Tin sáng 26/11: Người dân có thể được dựng rạp đám cưới dưới lòng lề đường?; 'siết' xét học bạ và xét tuyển sớm từ 2025 có phù hợp?
GĐXH - Bộ GTVT đề xuất người dân được sử dụng lòng đường, vỉa hè trên các tuyến đường huyện, xã, đường đô thị - không bao gồm đường phố chính, để tổ chức đám tang, đám cưới; dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025 do Bộ GD&ĐT vừa công bố có nhiều điểm mới liên quan đến việc xét tuyển sớm, đặc biệt là phương thức xét tuyển học bạ.
Người dân có thể được dựng rạp đám cưới dưới lòng lề đường?
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông, nghiêm cấm sử dụng trái phép (trừ một số trường hợp được phép như tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội…).
Ngoài ra, Luật cũng quy định không được họp chợ, phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ; đặt biển quảng cáo, xây, đặt bục, bệ trái phép... trên đường bộ. Trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác phải do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.
Tuy nhiên, thực tế cá nhân, tổ chức chiếm dụng lòng đường, hè phố để phục vụ mục đích khác vẫn diễn ra. Trong đó, tình trạng dựng rạp làm đám cưới, đám tang lấn chiếm một phần lòng đường diễn ra khá phổ biến.
Theo Bộ GTVT, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025), đã có quy định rõ về việc sử dụng lòng đường, vỉa hè và giao cho Bộ GTVT trình Chính phủ quy định chi tiết việc sử dụng lòng đường, vỉa hè ngoài mục đích giao thông đường bộ.
Hiện, Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ ngành về nội dung trên.
Trong đó, Bộ GTVT đề xuất tổ chức, cá nhân được sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè phục vụ các hoạt động: Sự kiện chính trị và hoạt động văn hoá, thể thao; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống cháy nổ; tìm kiếm cứu nạn; phòng, chống dịch bệnh; phục vụ thi công xây dựng công trình.
Điều đáng lưu ý, dự thảo cũng đề xuất người dân được sử dụng lòng đường, vỉa hè trên các tuyến đường huyện, xã, thôn, đường chuyên dùng, đường đô thị nhưng không bao gồm đường phố chính đô thị theo quy định.
Cụ thể, người dân được sử dụng vào việc tập kết, thu gom rác thải, vật liệu xây dựng; tổ chức đám tang; tổ chức đám cưới; sử dụng vào việc trông, giữ phương tiện tham gia giao thông trong trường hợp cần thiết.
Đường cao tốc không cho phép sử dụng để thực hiện các mục đích trên, trừ khi có yêu cầu đặc biệt về quốc phòng, an ninh.
Cũng theo Bộ GTVT, dự thảo nghị định cũng quy định các cá nhân, tổ chức muốn sử dụng lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác phải có đơn đề nghị cấp phép của khu quản lý đường bộ thực hiện đối với quốc lộ được giao quản lý; Sở GTVT thực hiện đối với đường được giao quản lý; UBND cấp huyện, xã thực hiện đối với đường được giao quản lý; Sở Xây dựng thực hiện đối với vỉa hè đô thị.
Trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận không quá 1 ngày đối với đám tang, không quá 5 ngày làm việc đối với các trường hợp khác. Trường hợp không cấp phép phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
"Cá nhân, tổ chức được cấp phép phải trả lại nguyên trạng lòng đường, vỉa hè khi kết thúc việc sử dụng; bồi thường thiệt hại gây ra nếu hư hỏng kết cấu hạ tầng đường bộ…", Bộ GTVT đề xuất.
Góp ý đề xuất này, UBND TP Hải Phòng đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ mặt đường tối thiểu bao nhiêu mét mới được sử dụng vào mục đích khác. Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng việc quy định cụ thể mặt đường rộng bao nhiêu là không khả thi. Do mỗi mục đích khác nhau có yêu cầu khác nhau.
"Ví dụ, sử dụng vào việc tổ chức sự kiện chính trị như mít tinh thì cần sử dụng toàn bộ lòng đường và vỉa hè, nhưng khi sử dụng vào việc đám cưới thì có thể chỉ cần sử dụng vỉa hè. Do đó Nghị định chỉ quy định các trường hợp được sử dụng vào mục đích khác phù hợp với luật và trách nhiệm đảm bảo trong việc an toàn và trách nhiệm trong việc sử dụng vào mục đích khác…", Bộ GTVT cho hay.
