Hà Nội
23°C / 22-25°C

Vô cùng thương tiếc Giáo sư, Viện sỹ Phạm Song: Người Thầy, người Anh của ngành Y tế- Dân số VN

Thứ sáu, 18:46 11/11/2011 | Xã hội

GiadinhNet - "Tôi muốn viết những dòng chữ này thể như nén tâm nhang để nhớ mãi về Anh, về một người Thầy đáng kính trọng".

Đó là lời của TS.Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ khi viết về Giáo sư, Viện sỹ Phạm Song - Người Thầy, người Anh của ngành Y tế - Dân số Việt Nam.

Giáo sư, Viện sĩ Phạm Song.

Trên đường trở về từ Nam Phi sau một chuyến công tác dài ngày, tôi nhận được email của một đồng nghiệp báo tin GS.VS. Phạm Song đã qua đời. Tôi hết sức bàng hoàng, lặng người đi trước hung tin đó, bởi trước khi đi công tác, tôi còn có dịp gặp, trò chuyện với giáo sư. Giáo sư còn rất khoẻ mạnh, giọng nói còn sang sảng, đầy nhiệt huyết. Cách đó ít ngày, khi trình bày báo cáo về tình hình già hoá dân số của Việt Nam, đề xuất về việc cần phát huy vai trò người cao tuổi, tôi còn lấy ví dụ về GS. Phạm Song, mặc dù tuổi đã cao, năm nay Ông tròn 80 tuổi, nhưng thế hệ của chúng tôi, vẫn còn chưa theo kịp Ông về mặt sức khoẻ và còn phải học tập nhiều về mặt trí tuệ cũng như sự hiểu biết của Ông.

Sao Ông lại nỡ vội sớm ra đi và đường đột như vậy? Ông ra đi để lại trong tôi và các thế hệ học trò của Ông niềm tiếc thương vô hạn, để lại một khoảng trống khó được lấp đầy đối với ngành y tế dân số. Ông đã chọn cách ra đi giống như những người thầy rất đáng kính của tôi như GS. Tôn Thất Tùng, GS. Dương Thị Cương, PGS. Tôn Thất Bách, GS. Đỗ Nguyên Phương… phải chăng đây cũng là “sinh nghề tử nghiệp” mà Ông đã chọn cách ra đi nhanh và nhẹ nhàng như vậy.

Tôi biết GS. Phạm Song đã lâu nhưng được trực tiếp làm việc với Ông là vào khoảng cuối những năm 90 đầu những năm 2000 và càng ngày càng thấy rằng, thế hệ chúng tôi, những người học trò của Ông có thể học tập ở Ông được rất nhiều về phẩm chất đạo đức của người thầy thuốc và Ông chính là một tấm gương sáng trong việc vượt khó vươn lên để đạt được những đỉnh cao về khoa học. Tôi thường gọi Ông là Thầy Song nhưng trong bài viết này cho phép tôi gọi Ông là Anh, bởi sinh thời, Ông thường gọi tôi là Trọng, xưng “mình” hoặc Ông chủ động gọi tôi là “em” và xưng “anh”.

Anh Phạm Song là người có kiến thức uyên bác, có tầm hiểu biết sâu rộng không chỉ trong lĩnh vực chuyên môn y tế mà cả trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Anh là người có khiếu hài hước, dí dỏm, có phong cách truyền đạt đầy sức thuyết phục với mọi người. Anh là người rất tự tin, quyết đoán, thẳng thắn, thật thà và trung thực. Chính những đặc điểm này đã tạo nên tính cách, phong cách riêng của Anh và đôi khi tính cách đó cũng mang đến cho Anh những “khó khăn” nhất định, song tôi lại rất thích và rất kính trọng Anh về điều đó.
Anh là Thứ trưởng Bộ Y tế thời kỳ 1984-1988, Bộ trưởng Bộ Y tế thời kỳ 1988-1992 và Anh là người có công rất lớn trong việc thành lập Uỷ ban Quốc gia DS-KHHGĐ và Uỷ ban Quốc gia Phòng chống HIV/AIDS. Khi Uỷ ban DS-KHHGĐ trở thành một cơ quan chuyên trách, với tư cách là Bộ trưởng Bộ Y tế, Anh đã rất quan tâm đến lĩnh vực này và Anh đã lựa chọn những cán bộ giỏi để chuyển sang làm công tác DS-KHHGĐ. Những ý tưởng của Anh, sau này đã được các cán bộ mà Anh trực tiếp lựa chọn, tin cậy trao gửi đã thực hiện tốt công tác dân số và chúng ta đã có được những thành quả rất tốt đẹp như ngày nay, sau gần 20 năm thành lập cơ quan chuyên trách DS-KHHGĐ.

