Hà Nội
23°C / 22-25°C

Trịnh Công Sơn: Cuộc sống không thể thiếu tình yêu

Thứ năm, 10:18 01/03/2007 | Giải trí

GĐ&XH - "Có người yêu thì hạnh phúc; có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại. Con người không thể sống mà không yêu. Hàng nghìn năm nay con người đã sống và đã yêu - yêu thật lòng chứ không phải giả". Người nhạc sĩ sáng tác nhạc tình hay nhất thế kỷ 20 đã để lại bút tích của mình như vậy.

Trịnh Công Sơn sinh ngày 28 tháng 2 năm 1939 tại cao nguyên Lạc Giao, tỉnh Daklak.Ông mất vào 12g45 sáng ngày 1 tháng 4, 2001, tại Sài Gòn. Cuộc đời của Trịnh Công Sơn trải qua nhiều giai đoạn lịch sử cũng như giai đoạn sáng tác.

Trịnh Công Sơn hồi 5 tuổi

Trịnh Công Sơn hồi thiếu niên

Năm 1943 từ Daklak ông theo gia đình chuyển về Huế. Ông học trường tiểu học Nam Giao (nay là Trường An), vào trường Pellerin, theo học trường Thiên Hựu (Providence). Ông tốt nghiệp tú tài ban Triết tại Chasseloup Laubat, Sài Gòn. Học trường Sư Phạm Quy Nhơn khoá I (1962-1964). Sau khi tốt nghiệp ông lên dạy học và làm hiệu trưởng một trường tiểu học ở Bảo Lộc (Lâm Đồng). Sau 1965, ông bỏ hẳn nghề dạy học, về sống và sáng tác tại Sài Gòn.

Trịnh Công Sơn tự học nhạc, bắt đầu sáng tác năm 1958 với tác phẩm đầu tay “Ướt Mi” (NXB An Phú in năm 1959). Cho đến nay, nhạc sĩ đã sáng tác hơn 600 tác phẩm, có thể được phân loại dưới 3 đề mục lớn: Tình Yêu - Quê Hương - Thân Phận.

Ngoài âm nhạc, tác phẩm của ông còn gồm nhiều thể loại thuộc các lãnh vực như: thơ, văn và hội họa.

Quan niệm sáng tác của ông: "Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo..."

Quan niệm sống của ông: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, dù không để làm gì cả, dù chỉ để gió cuốn đi!”

Ngoài ra, Trịnh Công Sơn có tên trong tự điển bách khoa Pháp "Encyclopédie de tous les pays du monde" (Coll. Les Millions).

Năm 2004, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được hội Âm Nhạc Hòa Bình Thế Giới trao giải "Cuộc Đời của Hòa Bình" (Life of Peace) cùng với những nghệ sĩ khác trên thế giới đã dùng âm nhạc để tranh đấu cho hòa bình như Joan Baez, Bob Dylan, Harry Belafonte. Đây là một vinh hạnh không những cho gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà còn là một hãnh diện chung cho mọi người Việt Nam.

NHỮNG NỐT LẶNG CỦA TÌNH YÊU


"Có một điều gần như không thay đổi là mùa xuân nào cũng từng ấy bạn bè vây quanh, chỉ có khuôn mặt tình yêu là không như cũ". Người nhạc sĩ tài hoa này đã để lại bút tích về cái sự "yêu nhiều mà không hề yêu riêng ai" như vậy.
Ít nhất có 2 lần Trịnh Công Sơn định giã từ cuộc sống độc thân. Lần đầu vào năm 1983 với một thiếu phụ tên là C.N.N. sống tại Paris (Pháp). Bà đã bay về Việt Nam để chuẩn bị. Tuy nhiên, chẳng hiểu sao, hai người vẫn không thể gắn bó trọn đời bên nhau.

Lần thứ hai, nhạc sĩ họ Trịnh định làm hôn lễ với Vân Anh, cô gái kém ông 30 tuổi, là Á hậu Tiền Phong 1990. Ngay cái nhìn đầu tiên trong đêm thi hoa hậu, Trịnh Công Sơn đã trầm trồ: "Đẹp quá". Lễ cưới đã chuẩn bị, đồ cưới đã may nhưng đến phút chót, ông lại khước từ hạnh phúc chỉ bằng một cái nhún vai. Là người con có hiếu, chuyện lập gia đình chỉ tồn tại khi mẹ ông còn sống, khi bà mất, ý định ấy không còn.