Bổ sung thêm, một chuyên gia giao thông cũng cho rằng trong bối cảnh đô thị ngày càng đông đúc, việc cơ quan quản lý đề xuất cho phép người dân sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè phục vụ cho việc hiếu, hỷ là cần thiết. Tuy nhiên cần có những quy định chặt chẽ, có giám sát kịp thời tránh tình trạng chính quyền địa phương buông lỏng sẽ ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.
'Siết' xét học bạ và xét tuyển sớm từ 2025 có phù hợp?
Bộ GD&ĐT đề xuất chỉ tiêu xét tuyển sớm không được vượt quá 20% tổng chỉ tiêu. Tất cả các phương thức xét tuyển phải quy đổi về một thang điểm chung. Điểm trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm không được thấp hơn điểm chuẩn xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
Các trường vẫn được tự chủ các phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, với riêng phương án xét học bạ, Bộ GD&ĐT yêu cầu phải có kết quả học tập của cả năm lớp 12, đồng thời phải có điểm tổ hợp ít nhất gồm toán và ngữ văn bắt buộc. Một ngành, chương trình đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn. Khi đó, số môn chung của các tổ hợp phải có trọng số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm.
Như vậy, nếu quy định này được thông qua, các trường đại học dùng phương thức xét tuyển học bạ không thể công bố điểm chuẩn trúng tuyển sớm trước tháng 5 như hiện nay. Các trường có thể sử dụng không giới hạn tổ hợp xét tuyển, thay vì chỉ được dùng 4 tổ hợp như hiện nay, nhưng bị ràng buộc về trọng số điểm của các môn.
Cũng với phương thức xét học bạ, dự thảo yêu cầu các trường phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh, thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.
Trước đó, nhiều lãnh đạo Bộ GD&ĐT và chuyên gia cho rằng việc bỏ xét điểm học kỳ II của lớp 12 khiến học sinh lơ là học tập, ảnh hưởng đến mục tiêu giáo dục phổ thông trong giai đoạn cuối cấp THPT. Điều này còn khiến chỉ tiêu dành cho phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT còn ít lại, đẩy điểm chuẩn lên rất cao, tạo ra sự mất công bằng trong cơ hội được vào các đại học tốt của thí sinh.
Chia sẻ về những nội dung trong dự thảo, thầy Nguyễn Bá Thịnh - giáo viên dạy cấp THPT ở Hà Nội cho rằng, việc các trường được xét tuyển sớm để chọn thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, một số trường công bố điểm chuẩn học bạ rất sớm, ngay trong tháng 3 khiến học sinh lơ là việc học. "Để không xảy ra tình huống này thì Bộ GD&ĐT nên thống nhất với các trường: chỉ công bố kết quả trúng tuyển vào khoảng cuối tháng 5".
Còn việc Bộ GD&ĐT dự kiến siết xét tuyển học bạ từ 2025, thầy Thịnh nêu quan điểm: "Ở một số trường và ở một số địa phương, việc chạy theo thành tích của một bộ phận giáo viên vẫn còn. Phần nhận xét đánh giá về kết quả học tập của một số thầy cô, một số trường ở các địa phương là không hoàn toàn đều tay nên việc xét học bạ THPT sẽ không còn phù hợp nữa".
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Thành Công - giáo viên Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, dự thảo đưa những nội dung đó là phù hợp.
Theo thầy Công, các thí sinh dự thi các ngành Sư phạm, Y dược mấy năm qua đều cần đảm bảo điểm thi cao, cao hơn nhiều mức sàn nên đương nhiên học bạ phải có điểm cao. Nếu học sinh có học bạ điểm mà thấp, trong khi đó điểm thi tốt nghiệp cao hơn nhiều là điều bất thường. "Theo tôi, đánh giá quá trình thì toàn diện hơn".
Mới đây, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã công bố những điểm mới trong công tác tuyển sinh ĐH chính quy năm 2025. Một điểm mới quan trọng nhất trong phương thức tuyển sinh từ năm 2025 của trường là không sử dụng phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT (xét học bạ). Trường loại bỏ yếu tố điểm học bạ ở cả 2 phương thức xét học bạ độc lập và kết hợp học bạ với điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt như năm trước đó. Năm tới, điểm học bạ chỉ là điều kiện ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để đáp ứng các yêu cầu theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.
