Những cuộc đời 'tái sinh' từ cơ thể người đã khuất
Nhiều người bệnh cận kề cửa tử, nhưng có cơ hội sống nhờ được ghép những bộ phận cơ thể của người khác.
Thiếu nữ “tái sinh” vào ngày 30 Tết
11h30, tiếng chuông báo hết tiết vang lên, Phạm Anh Thư (21 tuổi, quê Bắc Kạn, sinh viên năm thứ 2 một trường đại học ở Thái Nguyên) - tự tin bước ra khỏi lớp, chuyện trò rôm rả cùng vài người bạn. Nhìn Thư vui khỏe, khó ai có thể tưởng tượng, ở tuổi đôi mươi, cô gái ấy từng cận kề cửa tử.
Cách đây 4 năm, sau một thời gian dài khó thở, Anh Thư đi khám và được chẩn đoán mắc bệnh lý u cơ trơn bạch huyết ở phổi (LAM), hay còn gọi là bệnh phổi đục lỗ tạo nên các kén khí trong phổi, lan tỏa và làm mất chức năng phổi. Đây là bệnh hiếm, thường xảy ra ở người trẻ.
Để duy trì sự sống, Anh Thư phải thở ô-xy dài hạn, luôn cần người hỗ trợ trong sinh hoạt hằng ngày. Sức khỏe của Thư rất yếu, nguy cơ tử vong nếu không được ghép phổi. “Những lúc Thư tím tái, khó thở đến lịm đi, gia đình từng nghĩ tới tình huống xấu nhất”, bà Phạm Thị Tuyền (mẹ của Anh Thư) kể.
Tháng 10/2023, sức khỏe Thư chuyển biến xấu, phải trợ thở ô-xy vượt quãng đường dài từ Bắc Kạn xuống Bệnh viện Phổi Trung ương. Bác sĩ tiên lượng: Thư bắt đầu giai đoạn nguy kịch, khó qua khỏi nếu không được ghép phổi.
13h ngày 8/2/2024 (tức 29 Tết Giáp Thìn), Bệnh viện Phổi Trung ương nhận thông tin có phổi hiến từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Người cho tạng là nam thanh niên 26 tuổi chết não do tai nạn giao thông.
Bệnh viện Phổi Trung ương huy động khoảng 80 nhân lực trực tiếp tham gia ca ghép phổi cho Anh Thư, đồng thời có sự phối hợp hỗ trợ từ Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Tim Hà Nội.
Ca phẫu thuật được thực hiện ngày 9/2/2024 (30 Tết âm lịch), kéo dài 12 tiếng (từ 10h đến 22h). Với sự hỗ trợ của hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO), các bác sĩ lần lượt ghép phổi trái và phổi phải.
12 tiếng sau mổ, Anh Thư tỉnh, tự thở những hơi thở đầu tiên của lá phổi mới, các chỉ số hô hấp ổn định. Cả người bệnh, thân nhân người bệnh và ê kíp y bác sĩ đều trào nước mắt hạnh phúc.
Sau 14 tiếng, các bác sĩ rút ống nội khí quản thành công. Ngày thứ ba sau ghép, với sự hỗ trợ của nhân viên y tế, Anh Thư có thể đi lại nhẹ nhàng trong 5 phút. Cô được rút hết đường truyền tĩnh mạch trung tâm, rút ống dẫn lưu khí màng phổi trái và ăn bữa ăn đầu tiên sau ghép.
Ngày thứ 5, Thư đi lại tốt, hồi phục sức khỏe nhanh chóng, thậm chí thần kỳ. Sau 50 ngày, Phạm Anh Thư xuất viện trong niềm hạnh phúc lớn lao của cả gia đình.
“Em hạnh phúc khi sống với lá phổi mới, được quay trở lại trường học, vui chơi như bao bạn bè khác. Em hứa sẽ cố gắng sống thật tốt để không phụ lòng của tất cả mọi người. Em cảm ơn các thầy thuốc đã yêu thương em như người thân trong nhà”, Thư nói.
Sau ghép phổi 6 tháng, Anh Thư tăng 6 kg, sức khoẻ ổn định, ăn ngủ tốt, có thể nấu cơm, giặt quần áo, lau nhà, làm những công việc nhẹ nhàng. Nữ sinh quay trở lại trường học để hoàn thành ước mơ cử nhân công nghệ thông tin.
TS.BS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đánh giá, ca ghép phổi cho bệnh nhân Phạm Anh Thư thành công ở mức cao nhất theo tiêu chuẩn của UCSF (Trung tâm ghép phổi lớn và có uy tín tại Hoa Kỳ). Trên thế giới, ghép phổi hầu hết chỉ được thực hiện ở các nước phát triển, do đây là kỹ thuật ghép tạng rất khó và chi phí lớn.
