Những chiêu độc của 'thánh lừa' bán hàng online
Bằng thủ đoạn bán hàng xịn với giá rẻ bằng một nửa, thậm chí 1/10 giá trị thật, cùng nhiều chiêu độc khác, Đỗ Thị Kim N. (N “gốm”) được cư dân mạng phong là “thánh lừa” khiến rất nhiều khách hàng hám mua rẻ phải ngậm đắng nuốt cay.
“Bà mẹ đơn thân thành đạt”
Với những ai chỉ biết N. “gốm” qua mạng xã hội hoặc thậm chí gặp ngoài đời một vài lần thì rất dễ bị “ngợp”. Trên trang Facebook, N. tự phong mình là “nữ hoàng làng gốm” Bát Tràng. Là mẹ đơn thân, từ chỗ tay trắng, chỉ trong vài năm N. đã sở hữu một cửa hàng gốm sứ lớn nhất làng. Đặc biệt, đối tượng luôn khẳng định những sản phẩm gốm sứ đẹp mắt ấy là do chính tay mình làm ra. Đồng thời, cũng là dòng sản phẩm hiếm hoi tại Bát Tràng được khử chì theo công nghệ tiên tiến nhập ngoại.
Bên cạnh đó, N. cũng không ngại bỏ tiền để chạy quảng cáo trên mạng xã hội Facebook khiến cho những món hàng thường xuyên hiện lên trang của những tín đồ mua sắm. Một số thông tin làm từ thiện cho trẻ em thiệt thòi cũng được N. đăng lên theo kiểu úp mở. Thậm chí, một trang tin điện tử còn đăng bài viết ca ngợi N “gốm” là ai mà khiến nhiều chị em yêu thương và ngưỡng mộ đến vậy.
Song, thực tế, suốt từ những năm 2017-2019, N. thường xuyên đăng bán nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên trang của mình rồi... quỵt tiền của khách mua.
N. “gốm” được cho rằng đang giả điên để trốn tránh trách nhiệm.
Chị Phạm Thị L. (trú tại Thái Bình) nhớ lại kỷ niệm đau thương của mình. Qua mạng xã hội Facebook, chị rất tin tưởng những gì N. khoe. Khi thấy cô ta đăng bán những món hàng đẹp, giá hợp lý, chị đã đặt mua 1 loa đồng cổ và 2 bộ ấm chén Bát Tràng với tổng giá tiền 20 triệu đồng. Do N. nói hàng thuộc loại hiếm có khó tìm nên phải chuyển tiền trước mới gửi hàng nên chị L. đã chuyển trước cho cô ta 15 triệu đồng.
Ngay sau đó, vì phát hiện N. “gốm” báo giá cho người khác chiếc loa ấy là 12,5 triệu chứ không phải 15 triệu đồng nên chị L. nhắn lại với N. là mình không lấy chiếc loa ấy nữa. N. nói sẽ chuyển lại số tiền đã nhận cho chị L. nhưng đó chỉ là lời nói dối. Mỗi lần chị L. liên lạc hỏi thì câu trả lời mà chị nhận được là “quên mất” hoặc “bận quá, chưa gửi được”. Chị L. bức xúc tố cáo N. lừa đảo lên mạng thì lập tức bị chửi mắng và chặn liên lạc.
Ở tận Tây Nguyên, chị Nguyễn Thị Th. (trú tại huyện Chư Sê, Gia Lai) đặt mua của N. “gốm” hàng chục sản phẩm gốm sứ các loại với số tiền gần 4 triệu đồng thanh toán theo hình thức chuyển khoản trước. Thế nhưng, sau nhiều tuần lễ chị Th. vẫn chưa nhận được hàng dù đã liên lạc để nhắc gửi rất nhiều.
“Trước đây, tôi theo dõi Facebook của N. “gốm” và rất mến mộ, khâm phục người này vì những gì cô ta chia sẻ. Không ngờ tất cả chỉ là giả tạo. N. đã không gửi hàng cho tôi và khi tôi gọi điện hỏi thì còn chửi mắng tôi rất thậm tệ, sau đó chặn điện thoại và Facebook của tôi. Hiện tại, tôi không còn cách nào để đòi lại tiền vì ở quá xa”, chị Th. bức xúc kể.