Lý giải sự thay đổi này, ThS. Lê Phan Quốc - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết, các năm trước trường dành khoảng 10% chỉ tiêu xét điểm học tập THPT. Thực tế tuyển sinh các năm gần đây cho thấy có những ngành chỉ tiêu chỉ khoảng 20 thí sinh, với 10% chỉ tiêu xét điểm học bạ thì phương thức này chỉ tuyển 2 người. Việc loại bỏ phương thức xét học bạ trước hết nhằm giảm bớt sự phức tạp trong các phương thức xét tuyển.
Chuyến bay lùi giờ cất cánh 27 phút, hành khách vui vì lý do rất đặc biệt
Ngày 24/11, chuyến bay của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines mang số hiệu VN214 hành trình từ TPHCM đi Hà Nội mang theo trái tim và tạng của người hiến từ bệnh viện Thống Nhất (TPHCM).
Toàn bộ hành khách đã kiên nhẫn chờ đợi với sự cảm thông khi hãng phải lùi giờ cất cánh 27 phút để đợi đoàn y bác sĩ hoàn thành các quy trình cần thiết tại bệnh viện trước khi ra sân bay Tân Sơn Nhất.
Ngay sau khi hạ cánh tại sân bay Nội Bài lúc 16h27, hai ekip gồm 4 bác sĩ bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã nhanh chóng vận chuyển mô tạng để ghép cho hai bệnh nhân tại bệnh viện, tiếp tục hành trình mang sứ mệnh "hồi sinh".
Trước đó, ngay khi nhận được yêu cầu từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Vietnam Airlines đã nhanh chóng ưu tiên đặt chỗ, xuất vé cho đoàn bác sĩ bệnh viện Việt Đức vào TPHCM để tiếp nhận tạng và vận chuyển ra Hà Nội ngay trong ngày.
Do yêu cầu chặt chẽ về thời gian bảo quản trái tim và tạng, mọi thủ tục để đoàn y bác sĩ lên chuyến bay được chuẩn bị và thực hiện vô cùng khẩn trương.
Từ khi làm thủ tục tại sân bay cho đến khi lên máy bay và hạ cánh, đoàn y tế luôn được ưu tiên ở mọi khâu để hành trình diễn ra nhanh nhất như ưu tiên làm thủ tục, soi chiếu an ninh, bố trí chỗ ngồi cho đoàn ở gần cửa ra vào máy bay và đưa oàn rời khỏi sân đỗ một cách nhanh chóng.
Với vai trò Hãng hàng không Quốc gia và trách nhiệm với cộng cộng đồng, nhiều năm qua, Vietnam Airlines đã tham gia vận chuyển mô tạng cũng như chuyên chở bệnh nhân, thiết bị y tế chuyên dụng cho các bệnh viện trong nước.
Việc triển khai phối hợp với Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia trong quá trình vận chuyển mô tạng từ năm 2018 tới nay đã giúp hồi sinh cho rất nhiều bệnh nhân trên khắp cả nước.
4 người trong gia đình ở Hà Nội tử vong: Xót xa cảnh nạn nhân ôm chặt nhau dưới mương
Trưa 25/11, nhiều người dân tại xã Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn tập trung tại khu vực hiện trường của vụ tai nạn khiến 4 người trong một gia đình tử vong.
Ông Đỗ Đức Huy, nhà ở gần hiện trường vụ tai nạn, kể lại, hơn 20h ngày 24/11, trong lúc ngồi xem điện thoại, ông nghe thấy tiếng động mạnh ở mương nước trước nhà. Ông Huy liền chạy ra bên ngoài để xem nhưng không thấy gì khác thường cũng không nghe thấy tiếng kêu cứu của ai.
"Chừng 10 phút sau, tôi thấy có người hô phát hiện xe máy còn bật đèn dưới mương nước nên lại chạy ra. Tôi hoảng hốt khi thấy 4 người ở dưới mương nước, người thanh niên ngồi ở vị trí lái xe, sau đó là 2 trẻ em và 1 người phụ nữ ngồi sau cùng, họ vẫn ngồi trên xe máy và ôm chặt nhau", ông Huy kể.
Cũng theo ông Huy, lúc đó mọi người nhanh chóng báo cho Công an xã Đồng Lạc và đưa một cháu bé khoảng 9 - 10 tuổi đi cấp cứu. Ba người còn lại được công an xã đưa lên khỏi mặt nước và đã tử vong.