Ngoài hai người phụ nữ mà ông định xây dựng tổ ấm, khi nhắc đến Trịnh Công Sơn, người ta nghĩ ngay đến Khánh Ly. Nhưng chuyện kỳ lạ giữa hai con người này là họ chỉ thuộc về nhau trong lĩnh vực âm nhạc. Có lần cô ca sĩ đã níu áo Trịnh Công Sơn và hỏi: "Anh bảo rằng yêu tất cả mọi người, tại sao anh không một lần nói yêu em?". Lúc đó, ông đã quay sang những người xung quanh cười và nói: "Đó, các ông các bà đã nghe cả, còn bảo tôi cặp với Khánh Ly nữa hay thôi?".

Trịnh Công Sơn còn từng nặng lòng với một cô gái rất trẻ. Từ yêu nhạc đến yêu người, người con gái ấy đã nghĩ về ông với tất cả tình yêu và sự hy sinh từ năm 14 tuổi. Cô kể: "Lần đầu tiên đứng trước nhau, cả tôi và anh Sơn đều run. Tôi run vì quá trẻ còn Sơn run vì… quá già". Ngày nhạc sĩ mất, cô gái này đã đến chịu tang ông.


Thập niên cuối cùng của cuộc đời, niềm say mê của Trịnh Công Sơn hầu hết dành cho Hồng Nhung. Cô đã khơi dậy trong tâm hồn người nghệ sĩ nguồn sống mới để từ đó, ra đời ca khúc trữ tình Bống Bồng ơi, Thuở bống là người, tặng riêng cô.

NHỮNG NÀNG THƠ CỦA TRỊNH CÔNG SƠN

Ca khúc của anh người ta vẫn hát, vẫn thưởng thức nhưng không phải ai cũng biết được xuất xứ của chúng. Dưới đây là nguồn cội, ý nghĩa của một số bài hát viết về tình yêu của anh.

''Cuối cùng cho một tình yêu''

Ở Đại học Văn khoa Huế lúc ấy có cô Trần Thị Nh. H. Cô không nằm trong danh sách người đẹp, nhưng hay mặc áo dài tím, có dáng đi mềm mại như tơ, hát hay, nên H. rất được mến mộ. Họa sĩ Trịnh Cung lúc còn học Mỹ thuật Huế rất mê Nh. H. Vì tuyệt vọng, anh đã làm nên bài thơ Cuối cùng cho một tình yêu. Bài thơ này đã được Trịnh Công Sơn phổ nhạc và nổi tiếng gần 40 năm qua. Một điều thú vị là: ''Cho đến nay, Nh. H. đã có gia đình, có cháu nội, cháu ngoại mà vẫn chưa biết bài thơ phổ nhạc bất hủ ấy Trịnh Cung đã làm cho chính mình" (lời thú nhận của Trịnh Cung).

   

Tương tự, Trịnh Công Sơn đã yêu Ph.Th. - em ruột ca sĩ Hà Thanh. Sau này, anh kể lại: ''Hà Thanh có đến bốn, năm người em gái, nhưng mỗi lần Ph.Th. đến sau lưng là mình biết ngay bởi mùi hương rất đặc trưng". Chưa bao giờ Trịnh Công Sơn dám tỏ tình với Ph.Th. và Ph.Th. cũng không có một cử chỉ nào khiến người bạn âm nhạc của chị mình hiểu nhầm là cô có cảm tình riêng. Thế mà nhạc sĩ họ Trịnh đã si tình, và nhờ cái vẻ đẹp thánh thiện ''em đứng lên gọi mưa vào hạ'' ấy của Ph.Th., anh đã viết nên mấy bài hát Nhìn những mùa thu đi, Nắng thuỷ tinhGọi tên bốn mùa.

Ph.Th. lập gia đình với ông tiến sĩ B. làm trưởng khoa luật rồi làm Bộ trưởng Giáo dục, ''tuổi tác không cân xứng nhưng danh vọng và sắc đẹp thì đẹp đôi''. Sau đó, vì thời cuộc, tiến sĩ B. mất sớm, Ph.Th. vẫn giữ sự đoan trang, đức hạnh nuôi dạy các con ăn học đến nơi đến chốn tại Boston (Mỹ). Cuối năm 2000, gặp lại Hà Thanh và Ph.Th. tại Huế, vẫn thấy hai chị em này không sợ thời gian, vẫn đẹp như nắng thủy tinh thuở nào. Nhớ lại chuyện xưa, các cô rất vui và xem đó là kỷ niệm của giai đoạn đẹp nhất đời mình. Tuy chỉ mới một chiều, nhưng bạn bè thuở ấy vẫn xem chuyện Trịnh Công Sơn si mê Ph.Th. là mối tình đầu của anh.

