"Khoảng 30% dân số Stockholm đã đạt một mức độ miễn dịch nhất định. Chúng tôi có thể đạt được miễn dịch cộng đồng ở thủ đô vào đầu tháng tới", đại sứ Thụy Điển tại Mỹ Karin Ulrika Olofsdotter phát biểu trong cuộc phỏng vấn ngày 26/4.
"Miễn dịch cộng đồng" là thuật ngữ được sử dụng để chỉ việc người dân trở nên miễn dịch với một loại bệnh truyền nhiễm nhờ phục hồi sau khi mắc bệnh hoặc được tiêm vaccine. Một số chuyên gia tin rằng ngưỡng đạt miễn dịch cộng đồng của Covid-19 là khi 60% dân số bị nhiễm virus.
Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng khoa học cho thấy người phục hồi sau khi nhiễm nCoV thực sự đạt khả năng miễn dịch trước loại virus này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết giả thuyết người nhiễm nCoV có thể đạt được miễn dịch vẫn chưa được chứng minh, đồng thời khuyến cáo các quốc gia không nên cấp "giấy chứng nhận miễn dịch" cho người từng nhiễm nCoV do tình trạng tái dương tính.
Đại sứ Olofsdotter thừa nhận vẫn cần thêm các nghiên cứu và thử nghiệm để tìm ra câu trả lời về khả năng miễn dịch với Covid-19, nhưng tin rằng chiến lược hướng tới "miễn dịch cộng đồng" của Thụy Điển đang gặt hái thành công, giúp nước này chống lại nCoV mà không cần áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt như nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Bà khẳng định chính phủ Thụy Điển sẵn sàng thay đổi chiến lược nếu cần thiết, song hiện chưa có kế hoạch từ bỏ việc theo đuổi "miễn dịch cộng đồng".
Thụy Điển vẫn cho phép các trường học, nhà hàng và trung tâm thương mại mở cửa, dù đã ban hành các hướng dẫn cách biệt cộng đồng, khuyến cáo hạn chế đi lại không cần thiết và đề nghị những người trên 70 tuổi ở nhà. Giới chức cũng cấm các cuộc tụ tập hơn 50 người và các chuyến thăm viện dưỡng lão.
Phần lớn dân Thụy Điển chấp hành và làm theo khuyến cáo của chính phủ, song giới chức cảnh báo sẽ đóng cửa bất cứ nhà hàng hoặc quán bar nào không thực hiện cách biệt cộng đồng và để khách hàng tụ tập quá đông.
"Tôi không muốn thấy bất cứ nhà hàng ngoài trời chật cứng nào ở Stockholm hay những nơi khác. Nếu không, các cơ sở kinh doanh sẽ bị đóng cửa", Bộ trưởng Nội vụ Thụy Điển Mikael Damberg nói ngày 24/4.
Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển (Folkhalsomyndigheten) cho biết nước này ghi nhận 18.640 ca nhiễm, trong đó 2.194 người chết. Số liệu cho thấy tình hình Covid-19 tại Thụy Điển không tốt lắm khi so sánh với các quốc gia Bắc Âu khác.
Nước láng giềng Đan Mạch chỉ thông báo hơn 8.500 ca nhiễm và hơn 420 người chết sau khi áp lệnh phong tỏa và nước này cũng bắt đầu nới lỏng một số hạn chế từ hồi đầu tháng 4. Phần Lan gần đây gia hạn lệnh cấm tụ tập đông người đến hết mùa hè, sau khi ghi nhận hơn 4.500 ca nhiễm và 190 người chết. Đan Mạch và Phần Lan đều có dân số khoảng 5 triệu người, gần bằng một nửa Thụy Điển.
"Chúng tôi có cùng mục tiêu như các nước khác là cứu càng nhiều người càng tốt và bảo vệ hệ thống y tế công cộng. Do đó chúng tôi cũng phải đối mặt với thực tế như mọi người. Tuy nhiên, điều khác biệt là các chính trị gia thực hiện những biện pháp mà họ cho là phù hợp với đất nước và công chúng nói chung", Olofsdotter nói.
Tiến sĩ Anders Tegnell, nhà dịch tễ hàng đầu Thụy Điển, cho biết hơn một nửa số người chết vì nCoV tại nước này là ở các viện dưỡng lão. Chính phủ Thụy Điển đang điều tra nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong cao ở các cơ sở này.
"Khi chúng tôi virus xâm nhập được các cơ sở chăm sóc người cao tuổi như thế nào, chính phủ có thể đưa ra các khuyến nghị và triển khai các biện pháp ngăn chặn, bởi việc để nCoV tấn công các viện dưỡng lão là thảm kịch lớn nhất", đại sứ Olofsdotter nói.
Đại sứ Thụy Điển tại Mỹ cho hay quyết định cho phép các nhà hàng, cửa hàng và trường học mở cửa trong cuộc khủng hoảng Covid-19 có thể giúp tăng tốc độ phục hồi kinh tế của nước này, trong bối cảnh các doanh nghiệp và người lao động đang hứng chịu hậu quả nặng nề từ đại dịch.
"Tỷ lệ thất nghiệp của chúng tôi trước đây là 6,5%, hiện tại là khoảng 11% và đang tăng. Điều này cực kỳ nghiệm trọng, chúng tôi dự đoán GDP của Thụy Điển sẽ giảm 4-10% trong năm 2020", Olofsdotter nói.
Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven hồi đầu tháng 4 cảnh báo hàng nghìn người nước này có thể chết vì nCoV. "Chúng tôi đã chọn chiến lược cố gắng làm phẳng đường cong (dịch tễ) và không để tình hình diễn tiến quá đột ngột, vì như thế hệ thống y tế sẽ quá tải", Lofven cho biết. "Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa chúng tôi sẽ có nhiều người nguy kịch cần điều trị tích cực và có nhiều ca tử vong hơn".
Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc vào tháng 12/2019, xuất hiện tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Gần 3 triệu ca nhiễm nCoV, gần 207.000 người chết và gần 879.000 người đã hồi phục.
Theo Vnexpress