Một số người dân khác thì cho biết, thời điểm trước 20h, khi họ đang đi tập thể dục thì có nhìn thấy một xe máy chở 4 người đi qua theo hướng từ UBND xã Đồng Lạc đi xã Hồng Phong.
"Tôi thấy xe máy đi với tốc độ cao, nhìn thấy họ đi qua một lúc thì có tai nạn ở khu vực ngã ba", bà Thiêm kể.
Cũng theo bà Thiêm, con đường nơi xảy ra vụ tai nạn chưa bật đèn chiếu sáng nên buổi tối người dân đi lại khá khó khăn.
Liên quan đến vụ tai nạn xảy ra tại xã Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), sáng cùng ngày, lãnh đạo UBND xã thông tin, cơ quan chức năng đang điều tra vụ 4 người trong gia đình tử vong dưới mương nước trên địa bàn.
Lãnh đạo xã Đồng Lạc cho biết, 4 nạn nhân là người trong một gia đình. Trong đó có một người phụ nữ khoảng trên 40 tuổi, một nam thanh niên và 2 trẻ em.
"Thời điểm phát hiện sự việc, 3 nạn nhân tử vong tại chỗ. Đến sáng nay, tôi nhận được báo cáo là một trẻ em được đưa đi cấp cứu nhưng cũng không qua khỏi", lãnh đạo xã thông tin.
Bước đầu, cơ quan chức năng xác định đây là vụ tai nạn giao thông tự gây, người điều khiển xe máy đang đi trên đường thì lao xuống mương nước.
Công an huyện Chương Mỹ đang điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.
Vì sao chưa tăng lương hưu trong năm 2025?
Từ 1/7/2025 khi Luật BHXH 2024 có hiệu lực, theo quy định của luật, sẽ thực hiện tăng lương hưu cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm đảm bảo thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ. Chính phủ sẽ có quy định thời điểm tăng lương hưu cụ thể.
Mức tăng lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và Quỹ BHXH.
Tuy nhiên, đợt tăng lương hưu mới theo Luật BHXH 2024 chưa thể thực hiện vì lý do: Cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang nghỉ hưu sau năm 1995 và không có mức lương hưu thấp. Không đảm bảo yếu tố mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và Quỹ BHXH.
Một chuyên gia lao động tiền lương cho biết, việc nâng lương hưu vẫn đứng trước thách thức khi nhiều đối tượng vẫn chưa đạt đủ mức sống tối thiểu. Do vậy, cần thiết phải điều chỉnh lương hưu theo từng nhóm đối tượng nhằm bảo đảm công bằng và hỗ trợ những người có mức lương hưu thấp.
Theo vị chuyên gia, năm 2024 lương hưu tăng 15% là mức cao nhất từ trước tới nay. Mức tăng này đảm bảo mức sống ổn định cho người về hưu.
"Việc tăng lương hưu phụ thuộc ngân sách, nhưng kể cả khi thực hiện điều chỉnh thì mức tăng phải đảm bảo mức sống ổn định cho người lao động, tránh tình trạng lương hưu tăng không bù được trượt giá", vị chuyên gia lao động tiền lương cho biết.
Từ năm 1995 - 2023, Việt Nam đã tiến hành 23 lần điều chỉnh lương hưu. Sau nhiều lần điều chỉnh, mức lương của người nghỉ hưu hiện đã tăng từ 21 - 26 lần so với mức lương hưu tại thời điểm năm 1995.
Người phụ nữ ở Long Biên mất 2 tỷ đồng vì thủ đoạn mới xuất hiện
Công an TP Hà Nội cho biết, Công an quận Long Biên đang xác minh, điều tra vụ giả danh ngân hàng tuyển dụng nhân sự, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Theo đó, vào ngày 17/11/2024, chị Đ (HKTT: Long Biên, Hà Nội) có đăng ký tuyển dụng nhân sự của một ngân hàng trên mạng xã hội facebook.
Công an thành phố cho hay, thời gian qua, xuất hiện thủ đoạn lừa đảo qua hình thức mạo danh ngân hàng để tuyển dụng nhân viên. Các đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân tham gia trải nghiệm dự án của ngân hàng rồi dẫn dắt nạn nhân đầu tư để chiếm đoạt tiền.
Vì vậy, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi gửi hồ sơ tuyển dụng cho các công ty, doanh nghiệp, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về việc tuyển dụng trên website chính thức của công ty hoặc số đường dây nóng.
