quảng Nam, điểm trực là kho 31 tại hang Khỉ, chân dốc Alơơl - ranh giới giữa huyện Hiên và huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế).
|
Ông là nghệ nhân mù duy nhất chế tạo thành công những nhạc cụ dân tộc độc đáo của đồng bào Cơ Tu. |
Từ hang Khỉ chia thành nhiều hướng đường vận chuyển: kho 31 đi đến trạm trực Arớt, đến Z'rượt đến Crơreh; từ kho 31 đến trạm Tarêêl, đến trạm trực Tacoo, đến Azơơl, từ kho 31 đến trạm trực Panonh, đến trạm trực Tr'lêê, đến trạm trực Crơrvehoo.
"Những ngày đầu, mấy anh mấy chú thấy đường đi trước, mình không thấy gì mò mẫm theo sau, cứ rứa, cái chân quen dần", Bhuôch cười hiền, "Còn những lúc đi một mình thì có giao liên dẫn đường một số lần đầu, sau đó thành quen, tự dò dẫm gùi hàng trên những tuyến đường quen thuộc".
Hồi mới gùi, đôi vai sưng tấy do không thấy đường nên trượt, té thường xuyên. Trên đường, những lần bom dội, người sáng mắt thì dễ dàng tìm cách trú ẩn, Bhuôch cũng chạy theo mà chẳng biết nấp vào đâu.
Sau những lần đó, mặc kệ, cho dẫu trên đầu bom rơi, đạn lạc. Trong đó có hàng chục lần bom địch dội cách không xa, đặc biệt có hai lần Bhuôch gặp nguy hiểm, té nhào nhưng may mắn không bị thương tích gì nghiêm trọng. "Hình như những người mù như mình trời phú cho biệt tài nhớ đường thì phải?" - Bhuôch chia sẻ.
Ba tháng trời không ngủ để gùi súng đạn
Năm 1968, Bhuôch đã ghi một kỷ lục khiến những người sáng mắt cũng phục lăn. Khi cấp trên hỏi ý kiến về việc gùi đầu đạn A12 nặng trên 100kg, mọi người đang lưỡng lự, ái ngại thì Bhuôch nhận lời. Tuy lo lắng về sức nặng và sự hiểm nguy, nhưng điều đó càng tăng quyết tâm trong Bhuôch.
|
Gần 80 năm nay,cây gậy đã trở thành "đôi mắt" của ông. |
Đi 5 ngày 6 đêm không ngủ, Bhuôch hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong niềm thán phục của đồng đội. Cũng trong năm 1968, do nhu cầu chiến trường ngày càng cấp bách, Bhuôch tình nguyện 3 tháng trời hầu như không ngủ, cùng đồng đội đều đặn gùi lương thực, đạn dược phục vụ chiến trường.
Có người ở đơn vị nấu cơm, đùm sẵn, mỗi lần đi mệt - nghỉ, đói - ăn, khát - uống... rồi lại đi tiếp. Cứ thế 3 tháng ròng, hàng tấn vũ khí, đạn dược đã được tiếp tế cho chiến trường. Với thành tích đó, năm 1968, ông được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc, được đi báo cáo điển hình tại các đơn vị quân đội.
Báo Nhân dân khi đó đã đăng bài viết về thành tích ngoài sức tưởng tượng của Alăng Bhuôch. Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất và Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
"Bắt vợ"cho chồng...
Năm 1970, cảm phục trước nghị lực phi thường của chàng trai mù Alăng Bhuôch, cô Ta Rương Thị VNăng - đồng đội cùng tham gia dân công tỏ lòng yêu mến ông. Thân phận mù lòa lại được người để ý, thế là Alăng Bhuôch gật đầu, quyết định "bắt vợ" (phong tục của người Cơ Tu) trước sự tán thành của đồng đội. Tình yêu chắp thêm đôi cánh, Alăng Bhuôch lại hăng say hơn với công việc.
|
Alăng Bhuôch bên người vợ đầu và cậu con trai. |
Từ ngày "bắt vợ" đến sau khi hòa bình, do bà Ta Rương Thị VNăng bị chất độc da cam nên hai người không thể có con. Nhiều lần bà Ta Rương VNăng thuyết phục ông đi "bắt vợ" khác, nhưng Alăng Bhuôch không thể phụ lòng bà.
|
Người vợ thứ hai của ông Alăng Bhuôch. |
Năm 1975, Alăng Bhnuôch về quê phát rẫy làm nương. Ông là người đầu tiên trong địa phương, tự mò mẫm đào hơn 1km rãnh nước ngọt (sau này làm bằng ống nhựa) từ trên suối đổ về ruộng, vườn. Là một trong những người đầu tiên khai phá đất làm lúa nước trên đất rẫy; đào ao nuôi cá trắm, cá mè; Trồng 500 gốc quế... Mọi việc từ sàn nhà, vườn tược, sinh hoạt ông đều tự tay làm cùng với chiếc gậy - mắt chỉ đường suốt bao năm qua.