   


''Hai mươi năm xin trả nợ dài''

Khoảng năm 1962, gia đình Trịnh Công Sơn gặp khó khăn về kinh tế, gian phố lớn ở đường Phan Bội Châu (Ngã Giữa) phải sang cho người khác và qua thuê một căn hộ ở tầng một, dãy lầu mới xây ở đầu cầu Phú Cam. Hàng ngày, Trịnh Công Sơn đứng trên lầu ngắm các cô nữ sinh đi qua cầu Phú Cam, đi dọc theo đường Nguyễn Trường Tộ đến trường Đồng Khánh. Trong đám xuân xanh ấy có cô Ngô Thị Bích Diễm, con gái thầy Ngô Đốc Kh. - người Hà Nội. Bích Diễm giống bố, người dong dỏng cao, nét mặt thanh tú, bước đi thong thả nhẹ nhàng. 

   

Con người của Diễm rất hợp với cái tên Diễm và cũng thích hợp với tâm hồn bén nhạy của Trịnh Công Sơn. Anh yêu Diễm mê mệt. Những ngày không thấy Diễm đi qua, anh đau khổ vô cùng. Anh trông thấy con đường trước nhà ''dài hun hút cho mắt thêm sâu'' (Diễm xưa). Nhưng anh cũng biết, gặp Diễm để nói lên nỗi đau ấy không phải là chuyện dễ. 

Thầy Ngô Đốc Kh. - thân sinh của Diễm, là một ông giáo rất nghiêm. Ông không thể chấp nhận một anh chàng chưa có bằng đại học, tóc dài, cằm lún phún râu chuyện trò với cô con gái đài các của ông. May sao lúc ấy họa sĩ Đinh Cường thuê nhà ở gần nhà Diễm để làm xưởng vẽ. Hai bạn canh chừng những khi thầy giáo có giờ dạy, mà Diễm đang ngồi ở nhà học bài thì liền liều mình qua thăm. Những lần liều mình ấy, có khi Diễm tiếp, có khi Diễm để cho người nhà tiếp. 

   

Khác với Ph.Th., Diễm biết Trịnh Công Sơn yêu mình và trái tim cô nhiều khi cũng rung động. Nhưng lúc ấy Diễm không thể vượt qua được sự nghiêm khắc của gia đình để nói cho tác giả Ướt mi biết điều đó. Trịnh Công Sơn trút hết nỗi lòng yêu Diễm vào bài Diễm xưa. Nhưng sự việc không dừng ở đó, bởi mấy năm sau, khi Diễm vào học ở Sài Gòn, em gái cô cũng lớn lên thành một thiếu nữ xinh đẹp. Với cái cầu đã bắc từ hồi yêu Bích Diễm, tâm hồn của Sơn qua cây cầu cũ, nói như Đinh Cường ''Sơn lại da diết với cái dáng vẻ khoan thai, áo lụa vàng của Dao A. để rồi thất vọng, để rồi...''. 

   

Khác với những lần yêu trước, thất vọng về Dao A., Trịnh Công Sơn không bắt nhạc của anh phải mang cái gánh thất tình của anh. Không ngờ hai mươi năm sau, trải qua bao nhiêu dâu bể, từ bên Mỹ, Dao A. trở về Việt Nam tìm Trịnh Công Sơn. Không rõ Dao A. nói gì với Sơn, và còn gì nữa không, mà anh đã rất hài lòng với thực tại ''hai mươi năm xin trả nợ dài, trả nợ một đời em đã phụ tôi'' (Xin trả nợ người). Trong hai mươi năm ấy, Dao A. đã có gia đình, đã hiểu rõ cuộc đời, nên hết ''phụ tình'' Trịnh Công Sơn. 

Đinh Cường đã viết: ''Tháng cuối cùng trước khi Sơn mất, Dao A. về thăm suốt tuần, sáng nào A. cũng đến ngồi bên chiếc xe lăn của Sơn, chỉ còn biết nhìn Sơn, cho đến chiều tối mới về nhà''. Trịnh Công Sơn yêu Dao A. phải trải qua hai mươi năm mới ''nhận'' được lời đáp. Tuy đã quá muộn, nhưng trên cõi đời này có mấy ai được yêu và được nhận trong một khoảng cách dài lâu đến thế đâu!