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều bị hại đã bị N. chiếm đoạt tiền khi mua hàng online. Họ đã làm đơn tố cáo lên Cơ quan công an, song vì nhiều lý do mà việc điều tra hành vi của đối tượng chưa được xử lý rốt ráo.
Địa chỉ giả và hễ “động” là “biến”
Vài năm trở lại đây N. liên tục chuyển nơi ở. Những lần trước N. cho địa chỉ cửa hàng tại số 80 Giang Cao, Bát Tràng, Gia Lâm. Tuy nhiên, một số bị hại sau khi đòi tiền không được đã đến tận nơi tìm N. thì phát hiện đây không phải là cửa hàng của N. mà là cửa hàng gốm sứ Ngọc Vỹ. Chị Ngọc, chủ cơ sở sản xuất và cửa hàng gốm sứ Ngọc Vỹ cho biết: “Đây không phải cửa hàng của N. mà là của tôi, N. chỉ nhờ bán hàng ở đây thôi, chụp ảnh rồi lấy hàng ở đây bán cho khách”.
Sau khi “lộ bài”, N. chuyển sang bán thập cẩm các món hàng hitech như điện thoại di động, máy tính xách tay, máy tính bảng cho đến hàng tiêu dùng như xe đạp, giường tầng... và lấy địa chỉ mới, rất sang chảnh ở số 407 Biệt thự Vườn mai, khu đô thị Ecopark (Văn Giang, Hưng Yên). Thời gian này, bằng chiêu thức bán hàng siêu rẻ - bất kỳ món hàng nào N. cũng để giá rất thấp, chỉ bằng 50% hay 1/10 giá thị trường - N. tiếp tục khiến nhiều người sập bẫy.
Chị Lê Kim Nh. (trú tại Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, tháng 3-2021 chị thấy hiện lên một fanpage có tên N. “gốm” với những hình ảnh quảng cáo rất bắt mắt, nhiều sản phẩm xịn sò như điện thoại iPhone, xe máy SH, xe đạp, máy tính xách tay châu Âu... giá rẻ.
Một trong những món hàng được đối tượng đưa giá chỉ bằng 1/10 giá trị thật để lừa khách hàng ham rẻ. |
Hấp dẫn về hình ảnh sản phẩm, chị Nh. vào trang fanpge tìm hiểu thì thấy có rất nhiều lượt theo dõi cùng những lời quảng cáo có cánh nên quyết định nhắn tin đặt hàng trên fanpage này. Sau khi nhắn tin vào Facebook và kết bạn Zalo theo số điện thoại 0983887xxx, chị được đối tượng “dụ ngọt” với kinh nghiệm bán hàng lâu năm, uy tín, sản phẩm được xách tay từ Pháp về, đảm bảo chất lượng. Chị Nh. đã đặt mua 2 xe đạp, 1 chiếc điện thoại iPhone, 1 xe máy với tổng trị giá chưa tới 20 triệu đồng.
Khi đó N. liên tục hối thúc chị chuyển khoản vì bán rẻ. Chưa nhận được hàng, chị Nh. tiếp tục chuyển thêm 2 triệu đồng để mua thêm một chiếc laptop. Tuy nhiên, sau khi thanh toán xong, chờ mãi mà không nhận được hàng, chị Nh. hỏi lại thì đối tượng ngó lơ. Liên hệ theo số điện thoại và Zalo thì đã bị N. “gốm” chặn liên hệ từ lâu.
Một nạn nhân khác là chị Nguyễn Thị Thùy D. (trú tại quận Thanh Khê, Đà Nẵng). Tháng 2-2021, chị D. đặt mua 1 tivi, 1 đồng hồ của đối tượng với tổng trị giá hơn 8 triệu đồng. Sau khi chuyển khoản thanh toán xong, chờ nhiều ngày không nhận được đơn hàng, chị D. liên lạc lại với đối tượng thì chỉ nhận được câu trả lời: “Kiểm tra lại”. Sốt ruột vì không thấy hàng đâu, chị D. nhắn tin, gọi điện vào số điện thoại, Zalo thì mọi liên lạc đều đã bị hủy. Biết mình bị lừa, chị D. vô cùng bức xúc nhưng do ở quá xa nên đành bất lực.