Tôi nhớ lại, khi chuẩn bị Đại hội lần thứ 2 Hội KHHGĐ Việt Nam, khi đó Hội KHHGĐ có rất nhiều vấn đề phức tạp cần phải giải quyết, thậm chí có những ý kiến cho rằng cần phải giải thể Hội KHHGĐ. Đứng trước những khó khăn phức tạp lúc đó, Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến, Chủ nhiệm Uỷ ban quốc gia DS-KHHGĐ - cơ quan quản lý nhà nước của Hội đã kiên quyết không giải thể và phải tìm cách kiện toàn tổ chức mà trước nhất là tổ chức thật tốt Đại hội. Vấn đề quan trọng là phải tìm được một người có đủ “tâm” và “tầm” để chèo lái con thuyền của Hội. Và người mà chị Chiến chọn để ứng cử giữ chức Chủ tịch Hội là Anh Phạm Song.
 
Khi đó, Anh Phạm Song đang là Phó Trưởng ban Thường trực Uỷ ban Quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh Môi trường. Sau nhiều lần được chị Chiến thuyết phục, Anh đã vui vẻ nhận lời. Khi Anh làm chủ tịch Hội KHHGĐ, tôi đang công tác ở Ban Khoa giáo Trung ương. Mỗi lần họp Ban Thường vụ, Anh đều mời tôi sang dự. Anh là người có đầu óc tổng hợp, có sức quyết đoán rất cao, nhưng Anh cũng rất trân trọng những ý kiến của các bộ, ngành, trong đó có ý kiến của các ban Đảng về công tác dân số. Trong thời gian Anh làm Chủ tịch Hội, Anh đã có những đóng góp rất tích cực đối với Hội KHHGĐ nói riêng và đối với công tác DS-KHHGĐ Việt Nam nói chung.
 
 
Năm 2007, Quốc hội quyết định giải thể Uỷ ban DS-KHHGĐ các cấp, đưa mảng DS- KHHGĐ về với ngành Y tế, Anh rất trăn trở và suy nghĩ rất nhiều về tổ chức bộ máy của ngành dân số vì chính Anh là một trong những người đề xuất việc tách Uỷ ban DS-KHHGĐ ra khỏi ngành Y tế thành một cơ quan độc lập mà nay lại nhập về? Điều đó, không khỏi làm cho Anh lo lắng và hết sức băn khoăn. Khi đó, tôi được đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định điều chuyển sang làm công tác DS-KHHGĐ. Anh nói với tôi rằng: “Em sang đó, trong bối cảnh này sẽ rất khó khăn đấy. Thế nhưng trong khó khăn, chúng ta phải tìm cách khắc phục và làm cho công tác dân số được tốt hơn”.
 
Rồi Anh lại tâm sự: “Trong tất cả những lần Anh nhận nhiệm vụ, trong tay Anh không có gì, thậm chí chỉ có một chiếc bàn, một chiếc ghế nhưng Anh đã không quản khó khăn và hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của mình”. Tôi thật thấm thía những bài học của Anh. Mặc dầu còn nhiều khó khăn nhưng dù sao công tác DS-KHHGĐ lúc đó vẫn còn thuận lợi hơn rất nhiều so với những gì Anh kể chuyện khi mỗi lần Anh nhận nhiệm vụ mới. Thực tế đã chứng minh con thuyền dân số trong những năm vừa qua đã vượt qua sóng gió và hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho.

Vào năm 2004-2005, tôi được đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế giao nhiệm vụ là Tổ trưởng Tổ thư ký xây dựng Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị “về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới”. Lúc đó, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo xin ý kiến của các bộ, ban, ngành, đoàn thể. Anh với tư cách là nguyên Bộ trưởng, một chuyên gia y tế đã đóng góp rất nhiều ý kiến sắc sảo và tôi đã tiếp thu đưa vào Nghị quyết. Sau này, khi Nghị quyết được đưa vào cuộc sống và Anh đã đánh giá Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị là một trong những văn bản hay nhất của ngành y tế từ trước tới nay. Tôi hiểu, trong đó có một phần công sức của Anh.