“Thành công của ca ghép này là dấu mốc lớn ghi nhận tiến bộ vượt bậc của các thầy thuốc Bệnh viện Phổi Trung ương, với những chỉ đạo và quan tâm đặc biệt của Bộ Y tế”, TS.BS Đinh Văn Lượng nói.
Trái tim đầy ân nghĩa đang trong lồng ngực chồng tôi
“Sau hơn 2 tháng được ghép tim, giờ đây anh H. tự chạy xe máy, đưa đón con đến trường, phụ giúp vợ việc nhà. Không ai nghĩ anh vừa trải qua ca đại phẫu”, chị N.T.P.T (vợ của anh L.A.H - bệnh nhân ghép tim hồi tháng 8/2024 tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) nói.
4 năm trước, anh H. đang đi làm ở TP.HCM thì thường xuyên bị ho, tức ngực, khó thở, được chẩn đoán mắc bệnh cơ tim giãn, chức năng co bóp của cơ tim chỉ còn 18%. Xác định sẽ phải điều trị lâu dài, tốn kém, anh H. cùng vợ trở về quê thu xếp công việc để bước vào hành trình chữa bệnh.
Thời điểm đó, dịch COVID-19 bùng phát mạnh, anh H. không thể quay trở lại thành phố TP.HCM, buộc phải nhờ bác sĩ tư vấn từ xa và uống thuốc.
Thời gian sau, triệu chứng khó thở ngày càng nặng. Anh H. đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khám và được xác định chức năng tim của anh suy yếu, nếu không ghép tim kịp thời khó có thể kéo dài sự sống.
Rạng sáng 24/8/2024, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM nhận được thông báo có tạng hiến từ nam thanh niên chết não do tai nạn giao thông, nhiều khả năng tương thích với bệnh nhân L.A.H. Toàn bộ hệ thống của bệnh viện được kích hoạt, huy động sự tham gia của hàng trăm người.
Ca phẫu thuật ghép tim kéo dài 5 tiếng đồng hồ. Tất cả nhân viên y tế đều tập trung cao độ. 3h sáng ngày 25/8/2024, trái tim của người hiến bắt đầu những nhịp đập đầu tiên trong lồng ngực của anh L.A.H.
Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Định - Phó Giám đốc Bệnh viện Y Dược TP.HCM, khó khăn lớn nhất của ca mổ là người được ghép tim có áp lực động mạch phổi khá cao, nguy cơ suy tim sau phẫu thuật. Mặt khác, bệnh nhân có nhóm máu Rh âm tính (nhóm máu hiếm gặp, dưới 1% dân số), gây khó khăn khi xác định các kháng thể bất thường và chuẩn bị máu phù hợp cho ca phẫu thuật.
“Rất may mắn, ca ghép tim diễn ra thuận lợi. Sau ghép, các chỉ số đánh giá sức khoẻ của người bệnh tốt”, PGS TS Nguyễn Hoàng Định nói.
Hiện nay, anh L.A.H có thể sinh hoạt như một người bình thường. Anh mong muốn sớm đi làm trở lại để được gặp đồng nghiệp.
"May mắn đã mỉm cười với gia đình tôi. Sau ca ghép, trái tim đầy ân nghĩa đang đập trong lồng ngực chồng tôi. Điều hạnh phúc của vợ chồng tôi là sẽ được cùng nhau chứng kiến các con khôn lớn, trưởng thành, gia đình sum vầy, hạnh phúc. Tôi mong nhiều người bệnh được cứu sống như chồng tôi”, chị N.T.P.T. chia sẻ.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người, Việt Nam ngang tầm các nước trong khu vực về kỹ thuật ghép tạng. Vấn đề lớn nhất hiện nay là khan hiếm nguồn tạng, trong khi danh sách bệnh nhân cần thay tạng ngày càng dài.
"Chúng ta thành lập các trung tâm điều phối, nhưng tạng ở đâu để điều phối. Đó là câu hỏi lớn nhất, day dứt nhất hiện nay để cứu người" , bà Tiến nói.
Từ năm 1992 đến nay, cả nước có 8.365 trường hợp được ghép tạng. Trong đó, số tạng hiến từ người chết não chỉ chiếm 6%, còn lại là từ người sống.
PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, ghép tạng đã trở thành biện pháp điều trị rộng rãi và có hiệu quả với các bệnh lý suy tạng giai đoạn cuối.
Thành công của ghép tạng mang lại nhiều lợi ích, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Tuy nhiên, nhu cầu ghép tạng hiện nay rất lớn, trong khi nguồn tạng hiến tặng lại khan hiếm.