Thương ông, năm 1982, Ta Rương Thị VNăng quyết định đi "bắt vợ" thay ông, đó là bà Bling Thị Tít, cũng là đồng đội ngày xưa tham gia dân công. Bà Bling Thị Tít đã có 3 người con riêng, chồng mất đã hơn 3 năm.
Cùng chiến trường, thấu hiểu hoàn cảnh của nhau nên ngôi nhà luôn ấm êm, hòa thuận. Hạnh phúc ngập tràn bù đắp cho người đàn ông ấy! Năm 1983, bà Bling Thị Tít sinh Alăng Nuôi, năm 1985 sinh Alăng Thị Thủy. Đại gia đình ấy rất yêu thương, đùm bọc, che chở nhau.
Nghệ nhân mù chế tác nhạc cụ độc đáo
Sớm sớm, chiều chiều nếu ai đi qua đoạn đường Hồ Chí Minh gần UBND xã Bhlêê, sẽ nghe được tiếng đàn brêê, abel, cơ zong... văng vẳng như tiếng chim rừng thánh thót. Hỏi về chuyện nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình, ông say sưa hơn bao giờ hết!
|
Alăng Bhuôch và một số nhạc cụ do ông tự chế tạo. |
Thật bất ngờ, ông tự mò mẫm trèo thang lên căn gác xép - nơi để một số loại đàn mà ông chế tác - để khoe với chúng tôi. Ông tự gảy đàn và hát những khúc nhạc truyền trống của quê hương.
Alăng Bhuôch trổ tài, điệu nghệ trên cây đàn ablel, với khúc ca hát gọi người con gái của những chàng trai người Cơ Tu; đàn brler, ablil hát giao duyên... Theo Alăng Bhuôch thì đồng bào dân tộc Cơ Tu ở Tây Giang có 7 loại nhạc cụ (đàn) truyền thống; ngoài ra còn có loại kèn czool làm bằng sừng trâu được ông thổi lên làm rộn cả chiều mưa...
Vĩ thanh
Chuyện gùi đạn dược, lương thực của Alăng Bhuôch được hầu hết dân bản và đồng đội ở không ít chiến trường biết đến. Bà con bản làng Cơ Tu rất mong muốn những việc làm anh hùng của người con quê hương được Tổ quốc ghi công. Thế nhưng, từ ngày hòa bình đến nay, Alăng Bhuôch vẫn chưa nhận được danh hiệu Anh hùng LLVTND mà đáng ra ông được phong tặng từ trước.
|
Alăng Bhuôch và phút ngẫu hứng với nhạc cụ tự tạo. |
Alăng Ajuông (1926), nguyên là Trung đội trưởng du kích xã Anông (sau này là xã A Vương) thời gian từ 1963 - 1970 chia sẻ: "Alăng Bhuôch có công lớn là nhiều năm liền vận chuyển hàng hóa, súng đạn không kể ngày đêm, (trong đó có 3 tháng liền hầu như không ngủ). Đồng chí xứng đáng nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND".
Ông A Rất Hơn - nguyên Chủ tịch HĐND huyện Đông Giang cũ, nói: "Những thành tích của Alăng Bhuôch thật đáng khâm phục". A Rất Hơn nhớ năm 1968 khi ông đang học ở Hà Nội thì được đọc thông tin trên Báo Nhân dân về thành tích của Alăng Bhuôch với không ít lần gùi hàng trăm kilôgram hàng hoá phục vụ chiến trường.
"Alăng Bhuôch đã được phong Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Đây là cơ sở để sau này làm hồ sơ phong Anh hùng LLVTND". Thời gian qua, UBND xã Bhalêê và UBND huyện Tây Giang cũng đã làm hồ sơ gửi cấp trên đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Alăng Bhuôch. Nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm.
Còn ông, hàng ngày vẫn lặng lẽ, khiêm nhường, vui vầy cùng con cháu trong nếp nhà nhỏ nép mình bên đại ngàn Trường Sơn hùng vỹ. Sớm sớm, tiếng đàn trong veo vẫn văng vẳng cất lên dưới hiên nhà khiến núi rừng như sáng bừng lên...
Xuân Hoài - Kỳ Phong