Anh là người dành nhiều tâm huyết cho công tác phòng chống HIV/AIDS. Khi tôi còn là Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Anh nói với tôi rằng “Trọng ơi, muốn giảm số người nhiễm mới HIV, cần phải tuyên truyền vận động mạnh hơn nữa để thay đổi nhận thức, hành vi từ Lãnh đạo cho đến mọi người dân, khi nào trên mỗi đầu giường của các khách sạn có vài chiếc bao cao su miễn phí cho khách hàng thì mới giảm được số người nhiễm HIV!”.

Anh là một người rất nghiêm túc trong công việc. Tôi được biết, trước mỗi lần dự họp về bất cứ vấn đề gì, Anh đều đọc trước các tài liệu, lên mạng tìm hiểu xem vấn đề đó đã được thế giới, trong nước giải quyết ra sao. Anh cũng chuẩn bị kỹ những ý kiến cần phát biểu trong cuộc họp và vì vậy những ý kiến của Anh thường rất sắc sảo và sâu sắc, thuyết phục lòng người.

Trước khi đi công tác, tôi có gặp Anh tại một cuộc hội thảo do Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức lấy ý kiến đóng góp sửa đổi Hiến pháp 1992 về lĩnh vực dân số và y tế. Anh đã có những phát biểu, đánh giá rất cao về công tác DS-KHHGĐ. Những ý kiến của Anh hết sức sắc sảo: Hiến pháp mới cần phải nhấn mạnh hơn nữa, đậm nét hơn nữa về công tác dân số vì trong thời gian tới, công tác dân số cần chuyển trọng tâm từ việc giải quyết vấn đề quy mô dân số sang việc nâng cao chất lượng dân số, thích ứng với những thay đổi mới về cơ cấu dân số. Những nội dung này cần phải được đưa vào Hiến pháp và pháp luật trong thời gian tới. Tôi vẫn nhớ, giọng Anh sang sảng và đầy tâm huyết khi phát biểu ngày hôm đó, Anh cũng vẫn còn rất trăn trở về mô hình tổ chức của ngành dân số.

Anh là một người của công việc nhưng Anh lại sống rất giản dị, đời thường và rất chân tình với anh em đồng nghiệp và những người học trò như chúng tôi. Có lần vui, Anh còn kể chuyện “khi mình làm Bộ trưởng, có lần họp Chính phủ lại trùng với buổi họp lớp, mình phải cử Thứ trưởng đi họp Chính phủ vì Thứ trưởng có thể thay mình họp Chính phủ được chứ mình mà không đi họp lớp thì “chúng nó” chửi chết!”. Ngay trong các việc riêng, Anh cũng là người rất tận tình, chu đáo. Tôi có người thân bị viêm gan B, Anh đã giải thích một cách cặn kẽ, tỉ mỉ từ nguyên nhân, bệnh sinh đến cách làm các xét nghiệm, chẩn đoán, theo dõi, điều trị,… và cẩn thận hơn, Anh còn gửi cả email dự thảo cuốn sách Anh đang viết dở để tôi tìm hiểu thêm về căn bệnh này.

Tôi thật bàng hoàng và đau buồn khi tiếng Anh còn sang sảng bên tai mà nay Anh đã đi xa. Tôi muốn viết những dòng chữ này thể như nén tâm nhang để nhớ mãi về Anh, về một người Thầy đáng kính trọng. Xin vĩnh biệt Anh, cầu chúc Anh thanh thản ở cõi vĩnh hằng. Xin được bày tỏ lòng biết ơn của những người làm công tác dân số trong cả nước và cá nhân tôi về những gì Anh đã hết lòng đóng góp cho sự nghiệp dân số. Xin gửi đến chị Hương và toàn thể gia quyến lời chia buồn thống thiết nhất.
 