Hai năm qua, Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số ca ghép tạng, với hơn 1.000 ca mỗi năm. Tỷ lệ ca ghép từ nguồn hiến chết não của Việt Nam tăng dần nhưng vẫn thấp hơn nhiều nước, thậm chí thuộc nhóm thấp nhất thế giới.
Tính đến đầu năm 2024, sau 32 năm ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, các bệnh viện cả nước đã thực hiện hơn 8.000 ca ghép. Hiện còn gần 4.000 người trong danh sách chờ ghép, chủ yếu là bệnh nhân chờ ghép thận và gan.
Hành trình kiên cường và xúc động của người phụ nữ mang thai mắc ung thư cổ tử cung
Y tế - 16 giờ trướcMang thai lần đầu đầy hạnh phúc nhưng với chị H.P, hành trình này còn thêm nhiều gian nan khi ở tuần thai thứ 26, chị được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung... Thế nhưng với sự tận tâm của y bác sĩ, nghị lực của người mẹ, sản phụ P đã nỗ lực đến tuần thai 37 mới thực hiện mổ lấy thai...
Choáng với khối u khủng chiếm nửa đầu người phụ nữ 46 tuổi ở Tuyên Quang
Y tế - 20 giờ trướcGĐXH - Bệnh nhân đến viện trong tình trạng khối u lan rộng, toàn bộ vùng da ung thư chiếm 2/3 da đầu, nhiều vị trí nóng đỏ, chảy máu.
Mổ não khẩn cấp, cứu sống nam thanh niên 21 tuổi gặp tai nạn giao thông nguy kịch
Y tế - 21 giờ trướcGĐXH - Bệnh nhân được đưa đi cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, chảy máu mũi, tổn thương vùng trán, thái dương trái, đồng tử giãn 2 bên, nguy cơ tử vong cao.
Bé trai 8 tuổi ở Hà Nội suýt mất tai do bị chó nhà cắn
Y tế - 21 giờ trướcGĐXH - Trẻ được đưa đến viện trong tình trạng tổn thương đứt rời gần hoàn toàn vành tai phải, đứt rời sụn ống tai ngoài và sụn vành tai cùng nhiều vết thương khác trên cơ thể do bị chó cắn.
Hai chị em ruột uống nhầm thuốc trừ sâu khi đi đồng cùng mẹ
Y tế - 2 ngày trướcTối 2/2, đại diện UBND xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An cho biết, trên địa bàn xã vừa xảy ra vụ việc hai cháu bé phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc thuốc trừ sâu.
Đi chúc Tết, bé trai bị chó tấn công
Y tế - 3 ngày trướcGĐXH - Bệnh nhân được đưa đến viện với nhiều vết thương trên cơ thể. Các vết thương có dấu răng rõ rệt, nghiêm trọng do bị chó cắn.
Kỳ tích cứu sống bệnh nhi tim đã ngừng đập
Y tế - 4 ngày trướcBệnh nhi viêm cơ tim tối cấp đã ngưng tim được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cứu sống sau 12 ngày nguy kịch.
Ngắm nhìn những công dân nhí chào đời trong ngày đầu năm mới ở Quảng Ninh
Y tế - 5 ngày trướcGĐXH - Trong không khí rộn ràng thời khắc Giao thừa năm mới Ất Tỵ 2025 cũng là lúc tỉnh Quảng Ninh vui mừng chào đón những công dân nhí đầu tiên chào đời ngày mồng 1 Tết tại bệnh viện...
Những người chọn hiến máu sáng mùng 1 Tết Ất Tỵ để 'trao đời sự sống'
Y tế - 6 ngày trướcSáng nay mùng 1 Tết Ất Tỵ, giữa lất phất mưa xuân, nhiều người đã đến 'Viện Máu xông đất' hiến máu tình nguyện. Họ đến đây với tâm nguyện trao gửi những giọt máu đào ý nghĩa của mình để chuyển đến những bệnh nhân đang cần máu...
Tết sum vầy của cô gái được hồi sinh từ ca ghép phổi của người hiến tạng
Y tế - 1 tuần trướcNếu như trước đây, bệnh tật khiến Phạm Anh Thư không thể tự nấu cơm, giặt một bộ quần áo cũng khiến em thở không ra hơi, thì sau khi được thay lá phổi mới, em thấy mình như được sống lại một lần nữa. Thư sẽ viết tiếp giấc mơ của chính em và cả người đã hiến tạng cho mình, sống một cuộc đời thật ý nghĩa.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời
Y tếThông tin từ Bộ Y tế tối 24/1 cho biết, TS.BS Nguyễn Quốc Triệu - Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế đã qua đời lúc hơn 17h chiều nay tại Hà Nội.