   



''Coi như phút đó tình cờ''

Gặp người đẹp, Trịnh Công Sơn dễ yêu, mà không riêng gì Sơn, các bạn thân sơ của anh cũng đều như thế. Sơn không nề hà chuyện yêu một chiều, không sợ đau khổ vì tình phụ, đã yêu là yêu mãi, yêu hoài, yêu hết mình. Nhưng cũng có lúc anh ''chán tình'', vì cho rằng mình yêu nhầm. Ngày ấy, ở bên kia sông Thọ Lộc, thuộc phường Vĩ Dạ, có cô nàng tên Nguyệt rất đẹp. Trịnh Công Sơn đã yêu say đắm. Vô tình, trong lúc nói chuyện với Sơn, cô buột miệng khen một anh chàng nào đó đẹp trai ''vì anh ấy lai Tây''. 

Chỉ một chuyện vô tình rất nhỏ, thế mà Trịnh Công Sơn cảm thấy bị xúc phạm, anh không thể hiểu nổi một người mình yêu mà lại có một quan niệm thẩm mỹ lệch lạc đến thế. Tất cả những yêu thương Nguyệt trong lòng anh bỗng nhạt nhoà hết. Anh viết bài Nguyệt ca. Anh ca ngợi cô nàng Nguyệt hết lời khi trăng là Nguyệt. Nhưng khi anh phát hiện ra từ trăng thôi là Nguyệt, Nguyệt không phải là người anh mơ ước, anh xem chuyện anh yêu Nguyệt coi như phút đó tình cờ và về sau anh không nhắc đến cô nữa.

Trịnh Công Sơn yêu rất nhiều, về sau có thêm Bích Kh., có Chu Nguyệt Ng., có Michiko, có Hồng Nhung... nhưng định mệnh vẫn cứ bắt anh phải đứng trước cái ngưỡng của tình yêu. Nếu anh còn sống thêm vài mươi năm nữa, sẽ còn ai nữa... và cũng thế thôi. Nếu anh bước qua khỏi cái ngưỡng ấy thì chưa chắc đã có được cái địa vị người sáng tác nhạc tình hay nhất thế kỷ.

CUỘC SỐNG KHÔNG THỂ THIẾU TÌNH YÊU

Người ta nói trên trái đất không có gì ở ngoài qui luật cả. Nhưng tình yêu hình như cũng có lúc là một ngoại lệ. Tình yêu có thể nâng bổng con người nhưng cũng lắm lúc nhấn chìm kẻ háo hức. Tôi không tin những người quá lạc quan khi nói về tình yêu bằng thể khẳng định. Người ta có thể tin rằng mình được yêu và cũng có thể hiểu nhầm mình không được yêu.

Tôi không thể nói về một vấn đề mà chính bản thân mình cũng chưa hiểu hết. Chưa hiểu hết là nói theo kiểu đại ngôn chứ thật sự là hoàn toàn không thể hiểu. Nếu có người nào đó thách thức tôi một trò chơi nghịch ngợm thì tôi sẽ mang tình yêu ra mà đánh đố. Tôi e, không ai dám tự xưng mình am tường hết nội dung phong phú và quá phức tạp của tình yêu.

   

Có người yêu thì hạnh phúc; có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại. Con người không thể sống mà không yêu. Hàng nghìn năm nay con người đã sống và đã yêu - yêu thật lòng chứ không phải giả. Thế mà đã có không biết bao nhiêu là tình yêu giả. Cái giả mà rất thật trong đời. Sự giả trá đó lúc biết được thì làm khổ lòng nhau biết bao nhiêu mà kể. Người giả, người thật nhìn nhau lúc bấy giờ ngỡ ngàng không biết thế nào nói được. Người thật thì nằm bệnh, người giả thì nói, cười huyên thuyên. Ðời sống vốn không bất công. Người giả trong tình yêu thế nào cũng thiệt. Người thật thế nào cũng được đền bù.

Tình yêu thời nào cũng có. Nhưng có tình yêu kết thúc bi thảm đến độ có khi con người không dám yêu. Yêu mà khổ quá thì yêu làm gì. Có người đã nói như vậy.