TS. Dương Quốc Trọng
(Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ)
kimngan
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Lái xe có thể bị trừ hết 12 điểm bằng lái nếu vi phạm lỗi này

Lái xe có thể bị trừ hết 12 điểm bằng lái nếu vi phạm lỗi này

Đời sống - 3 giờ trước

GĐXH - Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, lái xe sẽ không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Vậy những hành vi vi phạm giao thông nào sẽ bị trừ hết điểm bằng lái xe?

Quảng Nam: Đồi núi sạt lở làm sập một ngôi trường mới xây

Quảng Nam: Đồi núi sạt lở làm sập một ngôi trường mới xây

Thời sự - 4 giờ trước

Một điểm trường mới khánh thành, đưa vào sử dụng cách đây hơn 2 tháng, tuy nhiên những ngày qua mưa lớn đã khiến đồi núi sạt lở, làm sập ngôi trường.

Nội dung bức thư của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gửi 1 học sinh Đắk Nông

Nội dung bức thư của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gửi 1 học sinh Đắk Nông

Giáo dục - 6 giờ trước

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã viết thư động viên, khích lệ một nữ sinh tại tỉnh Đắk Nông.

Nước lũ dâng cao khiến nhiều nơi bị ngập sâu, Quảng Ngãi ra công điện khẩn

Nước lũ dâng cao khiến nhiều nơi bị ngập sâu, Quảng Ngãi ra công điện khẩn

Thời sự - 6 giờ trước

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành công điện khẩn về việc ứng phó, khắc phục thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn.

Lời khai của đối tượng cầm đầu đường dây mua bán pháo 'khủng'

Lời khai của đối tượng cầm đầu đường dây mua bán pháo 'khủng'

Pháp luật - 7 giờ trước

GĐXH - Hoàng Khắc Phi khai nhận đã móc nối với một số đối tượng rồi liên hệ mua pháo từ Campuchia vận chuyển về tập kết tại kho ở Gia Lai để đóng gói mang đi tiêu thụ.

Người đàn ông tử vong thương tâm do xuồng bị lật

Người đàn ông tử vong thương tâm do xuồng bị lật

Đời sống - 7 giờ trước

GĐXH - Khi đi qua khu vực nước sâu, chiếc xuồng bất ngờ bị lật khiến người đàn ông ở Thừa Thiên Huế tử vong thương tâm.

Tin tối 24/11: Miền Bắc sắp đón đợt rét đậm đầu tiên trong năm; 6 quyền của cảnh sát giao thông từ 1/1/2025

Tin tối 24/11: Miền Bắc sắp đón đợt rét đậm đầu tiên trong năm; 6 quyền của cảnh sát giao thông từ 1/1/2025

Thời sự - 8 giờ trước

GĐXH – Từ mai (25/11) không khí lạnh ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ, nền nhiệt giảm sâu, có nơi dưới 10 độ; Thông tư 69/2024/TT-BCA nêu cụ thể 6 quyền đối với Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông từ ngày 1/1/2025.

Mua bán số lượng ma túy lớn, 3 gã đàn ông nhận án tử hình

Mua bán số lượng ma túy lớn, 3 gã đàn ông nhận án tử hình

Pháp luật - 9 giờ trước

GĐXH - Trong vụ án này, Thào Lao Lúa là người chủ mưu, Lý Văn Niệm là người thực hành trực tiếp thực hiện tội phạm và Hà Văn Hành giữ vai trò là người giúp sức. Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử tuyên phạt 3 bị cáo nói trên mức án tử hình.

Thủ khoa “hiếm” chia sẻ bí quyết học đại học

Thủ khoa “hiếm” chia sẻ bí quyết học đại học

Giáo dục - 10 giờ trước

Huỳnh Thị Mỹ Anh là trường hợp hiếm hoi vì trong 10 năm qua, Trường ĐH Quốc tế chỉ có 2 thủ khoa duy trì được học bổng toàn phần trong suốt khoá học.

Chiêu trò chuyển tiền mua hàng nhầm để chiếm đoạt

Chiêu trò chuyển tiền mua hàng nhầm để chiếm đoạt

Pháp luật - 10 giờ trước

GĐXH - Các đối tượng lợi dụng việc đổi tiền, mua hàng rồi chuyển khoản để chiếm đoạt tài sản của người dân. Đây là thủ đoạn không mới nhưng vẫn có nhiều người dân mắc bẫy của chúng.

Top