Đặc biệt cần cảnh giác khi tham gia các dự án đầu tư online được giới thiệu là lãi suất cao, rút tiền nhanh. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bữa dự sinh nhật cuối cùng của 4 người trong một gia đình
Thời sự - 48 phút trướcTrước nỗi đau một lúc mất đi 4 người thân, ông V.V.T chia sẻ: ''Khổ quá đi mất, đó là bữa dự sinh nhật cuối cùng của em tôi và các cháu”.
Hà Nội: Xử lý lộn xộn tại các khu vực 'cafe đường tàu' trên phố
Thời sự - 10 giờ trướcGĐXH - Công an TP Hà Nội và Công an quận Hoàn Kiếm vừa ra quân xử lý các quán cafe có hành vi vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt trên phố.
Leo lên sân khấu đoàn lô tô, cháu bé 12 tuổi bị điện giật tử vong
Thời sự - 12 giờ trướcTrong lúc vui chơi cạnh khu vực tổ chức đoàn lô tô, cháu bé 12 tuổi ở Cà Mau leo lên cầu thang sân khấu và bị điện giật tử vong.
Tin tối 25/11: Gặp nhóm 'người hùng' dập tắt đám cháy trong 49 giây ở Hà Nội; lời hối hận muộn màng của chủ 2 con chó becgie cắn bé gái 5 tuổi tử vong
Thời sự - 12 giờ trướcGĐXH - Hành động dứt khoát và kịp thời của nhóm "người hùng" dập tắt đám cháy đã nhận được "cơn mưa" lời khen từ cộng đồng mạng; bị can hối hận nói: "Tôi rất bối rối và hốt hoảng. Tôi mong mọi người khi nuôi chó, hãy quản lý chó để không gây ra sự việc đáng tiếc khiến ân hận cả đời như tôi".
Nhân chứng vụ 4 người ở Hà Nội tử vong: ‘Các nạn nhân vẫn ngồi trên xe máy và ôm chặt nhau’
Thời sự - 13 giờ trướcGĐXH - Nhiều người chứng kiến sự việc cho biết, thời điểm phát hiện xe máy dưới mương nước họ thấy 4 nạn nhân còn ngồi trên yên xe, ôm chặt nhau.
Cận cảnh màn thổi nồng độ cồn giao thông đường thủy ở Hà Nội
Thời sự - 14 giờ trướcGĐXH - Để đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ thời điểm cuối năm, lược lượng CSGT TP Hà Nội phụ trách các tuyến sông chủ động công tác tuần tra, phòng ngừa, cùng tuyên truyền các tàu thuyền, bến phà, đảm bảo an toàn người dân đi lại.
Danh tính bốn người cùng nhà tử vong trong vụ tai nạn ở Chương Mỹ
Thời sự - 16 giờ trướcCơ quan chức năng huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đang khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn khiến 4 người trong cùng một gia đình tử vong dưới mương nước tại xã Đồng Lạc tối 24/11.
Sạt lở làm sập nhà dân ở miền núi Thừa Thiên - Huế, 2 người bị thương
Thời sự - 20 giờ trướcNgọn đồi sạt lở vùi lấp một phần ngôi nhà có 8 thành viên ở huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên - Huế) khiến hai người bị thương, tài sản chưa thể di dời ra ngoài.
Hà Nội: Cháy lớn tại quán bar trên phố Hai Bà Trưng
Thời sự - 20 giờ trướcGĐXH - Sáng 25/11, đám cháy lớn bất ngờ bùng phát tại một cơ sở kinh doanh quán bar trên phố Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Hiện các lực lượng chức năng vẫn đang triển khai công tác chữa cháy, khống chế ngọn lửa.
Lũ dâng nhanh, hơn 290.000 học sinh tỉnh Thừa Thiên-Huế nghỉ học
Thời sự - 22 giờ trướcCác hồ chứa thủy điện, thủy lợi tăng mức điều tiết nước về hạ du do mưa rất lớn ở thượng nguồn, nước lũ trên các sông dâng nhanh khiến hơn 290.000 học sinh tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế) phải nghỉ học để bảo đảm an toàn.
Đón gió mùa Đông Bắc dồn xuống, miền Bắc rét đậm kéo dài?
Thời sựGĐXH – Theo dự báo thời tiết hôm nay, đợt không khí lạnh mạnh tăng cường tràn xuống miền Bắc, nền nhiệt hạ còn khoảng 16-18 độ, riêng vùng núi cao dưới 10 độ. Đây là đợt rét đậm nhất từ đầu mùa.