Tôi đã có dịp đứng trên hai mặt của tình yêu và dù sao chăng nữa, tôi vẫn muốn giữ lại trong lòng một ý nghĩa bền vững: "Cuộc sống không thể thiếu tình yêu".

Trịnh Công Sơn

NHỮNG PHỤ N ĐƯỢC TRỊNH CÔNG SƠN YÊU MẾN NÓI VÔNG

Đó là Khánh Ly, giọng hát liêu trai đã gắn liền với nhạc phẩm của ông mấy chục năm qua. Hồng Nhung, người được xem như đại diện tiêu biểu cho thế hệ ca sĩ sau này. Và, Trịnh Vĩnh Trinh, cô em út thân thiết với tiếng hát khước từ mọi khuôn phép.

Khánh Ly: Bao nhiêu ngày tháng qua đi, anh vẫn không bao giờ thay đổi. Tôi cũng thế. Cả hai không có những thắc mắc về đời sống của nhau, 30 năm trước không hỏi thì 30 năm sau cũng không hỏi... Tôi quý những giây phút ở bên anh và tôi nghĩ anh sẽ nói với tôi điều cần nói, nếu có. Anh im lặng vì có thể những điều anh nghĩ, anh muốn, không còn cần thiết để phải nói ra.

Em theo đời cơm áo. Mai ra cùng phố xôn xao. Bao nhiêu ngày yêu dấu tan theo...”. Tôi có cảm tưởng đó là một lời trách móc anh cho tôi. Rất dịu dàng như bản tính anh. Từ bao nhiêu năm nay, câu hát đó theo tôi như một vết thương. Đời cơm áo quả thật đã làm cho tôi lắm ê chề, khổ đau, nhưng những ngày yêu dấu bên anh và bạn bè đã chẳng bao giờ tôi quên... Dù đời sống có lắm tan vỡ, có lắm chìm sâu nhưng mơ ước của một đời người thì trong trái tim bầm dập của tôi, những ngày tháng cũ vẫn là một điểm son, là một bám víu cuối cùng và duy nhất.

Hồng Nhung: Hồi đó, chúng tôi gặp nhau hàng ngày, lúc thì đi xem tranh ở gallery, lúc thì đến dự khai trương một nhà hàng của người bạn, lúc thì quanh quẩn nhà anh chuyện trò cả buổi, lúc thì lang thang thả bộ ra quán mì nhỏ gần Hồ Con Rùa ăn sáng... Anh đã luôn yêu thương mọi người, trong đó có tôi, như thế. Anh lúc nào cũng nhẹ nhàng và chẳng nề hà trả lời tất cả những câu hỏi của tôi, nhiều khi là ngô nghê, về đời sống, về âm nhạc, hay về bất cứ điều gì dù nhỏ bé nhất. Tôi kể cho anh nghe những điều làm tôi buồn, những mất mát khi còn nhỏ. Anh chỉ ngồi lặng im. Và sự im lặng của anh làm tôi thấy được lắng nghe, được hiểu và được vỗ về... Anh cho tôi một miếng ngọc hình quả bí, bảo tôi đeo nó sẽ may mắn, vì quả bí hợp với tuổi tôi. Anh cho tôi thấy hạnh phúc thật giản đơn. Và anh là người đã làm cho tôi không cảm thấy xa lạ và bỡ ngỡ ngay những ngày đầu tiên sống ở Sài Gòn.

Trịnh Vĩnh Trinh: Tôi nghĩ, điều may mắn cho đời và cho tôi, là được làm em của anh Sơn. Điều này tôi đã được thấy từ những năm còn rất nhỏ. Với tôi, anh Sơn như một người cha, vì thân sinh chúng tôi qua đời rất sớm, từ khi tôi còn trong bụng mẹ. Anh rất thân với tôi tuy anh là lớn nhất và tôi nhỏ nhất trong nhà. Tôi lớn lên cùng với âm nhạc của anh. Anh Sơn có một cuộc sống rộng rãi, phóng khoáng với bạn bè, đồng thời luôn luôn gần gũi với các em. Và những ca khúc anh viết, thì chúng tôi, các em của anh, là những người đầu tiên được nghe hát và được dạy cho hát.