Một bài viết được cho là N. thuê để đánh bóng tên tuổi. |
Thời gian gần đây những nạn nhân của N. “gốm” đã lập một tài khoản Facebook để tố cáo những hành vi lừa đảo của đối tượng này. Và, hầu hết nạn nhân đều bị bẫy bởi món đồ quá rẻ so với thị trường. Với những người có kinh nghiệm, không bao giờ có chuyện một chiếc điện thoại iPhone 12 (hàng mới hoặc đã qua sử dụng) đang bán ở các siêu thị hay các shop với giá từ 15-20 triệu đồng lại chỉ có giá 2 triệu như đối tượng rao. Bên cạnh đó, nếu nghiên cứu kỹ những món hàng mà N. “gốm” rao bán thì có thể thấy thông tin được đưa ra hết sức mập mờ. Ví dụ như đồng hồ hàng hiệu Versace thì đối tượng chỉ ghi là đồng hồ Versac; hay chỉ đăng ảnh hàng thật, còn sau đó sẽ chuyển hàng fake cho khách. Nhận được hàng phản ánh lại là đối tượng sẽ block luôn tài khoản của khách.
Có bị hại ở Cà Mau bị đối tượng lừa mua tượng phật với số tiền 14 triệu đồng song không gửi hàng. Bị hại này đã cất công lặn lội tìm đến nhà bố mẹ của N. “gốm” ở Bát Tràng song N. cố thủ trong nhà, không dám ra gặp. Có những bị hại dọa tố cáo đối tượng lên Cơ quan công an thì N. “gốm” còn nhơn nhơn thách thức: “Án nhiều lắm rồi, có nữa không sao” và “Hỏi rằng kẻ bán sai hay kẻ tham sai”.
Bài học đắt giá
Theo một điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội thời gian gần đây có dấu hiệu gia tăng. Cơ quan công an nhận được không ít đơn trình báo của bị hại, song để có thể thụ lý một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì phải làm rõ nhiều yếu tố (như giá trị thiệt hại của bị hại, địa bàn xảy ra vụ việc...). Bên cạnh đó, các đối tượng luôn có nhiều thủ đoạn tinh vi để tránh né việc điều tra, điển hình như bán hàng giả, hàng fake nhưng khi rao bán thì đăng thông tin lập lờ, không khẳng định đó là hàng chính hãng nên rất khó xử lý.
Nhiều bị hại đang săn tìm N. “gốm” để làm rõ những lần bán hàng lừa đảo. |
Chỉ tính riêng trong năm 2020, cơ quan chức năng đã phát hiện khoảng trên 4.100 vụ việc liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng. Hiện nay số lượng người sử dụng các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Instagram... ở nước ta rất lớn. Đây là điều kiện thuận lợi để các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Để tránh trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo trực tuyến nói chung và mua hàng qua mạng nói riêng, cá nhân sử dụng mạng xã hội cần luôn tỉnh táo, cảnh giác. Không nên tham mua hàng quá rẻ mà nên chọn hàng có giá hợp lý, nên sử dụng phương thức thanh toán COD khi mua hàng...
Đầu năm 2018, Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có phiếu chuyển đơn đến Công an TP Hà Nội về việc có nhiều bị hại tố cáo Đỗ Thị Kim N. (trú tại Giang Cao, Bát Tràng, Gia Lâm) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng thông qua việc thỏa thuận mua hàng trên mạng xã hội.
Đầu năm 2020, anh Trần Anh Tuấn (trú tại Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị N. lừa chuyển khoản 10 triệu đồng để mua 2 chiếc đồng hồ fake, giá chỉ vài trăm ngàn đồng đã làm đơn tố cáo tới Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Tháng 3-2020, Cơ quan CSĐT, Công an quận Bắc Từ Liêm ra thông báo về kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm với nội dung: “Tạm đình chỉ xác minh đơn tố giác do chưa có kết quả định giá tài sản; chưa làm việc được với chị Đỗ Thị Kim N. Tiếp tục phục hồi giải quyết đơn tố giác trên khi có thông tin, tài liệu mới”.
Theo An Ninh Thế Giới
Ngân hàng lãi suất cao nhất khi gửi tiền 6 tháng: Gửi tiết kiệm 2 tỉ đồng nhận tiền lãi ra sao?
Giá cả thị trường - 1 giờ trướcGĐXH - Với gần 30 ngân hàng trong hệ thống, mức lãi suất tiết kiệm 6 tháng đang dao động từ 3 - 5,6%/năm.
Diễn biến giá nhà riêng lẻ tại Tây Hồ, Hà Nội những tháng cuối năm 2024
Giá cả thị trường - 1 giờ trướcGĐXH - Tây Hồ là một trong những quận có giá nhà thuộc tốp cao của thủ đô. Ghi nhận tại thời điểm tháng 11/2024, giá nhà ở riêng lẻ trên địa bàn quận Tây Hồ, Hà Nội đang ở ngưỡng không phải ai cũng có khả năng mua được.
Diễn biến giá đất nền tại Thường Tín, Hà Nội những tháng cuối năm 2024
Giá cả thị trường - 2 giờ trướcGĐXH - Cùng chung tốc độ tăng giá của các khu vực trung tâm, giá đất nền ngoại thành Hà Nội nói chung, tại huyện Thường Tín nói riêng những tháng cuối năm 2024 cũng ghi nhận sự tăng giá.
13 ngân hàng này tăng lãi suất tiết kiệm, có hai nhà băng 2 lần tăng lãi cho người gửi tiền
Bảo vệ người tiêu dùng - 2 giờ trướcGĐXH - Đến nay, đã có 13 ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất gửi tiết kiệm (huy động), trong đó có ngân hàng Agribank và VIB hai lần tăng lãi suất tiết kiệm.
Xe ô tô MPV giá 500 triệu đồng sắp bán tại Việt Nam rẻ hơn hẳn Mitsubishi Xpander có gì đặc biệt?
Giá cả thị trường - 3 giờ trướcGĐXH - Xe ô tô MPV có giá dự kiến cực rẻ chỉ 500 triệu đồng đã bắt đầu được đại lý trong nước nhận cọc, rẻ lấn át Mitsubishi Xpander.
Phòng trưng bày 'hiểu hàng thật, tránh hàng giả' phục vụ người tiêu dùng Thủ đô từ nay đến hết 29/11
Bảo vệ người tiêu dùng - 4 giờ trướcGĐXH - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường mở phòng trưng bày nhận diện hàng thật, hàng giả đối với các mặt hàng sữa, thực phẩm, đồ gia dụng, mỹ phẩm… Thời gian mở cửa kéo dày đến hết ngày 29/11.
Black Friday năm 2024 rơi vào ngày nào?
Sản phẩm - Dịch vụ - 4 giờ trướcGĐXH - Black Friday năm 2024 là ngày nào để giúp mọi người có thể mua được những món đồ yêu thích với mức giá hấp dẫn?
Giá vàng hôm nay 22/11: Vàng SJC, vàng nhẫn Bảo Tín Minh Châu, Doji, PNJ tiếp tục tăng với biên độ lớn
Giá cả thị trường - 6 giờ trướcGĐXH - Giá vàng hôm nay ở vàng nhẫn và miếng SJC trong nước tiếp tục tăng dựng đứng.
Lịch cúp điện Cà Mau ngày 22 - 24/11/2024: Nhiều khu dân cư nằm trong diện cúp điện cả ngày
Sản phẩm - Dịch vụ - 7 giờ trướcGĐXH – Theo thông báo lịch cúp điện của Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), cuối tuần nhiều khu dân cư và đơn vị thuộc Cà Mau sẽ mất điện cả ngày.
Lịch cúp điện Bà Rịa – Vũng Tàu ngày 22 – 24/11/2024: Cúp điện 13 tiếng/ngày một số khu vực để sửa chữa
Sản phẩm - Dịch vụ - 7 giờ trướcGĐXH – Theo thông báo lịch cúp điện của Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), cuối tuần nhiều khu dân cư và đơn vị thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ mất điện cả ngày.
Chi tiết xe ga Vision mới giá 31,3 triệu đồng đẹp đỉnh, màu sắc độc đáo, trang bị đẳng cấp sẽ thống trị thị trường?
Giá cả thị trườngGĐXH - Xe ga Vision của Honda Việt Nam đã chính thức ra mắt phiên bản 2025 với loạt màu mới cực độc đáo và lạ mắt, xe cũng được nâng cấp thêm tiện ích, giá bán từ 31,3 triệu đồng.