Tổng hợp

 

kimvan
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
MXH dậy sóng với chiêu thức tán gái và yêu cầu gây sốc khi hẹn hò của Huỳnh Hiểu Minh

MXH dậy sóng với chiêu thức tán gái và yêu cầu gây sốc khi hẹn hò của Huỳnh Hiểu Minh

Giải trí - 1 giờ trước

Bằng cách này Huỳnh Hiểu Minh tán đổ rất nhiều người đẹp.

Cặp song sinh Lisa - Leon và Hồ Ngọc Hà là món quà vô giá của Kim Lý

Cặp song sinh Lisa - Leon và Hồ Ngọc Hà là món quà vô giá của Kim Lý

Giải trí - 2 giờ trước

GĐXH - Đó là lời khẳng định của Kim Lý nhân sinh nhật tuổi 40 của Hồ Ngọc Hà.

Như Quỳnh tiết lộ quan hệ thực sự và lý do không dám nói chuyện với Hương Lan

Như Quỳnh tiết lộ quan hệ thực sự và lý do không dám nói chuyện với Hương Lan

Giải trí - 3 giờ trước

Danh ca Như Quỳnh đã chia sẻ về mối quan hệ với đàn chị Hương Lan.

Khai mạc Festival Ninh Bình 2024: Đẹp như bộ phim dã sử cổ trang

Khai mạc Festival Ninh Bình 2024: Đẹp như bộ phim dã sử cổ trang

Giải trí - 5 giờ trước

GĐXH - Chương trình nghệ thuật khai mạc Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024 diễn ra tối 24/11/2024 tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, TP.Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình có nhiều màn trình diễn đẹp như bộ phim dã sử cổ trang.

Mỹ nữ gốc Hoa phim 'Sex and the City' ở tuổi U60 làm mẹ đơn thân kín tiếng

Mỹ nữ gốc Hoa phim 'Sex and the City' ở tuổi U60 làm mẹ đơn thân kín tiếng

Giải trí - 5 giờ trước

GĐXH - Lucy Liu - sao phim "Sex and the City" ở tuổi U60 có cuộc sống làm mẹ đơn thân kín tiếng, dù trải qua vài cuộc tình nhưng cô chưa khoác áo cô dâu.

Khánh Huyền đóng cặp với Quốc Tuấn ở 'Người thổi tù và hàng tổng' giờ ra sao?

Khánh Huyền đóng cặp với Quốc Tuấn ở 'Người thổi tù và hàng tổng' giờ ra sao?

Giải trí - 5 giờ trước

Khánh Huyền - diễn viên đóng vai vợ trưởng thôn Kiên (Quốc Tuấn) trong bộ phim nổi tiếng "Người thổi tù và hàng tổng" ở tuổi 53 vẫn khiến nhiều người trầm trồ vì vẻ đẹp mặn mà.

Nữ tiến sĩ là NSND nổi danh từ lúc 16 tuổi giờ ra sao?

Nữ tiến sĩ là NSND nổi danh từ lúc 16 tuổi giờ ra sao?

Giải trí - 7 giờ trước

"Khán giả xem xong bảo rằng "con nhỏ này kiểu gì sau này cũng nổi danh". Tôi nghe xong run lắm" – NSND Bạch Tuyết chia sẻ.

Bất ngờ cát-sê của NSƯT Chí Trung

Bất ngờ cát-sê của NSƯT Chí Trung

Giải trí - 19 giờ trước

GĐXH - Tương tác với fan, NSƯT Chí Trung hé lộ cát-sê đóng phim "Độc đạo" khiến nhiều người bất ngờ.

Đỗ Mỹ Linh khoe ảnh con gái giữa tin đồn mang bầu lần 2

Đỗ Mỹ Linh khoe ảnh con gái giữa tin đồn mang bầu lần 2

Giải trí - 21 giờ trước

GĐXH - Con gái của Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh tạo dáng đáng yêu khi xuống phố cafe với mẹ. Cô bé ngày càng lém lỉnh và được mẹ khoe nhiều hơn với công chúng.

NSND Thu Hà mặc áo dài thêu phượng hoàng, diễn thời trang cùng dàn nghệ sĩ trẻ

NSND Thu Hà mặc áo dài thêu phượng hoàng, diễn thời trang cùng dàn nghệ sĩ trẻ

Xem - nghe - đọc - 22 giờ trước

NSND Thu Hà cùng vợ chồng Tuấn Hưng, H'Hen Niê, Hồng Diễm... trình diễn áo dài trong show ''Bước chân di sản 2" của đạo diễn Hoàng Công Cường và siêu mẫu Hạ Vy.

Top